_Gioan Nguyễn Long Quân, O.P._
Dẫn nhậpI. Tổng quan về sách Tình caA. Tác giả, tên gọi và thời gian biên soạnB. Cấu trúc và hình thứcC. Phong cách văn chươngD. Tính thống nhấtE. Các lối giải thíchF. Cấu trúcII. Các lối giải thích Tình ca trong lịch sửA. Lối giải thích phúng dụ1. Truyền thống phúng dụ Do-thái giáo2. Truyền thống phúng dụ Kitô giáoa. Các giáo phụb. Sự tiến triển của các lối giải thích phúng dụ3. Lối tiếp cận tiên trưng (typologia)4. Nhận định chung về lối giải thích phúng dụB. Lối giải thích văn tự1. Thêôđôrê Mopsuestia2. Lối tiếp cận bi kịcha. Lý thuyết ba nhân vậtb. Lý thuyết hai nhân vật3. Lối tiếp cận giấc mơ4. Lối tiếp cận thần thoại – tín ngưỡng5. Lối tiếp cận nhân họca. Quan điểm văn tự – giáo huấnb. Quan điểm hợp tuyểnc. Kiểu mẫu của tình yêu tự dod. Một cách diễn đạt lãng mạn của tình yêu con ngườie. Tìm và gặp niềm vui thỏa trong tình yêu6. Nhận định chung về lối giải thích văn tựKết luận
Dẫn Nhập
Tình ca[1] là một tác phẩm ngắn của Cựu Ước, gồm 177 câu, với 1250 từ (chiếm 0,42 % toàn bộ Kinh Thánh), nhưng lại là đề tài gây tranh cãi trong suốt dòng lịch sử giải thích thần học. Tình ca được xem là sách “thánh” nhưng không có một lời Chúa nói nào cả, nội dung miêu tả một thực tại hết sức trần tục: tình yêu nam nữ, thậm chí không ngần ngại có những chi tiết hoàn toàn mang tính nhục dục.
Thật vậy, có lẽ không có sách nào trong toàn bộ Kinh Thánh có nhiều lối giải thích như sách Tình ca vì dường như chiếc chìa khóa giải mã nó đã bị thất lạc. Nhiều học giả cũng cho rằng, Tình ca là quyển tối nghĩa nhất trong Cựu Ước, và dù cho người ta có áp dụng bất kỳ nguyên tắc giải thích nào đi chăng nữa thì quyển sách vẫn hàm chứa những đoạn văn không thể nào lý giải nổi. Cũng vì thế, chỉ khi hiểu được chúng, chúng ta mới có thể giải mã các bí ẩn đằng sau bản văn. Lịch sử giải thích quyển sách đặc biệt này đã chứng kiến rất nhiều lối tiếp cận khác nhau, thậm chí đối nghịch và loại trừ nhau. Sự đa dạng của các lối tiếp cận một mặt cho thấy tính phong phú trong nghiên cứu Sách thánh, nhưng mặt khác độc giả có nguy cơ bị dẫn đi quá xa so với ý nghĩa tổng quát mà bản văn muốn diễn tả. Cả hai sắc thái này đều hiện diện trong dòng lịch sử giải thích Tình ca từ thời cổ đại cho đến hôm nay, dù rằng cuốn sách đã sớm nằm trong quy điển Do-thái (thế kỷ I).
Cũng cần lưu ý rằng, ngay từ đầu, việc giải thích một cuốn sách giả định người làm công tác này phải nắm vững toàn bộ ý tưởng của nó. Do đó, thách đố của việc giải thích Tình ca nằm ở ngay chuyện hình thành ý tưởng tổng thể về nó. Đây là điều không hề dễ dàng vì mỗi phần của cuốn sách đều có những nét độc đáo riêng. Đặc biệt, việc Tình ca nằm ở vị trí đầu tiên trong năm cuộn ngắn (Megilloth) của quy điển Do-thái lại càng làm tăng thêm sự lúng túng trong việc giải thích nó. Chúng ta biết rằng, Tình ca được đọc vào lễ Vượt qua của người Do-thái, thế nên mối liên hệ giữa nó và cuộc lễ này chắc chắn không phải là ngẫu nhiên tình cờ.
Theo học giả Roland Kenneth Harrison († 1993), sự vắng bóng của các chủ đề tôn giáo cụ thể, sự kết hợp giữa những lời ca tình ái (erotic) với tính mơ hồ về nội dung trong các đoạn văn dường như đã mở ra cho các học giả vô vàn cơ sở để nghiên cứu.[2] Hệ luận là các học giả Do-thái cũng như Kitô giáo đã áp dụng lối giải thích phúng dụ (allegorical interpretation) để tìm hiểu cuốn sách này. Lối giải thích phúng dụ đã chiếm thế thượng phong ngay từ đầu cho đến thế kỷ XIX, thậm chí đến tận công đồng Vaticanô II, nhưng hiện nay đang phai mờ dần khi mà lối tiếp cận văn tự (literal interpretation) bắt đầu hồi sinh với những biến thể mới. Dầu vậy, bất chấp sự ra đời của rất nhiều phương pháp tiếp cận, dường như không có một kiểu mẫu giải thích nào nhận được sự đồng thuận của các nhà chú giải Cựu Ước.
Các học giả cho rằng, muốn tìm hiểu tường tận sách Tình ca, chúng ta phải bắt đầu từ cấp độ thông diễn học (hermeneutica). Nhưng nguyên tắc thông diễn nào mới có giá trị đối với thể loại văn chương tình cảm cổ đại này? Liệu chúng ta có thể thoát khỏi lối thông diễn mang tính ngữ pháp – lịch sử – bối cảnh để tìm hiểu cuốn sách hay không? Không dễ để trả lời các câu hỏi này. Ở đây, chúng tôi không thực hiện một nghiên cứu thông diễn đối với Tình ca, nhưng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các kiểu mẫu giải thích chính yếu đã được áp dụng trong suốt dòng lịch sử nghiên cứu, đồng thời đánh giá tổng quan các cơ sở thông diễn mà các kiểu mẫu giải thích đã dựa vào.
Bài viết gồm hai phần chính: phần thứ nhất giới thiệu tổng quan về sách Tình ca, phần thứ hai giới thiệu những lối giải thích sách này trong dòng lịch sử: phúng dụ (allegoria) và văn tự (littera).
I. Tổng Quan Về Sách Tình Ca
A. Tác giả, tên gọi và thời gian biên soạn
Cuốn sách vào đề với cụm từ (Tình ca) “của Salômôn” (1,1) có thể gây nên nhiều lầm tưởng cho độc giả. Bởi lẽ theo ước lệ văn chương Híp-ri, danh xưng Salômôn thường chỉ về mẫu người yêu của phái nữ. Còn theo truyền thuyết lịch sử (x. 1 V 5,12), người Do-thái coi vua Salômôn như gương mặt tiêu biểu cho giới văn nhân, hiền triết. Mà khi một nhân vật đã nổi tiếng thì người ta có khuynh hướng đặt tác phẩm của mình dưới danh xưng hay bút hiệu của nhân vật ấy. Do đó, không dễ để xác nhận tác giả thật sự của cuốn sách. Ý kiến chung của các nhà chú giải cho rằng, sách Tình ca là thành quả của nhiều đợt thu thập, và soạn giả cuối cùng đã đúc kết lại vào thời hậu lưu đày.[3]
Cũng ở 1,1, tiêu đề “Bài ca của các bài ca” (Híp-ri: שִׁ֥יר הַשִּׁירִ֖ים; Latinh: Canticum Canticorum) tựa như kiểu nói “vua các vua”, “chúa các chúa”. Đây là một thành ngữ Híp-ri, cho biết sự vật đang được nói tới có tính cách tuyệt hảo, trổi vượt trên tất cả các đơn vị cùng loại. Tình ca là “bài ca hay nhất”. Tiêu đề cũng cho thấy sự thống nhất của một tuyển tập các bài ca hay bài thơ. Tính thống nhất này được thể hiện rõ khi người ta gán cho vua Salômôn là tác giả của cuốn sách, có lẽ vì sự xuất hiện của vua ở 1,1; 3,7.9.11 và 8,11.
Về thời gian biên soạn, dựa trên cơ sở ngôn ngữ và thể văn, người ta thấy rằng các bài cổ xưa nhất đã được truyền miệng trong dân gian, với những ước lệ của thi ca Híp-ri cổ. Một số đến sau mang nặng ảnh hưởng của thi ca các nước láng giềng như Ai-cập, Ba-tư, Ả-rập, Syria. Những câu thơ tình tứ trong tập Tình ca lại phảng phất hương vị của các lời ngôn sứ. Do đó, khó mà xác định niên đại của các bài thơ. Ý kiến chung cho rằng sách được biên soạn vào thời hậu lưu đày. Có nhà chú giải cho rằng thời gian biên soạn trong khoảng từ thế kỷ X cho đến thế kỷ V tCN, hoặc cho đến thế kỷ III tCN theo một số khác.[4]
Tuy nhiên, sách Tình ca đã sớm được Do-thái giáo và Kitô giáo nhận vào quy điển. Sách Talmud xếp Tình ca vào vị trí thứ 6 sau các sách Rút, Thánh vịnh, Gióp, Châm ngôn và Giảng viên. Trong quy điển Híp-ri, sách được xếp giữa các Ketuvim (các Văn phẩm). Nó là một trong năm “Cuộn” (Megilloth), được chọn đọc công khai vào dịp lễ Vượt qua. Truyền thống Kitô giáo cũng nhìn nhận Tình ca nằm trong quy điển Sách thánh, thuộc bộ “các sách khôn ngoan”. Chỉ có một trừ lệ là giáo phụ Thêôđôrê, giám mục Mopsuestia: ông tiếp cận cuốn sách theo nghĩa văn tự, giảm thiểu ơn linh hứng trong cuốn sách, và quan điểm này đã bị kết án tại công đồng Constantinopolis II (553).
B. Cấu trúc và hình thức
Cho đến hôm nay, vẫn chưa có sự đồng thuận liên quan đến cấu trúc hay số lượng các bài ca trong Tình ca, phần đông các tác giả cho rằng có khoảng 30 bài khá rời rạc. Sách được trình bày như một tấn bi kịch của hai nhân vật chính (vua Salômôn và thiếu nữ Shulammite) hoặc ba (vua Salômôn tìm cách quyến rũ thiếu nữ Shulammite lìa bỏ người tình chân quê của nàng), nhưng quan điểm này bị nhiều học giả bác bỏ vì chỉ là suy đoán cá nhân. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh ở chỗ có cuộc đối thoại giữa các nhân vật: người nam, người nữ và các thiếu nữ Giêrusalem. Nhân vật chính của tác phẩm là người nữ; còn người nam xuất hiện khi là kẻ chăn chiên (1,7), khi là vua (1,4.12), đó cũng là sự hư cấu bình thường trong văn học.
C. Phong cách văn chương
Tình ca xem ra là một tuyển tập các bài thơ (hay bài ca) có một đơn vị văn chương riêng, chứa đựng nhiều lối chơi chữ, láy phụ âm, gieo vần, trùng âm, từ tượng thanh, ngôn ngữ hình ảnh, lối so sánh và ẩn dụ, hình thức cải trang,… Về nhịp điệu, các vế thơ ca thường được xếp đi cặp với vế thứ hai theo kiểu song đối đồng nghĩa, nghịch nghĩa hay tổng hợp. Việc lặp lại cũng thấy xuất hiện trong hình thức đảo đối hay đóng khung. Phong cách lặp lại như vậy đánh dấu việc chia thành những đoạn thơ, mỗi đoạn thơ lại được chia thành một đơn vị trữ tình, gọi là “bài thơ” hay “bài ca”.
Đặc tính văn chương của Tình ca khá khác thường. Độc giả có thể dễ dàng nhận ra sự phong phú của các hình ảnh được vẽ nên từ không gian của những cánh đồng linh dương và hươu cái, bồ câu và cáo, chiên và dê. Những tặng phẩm của thiên nhiên cũng rất nhiều: rượu vang và vườn nho, gỗ bá hương và gỗ trắc bá diệp, quả sung và quả lựu. Các hình ảnh văn chương được lấy từ nhiều nơi trên thế giới. Mặt khác, không chỉ địa điểm mà con người cũng thay đổi. Có một nhân vật “gầy dựng niềm tin” về tình yêu, một sự lý tưởng hóa không giới hạn khi cặp đôi yêu nhau nói về nhau. Cho nên, người ta nghe nói về “tháp ngà” (7,5) và đôi môi chứa chan tươm một dược (5,13). Hình ảnh và chất thơ trong Tình ca không phải để phân tích cho bằng để vui hưởng cho trí tưởng tượng của độc giả. Tình yêu luôn tạo ra một thế giới riêng của nó.
Ngành chú giải (exegesis) hiện nay cũng xem Tình ca trước hết là bài ca hay nhất trong Kinh Thánh. Tác giả Jean Pierre Sonnet (sinh 1955) xem cuốn sách như “nhà xưởng” sản xuất các bài thơ.[5] Chúng ta biết rằng, tính song song – đặc trưng của thơ ca Híp-ri – ít được sử dụng trong Tình ca, ngoại trừ những chỗ nhấn mạnh sự xen kẽ giữa người nam và người nữ trong cuộc đối thoại. Trong cuộc đối thoại ấy, nhờ lời nói mà họ hợp nhất với nhau; và trong các điệu hát xen kẽ, thân thể họ cũng biến thành thơ ca nhờ vào hiệu lực của các phép ẩn dụ (metaphora). Việc sử dụng liên tục các phép ẩn dụ là đặc điểm nổi bật về thơ ca của cuốn sách. Đó cũng là sự biểu lộ của một thứ tình yêu phải chịu những đối nghịch. Rất nhiều hình ảnh trong sách mang tính ẩn dụ: thiên nhiên, trái đất, các sản phẩm do bàn tay tài khéo của con người.[6]
Chúng ta có thể nói tới một số hình thức văn chương xuất hiện trong cuốn sách: các bài thơ diễn tả sự khát khao (1,2-4; 2,14-15), trêu chọc (1,7-8; 2,15), ngưỡng mộ (1,15–2,3; 4,9–5,1; 6,4-7), hồi tưởng (2,8-13), ngoa dụ (6,8-10), và sự miêu tả về sức hấp dẫn thể lý (được gọi là wasf, 4,1-7; 5,10-16; 7,1-6). Người ta thấy rằng, các hình thức tương tự cũng xuất hiện trong các bài tình ca của người Ai-cập cổ đại.
D. Tính thống nhất
Một số học giả phủ nhận tính thống nhất trong cuốn sách và đi đến kết luận cuốn sách chỉ đơn thuần là hợp tuyển tình ca (hay tình thơ), thậm chí có nhiều bàn tay soạn tác. Chẳng hạn, Othmar Keel, Tremper Longman và Yair Zakovitch xem cuốn sách như một thánh vịnh tình ái, một hợp tuyển của nhiều bài ca: 23 bài (Longman), 32 bài (Zakovitch), 43 bài (Keel).
Tuy nhiên, dưới lối tiếp cận thuật chuyện – cấu trúc, có thể thấy sách Tình ca tuy mang dáng vẻ của một hợp tuyển tình ca nhưng không phải không có dấu hiệu của sự thống nhất xuyên suốt. Chẳng hạn, sách có một số đoạn điệp khúc (2,7 = 3,5 = 8,4; 2,6 = 8,3), rất nhiều từ và cụm từ được lặp đi lặp lại, các chủ đề giống nhau cũng thường xuất hiện, cấu trúc cũng khá phức tạp. Mặt khác, có những thay đổi đột ngột trong cuộc đối thoại (2,13-15; 3,5-6) và một cảnh (scene) rất khó lý giải (5,1-2). Gianni Barbiero (sinh 1944) cho rằng, nếu cuốn sách không phải là một thể thống nhất về mặt văn chương thì nó vẫn cho thấy sự thống nhất về mặt thi ca, và đó là sự thống nhất do ý định của tác giả chứ không phải ý định của người biên soạn.[7]
Nhiều khả năng bản văn mà chúng ta có hiện nay chỉ do một tác giả viết ra hoặc biên tập lại, như học giả Harold Henry Rowley († 1969) nhận định: “Sự lặp lại như thế cho thấy dấu vết của một bàn tay duy nhất, đồng thời sự thống nhất về chủ đề và phong cách văn chương thì nổi bật hơn so với giả thuyết cho rằng cuốn sách là một hợp tuyển do nhiều tác giả và đến từ nhiều nguồn khác nhau.”[8]
Khi khảo sát toàn bộ cuốn sách, học giả Jack S. Deere đưa ra bốn nhận định ủng hộ tính thống nhất này như sau: 1/ Các nhân vật giống nhau: người thiếu nữ được yêu, người tình và các thiếu nữ Giêrusalem. 2/ Nhiều lối diễn đạt và hình thái tu từ tương tự nhau, chẳng hạn: tình yêu thì đê mê hơn rượu (1,2; 4,10), mùi hương (1,3.12; 3,6; 4,10), đôi má của người tình (1,10; 5,13), đôi mắt nàng như chim bồ câu (1,15; 4,1), răng nàng như con chiên (4,2; 6,6), lời van nài của nàng dành cho các thiếu nữ Giêrusalem (2,7; 3,5; 8,4), người tình tựa như linh dương (2,9.17; 8,14), Li-băng (3,9; 4,8.11.15; 7,4), và nhiều lần đề cập đến thiên nhiên. 3/ Có nhiều đặc trưng của ngữ pháp Híp-ri chỉ tìm thấy trong cuốn sách này lại càng củng cố cho giả thuyết chỉ có một tác giả duy nhất. 4/ Sự tiến triển của chủ đề ám chỉ đây là một tác phẩm duy nhất, không phải hợp tuyển các bài thơ.[9]
Ngoài ra, hình ảnh vị hôn thê được điểm tô như “người đẹp nhất trong các phụ nữ” (1,8; 5,9; 6,1) còn lang quân thì ra như đang chăn bầy chiên của mình “giữa những khóm huệ” (2,16; 4,5; 6,2-3). Những chi tiết ấy là bằng chứng chỉ ra bố cục thống nhất của cuốn sách vốn đã được viết ra hay biên soạn chỉ bởi một tác giả.
Phần đông các học giả cho rằng, tiến trình hợp lý, lược đồ cũng như cấu trúc đối ngẫu (chiasmus) là những lối tiếp cận thích hợp đối với sách Tình ca.
E. Các lối giải thích
Chúng ta biết rằng, vào thời Trung cổ, Tình ca đã có mặt trong các bài đọc phụng vụ, nhưng bị nhận xét như một cuốn sách học đường hoặc thuật lại một tấn bi kịch. Việc giải thích cuốn sách chắc chắn bị chi phối bởi lối tiếp cận phúng dụ, tuy chìa khóa để tiếp cận cuốn sách có thể có rất nhiều: các nhân vật chính lại được quy về cho Đức Kitô và sự khôn ngoan, cho các giám mục và Hội thánh địa phương của họ, cho linh hồn và Thiên Chúa. Tương tự, việc áp dụng cho Đức Maria cũng không phải hiếm. Do đó, ở Tây phương lúc bấy giờ, Tình ca có được một vị thế đặc biệt không kém các sách đầu tiên trong Kinh Thánh; nó là nguồn mạnh chân thực của tâm linh Kitô giáo và có rất nhiều cách giải thích khác nhau.
Tháng 9 năm 2001, Hiệp hội Công giáo Pháp về Nghiên cứu Kinh Thánh (ACFEB) đã tổ chức một hội nghị bàn về sách Tình ca. Các bản đúc kết (actes) được xuất bản dưới tựa đề “Les nouvelles voies de l’exégèse”[10], đã đưa ra khá nhiều lối tiếp cận khác nhau. Các lối tiếp cận đã tạo nên một tổng thể đẹp, cho phép độc giả có thể đánh giá vẻ đẹp và tính phức tạp của việc tiếp cận sách này, cũng như hứng thú khi khám phá đặc tính chồng chéo của các lối tiếp cận khác nhau. Tình ca đầy rẫy những điểm hết sức nghịch lý, đặt ra nhiều vấn đề cho việc chú giải. Rất nhiều đoạn trong sách còn tối nghĩa, ngay cả đối với các học giả Do-thái. Bản Masorah còn nhiều chỗ ghi “tối nghĩa” hoặc “dịch phỏng đoán”.
Lịch sử giải thích Tình ca cũng khá phức tạp. Phần lớn các nghiên cứu hiện đại về nó đều công nhận có nhiều lối tiếp cận. Bởi lẽ theo Saadia ben Joseph († 942), một học giả người Do-thái vào thời trung cổ, Tình ca là cuốn sách đã mất chiếc chìa khóa giải mã. Tuy nhiên, có hai lối giải thích căn bản trong suốt dòng lịch sử: phúng dụ và văn tự. Phần sau của bài viết sẽ điểm qua hai lối giải thích này. Đặc biệt, sự phát triển của các biến thể trong mỗi lối giải thích cũng là điều đáng quan tâm.
F. Cấu trúc
Cho đến ngày nay, vẫn chưa có sự thống nhất giữa các tác giả về cấu trúc văn chương của Tình ca. Tùy vào đường hướng tiếp cận riêng mà các tác giả có những cách phân chia khác nhau. Chẳng hạn, André Chouraqui († 2007) và sau này là Gianni Barbiero (sinh 1944) đề nghị một cấu trúc mang tính “giao hưởng” vì cho rằng Tình ca chẳng khác gì một bản giao hưởng tình yêu.[11]
Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu lối phân chia của tác giả Roland E. Murphy, O.Carm.[12] vốn lấy diễn biến của cuộc đối thoại làm cơ sở.
- (I) Đề sách (1,1)
- (II) Giới thiệu (1,2-6)
- (III) Đối thoại giữa các tình nhân (1,7–2,7)
- (IV) Hồi tưởng (2,8-17)
- (V) Lạc mất và Khám phá (3,1-5)
- (VI) Lễ cưới của Salômôn (3,6-11)
- (VII) Đối thoại giữa các tình nhân (4,1–5,1)
- (VIII) Đối thoại giữa người Phụ nữ với các Thiếu nữ Giêrusalem (5,2–6,3)
- (IX) Đối thoại giữa các tình nhân (6,4-12)
- (X) Đối thoại (7,1–8,4)
- (XI) Phụ trương (8,5-14)
II. Các Lối Giải Thích Tình Ca Trong Lịch Sử
A. Lối giải thích Phúng dụ
Giải thích phúng dụ (allegoria) hướng tới lối đọc thiêng liêng, ít quan tâm đến cuộc đối thoại trong tình yêu mà hướng tới ý nghĩa ẩn giấu nơi mỗi nhân vật. Truyền thống Do-thái và Kitô giáo, từ thời ông Origène cho đến công đồng Vaticanô II, đã thích nghi lối đọc này, vì nó có lợi thế về mặt truyền thống. Khởi đi từ kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, đặc biệt trong giao ước (cộng đoàn Do-thái hậu lưu đày kín múc đức tin của mình qua việc đọc Torah và các Ngôn sứ hàng tuần), hoặc khởi đi từ đời sống bí tích (cộng đoàn Kitô giáo được khai sinh từ phép rửa), cả hai truyền thống đều nhìn thấy trong Tình ca giao ước tình yêu mới mẻ giữa Thiên Chúa và dân Người, giữa Đức Kitô và Hội thánh và với mỗi Kitô hữu.
1. Truyền thống phúng dụ Do-thái giáo
Các dấu vết về lối giải thích phúng dụ sách Tình ca có lẽ được tìm thấy sớm nhất là trong Mishnah (Ta’anith 4.8) của người Do-thái, được viết vào khoảng năm 200 CN (nhưng thật ra các ý kiến trong đó đã có từ vài thế kỷ trước). Về sau, lối giải thích này cũng được tìm thấy trong bộ Midrash Rabbah, Targum, và nơi các nhà chú giải Do-thái thời trung cổ: Saadia ben Joseph (882-942), Shlomo Yitzchaki (1040-1105) và Abraham ben Meir Ibn Ezra (1089-1167).
Theo cha Murphy, chúng ta vẫn chưa biết nhiều về các giai đoạn đầu tiên của việc giải thích Tình ca. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng, lịch sử giải thích cuốn sách bắt đầu với một truyền thống Do-thái vốn tiếp cận theo lối phúng dụ và tâm linh hóa. Theo đó, sách Tình ca có mục đích ca ngợi tình yêu giữa Thiên Chúa và Israel: người đàn ông hay lang quân đại diện cho Thiên Chúa, còn người thiếu nữ hay hiền thê đại diện cho Israel. Tình yêu trong cuốn sách đích thực là tình yêu Thiên Chúa dành cho Israel nhưng không phải thứ tình yêu xác thịt nam nữ. Truyền thống này cũng được du nhập vào Kitô giáo với một vài thích ứng nhỏ.[13]
Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua ba lối giải thích nổi bật theo nghĩa phúng dụ của truyền thống Do-thái: rabbi Aqiba, bản Targum, và bộ Midrash Rabbah.
– Rabbi Aqiba (100 CN)
Người ta cho rằng, Aqiba, một rabbi Do-thái, là người đầu tiên sử dụng lối giải thích phúng dụ đối với sách Tình ca. Ông chuộng lối giải thích theo nghĩa phúng dụ hơn là nghĩa văn tự. Ông bênh vực tính thánh thiêng và hợp quy điển của Tình ca. Ông phản đối việc người ta sử dụng các bài tình ca trong sách để hát xướng trong các phòng tiệc, quán rượu thời bấy giờ; hoặc một số xu hướng Hy-lạp hóa làm giảm giá trị của thân thể và các thực tại ở trần gian. Ông tuyên bố kẻ nào xem thường Tình ca, coi nó là một bài ca thế tục thì sẽ không có phần trong thế giới mai hậu.[14] Hơn nữa, cả thế giới này không sao sánh được với khoảnh khắc sách Tình ca được ban cho Israel, vì nếu tất cả Những Điều Được Viết Ra (Scriptura) đều là Thánh, thì cuốn sách “Bài ca của các Bài ca” là “Thánh của mọi sự Thánh”.[15] Vì thế, không được phép hát lên cuốn sách này một cách bất xứng. Aqiba xem Tình ca như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa (người yêu) và dân Israel (kẻ được yêu).[16] Nhìn chung, đối với các rabbi Do-thái, tình yêu của con người trong cuốn sách còn có thể chuyển đổi thành các mối quan hệ khác, chẳng hạn nó có thể gợi lên mối quan hệ giữa Israel và các dân tộc khác.
– Bản dịch Targum (thế kỷ VII-VIII)
Targum là bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước sang tiếng Aram. Bản dịch Targum về sách Tình ca được viết trong khoảng thế kỷ VII-VIII và là nguồn chính cho lối giải thích phúng dụ của Do-thái giáo. Bản dịch này gợi ý, Tình ca là câu chuyện lịch sử Israel từ cuộc xuất hành cho đến lúc tái thiết đền thờ Giêrusalem lần thứ ba, nhằm diễn tả tình yêu sâu đậm giữa Israel và Thiên Chúa. Cuốn sách bao gồm 10 bài ca, được ban cho nhân loại như một lịch sử cứu độ của Israel, dân được Thiên Chúa tuyển chọn.
Bản Targum về Tình ca có thể được chia thành 5 phần: 1/ tiêu đề giới thiệu kiểu giải thích Midrash về 10 bài ca với lời chúc tụng mở đầu (1,1-2); 2/ giai đoạn từ cuộc lưu đày ở Ai-cập đến việc xây dựng nhà tạm, việc Israel khải hoàn tiến vào đất hứa Canaan, công bố đỉnh cao vinh quang của triều đại Salômôn (1,3–5,1); 3/ trình thuật về cuộc đánh chiếm Giêrusalem của dân Babylon, Israel bị lưu đày sang Babylon, cuộc quy tụ của những người bị lưu đày trở về và sự phục hồi chính thể lý tưởng cũng như vinh quang của triều đại Hát-mo-nê (5,2–7,11); 4/ cuộc lưu đày của Ê-đom, bức tranh nhắc nhớ lại thời kỳ vua Mêsia, sự phục hồi chính thể Salômôn dưới triều đại vua Mêsia (7,12–8,12); 5/ lời kêu gọi tha thiết mang tính ngôn sứ của vua Salômôn vào cuối đời dành cho Israel và lời nguyện kết thúc (8,13-14).[17]
Có 4 đặc điểm trong Targum về Tình ca: 1/ biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel; 2/ sự nhấn mạnh về tội lỗi của Israel; 3/ việc xây cất nhà tạm và giá trị mang tính đền bù của các nghi lễ trong đền thờ; 4/ vai trò rất hạn chế dành cho vua Mêsia.[18] Bốn đặc điểm này được giải thích là sự phúng dụ về câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel. Chúng cũng được xem là có mục đích biện hộ, bảo vệ Kitô giáo và chống lại chủ nghĩa bí truyền (esotericism) của Do-thái giáo.[19]
Tóm lại, Tình ca được cho là một bức tranh lịch sử của Israel. Bản Targum giải thích cuốn sách như là sự biểu hiện của tình yêu nhân từ của Thiên Chúa đối với dân Người. Mặt khác, vì cuộc Xuất hành là một biến cố có liên hệ nhiều nhất tới lễ Vượt qua (x. Xh 12), cho nên lễ Vượt qua là thời điểm thật sự thích hợp để đọc Tình ca, và sách này đã được đọc vào ngày thứ 8 của cuộc lễ. Tuy nhiên, trong bản LXX, sách Tình ca lại được xếp sau sách Giảng viên, cũng vì thế mà các bản dịch hiện đại về sau vẫn xếp như vậy.
– Midrash (thế kỷ VIII)
Bộ Midrash Rabbah có niên đại cùng thời với bản dịch Targum hoặc muộn hơn một chút. Đó là sản phẩm của các tác giả Do-thái, những người đi theo lối giải thích phúng dụ giống như bản dịch Targum. Họ mô tả ý nghĩa tình yêu trong Tình ca như là tình yêu hỗ tương giữa Thiên Chúa và Israel, trong đó Thiên Chúa ban lề luật và giải thoát dân khỏi Ai-cập, còn Israel đón nhận lề luật và sẵn sàng chịu đau khổ vì Chúa. Tuy nhiên, trái ngược với Targum, Midrash giải thích theo từng chữ, từng cụm từ và từng câu. Có nhiều câu được chia nhỏ để chú giải mà không cần xét đến bối cảnh của nó.[20]
Dầu sao, cả Targum lẫn Midrash đều sử dụng lối giải thích phúng dụ – lịch sử để nối kết sách Tình ca với các tình tiết trong lịch sử Israel. Cả hai đều đồng hóa người nữ là Israel còn người nam là Thiên Chúa. Hạn chế của lối tiếp cận này là cả hai đều thiên về mục đích của riêng mình hơn là đặt trong bối cảnh mà cuốn sách muốn nói. Mặt khác, tuy lối giải thích Do-thái cổ cho thấy nhiều chủ đề khác nhau về sự biểu trưng của tình yêu, nhưng xem ra không mấy ai để ý tới lối giải thích văn tự và tự nhiên về tình yêu, cũng như ý nghĩa tình ái nhục dục của cuốn sách.
2. Truyền thống phúng dụ Kitô giáo
Các nhà chú giải Kitô giáo xem lang quân là Đức Giêsu Kitô còn hiền thê là Giáo hội. Đây là quan điểm chiếm vị thế ưu tiên trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, mặc dù vài thế kỷ trở lại đây nó đã không còn được ủng hộ nữa. Chúng ta không biết rõ đến khi nào thì quan điểm này được các Kitô hữu chấp nhận, chỉ thấy rằng nó đã từng được thánh Hippolytô nói đến trước tiên, sau đó là Origène, một người có tầm ảnh hưởng rất lớn. Grêgôriô Nyssa († 395), Ambrôsiô († 397), Giêrônimô († 420), Cyrillô Alexandria († 444), Thêôđôrêtô Cyrus († 457), Grêgôriô Cả († 604), Bêđa Khả kính († 735),… là những tác giả tiếp theo chịu ảnh hưởng từ Origène. Sang thiên niên kỷ II, ảnh hưởng của Origène vẫn còn mạnh mẽ ở Tây phương: Rupertus Deutz († 1129), Anselmô Laon († 1117), Guillaume de Saint-Thierry († 1148),[21] và nhất là thánh Bernađô[22] cùng các tác giả đan tu khác. Dĩ nhiên, bên cạnh cái chung, mỗi tác giả cũng phát triển cái riêng của mình và ít nhiều có những khác biệt. Chúng ta sẽ điểm qua mô hình cổ điển của các giáo phụ trước khi nói tới các biến thể theo dòng lịch sử.
a. Các giáo phụ
– Hippolytô Rôma (170-235)
Trước Hippolytô khoảng 100 năm, các rabbi Do-thái đã xem sách Tình ca là câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel. Có lẽ lối hiểu này đã ảnh hưởng lên Hippolytô vì ông sử dụng cùng một phương pháp như trong bản dịch Targum để giải thích sách Tình ca. Chỉ có điều, ông chuyển đổi các biểu tượng từ Thiên Chúa và Israel thành Đức Giêsu và Hội thánh.
Ông là Kitô hữu đầu tiên viết chú giải Tình ca thuần túy về mặt thiêng liêng[23], tức là diễn tả cuộc hôn nhân giữa Hội thánh và Ngôi Lời Nhập Thể. Tiếc là bản chú giải này chỉ là những mảnh nhỏ bằng tiếng Hy-lạp chứ chưa phải một tác phẩm xuyên suốt. Tuy nhiên, ông không xem tình yêu trong cuốn sách tượng trưng cho mối quan hệ giữa Thiên Chúa và từng linh hồn. Lối tiếp cận của ông mang tính lịch sử – cứu độ, trong đó sách Tình ca như là “lời tiên tri của Salômôn” về các giao ước cũ và mới, và Israel được giải thích là Hội thánh được Thiên Chúa yêu thương. Chẳng hạn, ông hiểu câu “quân vương đã vời thiếp vào cung nội” (1,4) là những người đã được Chúa Kitô kết hôn và đưa vào Hội thánh; “bộ ngực” trong 4,5 được cho là biểu tượng của Cựu Ước và Tân Ước; và “đồi nhũ hương” trong 4,6 hàm ý nói về địa vị cao quý dành cho những ai dám đóng đinh tính ham muốn xác thịt của mình. Cách tiếp cận của Hippolytô được nhận xét là một lối thông diễn rất cô đọng. Đây là lối tiếp cận dành cho những ai muốn hiểu Kinh Thánh, bởi lẽ các hình bóng trong Kinh Thánh là biểu tượng của sự thật, và biểu tượng của sự thật trong sách Tình ca đã được vua Salômôn công bố và được ứng nghiệm nơi Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa.
– Origène (184-253)
Trong số các giáo phụ, Origène được xem như “nhà vô địch” trong việc giải thích sách Tình ca theo lối phúng dụ. Ông không chỉ có hàng loạt các bài giảng mà còn viết một bộ chú giải gồm 10 tập về cuốn sách này (khoảng năm 240-245); nhưng thật không may, hầu hết các thủ bản đồ sộ tiếng Hy-lạp của ông về Tình ca đã bị phá hủy hoặc thất lạc, chỉ còn hai bài giảng về Tc 1,1–2,14 được lưu lại trong bản dịch tiếng La-tinh của thánh Giêrônimô.[24]
Người ta thấy rằng, Origène chịu ảnh hưởng bởi lối giải thích theo truyền thống Do-thái và bởi Hippolytô. Ông liên kết Tình ca với các sách khác trong Kinh Thánh và xem mục đích của sách này là để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của độc giả. Ông đã kết hợp các quan điểm của Platon và phái Ngộ đạo với vấn đề tính dục để làm thay đổi tính chất của Tình ca, biến sách này thành một vở bi kịch thiêng liêng vượt thoát mọi ham muốn nhục dục. Độc giả được khuyên phải khổ chế thân xác và không được xem cuốn sách có liên hệ đến các bộ phận chức năng của cơ thể, nhưng phải đặt mọi thứ hướng tới sự hiểu biết các ý nghĩa thần linh.
Sách Tình ca không diễn tả một mối quan hệ thể xác, nhưng diễn tả bản chất của một thứ tình yêu thiêng liêng. Phải coi thường tất cả những gì thuộc thể xác nếu muốn đạt được thứ tình yêu thiêng liêng này. Lối tiếp cận của ông mang tính giáo hội khi xem Tình ca là sự ca ngợi Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, dù là Israel (được coi là Hội thánh của Cựu Ước) hay Hội thánh sau lễ Ngũ tuần. Nhân vật nữ trong sách cũng được đồng hóa với toàn thể Hội thánh, và từ đó mọi Kitô hữu đều được mời gọi đặt mình vào vị trí của hiền thê.[25]
Tóm lại, Origène xem Tình ca mang hàm nghĩa vượt khỏi mặt chữ bản văn hay các khía cạnh tính dục. Ở một góc độ nào đó, lối đọc Tình ca của ông hoàn toàn tránh được những lời lảm nhảm, hời hợt và bất xứng với Thiên Chúa. Ông chọn lối tiếp cận này có lẽ vì ông chưa thể dung hòa ý nghĩa ham muốn nhục dục với ý nghĩa thiêng liêng của bản văn. Lý do mạnh hơn là vì ông cảm thấy ý nghĩa văn tự và tự nhiên của bản văn chỉ dành cho những người khiếm thính vốn bị lôi cuốn bởi tình yêu xác thịt, và chỉ có những người trưởng thành (trên 30 tuổi) mới được phép đọc sách này.[26] Lối giải thích của Origène xem ra phù hợp với các đan sĩ, những người khao khát kiếm tìm tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng đừng quên lối giải thích phúng dụ như thế sẽ xóa bỏ ý nghĩa thực tế của bản văn, trong khi không thể phủ nhận Tình ca thật sự nói về những khoái lạc thân xác với thứ ngôn ngữ gợi tình. Thánh Giêrônimô (k. 331-420) chấp nhận hầu hết các quan điểm của Origène. Hệ quả là thánh nhân đã từng đưa lối giải thích phúng dụ cuốn sách này vào trong các Giáo hội Tây phương.
– Grêgôriô Nyssa (330-395)
Grêgôriô Nyssa là một nhà tu từ học và thần học, kế thừa khuynh hướng thần bí của Origène. Ông đã viết một bài chú giải Tình ca gồm 15 bài giảng, và đã diễn giải đến đoạn 6,9 của cuốn sách.[27] Ông xem hiền thê là linh hồn con người, nhưng không quan tâm nhiều đến sự đồng hóa nàng với Hội thánh. Với ông, con đường hoàn hảo để đạt tới ơn cứu rỗi là bước vào sự kết hiệp thiêng liêng với Thiên Chúa. Grêgôriô cho rằng, người ta có thể nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của mỗi câu trong Tình ca nhờ sự soi sáng từ những chỗ khác trong Kinh Thánh, như cách mà ông đã làm. Hành trình đi tìm ý nghĩa thiêng liêng của cuốn sách được ông gọi là epéktasis (hướng về phía trước), một thuật ngữ được rút ra từ Pl 3,13-14. Thật vậy, sự vô hạn của đối tượng được khao khát (Thiên Chúa) làm cho tâm hồn người yêu (con người) không bao giờ có thể thoả mãn hoàn toàn, vì khả năng của linh hồn con người có giới hạn.
– Thêôđôrêtô Cyrus (393-457)
Thêôđôrêtô, giám mục Cyrus, đã cố gắng chứng minh một cách có phương pháp rằng, sách Tình ca được viết như một câu chuyện phúng dụ, và do đó độc giả cần tiếp cận theo lối phúng dụ. Dưới cái nhìn của ông, chính vị trí của Tình ca giữa các quyển Sách thánh khác đã ảnh hưởng đến việc giải thích bản văn. Phương pháp tối ưu là cần tìm kiếm cái mà ông gọi là “các kiểu diễn đạt phù hợp với Sách thánh” (tês theias graphês ta idiômata), nghĩa là những đặc tính thiết yếu của văn phong Sách thánh. Và ông cho thấy, phép ẩn dụ là hình thái phổ biến trong Kinh Thánh. Ông thường chọn các sách ngôn sứ để làm ví dụ, nhất là chương 16 của sách Êdêkien, vì các sách này ghi lại lịch sử của Israel trong tương quan với Thiên Chúa của họ dưới phép ẩn dụ về mối quan hệ hôn nhân đầy sóng gió. Tuy nhiên, không ai đạt được những ý tưởng như thế khi đọc các bản văn này nếu không xem chúng dưới nhãn quan phúng dụ, và đối với Tình ca thì cũng không ngoại lệ. Nơi Tình ca, Thêôđôrêtô cho rằng nhân vật nam chính đại diện cho Thiên Chúa, còn cô gái trẻ là Israel hoặc Hội thánh. Với ông, chỉ có lối đọc phúng dụ mới phù hợp với bản chất của sách Tình ca và cho phép độc giả hiểu được điều Thánh Linh muốn nói. Nếu bất kỳ lối giải thích nào không đạt tới cấp độ đó thì không xứng đáng với sách này, một quyển Sách thánh của Thiên Chúa. Điểm thú vị nơi vị giám mục Cyrus là: ông thuộc trường phái Antiôkia nhưng mâu thuẫn với chính tôn sư của mình (Thêôđôrê Mopsuestia), và lại có sự nối kết với Origène thuộc trường phái Alexandria đối nghịch.
Thật vậy, quan điểm xem nhẹ và giảm thiếu khía cạnh tính dục của con người, vốn rất phổ biến lúc bấy giờ, đã thổi bùng ngọn lửa giải thích Tình ca theo chiều hướng phúng dụ. Cũng vì thế mà có rất ít tiếng nói bất đồng trong một thời gian dài. Sự hưng thịnh của lối giải thích này là điều không ai có thể chối cãi. Và hệ quả của nó là việc người ta coi nhẹ đời sống hôn nhân. Không ít nhà thần học thật sự tán đồng quan điểm cho rằng mục đích duy nhất của sự giao hợp vợ chồng là để sinh con cái, và trước khi Ađam sa ngã, sự giao hợp này thậm chí chẳng cần thiết.[28]
b. Sự tiến triển của các lối giải thích phúng dụ
Các biến thể khác của lối giải thích phúng dụ trong dòng lịch sử, tính cho đến ngày nay, đã có những điểm khác biệt so với kiểu giải thích cổ điển vốn cho rằng các nhân vật trong sách đại diện cho Chúa Kitô và Hội thánh. Chúng ta lần lượt điểm qua các quan điểm nổi bật:
– Hiền thê là Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu. Học giả đầu tiên ở thời Trung cổ áp dụng một lối chú giải thấu đáo về Đức Maria đối với sách Tình ca là Rupertus von Deutz, hay Tuitiensis († 1129), người đã phát triển một lối tiếp cận đã được thánh Ambrôsiô khởi xướng trước đó. Theo Rupertus, người nữ trong Tình ca chính là hình ảnh của Đức Maria sau này, một nhân vật tiêu biểu nhất của Hội thánh thời Tân Ước (x. PL 168, 837-962). Thật vậy, trong phong trào Maria-luận của Công giáo Rôma, hiền thê trong Tình ca đôi khi được hiểu theo nghĩa phúng dụ là Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu. Chẳng hạn, câu: “Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp, nơi nàng chẳng một chút vết nhơ” (4,7) được sử dụng để ủng hộ đạo lý về sự thụ thai trinh khiết của Đức Mẹ.
Các thế hệ Tin lành đầu tiên đã chọn lối tiếp cận lịch sử Giáo hội (như sẽ trình bày bên dưới) khi đọc Tình ca, và diễn giải hình ảnh hiền thê tượng trưng cho linh hồn con người hoặc với chính Đức Trinh nữ Maria. Còn trong thần học Công giáo, Michele Ghislieri, O.P. (về sau là Giáo hoàng Piô V) đã giải thích cuốn sách như một vở bi kịch phúng dụ về mầu nhiệm nhập thể, trong đó hiền thê được đồng hóa với Đức Maria.[29]
Về sau, quan điểm này đã được phú cho một động lực mới qua các nghiên cứu của P. Alfonso Rivera, một người dường như đã liên kết quan điểm phúng dụ về Hội thánh với Đức Maria. Tác giả cho rằng những gì là đúng về Giáo hội thì cũng đặc biệt đúng về Đức Mẹ, người có mối liên hệ đầy vinh dự với Giáo hội.[30]
– Hiền thê như là một vương quốc dưới sự cai trị của vua Salômôn. Martin Luther (1483-1546) cho rằng Tình ca là cuốn sách “vừa non nớt vừa lạ lùng” và ý định của ông khi diễn giải sách này qua 24 bài giảng trên lớp tại Wittenburg từ 1530-1531 đó là “để nắm bắt theo nghĩa đơn giản nhất và hiểu được nhân vật thật sự của cuốn sách.”[31] Theo ông, Tình ca có mục đích cơ bản là “hướng dẫn chúng ta bằng giáo huấn hữu ích cho đời sống, và thứ đến là hướng dẫn với những lời ủi an.”[32] Cũng trên cơ sở đó, ông bác bỏ quan điểm cho rằng cuốn sách chỉ là những lời bài hát yêu đương tình ái, được vua Salômôn sáng tác trong cuộc hôn nhân với con gái Pharaoh.
Ông đưa ra lý thuyết cho rằng nhân vật nam chính của cuốn sách là hình bóng của Thiên Chúa hoặc Ngôi Lời. Hiền thê được tuyển chọn là thần dân trong vương quốc thái bình thịnh vượng dưới sự cai trị của vua Salômôn, và phần nào đó cũng đại diện cho Hội thánh đã được kết hôn với Chúa Kitô. Mặt khác, cuốn sách cũng là một bài thánh thi vua Salômôn tạ ơn Thiên Chúa vì phần lãnh thổ mà mình được cai trị, một ân ban thần linh. Ông lý giải quan điểm của mình bằng cách kết nối mục đích của ba quyển sách: Châm ngôn, Giảng viên và Tình ca. Nếu sách Châm ngôn chỉ dẫn cách chung cho dân Israel những vấn đề liên quan tới lòng đạo đức, mực thước trong gia đình, thì Giảng viên và Tình ca hướng tới các vấn đề lớn hơn liên quan tới vương quốc (state). Cụ thể, Tình ca là một tập thơ về trật tự chính trị, trong đó vua Salômôn ca ngợi chính phủ của ông để đáp lại tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho: “Vua tạ ơn Chúa về phúc lành cao trọng nhất, đó là thái bình ở bên ngoài. Vua làm điều này như một tấm gương cho giới đàn ông, để họ học biết cách tạ ơn Thiên Chúa, biết nhìn nhận phúc lộc cao trọng nhất Người ban cho, biết cầu nguyện để sửa chữa khi có điều chi đáng chê trách xảy ra trong vương quốc.”[33]
Cũng nên biết thêm là nhánh Tin lành Geneva (Jean Calvin [† 1564], Theodorus Beza [† 1605],…) đã không chọn theo hướng này nhưng trung thành với quan điểm truyền thống: Tình ca là lời ngôn sứ về cuộc hôn nhân giữa Chúa Kitô và Hội thánh.
– Trình thuật ngôn sứ về lịch sử Giáo hội. Đây cũng là quan điểm do các tác giả Tin lành khởi xướng. Quan điểm này được ủng hộ mạnh mẽ nơi nhóm Tin lành hệ Thanh giáo ở Anh (Puritan divines): Thomas Brightman[34] († 1607) và John Cotton[35] († 1652). Tại Đức, có thể nhắc tới Johannes Cocceius[36] († 1669), một người theo lý thuyết liên bang (federalist). Ông trình bày cuốn sách như một trình thuật ngôn sứ về các giao dịch và sự kiện sắp diễn ra trong Giáo hội. Các phần của cuốn sách tương ứng với các giai đoạn lịch sử Giáo hội, tương ứng với bảy tiếng kèn và bảy ấn trong sách Khải huyền của thánh Gioan… Sự diễn giải này trở nên đặc biệt đầy đủ và chi tiết với cuộc Cải cách và đạt đến đỉnh điểm với chiến thắng trong tương lai của đạo Tin lành trên Kitô giới.[37]
– Quan điểm hôn nhân huyền bí. Đây là quan điểm thuộc thần học huyền bí Công giáo Rôma vào thế kỷ XVI. Theo đó, sách Tình ca dạy về “hôn nhân huyền bí” của sự kết hiệp giữa linh hồn với Thiên Chúa khi sự “ý thức về tình yêu của Thiên Chúa” trở nên rất siêu việt và thường trực.[38] Khi trải qua hàng loạt tình trạng huyền bí để hiểu được thế nào là “ý thức về tình yêu của Thiên Chúa”, linh hồn sẽ đạt tới đỉnh điểm là sự “kết hôn huyền bí” mà trong đó linh hồn được hòa mình vào tình yêu của Người và được thanh tẩy khỏi mọi thứ tình yêu chỉ vì bản thân mình. Các tác giả phát triển quan điểm này là: Têrêsa Avila (Conceptos del Amor de Dios sobre algunas Palabras de los Cantares) và Gioan Thánh giá (Cantico Espiritual), những người tiêu biểu cho truyền thống “kết hôn thiêng liêng” giữa linh hồn cá nhân với Chúa Kitô.
– Quan điểm Thánh Thể. Quan điểm này có thể được xem là một biến thể của quan điểm hôn nhân huyền bí. Theo đó, Tình ca đề cập đến sự kết hiệp huyền bí giữa linh hồn và Thiên Chúa diễn ra trong lúc Hiệp lễ.[39]
3. Lối tiếp cận tiên trưng
Từ giữa thế kỷ V, lối tiếp cận tiên trưng bắt đầu bùng nổ. Đa số các tác giả chọn cách giải thích Tình ca theo lối tiên trưng vốn bén rễ từ quy điển Thánh Kinh, vì đây là bối cảnh mà cuốn sách có thể bộc lộ tất cả các ý nghĩa ngoài nghĩa văn tự rất còn nông cạn lúc bấy giờ. Lối tiếp cận tiên trưng cho thấy sự nối kết giữa Tình ca với cấp độ ứng nghiệm cao hơn nơi Đức Kitô và Hội thánh (hoặc Đức Kitô và người tin) nhưng theo cách thức khác hơn một chút so với lối giải thích phúng dụ truyền thống. Theo đó, có một sự khẳng định chắc chắn về bối cảnh lịch sử của Tình ca, mặc dù xét cho cùng, nó cho thấy một cấp độ ý nghĩa cao hơn. Tình ca là một bài thơ dựa trên một tình tiết lịch sử có thật trong cuộc đời vua Salômôn với một thiếu nữ Shulammite.
Trong khi quan điểm phúng dụ truyền thống phủ nhận hoặc bỏ qua lịch sử tính hay sự thật của trình thuật Cựu Ước và áp đặt một ý nghĩa thiêng liêng, tiềm ẩn và sâu xa hơn trên bản văn Tình ca, thì quan điểm tiên trưng nhìn nhận giá trị của trình thuật Cựu Ước theo đúng nghĩa của nó, và tìm thấy trong trình thuật này một sự liên kết rõ ràng và song song với một vài sự kiện hay giáo huấn trong Tân Ước mà trình thuật Cựu Ước đã báo trước.[40] Theo quan điểm tiên trưng, bối cảnh lịch sử được nhìn nhận xứng đáng. Sự tương ứng giữa câu chuyện và sự ứng nghiệm sau cùng của nó cũng không cần phải quá “chặt chẽ” như trong lối giải thích phúng dụ.
Lối lý giải tiên trưng vẫn dựa trên ý tưởng cho rằng mẫu (type) và đối-mẫu (antitype) không hoàn toàn trùng khớp;… thiên đàng tuy ghi dấu chính nó trong trần gian, nhưng đồng thời cũng vô cùng khác biệt với trần gian. Bên cạnh đó, việc chú giải lịch sử – đạo đức được coi như là công việc thích hợp của một nhà chú giải. Nhưng bởi vì vua Salômôn là một kiểu mẫu (vaticinium reale) của vua Đavít – hiểu theo nghĩa thiêng liêng – trong sự vinh hiển của ông, còn trần gian thì yêu hình bóng của thiên đàng, và Tình ca là một phần của lịch sử thánh thiêng và là quyển Sách thánh nằm trong quy điển, cho nên chúng ta sẽ không bỏ qua một chút nào việc chỉ ra rằng tình yêu tồn hữu giữa Đức Kitô và Hội thánh đã được tiên báo trong đó.[41]
Tác giả Merrill Frederick Unger († 1980) bảo vệ lối tiếp cận này qua việc lưu ý rằng, sự lý giải tiên trưng có thể được tìm thấy ở những chỗ khác trong Kinh Thánh, đặc biệt liên quan tới vấn đề hôn nhân:
Quan điểm tiên trưng rất nổi bật trong Kinh Thánh. Cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, mối quan hệ giữa Đức Chúa và dân Người đều được minh họa dưới hình ảnh hôn nhân. Israel là hiền thê của Giavê (Hs 2,19-23), nhưng vì tội lỗi và sự bất tín của hiền thê nên đã dẫn tới sự chia lìa mà vẫn chưa được phục hồi (Is 54,5; Gr 3,1; Hs 1-3) trong vinh quang và ân sủng tuyệt hảo. Chúng tôi tin đó là một khía cạnh của tình yêu hỗ tương được nêu bật trong Sách thánh. Mặt khác, Hội thánh Kitô giáo được giới thiệu như một trinh nữ đã được Đức Kitô cưới về (2 Cr 11,2; Ep 5,23-32; Kh 19,6-8) và cũng được phản chiếu một cách tiên trưng như là một phần của những kẻ được cứu chuộc.[42]
Trong Kinh Thánh, có một số chỗ cho thấy sự ứng nghiệm tiên trưng, và một số câu hay đoạn văn có thể là sự ứng nghiệm tiên trưng – ngôn sứ (Tv 22). Chẳng hạn, vua Salômôn được xem như một hình mẫu của Đức Kitô (2 Sm 7,12-17; 23,1-7; Tv 72; Mt 12,42). Quan điểm tiên trưng có một số đòi hỏi về tính chính thống, vì thế chắc chắn quan điểm này khả thi hơn quan điểm phúng dụ truyền thống vì thực tế nó có những ràng buộc nhất định. Tuy nhiên, vấn đề không phải là liệu lối tiếp cận tiên trưng có hợp lý hay không, mà là liệu Tình ca có nên được giải thích theo lối này hay không. Các học giả cho rằng, bản thân bản văn Tình ca không chứa đựng dấu hiệu cho thấy nó cần được hiểu theo lối tiên trưng, cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào trong Tân Ước cho thấy Tình ca cần được lý giải và áp dụng theo lối Kitô học. Do đó, nếu lý giải Tình ca theo quan điểm tiên trưng thì đó là lựa chọn của nhà chú giải chứ không phải bản văn Kinh Thánh tự đề nghị như thế.[43]
4. Nhận định chung về lối giải thích phúng dụ
Những người đề xướng phương pháp phúng dụ cho rằng Kinh Thánh có sử dụng phương pháp phúng dụ ở những chỗ khác (chẳng hạn: Tv 45 và Is 51,1-17). Ngoài ra, ở những chỗ ngoài Tình ca, Kinh Thánh cũng sử dụng mối quan hệ hôn nhân để vẽ nên một chân lý thiêng liêng hơn, như có thể thấy nơi các ngôn sứ khi mà mối quan hệ hôn nhân mang đặc tính loại suy từ vị thế của Giavê đối với Israel (Is 54,6; 61,10). Tác giả Clarence Hassell Bullock (sinh 1939) chỉ ra rằng, sách Tình ca có nhiều biểu tượng và hình ảnh diễn đạt, cho nên ý nghĩa phong phú của các biểu tượng có xu hướng đẩy nhà chú giải đi theo hướng phúng dụ hoặc tiên trưng, bởi vì ý nghĩa này dường như sẽ không được khai thác cặn kẽ nếu áp dụng kiểu lý giải theo nghĩa văn tự.[44]
Tuy nhiên, nội dung Tình ca không ngụ ý nó phải được giải thích theo nghĩa phúng dụ hay tiên trưng. Sự có mặt của các hình ảnh diễn đạt không cho phép nhà chú giải xử lý bản văn theo phương pháp này một cách vô chừng mực. Tác giả Dennis Franklin Kinlaw († 2007) lưu ý cuốn sách nhỏ này không có một cốt truyện tiến triển rõ ràng, điều mà nhà chú giải thường mong đợi trong phương pháp phúng dụ.[45] Đúng hơn, cuốn sách dường như nói về một giai đoạn lịch sử trong cuộc đời vua Salômôn, điều có lẽ cần được hiểu theo nghĩa văn tự. Mặt khác, như Gleason Leonard Archer Jr. († 2004) đã lưu ý, vua Salômôn với hậu cung to lớn của mình chỉ cho thấy một sự tương đồng tồi tệ với Chúa Giêsu Kitô mà thôi.[46] Lối giải thích phúng dụ sách Tình ca có thể hấp dẫn đối với trí tưởng tượng của rất nhiều nhà chú giải, tuy nhiên nó không phù hợp với lối thông diễn ngữ pháp – lịch sử – bối cảnh.
Tóm lại, lối đọc phúng dụ không thể giúp độc giả nắm bắt hết ý nghĩa trong Tình ca vì bỏ qua các ý nghĩa hàm ẩn nơi tình yêu nam nữ của con người. Mặt khác, tại sao cuốn sách không hề nhắc tới danh Thiên Chúa (trừ đoạn 8,6) mặc dù người ta nói về tình yêu của Người dành cho Israel? Thật vậy, xem ra lối tiếp cận này vẫn chứa đựng những lý giải hão huyền thiếu khách quan. Chẳng hạn, Archer cho rằng 80 phi tần trong 6,8 được lý giải như 80 lạc giáo có ý định gây tai họa cho Giáo hội; tuy nhiên cách lý giải này không có chứng cớ trong thực tế.[47] Hay như chỗ: bộ ngực của hiền thê trong 4,5 và 7,8 được lý giải theo nhiều hình ảnh khác nhau: Hội thánh, nguồn mạch nuôi dưỡng chúng ta; hai giao ước Cũ và Mới; giới luật song sinh về yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận; Máu và Nước; Grêgôriô Nyssa tìm thấy trong đó con người bên trong và con người bên ngoài, kết hiệp trong một hữu thể duy nhất có tình cảm,…[48] Vậy đâu mới là giải thích hợp lý nhất?
Lối giải thích này lại càng bị đặt vấn đề khi về sau người ta khám phá tường tận một nền văn chương tình yêu trong bối cảnh vùng Cận đông cổ với những lời tương tự như trong sách Tình ca, nhưng không có ý nghĩa phúng dụ. Chúng ta sẽ trở lại điểm này ở phần sau.
B. Lối giải thích Văn tự
Chúng ta bước sang một lối giải thích khác cũng rất đặc trưng, có nhiều biến thể và nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong dòng lịch sử. Nếu các lối giải thích phúng dụ và tiên trưng quan tâm đến ý nghĩa thiêng liêng vượt khỏi mặt chữ, thì lối giải thích văn tự chú ý tới chính mặt chữ của bản văn. Chúng ta biết rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản của thông diễn học là nên chọn ý nghĩa thông thường, rõ rệt, dễ hiểu nơi mặt chữ đối với bất kỳ đoạn văn nào, trừ khi có những chi tiết buộc chúng ta phải hiểu theo lối khác.
Theo nghĩa văn tự, lối hiểu Tình ca phổ biến nhất là xem cuốn sách như mối quan hệ tình ái lãng mạn của cặp đôi đang yêu. Lối tiếp cận này nhìn nhận cuốn sách tựa như một bản tình ca mà người nam dành cho người nữ. Tình ca được giới thiệu như một chú giải, triển khai các chương đầu của sách Sáng thế khi diễn tả tình yêu giữa một người nam và một người nữ trong bầu khí tự do bình đẳng, người này ở trước mặt người kia và hiện hữu cho người kia. Đó là một thứ tình yêu mà những gì thuộc xác phàm bỗng trở nên thiêng liêng, thiêng liêng trở nên xác phàm.[49]
Trước khi đi vào các lối giải thích văn tự, chúng ta sơ lược quan điểm của giám mục Thêôđôrê ở Mopsuestia. Ông là tác giả tiêu biểu nhất chọn theo lối giải thích này vào thời kỳ sơ khai. Lối giải thích văn tự của ông giảm thiểu tối đa ơn linh hứng trong cuốn sách.
1. Thêôđôrê Mopsuestia (350-428)
Thêôđôrê là giám mục Mopsuestia ở Cilicia từ năm 392-428. Ông là một trong những người đứng đầu trường thần học Antiôkia, rất có thế giá. Vào thời Hội thánh sơ khai, Thêôđôrê là người quan tâm nhiều nhất đến lối tiếp cận văn tự đối với sách Tình ca. Cho đến hôm nay, các học giả cho rằng Thêôđôrê không viết một tác phẩm nghiên cứu toàn diện nào về sách này. Quan điểm của ông chỉ được bộc lộ trong các trích dẫn của các lá thư gửi cho bạn bè, và những lá thư này được lưu giữ như chứng cớ cáo buộc ông tại Công đồng Constatinopolis II.[50] Trong các trích dẫn ấy, ông mạnh mẽ bác bỏ quan điểm cho rằng Tình ca nên được hiểu như là lời ngôn sứ của vua Salômôn về mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh. Thay vào đó, cùng lắm nó chỉ như một tác phẩm mang tính giáo huấn hay hộ giáo mà thôi. Cuốn sách tựa như một bản tình ca thế tục miêu tả tình yêu của vua Salômôn dành cho cô con gái da đen của Pharaoh đã kết hôn rồi. Cũng vì thế mà Thêôđôrê nghĩ rằng bài ca thế tục này không xứng đáng nằm trong quy điển.[51]
Tuy nhiên, lối tiếp cận văn tự của Thêôđôrô Mopsuestia dường như bị cô lập trong bức tranh toàn cảnh của các lối tiếp cận thiêng liêng vốn dựa vào các ý nghĩa tiên trưng và phúng dụ và khai thác các chi tiết của bản văn theo những ngữ nghĩa khác nhau. [52] Những lối tiếp cận ấy đã lấn át quan điểm của Thêôđôrê, và Công đồng Constantinopolis II (553) kết án quan điểm của ông là lạc giáo.[53] Sự kết án này đã phủ bóng đen lên lối tiếp cận văn tự, do đó nó hầu như không được chú ý qua nhiều thế kỷ.
Về sau, cũng có tác giả nhìn thấy quan điểm của Thêôđôrô đúng với thực tế, vì sách Tình ca chưa bao giờ được đọc công khai trong các hội đường hoặc nhà thờ mãi cho đến thế kỷ VIII. Nó chỉ được đọc vào dịp lễ Vượt qua mà thôi, một dịp lễ tựa như một thực hành cổ xưa.[54] Vào thế kỷ IX, một giám mục người Syria tên là Isho‘dad ở Hedatta († 872) lên tiếng bảo vệ Thêôđôrê và các môn đệ ông vì cho rằng quan điểm liên kết sách Tình ca với con gái vua Pharaoh là đúng. Thế kỷ XVII, Erasmus trở lại với lối thông diễn dựa trên “nghĩa bề mặt” theo lịch sử – ngữ pháp của bản văn Kinh Thánh, gây ra ảnh hưởng trong giới nghiên cứu. Vào thời hiện đại, quan điểm văn tự hồi sinh, thấy rõ nơi các tác giả Moses Mendelssohn († 1786) và Christian D. Ginsburg († 1941). Ginsburg tuy đưa ra giả thuyết về nhân vật thứ ba làm nghề chăn chiên nhưng phần kết luận lại dựa trên lối giải thích văn tự, như chúng ta sẽ phân tích sau đây. Theo đó, mục đích của cuốn sách không phải để ca ngợi tình yêu cho bằng ghi lại tấm tương về đức hạnh.
2. Lối tiếp cận bi kịch
Robert Lowth († 1787)[55], về sau trở thành giám mục Anh giáo ở Luân đôn, đã có nhiều đóng góp cho việc giải thích Tình ca trong thế kỷ XVIII. Lowth chú ý vào thể loại văn chương, phong cách trình bày cũng như các chủ đề điền viên của Tình ca, dựa trên việc đối chiếu với các nguồn Hy-lạp và Rôma cổ điển. Nói cách khác, ông đã tái lập quan điểm của Origène khi cho rằng cuốn sách cần được hiểu như một vở bi kịch còn thiếu sót (tức không mang tính sân khấu và thiếu cốt truyện mạch lạc). Vở bi kịch này gồm các cuộc đối thoại với cấu trúc lỏng lẻo và các đoạn độc thoại trữ tình. Nhưng dầu sao, cuốn sách vẫn mang một hàm nghĩa dụ ngôn (parabola) khi diễn tả bức chân dung tình yêu hỗ tương giữa Đức Kitô và Hội thánh.
Trong quan điểm xem Tình ca như một vở bi kịch (drama), một số tác giả cho rằng có ba nhân vật chính trong vở kịch, nhưng cũng có người cho là chỉ có hai thôi. Lý thuyết ba nhân vật xuất hiện trước tiên.
a. Lý thuyết ba nhân vật
Có lẽ người đầu tiên đề xuất lý thuyết ba nhân vật là học giả Do-thái Ibn Ezra vào khoảng thế kỷ XII mặc dù ông vẫn chọn tiếp cận Tình ca theo lối phúng dụ. Tuy nhiên, điểm nhấn thật sự của nó xảy ra vào cuối thế kỷ XVIII, khi Johann Friedrich Jacobi khởi đầu công việc giải thích cuốn sách theo hướng bi kịch một cách toàn diện. Ông đặt ra một cốt truyện tập trung vào những nỗ lực vô ích sau cùng của vị vua chuyên chế Salômôn trong việc cạnh tranh với một người chăn chiên khiêm hạ để giành lấy thiếu nữ Shulammite xinh đẹp.[56]
Lý thuyết ba nhân vật đã được tranh luận sôi nổi trong thế kỷ XIX. Georg Heinrich von Ewald,[57] một học giả người Đức, đã phổ biến quan điểm cho rằng chìa khóa để hiểu được Tình ca là nhận ra ba nhân vật chính trong cuốn sách: vua Salômôn, thiếu nữ Shulammite và một người chăn chiên tầm thường. Theo ông, thiếu nữ Shulammite đem lòng yêu thương người bạn chăn chiên, và sự căng thẳng trong cuốn sách bắt nguồn từ việc vua nỗ lực chiếm đoạt cô. Nhà vua đã dùng vũ lực để bắt cô về cung, nhưng khi cô từ chối sự tiến cung ấy thì vua cho phép cô trở về nơi sinh sống của người tình thôn quê của cô.[58] Tác giả Jacobi thì cho rằng, mục đích của Tình ca là để ca ngợi lòng chung thủy của một tình yêu đích thực, và thiếu nữ Shulammite là nhân vật nữ chính của cuốn sách vì đã giữ lòng chung thủy với người chồng chăn chiên khiêm hạ. Tác giả Pope giải thích lập trường của Jacobi như sau: “Vua Salômôn say mê nhan sắc của cô thiếu nữ và cố gắng thuyết phục nàng lìa bỏ chồng để vào hậu cung hoàng triều. Vua đã dụ dỗ nàng bằng mọi thứ xa hoa lộng lẫy của triều đình. Tuy nhiên, cô từ chối tất cả mọi cám dỗ và vẫn giữ lòng chung thủy với người chồng khiêm hạ.”[59]
Một trong những chú giải đáng chú ý nhất kể từ thế kỷ XIX thuộc về tác giả Christian D. Ginsburg. Ông chịu ảnh hưởng lớn bởi lối chú giải của Jacobi. Ông cho rằng Bài ca ghi lại câu chuyện có thật của một người phụ nữ khiêm hạ và đức hạnh. Sau khi kết hôn với một người đàn ông cũng khiêm hạ như thế, cô chịu nhiều cám dỗ lìa bỏ chồng để yêu một người đàn ông khôn ngoan bậc nhất, giàu có bậc nhất. Nhưng cô đã chiến thắng mọi cám dỗ để giữ lòng chung thủy với chồng, và sau cùng cô được khen thưởng vì đức tính chung thủy của mình.[60] Lối giải thích này càng trở nên phổ biến khi được S. R. Driver áp dụng từ năm 1891.[61]
Tuy nhiên, quan điểm bi kịch gặp phải khó khăn khi tìm cách xác định lúc nào thì hiền thê nhắm vào vua Salômôn, khi nào thì nhắm vào chồng? Một số tác giả cho rằng, lúc hướng đến chồng là những lúc có kiểu diễn đạt “tình cảm mặn nồng”, còn những chỗ diễn từ trang trọng thì hướng đến nhà vua. Còn sự ngưỡng mộ dành cho hiền thê trong chương 4 được cho là của cả hai người đàn ông: nhà vua (4,1-7) và người chồng chăn chiên (4,8-15).[62]
Như vậy, “giả thuyết về người chăn chiên” giúp lý giải tại sao bạn tình lại được khắc họa trong vai trò mục tử, và tại sao bài thơ kết thúc ở khung cảnh vùng đất phía bắc. Dù sao, vẫn có những nhà phê bình nghi ngờ về tính hợp lý của quan điểm này. Trước tiên, quan điểm trình bày một bức tranh về nỗ lực dụ dỗ của nhà vua, vì thế mà nhân vật này được khắc họa trong vai phản diện của câu chuyện. Thứ đến, rất khó để lần theo bất kỳ sự tiến triển có tính thuyết phục nào của cốt truyện. Thứ ba, không có chứng cớ nào trong bản văn cho phép chỉ ra sự thay đổi của hai nhân vật nam. Thứ tư, người ta cũng không chắc liệu một kẻ chăn chiên người Do-thái có đủ khả năng lo liệu những thứ xa xỉ được đề cập trong một số đoạn văn quy cho anh ta hay không. Thứ năm, nếu giả định vua Salômôn là một người chăn chiên thì cũng không có vấn đề gì, vì vua sở hữu nhiều đàn chiên (Gv 2,7).[63]
b. Lý thuyết hai nhân vật
Theo tác giả Franz Delitzsch († 1890), Tình ca là một vở bi kịch khắc họa vua Salômôn phải lòng một thiếu nữ Shulammite. Nói cách khác, Tình ca là một kịch bản mà lúc đầu có mục đích để diễn hay để hát. Theo ông, vở kịch này gồm sáu màn (act), mỗi màn có hai cảnh (scene)[64], trong đó vua Salômôn đưa cô gái vào cung điện của mình ở Giêrusalem, nơi tình cảm của vua được thanh tẩy từ ham muốn nhục dục sang tình yêu thanh khiết. Vì thế mà Delitzsch đã bác bỏ “giả thuyết về người chăn chiên” cũng như những ai cho rằng hiền thê là con gái của Pharaoh. Hiền thê ở đây là một thôn nữ ở vùng hẻo lánh xứ Galilê, xa lạ với các cô gái Giêrusalem. Nàng là nữ chính của câu chuyện dù chỉ là một thiếu nữ khiêm hạ.
Thiếu nữ Shulammite là hình mẫu về một cô gái có lòng tận tụy, khiêm hạ, giản dị chất phác, trong trắng và cũng khôn ngoan, bộc trực. Nàng như bông huệ ngoài đồng, được điểm trang lộng lẫy hơn những gì nhà vua có thể mang lại cho nàng. Thật thế, độc giả sẽ không thể hiểu được sách Tình ca nếu không thấy rằng, những gì hiện ra trước họ không chỉ là sự cuốn hút bề ngoài của thiếu nữ Shulammite, mà còn có mọi đức tính vốn đã làm cho nàng trở thành hình mẫu lý tưởng của tất cả những gì là dịu dàng nhất và cao quý nhất ở nơi người phụ nữ. Đó là những đức tính trong cả lời nói lẫn sự im lặng, hành động và chịu đựng, vui thú và hy sinh; cách cư xử trong tư cách là người đã hứa hôn, cô dâu, người vợ; thái độ đối với thân mẫu, em gái và các anh em trai… tất cả mang lại cho nàng ấn tượng về một tâm hồn tuyệt mỹ trong một thân xác được thành hình từ bụi hoa.[65] Như thế, phải chăng nét đẹp của người thiếu nữ Shulammite đã phần nào làm cho sự say đắm của vua Salômôn dần đi đến một tình yêu thanh khiết?
Tuy nhiên, điều xem ra nghịch lý là Delitzsch cũng đi theo lối tiếp cận tiên trưng khi cho rằng cuốn sách khắc họa sinh động mầu nhiệm tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh. Bởi lẽ nếu hiền thê là người đã làm cho nhà vua nhận ra tiêu chuẩn lớn hơn của tình yêu, thì làm sao cuốn sách có thể tiên trưng cho Đức Kitô và Hội thánh được, vì Đức Kitô luôn có một tình yêu lớn hơn mọi thụ tạo, đã đong đầy đến nỗi không có thứ gì có thể làm cho tình yêu nơi Người to lớn thêm?
Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác giả khác không chấp nhận lập luận cho rằng Tình ca thật sự là một vở bi kịch. Chẳng hạn, theo tác giả Dennis Franklin Kinlaw, cuốn sách chẳng có sự chỉ dẫn diễn xuất nào, thiếu sự thống nhất về số lượng nhân vật hoặc bảng phân chia ai sẽ nói gì, thiếu các dấu hiệu rõ ràng để phân thành các màn và cảnh, và thực tế là hình thức kịch nghệ không thật sự phổ biến ở phương Đông.[66] Theo Gordon Lloyd Carr (sinh 1930), hiếm có bất kỳ sự diễn tiến nào trong mạch truyện mà người ta có thể mong đợi đó là một vở kịch, mặc dù vẫn có những xung đột và sự giải quyết các xung đột đó (ví dụ ở 3,1-4; 5,2-7): “Các diễn từ dài dòng, thiếu diễn tiến của nhân vật, thiếu một cốt truyện phát triển đến cao trào kịch tích cũng như việc giải quyết nó ra làm sao, tất cả những điều này phản đối việc xem Tình ca như một ‘vở bi kịch’”.[67]
3. Lối tiếp cận giấc mơ
Một vài học giả khẳng định rằng, phần lớn sách Tình ca có thể chỉ như một giấc mơ hơn là phản ánh kinh nghiệm thực tế. Quan điểm này dựa trên một số tham chiếu liên quan tới giường nằm, giấc ngủ và sự tỉnh thức. Chẳng hạn: “Suốt đêm, trên giường ngủ, tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.” (3,1); “xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu” (3,5); “Tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức” (5,2). Hay như những hồi tưởng ở các đoạn 2,3-7 và 8,5 hoặc 2,16-17 và 7,11. Trong những sự hồi tưởng và giấc mơ như vậy, các nhân vật chính trong cuốn sách nhớ lại những ngày khởi đầu của đời sống hôn nhân.
Lý thuyết về giấc mơ được đề xuất khoảng năm 1813 bởi một linh mục Công giáo, Johann Leonhard von Hug († 1846).[68] Tuy nhiên, ông đã đưa lý thuyết này tiến thêm một bước khi cho rằng nó chứa đựng một âm mưu chính trị. “Cô gái chăn chiên trong giấc mơ đại diện cho mười chi tộc phía Bắc, dân Israel, và nỗi trăn trở trong mơ là niềm khao khát của cô muốn được tái hợp với vua Giuđa để hình thành một vương quốc Salômôn mới.”[69] Như vậy, theo quan điểm này, lang quân được cho là vua Khít-ki-gia (k. 716-687) còn hiền thê là mười chi tộc phía Bắc.
Năm 1948, Solomon Bennett Freehof († 1990) cũng đi đến kết luận Tình ca phản ánh một giấc mơ, mặc dù ông không chấp nhận lý thuyết của Johann Leonhard von Hug về một âm mưu chính trị. Freehof cho rằng đoạn văn 5,2 là khìa khóa để hiểu toàn bộ cuốn sách.[70]
Gần đây, đoạn văn 2,8–8,4 được cho là có ý tưởng rõ ràng về một giấc mơ hơn cả, vì người ta thấy phần điệp khúc ở 2,7 và 8,4. Cuốn sách mở đầu với tình trạng hôn nhân của vua Salômôn và thiếu nữ Shulammite, cô gái ấy sợ hãi và bất an trong môi trường sống mới. Còn phần giấc mơ ra như để gột rửa mối quan hệ yêu đương này vì nó thuật lại những khoảnh khắc cốt yếu trong mối quan hệ ấy (bao gồm cả buổi lễ cưới). Phần cuối của cuốn sách, đoạn văn 8,5-14, được xem là phần sau giấc mơ. Phần này tựa như một cuộc đối thoại về tình yêu và tín thác. Những lời tuyên bố về tình yêu của người thiếu nữ (2,16; 6,3; 7,10) cho thấy sự tiến triển trong tính cách và sự trưởng thành trong tình yêu của cô. Theo quan điểm giấc mơ, cuốn sách đổ lỗi cho hiền thê vì cô mắc bệnh ghen tương, và căn bệnh ấy cần được tình yêu của vua Salômôn chữa trị bằng sự hợp nhất và thanh tẩy.
Dù sao đi nữa lý thuyết giấc mơ cũng có những hạn chế, tiên vàn là tính mới lạ của nó. Chúng ta có thể nêu lên vài điểm phê bình như sau: Trước hết, không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy phần lớn cuốn sách là một giấc mơ. Thứ hai, mục đích của cuốn sách phải được xem xét tổng thể dựa trên bài học và kết luận ở chương 8, vì trong chương này, hiền thê xuất hiện như một “người mang đến các bài học” và là nhân vật nữ chính của cuốn sách (điều này cũng giả định vua Salômôn mới là người có vấn đề lớn hơn). Tuy nhiên, như đã nói, có thể đoạn văn 3,1-5 và 5,2-8 thực sự tương ứng với các giấc mơ, vì thế bất kỳ phân tích nào về Tình ca cũng nên cân nhắc điểm này.
4. Lối tiếp cận thần thoại – tín ngưỡng
Vào đầu thế kỷ XX, một số học giả cho rằng, Tình ca có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ cúng phồn thực (fertility worship) của ngoại giáo. Theo quan điểm này, cuốn sách thật sự không nói gì tới tình yêu con người, mà là sự tôn vinh hôn lễ thánh thiêng giữa một nữ thần trong thân phận một nữ thầy cúng với nhà vua, hoặc kỷ niệm về sự chiến thắng của thánh vương trước cái chết và hạn hán. Do đó, nguồn gốc của cuốn sách có thể nằm trong thần thoại và nghi lễ của người Canaan, trong đó mỗi hành vi quan hệ tình dục của một nữ thần với tình nhân của bà sẽ hồi phục khả năng sinh sản và phúc lộc cho lãnh thổ.[71]
Năm 1906, tác giả Friedrich Wilhelm Johannes Erbt († 1944) cho rằng Tình ca là một tập thơ có nguồn gốc từ người Canaan. Tập thơ này miêu tả tình yêu giữa nam thần mặt trời Tammuz (hay còn gọi là thần Dod, Shelem) với nữ thần mặt trăng Ishtar (dưới tên gọi Shalmith).[72] Còn theo Neuschotz de Jassy,[73] Tình ca bắt nguồn từ Alexandria trong thời kỳ vương triều Ptôlômêô, và về cơ bản cuốn sách là một bản dịch nghi lễ Ai-cập sang tiếng Híp-ri. Đó là một nghi lễ ca ngợi hôn lễ giữa thần Osiris (= vua Salômôn) và Isis (= thiếu nữ Shulammite).[74]
Về sau, tác giả Theophile James Meek († 1966)[75] cũng cho rằng cuốn sách có nguồn gốc từ nghi thức phụng tự của tín ngưỡng Adonis-Tammuz. Theo ông, cả Tình ca lẫn Thánh vịnh 45 đều lưu giữ những đoạn văn của nghi thức phụng tự sùng bái sinh sản của người Canaan cổ, đã được Israel thích ứng để dùng trong việc thờ phượng Giavê và vợ của Người, một nữ thần ăn chay. Theo quan điểm này, nhân vật nam chính trong Tình ca ban đầu là thần Adad của Canaan còn nữ chính là “Shulammite” (Shulmanitu/Shala), một tên gọi theo địa phương ở Palestina của nữ thần Ishtar.[76] Để bổ trợ cho lập luận này, nhiều người đã chỉ ra các tham chiếu nơi các ngôn sứ có thể liên quan tới tín ngưỡng Tammuz, chẳng hạn: Ed 8,14; Zcr 12,11. Không lâu sau, Wilhelm Wittekindt đã “nghĩ tới bố cục của một nghi lễ phụng tự Giêrusalem nhằm tôn vinh sự kết hợp giữa Ishtar và Tammuz vào lễ hội mùa xuân theo âm lịch.”[77] Tất nhiên, Tình ca không còn ở dạng ban đầu nhưng đã được sửa đổi để trở nên vô hại và phù hợp với việc thờ phượng Giavê. Những học giả khác, chẳng hạn William Oscar Emil Oesterley († 1950) và Norman Henry Snaith († 1982), đã chấp nhận quan điểm này mặc dù vẫn có một vài khác biệt nhất định. Tuy nhiên, quan điểm này tồn tại không lâu. Khoảng giữa thế kỷ XX, những người ủng hộ bao gồm cả Meek đã bắt đầu có xu hướng tách các bài thơ của Tình ca ra khỏi nghi thức phụng tự ca ngợi một cuộc “kết hôn thần thánh”.
Cái khó đối với quan điểm này là sự nghi ngờ liệu các bài ca của tín ngưỡng ngoại giáo có được đưa vào quy điển Do-thái hay không, đặc biệt là những bài ca có chứa các chi tiết vô luân. Các học giả chấp nhận một vài hình thái của quan điểm này là những nhà phê bình, những người xác định niên đại của Tình ca khá muộn dựa trên cơ sở ngôn ngữ học (linguistic). Tuy nhiên, thời kỳ này ít có khả năng xảy ra sự đồng hóa như thế, vì đang có khuynh hướng chống lại các ngẫu tượng nơi Israel.
Quan điểm này đáng lẽ đã chìm vào quên lãng nếu không được Marvin H. Pope († 1997) đề cập lại trong bộ chú giải Anchor Bible của ông. Pope cho rằng Tình ca đã dựa trên nền tảng thần thoại – thờ cúng. Khi phân tích câu “Tình yêu mãnh liệt như cái chết, cơn đam mê dữ dội như âm phủ” (8,6), Pope nối kết cuốn sách với nghi thức tang lễ của vùng Cận Đông cổ. Tác giả Bullock tóm lược quan điểm của Pope như sau:
Khi quan sát sự nổi bật được dành cho sức mạnh của tình yêu trên cái chết ở 8,6, ông đề xuất rằng nó có thể được nối kết với một buổi tang lễ cúng bái cổ xưa, trong đó sự sống được tái khẳng định theo những cách thức cơ bản nhất, bao gồm cả những buổi lễ xa hoa và những hoan lạc tình dục.[78]
Người ta cho rằng trong những buổi tang lễ như thế, tình yêu được tái khẳng định khi đối diện với sức mạnh của cái chết, tức là, tình yêu là sức mạnh duy nhất có thể đương đầu với cái chết. Tuy nhiên, quan điểm về “tang lễ” của Pope cũng gặp nhiều chỉ trích giống như những quan điểm khác. Bởi lẽ thái độ mạnh mẽ chống lại ngẫu tượng của thời kỳ hậu lưu đày không cho phép đưa vào quy điển Do-thái những thói tục ngoại bang tà giáo như vậy.
5. Lối tiếp cận nhân học
a. Quan điểm văn tự – giáo huấn
Một số người cho rằng, mặc dù sách Tình ca nên được hiểu theo nghĩa văn tự với những biểu hiện của niềm vui thỏa tính dục và lãng mạn trong hôn nhân, nhưng đồng thời cuốn sách cũng truyền tải một bài học sâu sắc, như những lời chỉ dẫn giáo khoa. Có nhiều lối nhìn khác nhau về bản chất của bài học luân lý trong quan điểm này.
v Hôn nhân hướng tới một tình yêu lớn hơn. Vào thời Trung cổ, viện phụ Guillaume de Saint-Thierry (k. 1085-1148) là người tiếp cận Tình ca theo “nghĩa luân lý”. Ông cho rằng, Tình ca diễn tả ý nghĩa luân lý (sensum moralem) về Lang quân và Hiền thê, về Chúa Kitô và linh hồn người tín hữu. Khi đọc sách này, độc giả được mời gọi soi chiếu vào chính bản thân mình để nhận ra ý nghĩa luân lý ấy, và “tình yêu” là phần thưởng dành cho nỗ lực soi chiếu của độc giả. Nghĩa luân lý nhắm vào lối sống (mores), hành động của con người.[79] Với ông, cuốn sách diễn tả tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Ông cố gắng chỉ ra cho độc giả những chuẩn mực luân lý, những chỉ dẫn và minh họa về kinh nghiệm tâm linh. Cuốn sách là một tấn bi kịch, trong đó Thiên Chúa và linh hồn vừa là diễn viên cũng vừa là những người giải thích. Theo ông, cách tốt nhất để đánh thức tình yêu Thiên Chúa nơi con người (tình yêu thiêng liêng) là hãy bắt đầu từ kinh nghiệm về tình yêu nhục thể, vì hai dạng tình yêu này nối kết nhau bằng một thứ tương quan bên trong. Cũng có thể gọi đây là phương pháp sư phạm của Thánh Linh, vì Người gửi gắm những ý nghĩa thiêng liêng vào các hình ảnh của tình yêu nhục thể. Chỉ có tình yêu mới thấu hiểu những thực tại thánh thiêng. Tình yêu nhục thể vẫn được mời gọi tham gia vào tình yêu thiêng liêng để được biến đổi, bởi lẽ tình yêu sẽ nhanh chóng chiếm hữu đối tượng có cùng bản chất với nó. Trong tình yêu đích thực, không thể thiếu sự khao khát chân lý, cũng không được gắn bó và dừng lại quá dài hoặc quá ngắn nơi các hình ảnh trần tục. Và khi đã trở thành một con người thiêng liêng, những thú vui của tình yêu nhục thể sẽ phục vụ cho tình yêu thiêng liêng.[80]
Về sau, tác giả Edward Joseph Young († 1968) tiếp bước khi khẳng định cuốn sách không chỉ ca ngợi phẩm giá và sự thanh khiết của tình yêu con người mà còn hướng tới tình yêu vĩ đại hơn của Chúa Kitô.[81] Cần ghi nhận là quan điểm của Young khác với quan điểm phúng dụ và tiên trưng, vì ông cho rằng cuốn sách không phải một kiểu mẫu, nhưng vẫn có thể nhắc nhớ độc giả về tình yêu của Chúa Kitô. Tương tự, với Dennis Franklin Kinlaw, Tình ca không chỉ “nói về hôn nhân như nó phải là như vậy”, mà xem ra còn có điều gì đó sâu xa hơn: “phải có điều gì đó mang tính sư phạm và cánh chung về hôn nhân.”[82]
Hạn chế của quan điểm này là bỏ qua bài học luân lý ở phần cao trào của cuốn sách ở chương 8, đặc biệt là mô-típ “ghen tương”. Mặt khác, dường như quan điểm chưa khai thác hết mục đích mà tác giả nhắm tới vì không tập trung vào bài học luân lý mà chính tác giả đã cung cấp.[83]
v Sự khẳng định về tình dục do Thiên Chúa đặt định khi đề cao tính độc chiếm và lòng chung thủy. Theo quan điểm này, Tình ca ca ngợi sự lành mạnh của tình dục được Thiên Chúa đặt định, đồng thời cũng chỉ cho thấy tình yêu thì lớn hơn tình dục, như được chứng thực bởi các yếu tố độc chiếm và chung thủy trong cuốn sách.[84] Tác giả Robert B. Laurin († 1977) cho rằng, thời nay người ta không đề cao sự chung thủy trong hôn nhân, và xem ra mục đích của tình yêu chỉ nhằm thỏa mãn ham muốn. Nhưng Tình ca không chạy theo chiều hướng đó. Cuốn sách nói về tình yêu riêng biệt của đôi bạn, họ quấn lấy nhau nhưng cả hai đều thanh khiết, họ chung thủy với nhau và không ai làm gì có lỗi với đối phương. Vì thế, người thiếu nữ nói với người tình của mình rằng cô đã dành riêng mọi hoa trái ngọt ngào của tình yêu cho anh (7,13).[85]
Quan điểm này mới mẻ ở chỗ nó không chỉ tiếp cận cuốn sách theo nghĩa văn tự để khẳng định giá trị của tình yêu hôn nhân và sự kết hợp tình dục, mà còn nhấn mạnh đến lòng chung thủy và sự hiến dâng trong hôn nhân. Những đức tính này được rút ra từ bài học luân lý trong chương cao trào của cuốn sách. Tuy nhiên, khó khăn của phương pháp này là làm sao có thể tin được rằng, họ quấn lấy nhau nhưng cả hai đều thanh khiết, họ chung thủy với nhau và không ai làm gì có lỗi với đối phương? Bởi lẽ điều này có thể đúng với hiền thê, nhưng xem ra không đúng với lang quân (nếu xem là biểu tượng của vua Salômôn). Mặt khác, giả như cuốn sách đề cập đến lòng chung thủy và sự hiến dâng trong hôn nhân thì xem ra không thể lấy vua Salômôn làm hình mẫu được.
b. Quan điểm hợp tuyển
Một số nhà chú giải cho rằng, sách Tình ca nên được hiểu về các biểu hiện tình ái, lãng mạn của con người theo nghĩa văn tự, nhưng không phải là một tài liệu thống nhất chỉ có một chủ đề, một mục đích. Thay vào đó, cần hiểu cuốn sách như là một tuyển tập, một hợp tuyển các bài tình thơ hay tình ca. Trong số các tác giả đi theo quan điểm này, có người xem cuốn sách có liên quan tới lễ cưới của người Syria, có người thì không cho là như vậy.
Hợp tuyển các bài hát đám cưới. Hugo Grotius († 1645), một luật gia người Hà Lan, là người tiên phong tiếp cận Tình ca theo hướng chú ý đến những điểm tương đồng với văn chương Hy-lạp, đặc biệt là “Idyls” nhục dục của Theocritus. Theo đó, ông cho rằng cuốn sách chỉ là các bài thơ tình thế tục mà thôi.[86] Giám mục Jacques Benigne Bossuet († 1707) giải thích cấu trúc và ý nghĩa văn tự của cuốn sách trên cơ sở của một nghi lễ đám cưới vào thời vua Salômôn.[87] Ông chia cuốn sách thành 7 phần (1,1–2,6; 2,7–17; 3,1–5,1; 5,2–6,9; 6,10–7,11 [10]; 7,12[11]–8,3; 8,4–14), và mỗi phần đại diện cho một ngày lễ cưới trong một tuần (7 ngày) theo văn hóa Híp-ri. Mặt khác, theo nghĩa tiên trưng và dụ ngôn, mỗi phần là mỗi giai đoạn của sự thăng tiến trong hôn nhân thiêng liêng giữa linh hồn với đấng chủ thể tối cao của nó. Vào năm 1873, Johann Gottfried Wetzstein († 1905), một viên lãnh sự người Đức tại Damascus, đã xuất bản một nghiên cứu về các phong tục hôn nhân đương đại ở Syria, trong đó ông mô tả các lễ hội kéo dài 7 ngày để vinh danh cô dâu và chú rể.[88] Cô dâu và chú rể sẽ ngồi trên một tấm ván dùng để đập lúa (threshing sledge[89]) và được tuyên bố là “đức vua” và “nữ hoàng”. Sau lời tuyên bố hôn lễ thành sự, người ta sẽ khiêu vũ và một bài hát được gọi là “wasf” (tiếng Ả-rập) vốn nói về vẻ đẹp và sự hoàn mỹ nơi thân xác của cô dâu và chú rể sẽ được cất lên, thậm chí cô dâu còn trình diễn một điệu “múa kiếm” như trong thời chiến.[90] Đến năm 1898, Karl Ferdinand Reinhard Budde († 1935)[91] đã phát triển lý thuyết xem Tình ca như là những bài hát dân ca trong lễ cưới, và Otto Eissfeldt († 1973)[92] về sau cũng ủng hộ lý thuyết này.
Dầu sao, quan điểm của Johann Gottfried Wetzstein vẫn có những hạn chế. Trước tiên là hạn chế liên quan đến thời kỳ văn hóa: liệu có phù hợp khi đem so sánh các bài ca đám cưới của người Syria vào những năm 1860 với tâm thức của người Giuđa cổ đại? Thứ hai, cô dâu trong Tình ca không bao giờ được gọi là “nữ hoàng”. Thứ ba, lý thuyết này đòi hỏi người ta phải xóa bỏ, hoán đổi vị trí và sửa đổi nhiều thứ trong bản văn. Thứ tư, cấu trúc liên kết chặt chẽ của toàn bộ bài thơ không cho phép hiểu nó là một hợp tuyển các bài tình thơ khác biệt nhau.
v Một tập thơ tình rời rạc. Nhiều học giả hiện đại cho rằng cuốn sách thật sự ca ngợi sự lãng mạn và tính dục con người nhưng nó chẳng có kết cấu thống nhất theo chủ đề vì là một tập thơ chứ không phải một bài thơ.[93] Có lẽ Johann Gottfried von Herder († 1803) đã nêu lên quan điểm này vào năm 1778. Quan điểm này tuy thuận lợi để hiểu được cuốn sách theo nghĩa văn tự, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Bởi lẽ người ta thấy rằng, có rất nhiều bằng chứng về cấu trúc, các điệp khúc lặp đi lặp lại và các kỹ thuật văn chương xuyên suốt cuốn sách cho thấy chỉ có một bàn tay duy nhất đằng sau quá trình soạn tác. Về vấn đề này, Gordon Lloyd Carr đã mở một cuộc thảo luận cho rằng cuốn sách chỉ có một kết cấu duy nhất;[94] R. Kessler[95] nghiên cứu những lần lặp đi lặp lại để đi đến kết luận cuốn sách chỉ do một bàn tay sáng tác; Roland Kenneth Harrison nhận thấy có sự thống nhất giữa phong cách và chủ đề chứ không hẳn cuốn sách là một tuyển tập đa dạng được soạn tác từ các tác giả có độ tuổi khác nhau.[96]
c. Kiểu mẫu của tình yêu tự do
Tác giả André LaCocque (sinh 1927) cho rằng Tình ca không nói về sự kết hợp của hai vợ chồng (đã kết hôn) nhưng cho thấy âm điệu bập bùng của một thứ “tình yêu tự do” không cần phải được công nhận hay thể chế hóa.[97] Dĩ nhiên, cặp đôi này chung thủy với nhau, và sự chung thủy ấy vượt khỏi các ràng buộc hôn nhân hay xã hội. Tình ca vượt khỏi những lời ca ngợi về đức tính thanh sạch của một người phụ nữ (x. Đnl 22,13-19) hay vai trò làm vợ, làm mẹ (x. Cn 31). Các tác giả cũng lưu ý, hạn từ kallah (người yêu sắp cưới) xuất hiện liên tục từ đoạn 4,8–5,1 không được hiểu theo nghĩa thể chế hôn nhân, điều khoản luật pháp, nhưng là một “danh hiệu uy nghi”.[98] Mặt khác, việc đưa sách Tình ca vào quy điển Sách thánh cũng không loại trừ việc người ta muốn xem cuốn sách như lời ca ngợi tình yêu tự do của con người.
Với André LaCocque, tình yêu nam-nữ trong Tình ca đã vượt khỏi giới hạn luân lý thông thường, và do đó cho phép tác giả tách tình yêu ra khỏi cảm giác tội lỗi hay xem tình yêu là xấu xa, cũng như dễ dàng ca ngợi eros mà không vướng phải rào cản tôn giáo nào. Quan điểm của ông nằm trong việc so sánh giữa hai bản văn: bản văn thần học (St 2–3) và bản văn biểu tượng (Tình ca). Theo ông, Tình ca đã vượt xa quan điểm thần học của nguồn J (Giavít) cũng như nhiều khuynh hướng thần học khác trong văn chương Kinh Thánh, khi dám đề cao tình yêu eros của con người.[99] Eros tuy là một thực tại ngoại giáo nhưng nó không phàm tục, nó có giá trị của nó. Đây cũng chính là thông điệp thần học mà Tình ca muốn mang lại.
Tuy nhiên, theo Gianni Barbiero (khác với quan điểm của André LaCocque), những cử chỉ yêu thương trong sách chỉ có thể được nhìn nhận trong bối cảnh hôn nhân gia đình mà thôi.[100]
d. Một cách diễn đạt lãng mạn của tình yêu con người
Một vài tác giả cho rằng sách Tình ca đơn giản chỉ là sự ca ngợi niềm vui sướng của tình ái lãng mạn giữa người nam và người nữ theo kiểu thơ ca. Chẳng hạn, Gordon Lloyd Carr xem cuốn sách là sự ca ngợi bản tính con người, trong đó người nam và người nữ bày tỏ và tận hưởng thú vui tính dục trong đời sống hôn nhân.[101] Craig Glickman và Jack S. Deere cũng có cùng quan điểm như vậy.
Theo Jack S. Deere, cấu trúc và sự thống nhất của Tình ca có liên hệ tới các giai đoạn trong mối quan hệ giữa vua Salômôn và hiền thê. Các phần chính của sách đề cập tới sự tán tỉnh (1,2–3,5), lễ cưới (3,6–5,1) và sự trưởng thành trong hôn nhân (5,2–8,4). Sách kết thúc bằng một lời tuyên bố cao trào về bản chất của tình yêu (8,5-7), và phần lời bạt lý giải tình yêu đôi lứa đã bắt đầu như thế nào (8,8-14). Nhìn cách tổng thể, cuốn sách nhằm mục đích ca ngợi hôn nhân và tình yêu con người. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Thiên Chúa đưa vào quy điển một cuốn sách công nhận vẻ đẹp và sự thanh khiết của tình yêu hôn nhân. Bởi lẽ thế gian kinh tởm tình dục, hiểu sai về tình dục, và vì có quá nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ vì thiếu tình yêu, trách nhiệm, hy sinh,… cho nên sẽ thật lợi ích khi có một cuốn sách trong Kinh Thánh nhìn nhận tình yêu vợ chồng là hữu ích và trong sạch.[102]
Vì cho rằng tình yêu giữa vua Salômôn và hiền thê là hình mẫu của một thứ tình yêu lãng mạn, nên quan điểm này cũng gặp phải những ý kiến trái chiều. Bởi lẽ vua Salômôn không phải một ví dụ phù hợp cho thứ tình yêu cao quý này, khi so sánh với các chuyện tình của vua được nói ở những chỗ khác, như ở 1 V 11, hay ở ngay trong cuốn sách: “Có đến sáu mươi hoàng hậu, cả tám chục phi tần, còn cung nữ thì nhiều vô kể” (6,8). Như thế, không thể nói vua là hình mẫu chung thủy trong hôn nhân. Để phản biện điều này, Jack S. Deere giả thuyết “người được yêu” trong cuốn sách là người vợ đầu tiên của vua, cũng vì thế mà cuốn sách có lẽ được viết ngay sau khi vua kết hôn, trước khi sa đọa vào tội đa thê.[103]
Chúng ta cũng có thể tìm hiểu thêm lối tiếp cận này trong chuyên khảo của tác giả George M. Schwab (2002)[104] về thông điệp tình yêu con người trong cuốn sách.
e. Tìm và gặp niềm vui thỏa trong tình yêu
Tác giả Meredith Kline († 2007) là người cho rằng sách Tình ca có mục đích ca ngợi sự tìm kiếm và gặp thấy niềm vui thỏa trong tình yêu.[105] Khác với quan điểm trên, quan điểm này nhấn mạnh đến cấu trúc tuần hoàn của cuốn sách. Theo Kline, cấu trúc cuốn sách được sắp xếp theo một loạt các chu trình song song. Các chu trình này được xác định bằng các điệp khúc mở và đóng, mỗi chu trình bắt đầu bằng một ước mong và kết thúc bằng sự thỏa mãn. Tuy nhiên, dường như mục đích của cuốn sách theo quan điểm này chỉ rõ ràng trong bài học luân lý ở chương cuối cùng. Nhưng thật ra những điều hiền thê nói trong chương 8 cho thấy mục đích của cuốn sách không đơn thuần chỉ là tìm kiếm và gặp thấy sự thỏa mãn trong tình yêu.
6. Nhận định chung về lối giải thích văn tự
Nhìn chung, lối giải thích văn tự bị phớt lờ trong tất cả truyền thống Do-thái và gần như cả Kitô giáo trong suốt dòng lịch sử. Tại sao một lối tiếp cận xem ra hợp lý như thế lại bị phớt lờ? Mặt khác, làm sao giải thích những tham chiếu thường xuyên đến địa dư của Israel và văn phong ngôn sứ? Và nếu Tình ca thiếu đi những tham chiếu tôn giáo, thì tại sao cuốn sách lại được đưa vào quy điển, thậm chí trở thành một trong năm cuộn sách (Megilloth), được đọc vào dịp lễ Vượt qua hằng năm? Cuối cùng, chúng ta cũng có thể đưa ra thêm một nhận xét: lối giải thích này xem ra không thể làm rõ tại sao cộng đoàn Israel, trong khi đọc lại Sáng thế các chương đầu, lại không ý thức đến tính mong manh của những cặp vợ chồng nhân loại và của mọi mối quan hệ tình cảm con người trong một đất nước đang bị đô hộ bởi quyền lực chính trị – văn hoá của Ba-tư và Hy-lạp?
Ngày nay, các nhà chú giải vẫn chọn đi theo lối giải thích văn tự, và phần lớn các tác giả nhìn nhận nghĩa văn tự đồng nhất với nghĩa nhân học.[106] Các học giả quan tâm đến lối giải thích này cũng đào sâu thêm đặc điểm khôn ngoan của cuốn sách (vì Tình ca nằm trong bộ “các sách khôn ngoan” theo quy điển Công giáo). Với các Kitô hữu, khi đọc sách này họ nhận ra rằng, tình yêu nhân loại là một thực tại được chính Thiên Chúa dựng nên, và Người cũng chính là tình yêu (x. 1 Ga 4,8.16). Chúng ta có thể kể đến các tác giả: Othmar Keel (1997)[107], André LaCocque (1998)[108], Tremper Longman III (2001)[109], George M. Schwab (2002)[110], Gianni Barbiero (2004)[111], Yair Zakovitch (2004)[112], Yves Simoens (2004)[113]. Tất cả các tác giả này đều cho rằng, giải thích Tình ca theo lối nhân học là hướng đi phù hợp hơn cả, nhưng cũng không bỏ qua các lối tiếp cận khác mà chỉ coi chúng là thứ yếu. Họ phản đối lối giải thích phúng dụ vốn xem câu chuyện tình yêu nam-nữ trong cuốn sách như ám chỉ giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, có lúc an vui, có khi thất vọng.[114] Bởi lẽ theo họ, để có thể ám chỉ giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người thì bản văn cần có những so sánh rõ ràng, cũng như thứ bậc trên-dưới cụ thể. Trong khi đó, Tình ca không cho thấy điều đó, còn mối quan hệ giữa chàng trai và cô gái xem ra ngang hàng nhau. Nói cách khác, lối giải thích phúng dụ như một thứ chìa khóa bên ngoài bản văn, thậm chí bên ngoài các tác phẩm trong bộ “các sách khôn ngoan”, và nó thuộc về Kinh Thánh của người Do-thái hơn là Kitô hữu. Cho nên, một cách hiển nhiên, Tình ca cần được đọc như một bản văn tình yêu giữa một nam và một nữ.[115]
Các nhà chú giải cũng chú ý tới ý nghĩa của bản văn gốc. Họ có thể chọn lựa nhiều khung cảnh khác nhau để giải thích: bài thơ ca tình ái cổ đại, các văn phẩm khôn ngoan của Sách thánh, các văn phẩm ngôn sứ, toàn bộ Cựu Ước, toàn bộ Sách thánh (Cựu Ước và Tân Ước), kinh nghiệm riêng của cộng đoàn Do-thái và Ki-tô giáo vốn đã nội dung hoá sách Tình ca.[116]
1/ Bài thơ ca tình ái cổ thời: chủ đề chính của cuốn sách là tình yêu. Cuốn sách chỉ ra những nẻo đường tình yêu trong tính năng động của các mối tương quan. Tuy nhiên, nguy cơ của lối tiếp cận này là đi theo lối phúng dụ, hay dễ phóng chiếu vào bản thân mình.
2/ Các văn phẩm khôn ngoan của Sách thánh: khung cảnh này thay đổi thiên hướng về ý nghĩa của nó, tức không còn theo nghĩa bản văn nhưng theo nghĩa mà sách sẽ được đọc lên. Thật vậy, chúng ta có thể khám phá trong sách những suy tư về các sự việc quan trọng của con người: tình yêu, sự sống, cái chết.
3/ Bối cảnh Cựu Ước: có thể nối kết cuốn sách với bi kịch trong Sáng thế các chương 1–2. Tình yêu của người nam dành cho người nữ phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
4/ Bối cảnh toàn bộ Sách thánh: lối đọc này phù hợp với các Kitô hữu. Họ không dừng lại ở Cựu Ước nhưng mở rộng đến cả Tân Ước và đến chính cộng đoàn đức tin mà cuốn sách được đọc lên. Trong khung cảnh rộng lớn này, Tình ca là một bản văn hậu lưu đày: bản văn xem xét tỉ mỉ mầu nhiệm về những điều Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Israel trong việc nối dài giao ước đã được các ngôn sứ loan báo, và cách riêng là mầu nhiệm của giao ước mới được hứa trong Gr 31,31-34. Các soạn giả Tình ca khi xuyên qua lịch sử Israel đã nhận ra chỉ có một con đường duy nhất dẫn vào thiên đàng trần thế: con đường tuân giữ Lề luật yêu thương. Nhân loại có thể bước đi trên con đường này, vì theo sách Giêrêmia, Thiên Chúa đã bước vào một giao ước mới không phải được khắc trên bia đá nhưng là trong tâm hồn mỗi người. Trong viễn tượng này, nhân vật Salômôn đầy khôn ngoan có thể làm cho niềm hy vọng đó trở nên sống động trong cộng đoàn Do-thái.
Như vậy, Tình ca diễn tả mối tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người, giữa Đức Kitô và Hội thánh, đồng thời giới thiệu trước mắt độc giả một người nam và một người nữ đã được đổi mới: khi phá đổ rào cản xưa kia của nỗi sợ cái chết vì xa cách Thiên Chúa trong vườn địa đàng trần thế, họ có thể ban tặng cho nhau chính bản thân cách vô điều kiện, họ chết đi cho nhau để trở nên chỉ một xương một thịt theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Như thế, ý nghĩa tổng quát của sách cũng được phục hồi và hướng đến hai điểm nhấn: tình yêu con người và tình yêu Thiên Chúa. Dĩ nhiên, kinh nghiệm về hai thứ tình yêu ấy ít nhiều đặt ra giới hạn cho chúng ta trong việc tìm hiểu ý nghĩa quyển sách tuyệt mỹ này.[117]
Kết Luận
Chúng ta đã sơ lược điểm qua các lối giải thích Tình ca trong dòng lịch sử. Lối giải thích phúng dụ tuy chiếm ưu thế hơn lối giải thích văn tự trong dòng lịch sử, cả trong Do-thái giáo lẫn Kitô giáo, nhưng xem ra đó không phải là chiếc chìa khóa đích thực để giải mã cuốn sách. Dường như nó muốn áp đặt ý nghĩa bên ngoài vào bản văn thay vì cho phép bản văn tự bộc lộ ý nghĩa tự nhiên của mình. Còn lối giải thích văn tự xem ra hợp lý những đã bị quên lãng trong một khoảng thời gian rất dài. Dù sao, bức tranh đa diện của các lối tiếp cận đã tạo nên một tổng thể đẹp, cho thấy sự đa dạng của khoa chú giải. Thật vậy, mầu nhiệm ẩn đằng sau bản văn Tình ca đã, đang và sẽ không ngừng kích thích sự tìm tòi khám phá của những ai muốn giải mã quyển sách thánh đặc biệt này. Mầu nhiệm ấy một mặt là thách đố không nhỏ cho các nhà chú giải Kinh Thánh, nhưng mặt khác cũng là động lực cho sự đa dạng của các lối tiếp cận cũng như sự ra đời của những lối giải thích mới.
Ngày nay đa số các học giả tiếp cận cuốn sách như một bản tình thơ (hay tình ca) mà không hề bỏ qua việc đọc lại bản văn dưới khía cạnh thần học. Số ít học giả hơn vẫn ủng hộ lối giải thích phúng dụ nhưng đã có nhiều biến thể khác nhau. Hiện tượng này có thể hiểu được: sách Tình ca là gì nếu không phải là sự giao thoa của những lời văn sống động mang lại tiếng nói cho tình yêu, nếu không phải là một lối viết ẩn dụ (metaphora) trong đó ý nghĩa tự nhiên luôn được gợi lại như để ngăn cấm một lối giải thích đơn nghĩa, và nếu không phải là hàng loạt các ẩn ngữ đang chờ được giải mã. Tuy nhiên, cũng như bao tác phẩm khác trong bộ các sách khôn ngoan, Tình ca đòi hỏi độc giả phải loại bỏ sự hiểu biết cố hữu để bước vào một cuộc tìm kiếm mới không ngừng nghỉ. Ta có thể nhắc tới giáo sư Paul Ricoeur (1913-2005), một học giả người Pháp, đã đề nghị phương pháp “liên bản văn” (intertextualité) khi so chiếu Tình ca với Sáng thế các chương đầu. Một cách nào đó, ông đã thoát khỏi lối đọc chỉ thuần về phúng dụ hoặc văn tự, ngõ hầu có thể nhìn về thực tại tình yêu dưới các ẩn dụ: tình yêu trong Tình ca không chỉ dành cho đời sống hôn nhân mà còn hướng tới tất cả những ai biết yêu và muốn sống trọn vẹn tình yêu của mình. Michel Berder (sinh 1948)[118] cũng là một trong những học giả lớn vẫn đang tái khám phá lối giải thích theo nghĩa văn tự, một vấn đề đã được đổi mới nhờ các nghiên cứu thông diễn ngữ pháp – lịch sử – bối cảnh. Thật vậy, song song với các nghiên cứu lịch đại, sự phát triển của các lối chú giải đồng đại càng làm cho lối giải thích cuốn sách theo nghĩa văn tự thêm phức tạp. Nhiều cách giải thích hiện đại xem ra cởi mở hơn, đặc biệt khi ngày nay người ta nghi vấn về ý định của tác giả thật sự.
Nguồn: Thời Sự Thần Học – 19/07/2024
Thư Mục Tham Khảo
Alexander, P.S.. The Targum of Canticles: Translated with a Critical Introduction, Apparatus, and Notes. Aramaic Bible 17A. Collegeville, MN: Liturgical Press, 2003.
Auwers J.M. và Wénin, A.. “Problèmes herméneutiques dans l’interprétation du Cantique des cantiques.” Revue théologique de Louvain 36 (2005): 344-373.
Brown, R.E., Fitzmyer, J.A., Murphy, R.E., bt.. The New Jerome Biblical Commentary. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1990.
Bullock, C.H.. An Introduction to the Old Testament Poetic Books. Chicago: Moody, 1988.
Carr, G.L.. The Song of Solomon. Tyndale Old Testament Commentaries. Downers Grove, IL: InterVarsity, 1984.
Curley, F.X.. “The Lady of the Canticle.” American Ecclesiastical Review 133 (1955): 289-299.
Deere, J.S.. “Song of Songs.” The Bible Knowledge Commentary, Old Testament. Bt. John F. Walvoord và Roy B. Zuck. Wheaton, IL: Victor, 1985.
Delitzsch, F.. Commentary on the Song of Songs and Ecclesiastes. Trong Delitzsch, F. và Keil, C.F.. Commentary on the Old Testament. 10 tập. Dg. M.E. Easton. Grand Rapids: Eerdmans, 1973.
Dunsky, S., bt.. Song of Songs Rabbah. Devir: Tel Aviv, 1980.
Freehof, S.B.. “The Song of Songs. A General Suggestion.” Jewish Quarterly Review 39 (1948-1949): 397-402.
Glickman, S.C.. A Song for Lovers. Downers Grove, IL: InterVarsity, 1976.
Ginsburg, C.D.. The Song of Songs and Coheleth. New York: KTAV, 1970.
Gregory of Nyssa. Commentary on the Song of Songs. Dg. Casimir McCambley OCSO. Brookline, Massachusetts: Hellenic College Press, 1987.
Harrison, R.K.. Introduction to the Old Testament. Grand Rapids: Eerdmans, 1969.
Keel, O.. The Song of Songs. dg. F.J. Gaiser. Minneapolis: Fortress Press, 1994.
Kinlaw, D.F.. “Song of Songs.” The Expositor’s Bible Commentary. 12 tập. Bt. F.E. Gaebelein. Grand Rapids: Zondervan, 1991.
LaCocque, A.. Romance, She Wrote: A Hermeneutical Essay on Song of Songs. Harrisburg: Trinity Press International, 1998.
Loewe, R.. “Apologetic Motifs in the Targum to the Song of Songs.” Biblical Motifs. Bt. A. Altmann. Cambridge: Harvard University Press, 1966.
Lorenzin, T.. “Tìm kiếm Thiên Chúa: Dẫn vào Thánh Vịnh và các sách giáo huấn.” Dg. Nguyễn Đình Chiến. Giáo trình, Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2020. Bản gốc Esperti in umanità. Introduzione ai libri sapienziali e poetici. Graphé 4. Torino: Editrice ElleDiCi, 2013.
Midrash Rabbah. Song of Songs. Dg. H. Freedman và M. Simon. London: The Soncino Press, 1961.
Murphy, R.. Songs of Songs. Minneapolis: Fortress Press, 1990.
Pope, M.H.. Song of Songs. Anchor Bible 7C. Garden City, New York: Doubleday and Co., 1977.
Rowley, H.H.. “The Interpretation of the Song of Songs.” The Servant of the Lord and Other Essays on the Old Testament. London: Lutterworth Press, 1952.
Simonetti, M.. Biblical Interpretation in the Early Church: An Historical Introduction to Patristic Exegesis. Dg. John A. Hughes. Edinburgh: T&T Clark LTD, 1994.
Sonnet, J.P.. “Le Cantique des Cantiques: la fabrique poétique.” Les nouvelles voies de l’exégèse: En lisant le Cantique des cantiques. Bt. J. Nieuviarts và P. Debergé. Paris: Cerf, 2002.
Tanner, J.P.. “The History of Interpretation of the Song of Songs.” Bibliotheca Sacra 154 (1-3/1997): 23-46.
Tran Thi Ly. “The Language of Love in the Song of Songs: Reading With/Into A Vietnamese Church Context.” Luận án Tiến sĩ Thần học, Melbourne College of Divinity, Australia, 2010.
Unger, M.F.. Unger’s Commentary on the Old Testament. 2 tập. Chicago: Moody, 1981.
Young, E.J.. Introduction to the Old Testament. Grand Rapids: Eerdmans, 1964.
[1] Híp-ri: shir hashirim, LXX: asma asmatôn, Vulgata: canticum canticorum. Trong tiếng Việt có nhiều lối dịch: Ca đệ nhất (Cố Chính Linh), Diệu ca (Gérard Gagnon, Nguyễn Thế Thuấn), Diễm ca (Nhóm PD CGKPV), Nhã-ca (các bản dịch của anh em Tin lành), v.v… Ở đây chúng tôi chọn chữ Tình ca (Tc).
[2] R.K. Harrison, Introduction to the Old Testament (Grand Rapids: Eerdmans, 1969), 1052.
[3] X. Kinh Thánh ấn bản 2011, “Dẫn nhập sách Diễm ca,” Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV (Hà Nội: Tôn giáo, 2017), 1359-1360.
[4] Ibid..
[5] Xem thêm: J.P. Sonnet, “Le Cantique des Cantiques: la fabrique poétique,” Les nouvelles voies de l’exégèse: En lisant le Cantique des cantiques, bt. J. Nieuviarts và P. Debergé (Paris: Cerf, 2002), 159-184.
[6] X. J.M. Auwers và A. Wénin, “Problèmes herméneutiques dans l’interprétation du Cantique des cantiques,” Revue théologique de Louvain 36 (2005): 346.
[7] X. G. Barbiero, Cantico dei Cantici . I Libri Biblici. Primo Testamento 24. (Milano: Paoline, 2004), 32-38.
[8] H.H. Rowley, “The Interpretation of the Song of Songs,” The Servant of the Lord and Other Essays on the Old Testament (London: Lutterworth Press, 1952), 212.
[9] J.S. Deere, “Song of Songs,” The Bible Knowledge Commentary, Old Testament, bt. John F. Walvoord và Roy B. Zuck (Wheaton, IL: Victor, 1985), 1010.
[10] Xem thêm: J. Nieuviarts và P. Debergé (bt.), Les nouvelles voies de l’exégèse. En lisant le Cantique des Cantiques. XIXe congrès de l’A.C.F.E.B. (Lectio Divina 190; Paris: Cerf, 2002).
[11] Xin xem bài viết số 6 của số báo này: Luca Mazzinghi, “Tình ca. Lối đọc biểu tượng”.
[12] R.E. Murphy, “Canticle of Canticles”, The New Jerome Biblical Commentary, bt. R.E. Brown, J.A. Fitzmyer, R.E. Murphy (Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1990), 463.
[13] R.E. Murphy, Songs of Songs (Minneapolis: Fortress Press, 1990), 12.
[14] Harrison, Introduction to the Old Testament, 1051.
[15] S. Dunsky (bt.), Song of Songs Rabbah (Devir: Tel Aviv, 1980), 11.
[16] R. Loewe, “Apologetic Motifs in the Targum to the Song of Songs,” Biblical Motifs, bt. A. Altmann (Cambridge: Harvard University Press, 1966), 161.
[17] P.S. Alexander, The Targum of Canticles: Translated with a Critical Introduction, Apparatus, and Notes (Aramaic Bible 17A; Collegeville, MN: Liturgical Press, 2003), 14-18.
[18] Loewe, “Apologetic Motifs in the Targum to the Song of Songs,” 173.
[19] M.H. Pope, Song of Songs (Anchor Bible 7C; Garden City, New York: Doubleday and Co., 1977), 96.
[20] Midrash Rabbah, Song of Songs, dg. H. Freedman và M. Simon (London: The Soncino Press, 1961), vii.
[21] Nếu Anselmô thiên về lối tiếp cận học thuật (sacra pagina) vốn xem Tình ca là quyển Sách thánh nói lên sự khôn ngoan về luân lý và giáo huấn khi diễn tả mối tương quan giữa Chúa Kitô và Hội thánh, thì Guillaume de Saint-Thierry thiên về ý tưởng thiêng liêng, gắn liền với đời sống đan tu thực hành lectio divina, trong đó sách Tình ca là một dụng cụ soi sáng tâm linh hơn là diễn tả mối quan hệ hỗ tương kia.
[22] Viện phụ Bernađô đã bắt đầu loạt bài giảng về cuốn sách này từ mùa Vọng năm 1135 theo yêu cầu của một người bạn là Bernard de Portes. Sau một năm, Bernađô đã soạn được 24 bài giảng, và ông tiếp tục soạn bộ opus magnum cho đến cuối đời (tổng cộng 86 bài). Vị viện phụ đan viện ở Clairvaux đã biến Tình ca thành cuốn sách tham khảo cho việc hướng dẫn tâm linh cho các đan sĩ. Bernađô cho rằng “người được yêu” tượng trưng cho “linh hồn khao khát Thiên Chúa”. Tuy nhiên, ông chỉ diễn giải hai chương đầu của sách Tình ca. Gilbert de Hoyland († 1172) tiếp tục công trình nhưng cũng sớm được Chúa gọi về khi chỉ mới đi đến đoạn 5,8. Đan sĩ Gioan († 1214), viện phụ đan viện Xitô Forde, đã tiếp tục và kết thúc công việc này (120 bài).
[23] M. Simonetti, Biblical Interpretation in the Early Church: An Historical Introduction to Patristic Exegesis, dg. J.A. Hughes (Edinburgh: T&T Clark LTD, 1994), 44.
[24] Origen, The Song of Songs, Commentary and Homilies: Ancient Christian Writers, tập xxvi, dg. R.P. Lawson (London: The Newman Press, 1957), 16-17.
[25] Origène nói về “hiền thê” và “lang quân”, những danh xưng đã trở thành cách gọi truyền thống của hai nhân vật chính trong cuốn sách, đặc biệt là nhờ vào các mục được thêm vào ở phần ngoài lề của các thủ bản Hy-lạp và nhất là La-tinh (trong nhiều bản dịch hiện đại) để chỉ rõ ai đang nói. Tuy nhiên, thực tế hình tượng người nam trong cuốn sách không bao giờ được trình bày như “lang quân”, dù trong bản Híp-ri hay các bản cổ hơn. Nhưng người nữ thì 2 lần được gọi là “người yêu sắp cưới” (hay “hiền thê trẻ tuổi”: 4,8.11) và 4 lần với tên ghép “em gái – người yêu sắp cưới” (4,9.10.12; 5,1).
[26] O. Keel, The Song of Songs, dg. F.J. Gaiser (Minneapolis: Fortress Press, 1994), 8.
[27] Gregory of Nyssa, Commentary on the Song of Songs, dg. Casimir McCambley OCSO (Brookline, Massachusetts: Hellenic College Press, 1987), 30.
[28] S.C. Glickman, A Song for Lovers (Downers Grove, IL: InterVarsity, 1976), 176.
[29] Murphy, Songs of Songs, 36. Xem thêm: Michael Ghislerius, Canticum canticorum Salomonis, juxta lectiones Vulgatam, Ebraeam et Graecas, tum Septuaginta, tum aliorm interpretum (Rome, 1609; Venice, 1613).
[30] P.A. Rivera, “Sentido mariologica del Cantar de los Cantares,” Ephemerides Mariologicae 1 (1951): 437-468 và 2 (1952): 25-42; F.X. Curley, “The Lady of the Canticle,” American Ecclesiastical Review 133 (1955): 289-299.
[31] M. Luther, “Lectures on the Song of Solomon,” dg. Ian Siggins, Luther’s Works, tập 15, bt. J. Pelikan và H.C. Oswald (St. Louis: Concordia, 1972), 191.
[32] Ibid., 195.
[33] Ibid., 195.
[34] Xem thêm: Thomas Brightman, Scholia et analysis in Canticum canticorum (Basel, 1614).
[35] Xem thêm: John Cotton, Explicatio Cantici Canticorum (London, 1642).
[36] Xem thêm: Johannes Cocceius, Cogitationes de Cantico Canticorum Salomonis ut icone regni Christi (Amsterdam, 1665; tái bản trong Opera omnia theologica, exegetica, didactica, polemica, philologica, tập 2: Commentarius in LibrJIjobi, Psalmos, Proverbia, Ecclesiasten et Canticum Canticorum [Amsterdam: P. & J. Blaev, 1701] 565-623).
[37] Pope, Song of Songs, 128-129.
[38] Pope, Song of Songs, 183-188.
[39] J.P. Tanner, “The History of Interpretation of the Song of Songs,” Bibliotheca Sacra 154 (1-3/1997): 30.
[40] G.L. Carr, The Song of Solomon (Tyndale Old Testament Commentaries; Downers Grove, IL: InterVarsity, 1984), 24.
[41] F. Delitzsch, Commentary on the Song of Songs and Ecclesiastes, trong F. Delitzsch và C.F. Keil, Commentary on the Old Testament, tập 6, dg. M.E. Easton (Grand Rapids: Eerdmans, 1973), 6.
[42] M.F. Unger, Unger’s Commentary on the Old Testament, tập 1 (Chicago: Moody, 1981), 1107.
[43] X. J.P. Tanner, “The History of Interpretation of the Song of Songs,” 32-33.
[44] C.H. Bullock, An Introduction to the Old Testament Poetic Books (Chicago: Moody, 1988), 210.
[45] D.F. Kinlaw, “Song of Songs,” The Expositor’s Bible Commentary, tập 5, bt. F.E. Gaebelein (Grand Rapids: Zondervan, 1991), 1203.
[46] G.L. Archer Jr., A Survey of Old Testament Introduction (Chicago: Moody, 1974), 492.
[47] Ibid..
[48] Kinlaw, “Song of Songs,” 1203.
[49] X. T. Lorenzin, “Tìm kiếm Thiên Chúa: Dẫn vào Thánh Vịnh và các sách giáo huấn,” dg. Nguyễn Đình Chiến (Giáo trình, Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2020), 279. Bản gốc Esperti in umanità. Introduzione ai libri sapienziali e poetici (Graphé 4; Torino: Editrice ElleDiCi, 2013).
[50] Murphy, Songs of Songs (Minneapolis: Fortress Press, 1990), 22.
[51] E.A. Matter, The Voice of My Beloved: The Song of Songs in Western Medieval Christianity (Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1990), 4.
[52] J.M. Auwers và A. Wénin, “Problèmes herméneutiques dans l’interprétation du Cantique des cantiques,” 345.
[53] Harrison, Introduction to the Old Testament, 1055.
[54] Keel, Song of Songs, 9.
[55] Xem thêm: R. Lowth, De Sacra Poesi Hebraeorum Praelectiones (Oxonii: E Typographeo Clarendoniano, 1753).
[56] Murphy, Songs of Songs, 38.
[57] Xem thêm: G.H. von Ewald, Das Hohe Lied Salomos übersetzt mit Einleitung, Anmerkungen und linem Anhang über den Prediger (1826). Thật ra trước đó, J.F. Jacobi (Das durch eine leichte und ungekünstelte Erklärung von seinen Vorwürfen gerettete Hohe Lied [Celle, 1772]) đã đề cập tới quan điểm này, và về sau được xác nhận bởi F.W.K. Umreit (Lied der Liebe, das älteste und schönste aus dem Morgenlande).
[58] Harrison, Introduction to the Old Testament, 1054.
[59] Pope, Song of Songs, 136.
[60] C.D. Ginsburg, The Song of Songs and Coheleth (New York: KTAV, 1970), 11.
[61] S.R. Driver, An Introduction to the Literature of the Old Testament (New York: Scribners Sons, 1891).
[62] Tanner, “The History of Interpretation of the Song of Songs,” 34.
[63] Xem thêm các giả thuyết về nhân vật chăn chiên cũng như các quan điểm bác bỏ giả thuyết này: Glickman, A Song for Lovers, 178-182.
[64] Delitzsch, Commentary on the Song of Songs and Ecclesiastes, 10.
[65] Ibid., 5.
[66] Kinlaw, “Song of Songs,” 1204-1205
[67] Carr, The Song of Solomon, 34.
[68] Xem thêm các tác phẩm của cùng tác giả: Johann Leonhard von Hug, Das Hohe Lied in einer noch unversuchten Deutung (Freyburg, Constanz: Herder, 1813) và Schutzschrift für seine Deutung des Hohen Liedes, und derselben weitere Erläuterungen (Freyburg, Constanz: Herder, 1816).
[69] Pope, Song of Songs, 132.
[70] Xem thêm: S.B. Freehof, “The Song of Songs. A General Suggestion,” Jewish Quarterly Review 39 (1948-1949): 397-402.
[71] Kinlaw, “Song of Songs,” 1205.
[72] Xem thêm: Wilhelm Erbt, Die Hebräer: Kanaan im Zeitalter der hebräischer Wanderung und hebräischer Staatengrundungen (Leipzig,1906).
[73] Xem thêm: Oswald Neuschotz de Jassy, Le Cantique des Cantiques et le mythe d’Osiris-Hetep (Paris: C. Reinwald, 1914).
[74] X. Joseph Halévy, “Le Cantique des cantiques et le mythe d’Osiris-Hetep,” Revue sémitique 14 (1922): 248-255.
[75] Xem thêm: T.J. Meek, “Canticles and the Tammuz Cult,” American Journal of Semitic Languages and Literature 39 (1922-1923): 1-14.
[76] Murphy, Songs of Songs, 40.
[77] Harrison, Introduction to the Old Testament, 1056. X. Wilhelm Wittekindt, Das Hohe Lied und seine Beziehungen zurn Is’tarkult (1926).
[78] Bullock, An Introduction to the Old Testament Poetic Books, 213.
[79] J.-E. de Ena, Sens et interprétations du Cantique des Cantiques. Sens textuel, sens directionnels et cadre du texte (Lectio Divina 194; Paris: Cerf, 2004), 152-159.
[80] X. J.M. Auwers và A. Wénin, “Problèmes herméneutiques dans l’interprétation du Cantique des cantiques,” 357.
[81] E.J. Young, Introduction to the Old Testament (Grand Rapids: Eerdmans, 1964), 336.
[82] Kinlaw, “Song of Songs,” 1207-1208.
[83] Tanner, “The History of Interpretation of the Song of Songs,” 44.
[84] Các tác giả ủng hộ: Dempsey, “The Interpretation and Use of the Song of Songs”; Robert B. Laurin, “The Life of True Love: The Song of Songs and Its Modern Message,” Christianity Today, August 3, 1962, 10-11; và Roland E. Murphy, “The Canticle of Canticles in the Confraternity Version,” American Ecclesiastical Review 133 (1955): 87-98; và idem, “The Structure of the Canticle of Canticles,” Catholic Biblical Quarterly 11 (1949): 381-391; và idem, “Review of A. Bea, Canticum Canticorum Salomonis,” Catholic Biblical Quarterly 15 (1953): 501-505.
[85] Laurin, “The Life of True Love,” 11.
[86] H. Grotius, “Ad Canticum Canticorum,” Annotationes ad Vetus Testamentum, tập 1, bt. G.I.L. Vogel (Halle, 1644), 449-454.
[87] J.B. Bossuet, “In Canticum Canticorum,” Libri Salomonis (Paris: Jean Annisson, 1693); tái bản trong Oeuvres completes de Bossuet, tập 3 (Paris: Librairie de Louis Vivès, 1863), 412-428.
[88] Xem thêm J.G. Wetzstein, “Die syrische Dreschtafel,” Zeitschrift für Ethnologie 5 (1873): 270-302.
[89] Một tấm ván gỗ, dụng cụ nông nghiệp cổ xưa, dùng để tách ngũ cốc ra khỏi rơm.
[90] Murphy, Songs of Songs, 39.
[91] Xem thêm: K. Budde, Das Hohelied erklärt in Karl Martis kürzer Handkommentar zum Alten Testament, XVII (1898).
[92] Xem thêm: O. Eissfeldt, The Old Testament: An Introduction, dg. Peter R. Ackroyd (New York: Harper & Row, 1965).
[93] Các tác giả đề xuất quan điểm này: J. G. von Herder, Lieder der Liebe (1778); W.O.E. Oesterley, The Song of Songs (1936); H.H. Rowley, “The Interpretation of the Song of Songs,” The Servant of the Lord and Other Essays on the Old Testament (London: Lutterworth Press, 1952), 189-234; R. Gordis, The Song of Songs and Lamentations (New York: KTAV, 1974); F. Brent Knutson, “Canticles,” International Standard Bible Encyclopedia, 1 (1979): 606–609; George A.F. Knight, The Song of Songs, International Theological Commentary (Grand Rapids: Eerdmans, 1988).
[94] X. Carr, The Song of Solomon, 44-49.
[95] Xem thêm: R. Kessler, Some Poetical and Structural Features of the Song of Songs, bt. J. Macdonald (Leeds: Leeds University Press, 1957).
[96] Harrison, Introduction to the Old Testament, 1051.
[97] A. LaCocque, Romance, She Wrote: A Hermeneutical Essay on Song of Songs (Harrisburg: Trinity Press International, 1998), 8.
[98] Ibid., 108.
[99] A. LaCocque, Romance, She Wrote: A Hermeneutical Essay on Song of Songs, 49.
[100] X. Barbiero, Cantico dei Cantici, 78.
[101] Carr, The Song of Solomon, 52-54.
[102] Deere, “Song of Songs,” 1009-1010.
[103] Ibid., 1010.
[104] Xem thêm: G.M. Schwab, The Song of Songs’ Cautionary Message Concerning Human Love (Studies in Biblical Literature 41; New York: Peter Lang, 2002).
[105] X. Tanner, “The History of Interpretation of the Song of Songs,” 41; xem thêm: M. Kline, “Bible Book of the Month: The Song of Songs,” Christianity Today 3 (April 27, 1959), 22-23, 39.
[106] T. Lorenzin, “Tìm kiếm Thiên Chúa: Dẫn vào Thánh Vịnh và các sách giáo huấn”, tr. 279.
[107] Xem thêm: O. Keel, Le Cantique des cantiques. Introduction et commentaire. Dịch từ tiếng Đức bởi Susanne Müller-Trufaut (Lectio Divina 6; Fribourg, Éditions universitaires – Paris: Cerf, 1997).
[108] Xem thêm: A. LaCocque, Romance, She Wrote: A Hermeneutical Essay on Song of Songs (Harrisburg: Trinity Press International, 1998).
[109] Xem thêm: Tr. Longman III, Song of Songs, coll. The New International Commentary on the Old Testament (Grand Rapids, Michigan – Cambridge, U.K.: William B. Eerdmans, 2001).
[110] Xem thêm: G.M. Schwab, The Song of Songs’ Cautionary Message Concerning Human Love (Studies in Biblical Literature 41; New York: Peter Lang, 2002).
[111] Xem thêm: G. Barbiero, Cantico dei Cantici (I Libri Biblici. Primo Testamento 24; Milan: Paoline, 2004).
[112] Xem thêm: Yair Zakovitch, Das Hohelied (Herders Theologischer Kommentar zum Alten Testament; Fribourg-Br.: Herder, 2004).
[113] Yves Simoens, Le Cantique des cantiques. Livre de la plénitude. Une approche anthropologique et théologique (Écritures 8; Bruxelles: Lumen Vitae, 2004).
[114] Trong thế kỷ XX, các tác giả ủng hộ quan điểm phúng dụ này là: P. Joüon, Le Cantique des cantiques (Paris: Beauchesne 1909); A. Feuillet, Le Cantique des cantiques (Lectio Divina 10; Paris: Cerf, 1953); A. Robert, R. Tournay, A. Feuillet, Le Cantique des cantiques (Études bibliques; Paris: Gabalda, 1963).
[115] J.M. Auwers và A. Wénin, “Problèmes herméneutiques dans l’interprétation du Cantique des cantiques,” 364.
[116] X. T. Lorenzin, “Tìm kiếm Thiên Chúa: Dẫn vào Thánh Vịnh và các sách giáo huấn”, 280-282.
[117] Ibid., 282.
[118] Xem thêm: M. Berder, “La lettre retrouvée? Lectures actuelles du Cantique et sens littéral,” Les nouvelles voies de l’exégèse: En lisant le Cantique des cantiques, bt. J. Nieuviarts và P. Debergé (Paris: Cerf, 2002), 103-128.