“Ngươi sẽ không phạm tội giết người” (Xh 20,13).
“Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo anh em biết, ai giận anh em mình thì phải bị đưa ra tòa” (Mt 5,21-22)
Điều răn thứ năm dạy phải tôn trọng sự sống con người,sự sống toàn vẹn và trong mọi chiều kích. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Sự sống con người phải được coi là linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội” (2258).
I. TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CON NGƯỜI
Sự sống của con người là điều linh thánh. Thật vậy, ngay từ khởi đầu, sự sống đã do Thiên Chúa sáng tạo và sự sống mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, là cùng đích duy nhất của minh. Không ai được phép trực tiếp hủy hoại một con người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. Trình thuật Cain giết em là Abel cho thấy, ngay từ đầu lịch sử loài người đã có cảnh máu đổ do huynh đệ tương tàn. Cựu Ước luôn coi máu như dấu hiệu linh thánh của sự sống (x. Lv 17,14) và xác định rằng: “Ngươi không được giết người vô tội cũng như người công chính” (Xh 23,7). Giáo lý này vẫn luôn là điều cần thiết cho mọi thời đại (x. SGLHTCG 2260).
Chúa Giêsu đã nhắc lại giới răn này: “Ngươi không được giết người” (Mt 5,21) và còn thêm rằng: “không được giận ghét hoặc oán thù” (Mt 5,22). Người còn đòi môn đệ “nếu bị vả má phải, thì giơ luôn má trái nữa” (Mt 5,39) và “phải yêu cả kẻ thù” (Mt 5,44). Chính Người cũng đã không tự vệ khi bị bắt trói và còn bảo ông Phêrô “cất gươm vào vỏ” (Mt 26,52).
II. TỰ VỆ HỢP PHÁP
Yêu mến bản thân là một nguyên tắc căn bản của luân lý. Vì vậy, làm thế nào để quyền được sống của chính mình được tôn trọng là điều hợp pháp. “Nếu vì bảo vệ sự sống của mình thì không mắc tội giết người, mặc dù có giáng một đòn chí tử vào kẻ tấn công” (SGLHTCG 2264).
Đối với những người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, việc bảo vệ hợp pháp không những là một quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, không được sử dụng bạo lực vượt quá những gì cần thiết.
III. NHỮNG TỘI NGHỊCH VỚI ĐIỀU RĂN THỨ NĂM
Điều răn thứ năm cấm những hành vi trái ngược cách nghiêm trọng với luật luân lý:
1. Tội giết người có chủ ý
Điều răn thứ năm coi việc giết người cách trực tiếp và có chủ ý là một trọng tội. Kẻ sát nhân và người cộng tác một cách có chủ ý đều phạm tội trọng.
Ta cũng không được phép giết người cách gián tiếp như đưa người ta vào chỗ nguy hiểm hay từ chối giúp đỡ khi người ta lâm nguy.
2. Phá thai
Sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai, phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối (x. SGLHTCG 2270).
Ngay từ thế kỷ thứ I, Hội Thánh đã khẳng định rằng mọi cuộc cố tình phá thai là trái với luân lý. Giáo huấn này vẫn không hề thay đổi. Người phá thai và người cộng tác vào việc phá thai là một trọng tội. Hội Thánh đã ra vạ tuyệt thông cho người phạm tội phá thai (GL 1398).
3. Làm chết êm dịu
Trực tiếp làm cho những người tật nguyền, ốm đau hoặc hấp hối được chết êm dịu là không thể chấp nhận được về mặt luân lý, dù với bất cứ lý do hay phương tiện nào, vì nghịch với phẩm giá con người và xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Nếu ngưng dùng các loại thuốc quá đắt đỏ vượt quá khả năng tài chánh của mình, nguy hiểm, quá khác thường hoặc không xứng với kết quả mong muốn, và do đó đương sự phải chết, thì hợp pháp. Lý do vì không phải muốn làm người đó chết, nhưng chỉ là chấp nhận không thể ngăn cản được sự chết. Tuy nhiên,việc này phải được chính bệnh nhân hay người hưởng quyền trước pháp luật quyết định.
4. Tự sát
Tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát là một xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu chính đáng đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với tha nhân. Về phần trách nhiệm, tội tự sát có thể nghiêm trọng hơn khi gây gương xấu, nhưng cũng có thể giảm thiểu vì những rối loạn tâm lý đặc biệt hoặc vì những sợ hãi trầm trọng.
IV. TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
Điều răn thứ năm không chỉ ngưng lại ở những cấm đoán, nhưng còn mời gọi tôn trong sự sống cách tích cực và toàn diện.
1. Tôn trọng linh hồn tha nhân: gương xấu
Gương xấu hệ tại ở việc dẫn người khác đến chỗ phạm tội. Người ta phải loại bỏ gương xấu vì tôn trọng linh hồn và thể xác con người. Nếu ai cố ý dẫn dắt người khác phạm một điều xấu nặng nề, thì chính người dẫn dắt đã phạm một tội nghiêm trọng.
2. Tôn trọng sức khỏe
Chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thân xác của mình và của tha nhân cách hợp lý, nhưng phải tránh xa việc tôn thờ thân xác và mọi thứ thái quá. Ngoài ra, còn phải tránh sử dụng ma túy, vì nó gây nên sự hủy hoại trầm trọng cho sức khỏe và đời sống con người, cũng phải tránh sự lạm dụng các thứ như thực phẩm, rượu, thuốc hút và các thứ thuốc men.
3. Tôn trọng con người và nghiên cứu khoa học
Những nghiên cứu khoa học, y học hay tâm lý học về con người hoặc về các nhóm người, có thể giúp chữa trị bệnh tật và thăng tiến sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, về mặt luân lý, các thí nghiệm ấy là hợp pháp nếu chúng phục vụ cho lợi ích toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân và xã hội, mà không gây ra những rủi ro không cân xứng cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý hay tâm lý của các cá nhân; những người nhận thí nghiệm phải được thông báo trước và đã ưng thuận.
Còn về việc ghép các bộ phận cơ thể, về mặt luân lý, có thể được chấp nhận với sự ưng thuận của người cho và không gây nguy hiểm quá đáng cho người đó. Hiến tặng các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý, nhưng trước khi lấy các bộ phận đó, phải xác định người hiến tặng chắc chắn đã chết.
4. Tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể
Phải tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người. Những vụ bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực, trực tiếp làm người ta vô sinh là đối nghịch với sự tôn trọng sự toàn vẹn của thân thể. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận về mặt luân lý nếu mục đích là để chữa bệnh cho chính người đó.
5. Tôn trọng người chết
a. Với người hấp hối: Những người hấp hối có quyền được sống xứng đáng với phẩm giá vào giây phút cuối cùng của đời sống trần thế, nhất là được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và các Bí tích, giúp họ chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.
b. Với người quá cố: Thân xác người quá cố phải được đối xử với lòng tôn trọng và bác ái. Hội Thánh cho phép hỏa táng, nếu việc này không biểu lộ sự hoài nghi về đức tin vào sự phục sinh của thân xác (x.GL 1176,3).
V. BẢO VỆ HÒA BÌNH
1. Hòa bình
Khi nhắc lại điều răn: “Chớ giết người”(Mt 5,21), Chúa Giêsu đòi chúng ta phải có sự bình an trong tâm hồn và kết án thái độ giận dữ, tức là muốn báo thù vì điều xấu đã phải gánh chịu, và lòng thù ghét, nghĩa là ao ước điều xấu cho tha nhân. Những thái độ này, nếu cố ý và ưng theo trong những vấn đề rất quan trọng, đều là những trọng tội nghịch với đức bác ái.
Ngoài ra, sự tôn trọng và sự phát triển đời sống con người đòi phải có hòa bình. Thật vậy, hòa bình trên thế giới cần thiết để đời sống con người được tôn trọng và phát triển. “Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh hay là sự cân bằng các thế lực đối lập, nhưng là sự ổn định trật tự” (MV78). Hòa bình trên thế giới còn là sự phân phối cách công bằng và bảo vệ tài sản của con người, sự tôn trọng phẩm giá con người và các dân tộc, sự kiên trì thực hiện công bằng và tình huynh đệ. Hòa bình trần thế là hình ảnh và hoa trái bình an của Đức Kitô.
2. Tránh chiến tranh
Mỗi người đều buộc phải hành động để tránh chiến tranh.Tuy nhiên, “bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì một khi đã tận dụng mọi phương thế dàn xếp ôn hòa, các chính phủ có thể được phép sử dụng quyền tự vệ hợp pháp” (MV 79).
Để có thể thi hành quyền tự vệ chính đáng bằng quân sự, xét về mặt luân lý cần phải hội đủ các điều kiện sau đây:
a. Những thiệt hại do bên gây hấn gây ra cho quốc gia và cộng đồng các quốc gia phải lâu dài, nặng nề và chắc chắn.
b. Tất cả các giải pháp hòa bình đều thất bại
c. Phải hội đủ các điều kiện quan trọng để thành công
d. Việc sử dụng vũ khí không kéo theo những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng hơn tai hại ta đang cố gắng loại trừ (x. SGLHTCG 2309).
Trong trường hợp phải tiến hành chiến tranh tự vệ, chính quyền có quyền và bổn phận áp đặt trên công dân nghĩa vụ cần thiết cho việc quốc phòng. “Đối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình” (MV 79,5).
Tuy nhiên, dù trong chiến tranh, lúc nào luật luân lý cũng có hiệu lực. Luật này đòi buộc phải xử sự cách nhân đạo với những người không chiến đấu, các chiến binh bị thương và các tù binh.
Tóm lại: vì chiến tranh luôn gây ra những sự dữ và bất công, nên chúng ta phải làm tất cả những gì hợp lý để ngăn chặn chiến tranh bằng bất cứ giá nào. Những bất công và bất bình đẳng thái quá trong lãnh vực kinh tế xã hội, lòng tham lam, sự ngờ vực và tính kiêu căng đang sinh sôi nảy nở giữa con người với nhau, giữa các quốc gia, không ngừng đe dọa nền hòa bình và gây ra chiến tranh. Bất cứ điều gì được thực hiện nhằm khắc phục những xáo trộn này, đều góp phần vào việc xây dựng hòa bình và tránh chiến tranh. “Phúc cho ai xây dựng hòa bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).