“Ngươi không được ngoại tình”(Xh 20,14).
“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,27-28).
I. GIÁ TRỊ CỦA PHÁI TÍNH
Tông Huấn về gia đình viết: “Thiên Chúa là tình yêu. Ngài sống nơi chính bản thân mình mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương. Khi tạo dựng con người có nam có nữ giống hình ảnh Ngài …Ngài khắc ghi trong họ ơn gọi, nghĩa là khả năng và trách nhiệm tương ứng, để sống yêu thương và hiệp thông”(11). Như thế loài người có hai phái: nam và nữ. Mỗi phái có đặc tính riêng gọi là phái tính. Phái tính chi phối mọi khía cạnh của con người cả hồn lẫn xác, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc, khả năng yêu thương và sinh sản, nói tổng quát hơn là khả năng nối kết những quan hệ để hiệp thông với người khác.
Mỗi người phải chấp nhận phái tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi phái tính và hai phái tính bổ túc cho nhau.
II. ƠN GỌI KHIẾT TỊNH
Khiết tịnh là sự điều hợp thành công tính dục trong con người. Tính dục thực sự nhân bản khi được hòa hợp cách đúng đắn trong liên hệ giữa người và người. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, một ơn lộc của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Thánh Thần.
Như vậy, nhân đức khiết tịnh bao gồm toàn bộ nhân vị và sự trọn vẹn của việc hiến thân.
1. Toàn bộ nhân vị
Người khiết tịnh giữ được toàn bộ sức mạnh của sự sống và tình yêu, đã được đặt nơi con người mình. Sự toàn vẹn này bảo đảm sự thống nhất của nhân vị, chống lại mọi thái độ làm tổn thương đến sự thống nhất đó. Nó không chấp nhận cuộc sống hai mặt, lời nói hai ý.
Nhân đức khiết tịnh đòi hỏi sự rèn luyện để làm chủ bản thân, như cách biểu lộ sự tự do của con người, hướng đến việc tự hiến bản thân. Để đạt được mục đích này, cần phải có sự giáo dục đầy đủ và thường xuyên, được thực hiện qua từng giai đoạn tăng trưởng.
2. Sự trọn vẹn của việc hiến thân
Đức khiết tịnh là trường dạy việc hiến thân. Sự tự chủ được quy hướng tới sự tự hiến. Đức khiết tịnh hướng dẫn người thực thi nhân đức đó trở thành chứng nhân về lòng trung tín và yêu thương của Thiên Chúa trước mặt người lân cận. Đức khiết tịnh được biểu lộ cách đặc biệt trong tình bằng hữu đối với người lân cận. Tình bằng hữu được triển nở giữa những người cùng phái hoặc khác phái, là điều thiện hảo lớn lao cho mọi người. Tình bằng hữu dẫn đến sự hiệp thông tinh thần.
3. Những cách sống khiết tịnh
Có nhiều phương tiện như ân sủng Thiên Chúa, sự trợ giúp của các Bí tích, việc cầu nguyện, sự xét mình,việc thực hành khổ chế tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, việc thực hành các nhân đức luân lý, đặc biệt là nhân đức tiết độ, nhằm giúp lý trí hướng dẫn các đam mê.
Là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi luôn nhìn Đức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh. Chúng ta được mời gọi sống khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: những người sống bậc đồng trinh hay độc thân của đời thánh hiến, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trọn tâm hồn; những người lập gia đình được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng; những người không lập gia đình cũng đươc mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục.
III. NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐỨC KHIẾT TỊNH
Tùy theo bản chất của từng đối tượng, những tội sau đây là những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh:
1. Mê dâm dục : là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục mà không nhằm mục đích sinh sản và kết hợp trong tình yêu.
2. Thủ dâm: là việc chủ ý kích thích cơ quan sinh dục để đạt được khoái lạc tình dục.
3. Gian dâm hay tà dâm: là quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và một người nữ còn tự do.
4. Khiêu dâm: cốt tại việc đem những hành vi tính dục, có thật hay giả vờ, ra khỏi vòng thân mật của những người trong cuộc, chủ ý phơi bày cho những người khác.
5. Mại dâm: Dùng thân xác nam hay nữ làm phương tiện thu lợi nhuận bất chính. Kẻ mua, người bán và người chứa chấp, kẻ chủ mưu đều phạm lỗi nặng vì nó làm băng hoại xã hội, chà đạp nhân phẩm con người và làm nô lệ cho dục vọng.
6. Hiếp dâm: là dùng sức mạnh, với bạo lực, bắt kẻ khác quan hệ tình dục với mình.
7. Đồng tình luyến ái: Giáo hội khẳng định hành vi đồng tình luyến ái trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là thác loạn và không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Giáo hội khuyên các chủ chăn và các tín hữu hãy đón nhận những anh chị em này với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công với họ.Họ cũng được kêu gọi sống khiết tịnh.
v Tóm lại, dù trong bản văn Thánh Kinh về Mười Điều Răn, chúng ta chỉ đọc thấy “Ngươi chớ phạm tội ngoại tình” (Xh 20,14), nhưng truyền thống Hội Thánh vẫn theo sát các giáo huấn luân lý của Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, luôn xem điều răn thứ sáu như bao gồm tất cả các tội phạm đến đức khiết tịnh.
IV. GIÁ TRỊ HÔN NHÂN
Theo ý định của Thiên Chúa, phái tính hướng về tình yêu; tình yêu hướng về sự kết hợp nam nữ làm thành đời sống hôn nhân. Đời sống hôn nhân không phải chỉ dừng lại ở hành vi tính dục, nhưng nó vươn xa hơn trong trách nhiệm cùng xây dựng cho nhau,góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội. Những hành vi vợ chồng trong hôn nhân là chính đáng và thánh thiện, khi nó được thực hiện trong khuôn khổ hợp pháp của hôn nhân. Đời sống hôn nhân gia đình đòi hai người phải chung thủy và sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban.
1. Những bổn phận của hôn nhân : Thiên Chúa đã thiết lập thể chế hôn nhân và sắp đặt những quy luật cho đời sống chung ấy dựa trên sự đồng thuận của hai người là vĩnh viễn và độc hữu. Như thế, vợ chồng phải sống trung thành với nhau mãi mãi,trừ khi một trong hai người qua đời.
Hôn nhân có hai mục đích: đem lại hạnh phúc cho nhau và sinh sản, giáo dục con cái. Tình yêu vợ chồng tự nhiên trong hôn nhân hướng về sinh sản, nên cha mẹ phải đón nhận con cái như những quà tặng của Chúa ban hầu tham dự vào việc sáng tạo của Thiên Chúa, một thiên chức cao cả của hôn nhân.
Một khía cạnh đặc biệt của trách nhiệm liên quan đến việc điều hòa sinh sản.Việc điều hòa sinh sản được Giáo hội dạy như sau:
a. Khi có lý do chính đáng, vợ chồng được quyền kéo dài thời gian có con hay bớt số con. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý, khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà không bị một áp lực bên ngoài, cũng không do ích kỷ, nhưng vì những lý do chính đáng và bằng những phương pháp phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân lý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai như phương pháp Ogino và Knauss …
b. Tránh sử dụng những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý. Mọi hành động nhằm mục đích tạo phương thế ngăn cản sự truyền sinh, ví dụ như trực tiếp triệt sản hoặc chống lại sự thụ thai, trước hoặc trong khi giao hợp, tự bản chất là không hợp luân lý.
c. Việc thụ tinh và thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì tách rời việc sinh sản với hành vi mà nhờ đó đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, áp đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Hơn nữa, việc thụ tinh và thụ thai nhờ người khác, tức là nhờ kỹ thuật để làm cho một người ngoài can dự vào hành vi vợ chồng, vi phạm quyền của đứa bé được sinh ra từ người cha và người mẹ của nó,hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha,làm mẹ.
d. Trường hợp các đôi vợ chồng không có con, Giáo hội khuyên : nếu không được Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hoặc tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như thế, họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng.
2. Những tội xúc phạm đến phẩm giá của hôn nhân
a. Ngoại tình: Người đã có vợ hay chồng quan hệ tình dục với người khác ngoài người bạn đời của mình. Đức Kitô lên án tội ngoại tình, ngay cả khi chỉ là ngoại tình trong ước muốn (x. Mt 5,27-28). Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm ngoại tình. Tội ngoại tình là một sự bất công. Người phạm tội này làm tổn thương dấu chỉ của giao ước là dây liên kết hôn nhân, vi phạm quyền của người phối ngẫu kia, và xâm phạm thể chế hôn nhân khi vi phạm hôn ước, là nền tảng của thể chế đó. Người đó làm phương hại đến điều thiện hảo của việc sinh sản và của con cái, vốn cần đến sự kết hợp bền vững của cha mẹ.
b. Ly dị: Giữa những người đã chịu Phép Rửa, “hôn nhân thành nhận và hoàn hợp (ratum et consummatum) không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào, và vì bất cứ lý do nào, trừ lý do tử vong” (GL 1141).
Ly dị là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Ly dị cố ý phá vỡ khế ước đã được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận, để sống với nhau cho tới chết. Ly dị làm tổn thương Giao ước cứu độ mà Bí tích Hôn phối là dấu chỉ. Sự tái hôn, mặc dầu được luật dân sự công nhận, càng làm cho tình trạng đổ vỡ thêm nghiêm trọng: người tái hôn, sau khi ly dị, sống trong tình trạng ngoại hôn công khai và thường xuyên. Ly dị gây nên xáo trộn đời sống gia đình và xã hội vì người bạn đời bị ruồng bỏ, con cái bơ vơ và tạo nên những hậu quả tai hại cho Giáo hội và xã hội. Người bị ruồng bỏ được xem là không có lỗi gì.
Khi cần thiết vì lợi ích chung của hai người, Giáo hội cho phép vợ chồng được ly thân (không lập gia đình với người khác). Việc ly dị luật đời mà không tái hôn cũng được kể là ly thân nếu việc ly dị dân sự là phương cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi hợp pháp như việc chăm sóc con cái hoặc bảo vệ tài sản (x.GLHTCG 2383).
c. Đa thê, đa phu: Một người chồng có nhiều vợ hoặc một người vợ có nhiều chồng đều đi ngược lại với luật hôn nhân gia đình, vì nó trực tiếp chối bỏ kế hoạch của Thiên Chúa là một vợ một chồng, đối nghịch lại với phẩm giá con người.
d. Loạn luân: Tội quan hệ tình dục giữa những người trong họ hàng cùng huyết tộc hay hôn tộc còn trong giới hạn luật cấm kết hôn với nhau.
e. Tự do chung sống: Người nam và nữ tự đến chung sống với nhau như vợ chồng mà không có hôn phối là lỗi luật hôn nhân. Thói quen sống thử là xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân, phá hủy sự cao quý của gia đình.