LTS: Chuyên mục “Mục vụ Kinh Thánh” (MVKT) là một lối tiếp cận Kinh Thánh nhằm hỗ trợ cho công tác mục vụ, nhất là giảng thuyết. Trong MVKT-“Thời sự Thần học” số trước, chúng tôi đã giới thiệu “Đọc Lời Chúa và Phương Pháp Suy Niệm Lời Chúa”, một cách đọc và suy niệm Lời Thiên Chúa truyền thống trong Hội Thánh. Từ số này, chúng tôi sẽ theo cha Marc Sevin, trong tập sách nhỏ La Lecture Sainte, Guide pour une lecture croyante de la Bible, với cách trình bày có hệ thống, thực hành, giúp bạn có thể đọc và suy niệm Lời Thiên Chúa hữu ích hơn.
Chuyển ngữ: Nguyễn Tất.
Chương Một : TÌM KIẾM ĐỨC TIN
Đọc Kinh Thánh là nghe một câu chuyện lịch sử thánh. Kinh Thánh bộc lộ cho thấy ý nghĩa của các biến cố được Kinh Thánh nhắc đến. Mục đích không phải là cho biết những chi tiết lịch sử chính xác về những biến cố này. Kinh Thánh là một lịch sử thánh cho thấy đức tin của những người đã biên soạn và truyền lại Kinh Thánh.
Một so sánh
Ở trạm xe điện “Bastille”, ở Paris, ta có thể trầm trồ thán phục bản sao một bức điêu khắc trình bày việc phá ngục Bastille. Một đám đông, võ trang cuốc xẻng, tiến lên không chút sợ hãi xông vào thành, trong khi từ trên các tháp cao lính gác dùng súng ống và ca-nông cũng vô phương ngăn chặn đám đông ngừng tiến lên. Hai đám khói bay lên trời. Bức tranh hùng vĩ, nhưng ít phù hợp với những gì các sử gia nói, với những gì xảy ra ngày hôm ấy và khiêm tốn hơn nhiều ! Thế nhưng, ở cấp độ ý nghĩa, bức khắc này diễn tả cái đúng cái thật trong việc mở rộng một biến cố đã trở thành biểu tượng cho bất cứ thời kỳ cách mạng nào của nước Pháp. Tầm quan trọng của cuộc cách mạng này thật đáng giá đến nỗi người ta phải làm một bức điểu khắc về việc phá ngục Bastille.
Các tín hữu làm chứng về đức tin của mình
Một hiện tượng tương tự trong các bản văn Kinh Thánh. Khi các tín hữu trong dân Israel bắt đầu viết lịch sử của mình, điều họ chú ý đến không phải là tường thuật khách quan và chi tiết những biến cố trong đời của tổ tiên họ hoặc những biến cố chính của quê hương họ, nhưng là làm chứng cho đức tin của họ. Trong lịch sử của họ, họ đã cảm nhận được sự hiện diện của một vị Thiên Chúa hữu ngã, một vị Thiên Chúa luôn luôn muốn giải phóng họ khỏi ách nô lệ, một vị Thiên Chúa cứu thoát. Tiếng kêu của đức tin vang lên từ trang đầu tới trang cuối Cựu Ước : Thiên Chúa là Đấng độc nhất, Người yêu thương dân Người, và qua đó là mọi dân, Người muốn cho con người được cứu thoát và dấn thân lên đường.
Các tác giả Kinh Thánh giữ lại bằng các tài liệu của mình và bằng ký ức của mình những nhân vật, những biến cố, những văn phẩm giúp họ làm chứng cho đức tin của họ. Họ tường thuật lại đức tin trước khi kể lại những biến cố lịch sử của dân tộc mình.
Một lịch sử thánh
Trong kIểu nói “lịch sử thánh”, từ “thánh” có tầm quan trọng vào bậc nhất và đem lại cho lịch sử một chiều kích khác.
Vấn đề đối với Cựu Ước như thế nào thì đối với Tân Ước cũng y như vậy. Sau phục sinh nhiều năm, những người đã viết các sách Tin Mừng là những người muốn làm chứng cho lòng tin của họ vào Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa, là Đấng đã hiến dâng mạng sống, đã phục sinh, hiện ban Thần Khí của Người cho các môn đệ và sẽ lại đến trong vinh quang của Người. Họ không phải lo là gây dựng tác phẩm như những nhà khảo cổ hoặc sử gia, nhưng đúng hơn họ muốn truyền đạt niềm tin vào Đấng Kitô luôn đang sống bên Thiên Chúa và giữa các môn đệ của Người. Đối với họ, Đức Giêsu là Đấng đã đến để “hoàn tất Kinh Thánh”, hoàn tất các lời Thiên Chúa hứa về việc giải phóng và cứu thoát. Các sách Tin Mừng như thế cũng là lịch sử thánh. Các sách ấy tường thuật đức tin của những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Các sách Tin Mừng nhắm mục đích chính là giúp khám phá và chia sẻ đức tin của những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.
Nghe các tín hữu ngày xưa
Do đó, đi vào việc đọc Kinh Thánh trước tiên là lắng nghe, lắng nghe xem các tín hữu ngày xưa đã dần dần kh1m phá ra Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa hữu ngã và yêu thương như thế nào, và được như thế là khời đi từ cuộc đời của họ, từ lịch sử của họ. Đó là lắng nghe các môn đệ của Đức Giêsu nhìn nhận nơi Người là Đấng được Thiên Chúa, là Chúa của mọi người, phái đến.
Kinh Thanh do các tín hữu viết để phục vụ các tín hữu. Kinh Thánh nói lên đức tin của những người biên soạn. Chứng từ đức tin này được nhìn nhận là có thể và phải giúp đỡ, thúc đẩy, tăng cường và hướng dẫn đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu. Việc đọc Kinh Thánh được coi là việc lắng nghe chứng từ này.
Để đi vào việc này, trước tiên có hai lời khuyên cần theo và năm điều cần tránh :
Hai lời khuyên cần theo
Vì Kinh Thánh là một cuốn sách do các tín hữu viết để phục vụ các tín hữu, cho nên khi đọc Kinh Thánh, ta có thể theo hai lời khuyên này :
1. Để cho mình đi vào trong đức tin của Hội Thánh
Kinh Thánh đã được viết ra, thành hình và lưu truyền trong các cộng đoàn tín hữu. Đối với một Kitô hữu, Kinh Thánh được ban tặng cho họ qua cộng đoàn, qua Hội Thánh. Như thế, khi đọc Kinh Thánh, ta đi vào trong đức tin của Hội Thánh.
2. Trước tiên phải tìm chứng từ đức tin của những người đã viết và truyền lại Kinh Thánh
Kinh Thánh là một chứng từ đức tin, do các tín hữu viết để phục vụ các tín hữu khác. Kinh Thánh không phải là cuốn sách ghi lại những mẩu chuyện liên can đến quá khứ. Kinh Thánh là một “lịch sử thánh” cho chúng ta biết về lịch sử của sự thánh thiện, tức là đức tin. Phản xạ đầu tiên khi đọc là phải tìm chứng từ đức tin đang thấp thoáng trong các bản văn thánh này. Nếu ta không tập cho có phản xạ này, ta sẽ gặp những khó khăn trong việc đọc và suy niệm Kinh Thánh.
Vậy đây là vấn đề khơi dậy nơi bản thân mình một sự tò mò thiêng liêng chứ không phải thái độ tò mò trí thức. Thì muốn tò mò trí thức cũng được, nhưng thái độ này không được làm cho tâm trí thành nặng nề vào lúc ta cần đọc để suy niệm.
Năm cái bẫy cần tránh
Không thiếu bẫy khi đọc Kinh Thánh để suy niệm. Càng biết đề phòng trước thì càng tránh được nhiều hơn !
1. Biến Kinh Thánh thành một cuốn sách dạy luân lý
Đây là cái bẫy thường gặp nhất. Người ta tìm trong Kinh Thánh những hướng dẫn chính xác để biết cách sống cuộc sống thường ngày. Rơi vào cái bẫy này không đến nỗi trầm trọng lắm, nếu như người ta đọc Kinh Thánh “trong Hội Thánh”, Khi đó người ta chỉ đưa ra những chỉ dẫn luân lý khởi xuất từ Tin Mừng, những hướng dẫn luân lý có tính cách Tin Mừng.
Tuy nhiên, thật là tai hại khi giản lược Kinh Thánh vào mỗi một chuyện là rút lấy những mảnh vụn luân lý…Hơn thế nữa, vì đã được biên soạn có đến hai thiên niên kỷ hoặc hơn nữa, không chắc Kinh Thánh có thể cho ta những chỉ dẫn luân lý tốt, ứng với đời sống hiện nay và hợp với mọi người ! Kinh Thánh không phải là cẩm nang học làm người, nhưng là sự diễn đạt sứ điệp hạnh phúc từ nơi Thiên Chúa mà đến.
Trước khi hỏi xem phải sử dụng bản văn Kinh Thánh thế nào trong cuộc sống hằng ngày của mình, đúng hơn, ta phải tìm đức tin được diễn tả trong bản văn ấy và chính đó là điều có thể gợi hứng cho đức tin của Hội Thánh ngày hôm nay.
2. Coi một đoạn văn cụ thể trong Kinh Thánh là “Lời Tin Mừng”
Chính Kinh Thánh trong toàn thể mới mặc khải cho biết sứ điệp hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn chuyển đạt cho ta, mới là Lời của Người. Sứ điệp này không bị giam hãm trong một lời nào, một đoạn văn nào, hay một cuốn sách nào trong Kinh Thánh. Nhưng sứ điệp này được biểu lộ dần dần khởi đi từ việc người tín hữu đọc và suy niệm toàn thể Kinh Thánh.
Một đoạn văn cụ thể luôn cần được soi sáng, thậm chí được điều chỉnh nhờ những đoạn văn khác và, cuối cùng, nhờ toàn thể Kinh Thánh.
Chính Kinh Thánh lại gồm những sách rất khác nhau như thể để cảnh giác chúng ta đừng cứ đọc lỳ mãi cùng những cuốn sách, cùng những bản văn, cùng những câu văn…
3. Có quyền trên Lời Thiên Chúa
Cái bẫy này rất thường xen vào việc đọc và không dễ tháo gỡ. Kinh Thánh là “Lời Thiên Chúa”, đúng như thế. Nhưng cũng còn phải nghĩ xem đúng ra là thế nào. Kinh Thánh không phải là một Lời Thiên Chúa tự động mà ta có thể đem dao ra cắt gọt ! Lời Thiên Chúa luôn vượt khỏi chúng ta. Lời Thiên Chúa không phải là nô lệ của chúng ta và không phải vâng theo các lệnh chúng ta truyền. Thế nên cần ý tứ khi sử dụng những kiểu nói như : “Đọc đoạn văn này, Thiên Chúa bảo tôi…”, “Chúng ta hãy nghe điều Thánh Thần muốn nói với chúng ta…”
Thiên Chúa vừa gần gũi chúng ta lại vừa là Đấng hoàn toàn khác. Nếu Thiên Chúa nói trong Kinh Thánh – điều này đúng – thì cũng cần phải thêm ngay là lời của Người luôn luôn cần phải được khám phá. Ta không được làm cho Lời Thiên Chúa “hoá thạch”. Lời đó không được bộc lộ do mỗi một việc là đọc Kinh Thánh. Lời đó cũng ở trong câu trả lời của các độc giả, trong cung cách sống của họ. Lời đó cũng ở trong những người khác đang cố gắng sống theo đó. Lời đó có ký hiệu huyền nhiệm. Thế cho nên chúng ta đừng lừa lời nói của chúng ta, lời cầu nguyện của chúng ta khi chúng ta quả quyết rằng Thiên Chúa nói với chúng ta, Thánh Thần bảo chúng ta chuyện này chuyện nọ… Các kiểu thức luôn luôn là vụng. Thiên Chúa không bao giờ ở trong tầm tay chúng ta, tùy chúng ta vặn vọ thế nào cũng được. Quả là có một thứ thờ ngẫu tượng khi muốn túm, muốn bắt lấy Lời Thiên Chúa như là một đồ vật.
4. Tin rằng các bản văn Kinh Thánh cho chúng ta sống lại các biến cố được tường thuật
Đây là cái bẫy cổ điển, đòi Kinh Thánh điều Kinh Thánh không thể cho được. Kinh Thánh không bao giờ được quan niệm như là một tác phẩm của một nhà sử học đang tìm cách làm cho quá khứ sống dậy. Trong lãnh vực này cũng cần phải ý tứ. Những gì Kinh Thánh tường thuật chẳng nhiều nhặn gì so với những thế kỷ và tất cả những gì đã xảy ra trong cái phần nhỏ của Cận Đông nơi Israel đã sống này. Các tác phẩm trong Kinh Thánh chỉ cung cấp những dấu vết của quá khứ, có phần nào giống với các nhà khảo cổ, khi khảo sát mấy mảnh vở và một số bình lọ cổ, có thể đưa ra một ý tưởng về kỹ nghệ gốm của một thời đại nhất định.
Quả là lầm, khi cho rằng Kinh Thánh cung cấp một tường thuật về ông Ápraham, ông Ixaác, ông Giacóp, ông Môsê… Các bản văn Kinh Thánh nhắm đến việc truyền đạt các xác tín của những người đã viết nên các trình thuật về những nhân vật ấy. Các bản văn đó làm chứng các xác tín của những người đã dùng lại, sửa chữa, truyền đạt qua dòng các thế kỷ. Các bản văn đó cuối cùng và nhất là cho thất các xác tín của những người đã chính thức dừng lại “thư qui” Kinh Thánh, nói các khác đó là những người ấn hành Kinh Thánh chung cuộc.
Chúng ta đừng đọc Kinh Thánh như những nhà sử học, nhưng như những người tin.
5. Đi “rông rài” ngoài bản văn
Bản văn khiến nghĩ đến một chuyện khác và khi đó ta theo một hướng đi mà bản văn tuyệt đối không có ý nhằm tới. Các bẫy này rất thường và không phải lúc nào cũng trách được. Thoát ra ngoài bản văn không phải là một cái gì xấu, có khi còn phải biết thoát ra. Tùy mức độc trong khi “đọc Kinh Thánh”, cần kiềm chế trí tưởng tượng và làm cho mình trở thành người tôi tớ rất trung tín của chính bản văn.
Trong chuyện này, trình thật ơn gọi của ông Ápraham (St 12) cho ta một ví dụ cổ điển. Ta có sẵn ý tưởng về đức tin của ông Ápraham trong khi bản văn không hề nói đến nột tiếng ! Bản văn nói đến lời hứa sẽ có một miền đất và một dòng dõi cũng như phúc lành Thiên Chúa hứa và phúc lành đó có liên hệ đến mọi người : “Nơi ngươi mọi thị tộc trên đất sẽ được chúc lành”.
Hầu như ta bị lôi kéo nghĩ ở đây về đức tin của ông Ápraham vì tất cả truyền thống Do-thái đã làm như thế cũng như cả tác giả thư Hípri (11,8) cũng vậy ! Nhưng ở giai đoạn thứ nhất, tốt hơn gắn bó với bản văn càng nhiều càng tốt. Đó là vấn đề ý chí và tu đức, lắng nghe và trọng kính, những đức tính cốt yếu để đọc và suy niệm Kinh Thánh.
Những xác tín luôn phải giữ kỹ trong khi “đọc và suy niệm Kinh Thánh”
Chính với đức tin, người Kitô hữu tiếp cận với việc đọc và suy niệm Kinh Thánh. Ở căn bản của bất cứ việc đọc và suy niệm Kinh Thánh nào của Kitô giáo, vẫn có một hệ thống những xác tín căn bản.
– Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Người không theo hình ảnh của chúng ta : Người là Đấng hoàn toàn khác. Người đi bước đầu khi tỏ mình cho một dân, nhưng qua dân đó để cho mọi dân.
– Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ trở thành người anh em của chúng ta trong Đức Giêsu Nadarét.
– Qua cuộc sống, cái chết và cuộc phục sinh của Người, từ nay trở đi Đức Giêsu là Chúa của chúng ta. Người lôi kéo chúng ta vào trong thế giới mới của Thiên Chúa, “Vương quốc của Thiên Chúa”. Người ban tặng chúng ta Thần Khí của Người.
– Ơn cứu độ Đức Giêsu thực hiện không phải chỉ dành cho một số người. Người cho tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người được hạnh phúc (đây là ý nghĩa của những chủ đề Kinh Thánh quan trọng như Giao Ước, Ơn Cứu Độ, Giải Phóng). Khó có thể sống tính phổ quát này thế nhưng mọi sự lại được đối chiếu với nó.
– Các Kitô hữu được mời gọi hoán cải, quay về với Thiên Chúa. Một cách ngược đời, cách tốt nhất để yêu mến Thiên Chúa là yêu thương anh em đồng loại : “Người nói : ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét người anh em mình thì là người nói dối”
Đối với một Kitô hữu, bất kỳ đoạn văn Kinh Thánh nào cũng liên kết với kinh Tin Kính của Hội Thánh.
Chương Hai : NHỮNG CON ĐƯỜNG KHÁC NHAU ĐỂ ĐỌC VÀ SUY NIỆM KINH THÁNH
Việc đọc và suy niệm Kinh Thánh là đọc với lòng tin trong một bầu khí cầu nguyện. Việc đọc này giúp luyện cho ta một não trạng Kinh Thánh và đón nhận sứ điệp hạnh phúc mà Thiên Chúa chuyển đạt qua chứng từ của các người tin đã viết nên Kinh Thánh. Các bản văn Kinh Thánh đọc treong các thánh lễ mỗi ngày là lối vào tuyệt hảo giúp quen đọc Kinh Thánh. Các ví dụ sẽ đưa ra ở đây đã kinh nghiệm khởi đi từ các bản văn Kinh Thánh trong phụng vụ thánh lễ hằng ngày.
Nhưng còn có những cách thế “đọc và suy niệm Kinh Thánh” khác. Những cách thế đó tất cả đều được đặt trên cùng một yêu cầu : phải theo thật sát bản văn Kinh Thánh. Trước hết, đây là một số cách tiếp cận dễ có thể bắt đầu.
Một lời mỗi ngày
Các bản văn Kinh Thánh thấm nhuần lòng tin của những người đã viết lên. Một cách tốt để tập đọc và suy niệm Kinh Thánh là gắng tìm lại chứng từ đức tin này. Bất cứ Kitô hữu nào, khi vận dụng lòng tin của mình, đều có thể khám phá ra những khía cạnh của chứng từ này và làm phong phú nhờ việc cầu nguyện của mình.
Chú ý đến những từ và những kiểu nói có một màu sắc tôn giáo là một trong những cách để đạt tới mục đích đó. Đó là trong khi đọc và suy niệm các bản văn Kinh Thánh của thánh lễ hằng ngày, cần để ý và giữ lại một từ, một câu, một lời, một mẩu lời cầu nguyện rồi nhớ lại nhiều lần trong ngày, hoặc hôm sau, hoặc suốt tuần. Ta lợi dụng những khoảnh khắc tự do (nghỉ, di chuyển, trên xe…) để lặp lại “lời” đã chọn.
Không có một qui luật chỉ dẫn giúp chọn lời hay kiểu nói như thế. Ta có thể giữ lại câu hoặc lời đã khiến ta chú ý nhiều hơn khi ta đọc. Tuỳ mức độ có thể, mỗi khi lặp lại lời ấy trong ngày, ta bỏ ra vài giây để nối kết lời ấy với một lời cầu nguyện làm thành một sợi dây liên kết với Đức Giêsu. Hoạt động này phải được thực hiện một cách khá tự phát, không cần phải suy nghĩ lâu.
Ta có thể có cảm tưởng là phải lặp đi lặp lại cũng bấy nhiêu lời. Đúng, ngôn ngữ đức tin cũng giống như ngôn ngữ của những người yêu nhau. Người ta không ngạc nhiên khi thấy có bấy nhiêu từ, bấy nhiêu cách nói cứ gặp đi gặp lại hoài.
Nếu trong những bản văn Kinh Thánh của ngày hôm đấy không có lời nào đáng chú ý đặc biệt cả, thì đừng cố tìm cho được một câu. Việc thực tập này không có tính cách máy móc và bắt buộc ! Khi đó lại chú ý đến những bản văn của ngày hôm sau hoặc của ngày hôm sau nữa.
Thí dụ
Đây là những thí dụ để đọc và suy niệm Kinh Thánh khởi đi từ một lời trong Tin Mừng của phụng vụ thánh lễ hằng ngày.
Mt 6,7-15. Giữ lại câu : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lại nhải như dân ngoại… Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này : Lạy Cha chúng con”
Lời nguyện : Lạy Chúa Giêsu, không phải hễ cứ lặp đi lặp lại “lạy Chúa, lạy Chúa” là chúng con sẽ vào được Nước của Chúa. Tất cả những gì chúng con cần, Chúa đã diễn đạt trong kinh Lạy Cha. Xin cho chúng con nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn khác với chúng con bởi vì Người ngự trên trời, lại vừa rất gần gũi chúng con vì chúng con có thể cùng Chúa gọi Người là : “lạy Cha chúng con”.
Lc 4,16-30 : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi…Người đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó”
Lạy Chúa Giêsu, các Kitô hữu tiên khởi đã nhìn nhận rằng Chúa là Đấng các ngôn sứ từng loan báo, là Đấng Thiên Chúa sai đến để đáp ứng niềm hy vọng của những người tin. Những người bị áp bức mong đợi ơn giải phóng. Mỗi người trong họ là đối tượng của Tin Mừng làm thay đổi hoàn cảnh của họ.
Lc 4,31-37 : “Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền…” “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chúa đã đến để giải thoát chúng con khỏi sự dữ. Lời của Chúa đầy uy quyền vì Chúa từ nơi Thiên Chúa mà đến. Chúa là Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Lc 4,38-44 : “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa”
Lạy Chúa Giêsu, các thần ô uế phải nhìn nhận rằng Chúa là “Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia”. Tin Mừng của Chúa được ban cho tất cả. Đám đông dân chúng cố cầm giữ Chúa lại cho mình. Nhưng Chúa phải lên đường, vì Nước Thiên Chúa còn phải được loan báo cho mọi người.
Lc 5,1-11 : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”
Lạy Chúa Giêsu, chính khi ý thức sự yếu đuối của mình mà thánh Phêrô đã sấp mình dưới chân Chúa và nhìn nhận Chúa là Chúa. Toàn thể Hội Thánh cũng tuyên xưng mình yếu đuối và nhìn nhận Chúa là Chúa của mình.
Lc 6,1-5 : “Con Người làm chủ ngày sa-bát”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là chủ ngày sa-bát. Chúa là “Con Người”, là Đấng được Thiên Chúa sai đến mà ngôn sứ Đanien đã nói tới. Chúa là người anh em của chúng con và Chúa từ nơi Thiên Chúa mà đến.
Ga 15,1-8 : “Thầy là cây nho, anh em là cành”
Lạy Chúa Giêsu, sức mạnh của chúng con là những môn đệ Chúa do Chúa mà có. Lìa Chúa ra, chúng con không thể làm gì. Vì thế Chúa mời gọi chúng con hoán cải, quay về với Chúa. Chúa là nguồn sống của chúng con.
Ga 15,9-11 : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”
Lạy Chúa Giêsu, chúng con hạnh phúc vì được Chúa kể vào số các bạn hữu của Chúa. Xin Chúa làm cho chúng con được ở mãi trong tình bằng hữu mến yêu này.
Ga 15,12-17 : “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”
Lạy Chúa Giêsu, để được là bạn hữu của Chúa, trước tiên phải thực hành điều Chúa truyền dạy. Và điều Chúa truyền dạy chúng con, đó là chúng con phải yêu thương nhau. Chính khi chúng con đến gần những người khác, chúng con có thể đến gần Chúa và Chúa Cha.
Ga 15,18-21 : “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã báo trước cho chúng con : tin vào Chúa kéo theo sự bách hại. Nếu chúng con không còn gặp sự đối kháng nữa, chính là vì đức tin của chúng con đang ngủ mê. Lạy Chúa, xin đánh thức đức tin của chúng con, để chúng con có niềm đam mê làm chứng cho Chúa dù phải trả giá thế nào chăng nữa.
Ga 15,26 – 16,4 : “Khi Thần Khí đến…Người sẽ làm chứng về Thầy”
Lạy Chúa Giêsu, chúng con không cô đơn khi lời chứng của chúng con về Chúa trở nên khó khăn. Chúa cho chúng con Thần Khí của Chúa.
Cầu nguyện khởi đi từ các Thánh vịnh
Các hình thức khác nhau trong việc cầunguyện của dân Kinh Thánh nằm trong các Thánh vịnh. Ở căn bản của bất cứ việc cầu nguyện nào đều có sự nhìn nhận rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa, và Người yêu thương chúng ta. Nói khác đi, lời cầu nguyện nào cũng phần nào là “một lời ngợi khen”, hoặc “ca ngợi”, một bài ca vô tư ca tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Không phải vô lý nếu sách Thánh vịnh bằng tiếng Hípri được gọi đơn giản là “các lời ngợi khen”.
Đằng sau tiếng kêu của tác giả Thánh vịnh, ta cảm nhận được lời cầu nguyện của toàn dân con cái Israel. Các Kitô hữu đã có một lý do khác để dùng Thánh vịnh cầu nguyện từ khi Đức Giêsu dùng lại các Thánh vịnh để thân thưa với Chúa Cha.
-Một trong những cách để làm cho một Thánh vịnh trở thành một “việc đọc và suy niệm Kinh Thánh”, đó là suy niệm Thánh vịnh ấy ở những cấp độ khác nhau : cấp độ của tác giả Thánh vịnh, cấp độ của dân trong Kinh Thánh và cấp độ của Đức Giêsu.
Thí dụ
Trong Thánh vịnh 138, tác giả Thánh vịnh có cảm tưởng là Thiên Chúa để ý ông mọi lúc mọi nơi, tựa như một thám tử.
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ …
con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa.
Mọi nẻo đường con đi Ngài quen thuộc cả”.
Do đó, ông có cám dỗ là thoát đi, để tìm một nơi ẩn náu bên các ngẫu tượng hoặc các thần khác.
“Vậy đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài ?
Lẩn nơi nào cho khuất được thánh nhan ?
Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện…”
Nhưng không thể được : Thiên Chúa vẫn có đó ! : “Cũng tại đó, cánh tay Ngài đưa dẫn…” Cho nên trốn cũng vô ích. Tốt nhất là trở về với Chúa. Chính khi đó, tác giả Thánh vịnh ý thức mình lầm. Điều trước đây, về Thiên Chúa, nhìn thoáng qua ông cho là không chịu nổi thì nay đối với ông, được diễn tả trong phần còn lại của Thánh vịnh, lại là một sự biểu lộ tình yêu của Người.
Lời cầu nguyện của dân Kinh Thánh
Thánh vịnh này gặp gỡ kinh nghiệm của dân Kinh thánh vào lúc Xuất Hành. Đang khi tiến về Đất hứa, dân không chịu nổi những đòi hỏi của Chúa được ông Môsê nhắc cho và dân nổi loạn. Dân quay về các thần khác và phủ phục thờ lạy con bê bằng vàng do họ chế ra. Nhưng các trình thuật về cuộc Xuất hành thuật lại rằng việc trở về với Thiên Chúa chỉ có thể mang lại sự cứu thoát mà thôi. Vì Thiên Chúa yêu thương dân của Người. Người đã lập giao ước với dân. Thiên Chúa ở với dân của Người để cứu thoát dân.
Lời cầu nguyện của Đức Giêsu
Khi chịu cám dỗ và vào giây phút hấp hối, Đức Giêsu bị cám dỗ không còn muốn đáp lại thánh ý của Cha Người nữa : “Nếu có thể thì chén này xin xa con”. Nhưng Đức Giêsu không quị ngã. : Người đẩy lui ngay lập tức những đề nghị của ma quỉ. Người tin tưởng phó thác vào Chúa Cha cho đến cùng : “Lạy Cha, xin cho ý của Cha được thể hiện chứ không phải ý của con !”
Lời cầu nguyện của chúng ta
Lạy Chúa là Thiên Chúa, đôi khi chúng con thấy sự hiện diện của Chúa là nặng nề, thấy những đòi hỏi của Chúa là ngột ngạt. Chúng con bị cám dỗ muốn loại Chúa ra. Thậm chí thường chúng con xa Chúa và chúng con quên Chúa. Nhưng hạnh phúc của chúng con chỉ có thể ở nơi Chúa mà thôi. Chúa là một người Cha đầy yêu thương. Xin cho chúng con, xin cho Hội Thánh của Chúa biết bày tỏ cùng một tâm tình tin tưởng phó thác như Đức Giêsu. Xin cho thánh ý của Chúa được thể hiện !
-Trong thánh lễ, đoạn trích Thánh vịnh sau bài đọc thứ nhất luôn luôn là âm vang của bài đọc đó. Sau khi nhắc lại những câu trong Thánh vịnh ứng với bài đọc thứ nhất, ta có thể đọc lại những câu ấy trong bầu khí và tâm tình cầu nguyện. Đó là một cách khác để dùng Thánh vịnh trong thánh lễ làm cách đọc và suy niệm Kinh Thánh.
Thí dụ
Ds 24,2-17 và Tv 24
– Ds : Balaam, một ngôn sứ ngoại gío, chỉ có thể chúc phúc cho Israel : “Ông Balaam ngước mắt lên và nhìn thấy điều Đấng Toàn Năng cho ông thấy …Một vị anh hùng sẽ xuất phát từ dòng dõi (của dân này)… một vì sao xuất hiện, từ Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Israel”.
– Tv : Balaam đã am hiểu bí mật của Thiên Chúa : “Chúa chỉ lối cho tội nhân… Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa, cho họ biết giao ước của Người”.
Xp 3,1-13 và Tv 33
– Xp : “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ. Chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa”.
– Tv : “Xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên… Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Chúa để mắt nhìn những người chính trực…Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề”.
Is 45,6-25 và Tv 84
– Is : “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác…Ta làm ra bình an…, Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính, đất mở ra đi cho nảy mầm ơn cứu độ chính trực sẽ vươn lên…Ta là Thiên Chúa công minh cứu độ”.
– Tv : “Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Người : ơn cứu độ của Người gần tới…Hoà bình công lý đã giao duyên…Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống từ trời cao”.
Is 54,1-10 và Tv 29
– Is : “Ngươi sẽ tràn ra hai bên tả hữu, dòng dõi ngươi sẽ thừa kế các dân tộc…Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi…Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi. Nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp”.
– Tv : “Chúa đã cho con bình phục… Chúa đã kéo con lên… Chúa đã thương cứu sống…Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài…Khúc ai ca của con Chúa đã đổi cho thành vũ điệu”.
Is 56,1-8 và Tv 66
– Is : “Những người ngoại kiều, Ta sẽ dẫn lên núi thánh … và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta…, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân”.
– Tv : “Xin cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Người…Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người”.
Dc 2,8-14 hay Xp 3,14-18 và Tv 32
– Dc : “Kìa người yêu của tôi đang đến !…nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi”
– Tv : “Hạnh phúc thay dân nào …Niềm vui của lòng chúng con từ Người mà có” Có nhiều cách tiếp xúc với Kinh Thánh. Có thể đọc Kinh Thánh vì hiếu kỳ muốn tìm những kiến thức mới về lịch sử của Israel và lịch sử của các Kitô hữu tiên khởi. Nhưng với tư cách là những người tin, ta đến với Kinh Thánh để Kinh Thánh cho ta những từ, những hình ảnh, những khuôn mặt, những đề tài giúp nuôi dưỡng đức tin và làm cho lời cầu nguyện phát ra từ đáy tâm hồn ta. Đó chính là mục đích của việc đọc và suy niệm Kinh Thánh. Trong lần sau, ta sẽ tìm hiểu những con đường đơn giản trong số nhiều con đường để đọc và suy niệm Lời Thiên Chúa.