KINH THÁNH VÀ SỰ DẤN THÂN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI
Hồng y Michael Czerny, SJ[1]
“Thánh Phaolô chỉ ra lịch sử nhân loại như đấu trường trong đó diễn ra trận chiến đau đớn giữa cái chết và sự sống, giữa tội lỗi và ân sủng, giữa sự gian ác của con người và công lý của Thiên Chúa”. Đức Hồng y Michael Czerny, SJ lưu ý đến Kinh Thánh khẳng định ra sao và chính Kinh Thánh là một diễn đạt về những cuộc gặp gỡ với Lời Chúa diễn ra trong các mối tương quan của chúng ta với người khác và biến đổi họ, biến đổi thực tại của chúng ta như thế nào.
- Một vòng tuần hoàn vô tận
Một giai thoại ngắn được lưu truyền từ truyền thống Hasidic kể với chúngta rằng:
Một ngày nọ, một đệ tử trẻ tuổi hỏi vị thầy cao niên của mình:
‘Thưa Thầy, thầy có thể cho con biết tại sao vào thời xa xưa, Thiên Chúa đã hiện ra với tổ phụ chúng ta là Abraham, Isaac và Giacob trong khi ngày nay chẳng ai còn thấy Ngài nữa, không ạ?’
Sau một lúc yên lặng, vị giáo sĩ già trả lời:
“Bởi vì chúng ta không còn biết cách hạ mình xuống thấp cho đủ”.
Nhiều cách giải thích có thể được đưa ra cho câu chuyện bí nhiệm này, nhưng trong số tất cả những cách giải thích hợp lý, tôi muốn nhắc lại cách giải thích đưa chúng ta trở lại nhu cầu đến gần Thiên Chúa bằng cách nhìn “từ bên dưới”. Để khám phá ra dung nhan của Thiên Chúa, để tiếp cận với mặc khải của Ngài, người ta phải cúi xuống trái đất, tìm kiếm Ngài giữa những con người nam nữ, bởi vì Thiên Chúa “đã cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Đọc Sách Thánh “từ bên dưới” có nghĩa là hạ thấp mình xuống con người trong đời thật, đi xuống vực sâu thăm thẳm của những giới hạn của con người.
Như tác giả thánh vịnh đã nói: “Sâu thẳm biết bao lòng dạ người đời!” (Tv 64, 7).
Sách Thánh minh chứng rằng lịch sử loài người là nơi mà Thiên Chúa đã chọn để tỏ mình ra, khiến Ngài trở nên hữu hình và có thể nhận biết được, qua hành động của Ngài vì lợi ích của nhân loại. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa tỏ mình là Thiên Chúa của một ai đó: của Abraham, Isaac, Giacóp, của dân Israel và cuối cùng, trong thời viên mãn (Dt 9, 26), của Chúa Giêsu Kitô.
Để định vị chính xác mối tương quan giữa Sách thánh và dấn thân xã hội của Giáo hội, trước hết cần làm nổi bật tính tuần hoàn vô tận, sự thông giao “mang tính vượt qua”, được thiết lập trong nhiệm cục cứu độ giữa đấng sáng tạo và thụ tạo, giữa nội tại và siêu việt, giữa Thiên Chúa và thế giới: đó là cuộc xuất hành của Ba Ngôi hướng về con người và của con người hướng về Ba Ngôi.
Nói cách khác, lịch sử của con người và của các dân tộc, cuộc sống cụ thể của những người nam nữ bất toàn, với những bi kịch và chiến thắng, “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu” của họ (Hiến chế Gaudium et spes [GS], 1), là nơi diễn ra công cuộc cứu độ; đó là mảnh đất mà, qua Đức Kitô, hạt giống sự sống mới được gieo vào.
Thánh Phaolô khẳng định điều này khi viết rằng “cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” và chờ đợi với hy vọng được “giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21-22). Bằng cách này, thánh Phaolô chỉ ra lịch sử nhân loại như đấu trường trong đó diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa sự chết và sự sống[2], giữa tội lỗi và ân sủng, giữa sự gian ác của con người và công lý của Thiên Chúa.
Vị tông đồ nói tiếp “có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10,17) – và việc lắng nghe Tin Mừng bắt đầu sự mạo hiểm của “cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin” (1Tm 6,12): mỗi môn đệ khám phá ra được mời gọi ra khỏi chính mình để gặp gỡ Đức Kitô. Việc nhận ra Chúa Giêsu, tuyên xưng Người là Chúa, dẫn người môn đệ đến chỗ tìm thấy sự hiện diện của Đức Kitô nơi nhân tính bị tổn thương của những người đã thành người thân cận của mình.
Tư cách môn đệ trưởng thành hệ tại chính ở việc học biết rằng việc lắng nghe Thiên Chúa không thể tách rời khỏi việc lắng nghe con người, nhưng đúng hơn là hiểu rằng điều này quy chiếu về điều kia, trong một sự hỗ tương liên tục, trong đó người Kitô hữu thấy mình được dìm vào, được đặt vào và thể hiện – nhờ phẩm giá Phép rửa của họ – với tư cách là “tư tế” và “người trung gian”.
Lòng trung thành với Đức Kitô được định hình như một sự thận trọng kép: đó là trách nhiệm bảo vệ bản thân trong Thiên Chúa và trách nhiệm bảo vệ người anh chị em được Thiên Chúa đặt bên cạnh mình. Đồng thời, lòng trung thành này đòi hỏi phải thực hành một sự “chú giải” niềm tin hai chiều: một mặt, nó đòi chúng ta lấy Lời Chúa soi sáng thời hiện tại, các thực tại được tạo dựng, các vấn đề và cuộc đấu tranh của nhân loại ngày nay. Mặt khác, nó đòi hỏi chúng ta soi sáng mầu nhiệm Thiên Chúa theo cách mới, dựa trên kho tàng kinh nghiệm của các dân tộc và sự phong phú nhiều mặt của các nền văn hóa, không ngần ngại tận dụng những thách thức do lịch sử ngày nay đặt ra như một cơ hội thuận lợi để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về Kinh Thánh.
Suy tư của Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Gaudium et spes, dường như chỉ ra chiều hướng này khi tuyên bố rằng:
Bổn phận của toàn thể Dân Chúa, đặc biệt của các chủ chăn và các nhà thần học, là nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lắng nghe, phân định và giải thích các thứ ngôn ngữ của thời đại, rồi nghiệm xét dưới ánh sáng lời Chúa, để chân lý mạc khải luôn được nhận thức, được thấu triệt, và được trình bày cách thích hợp hơn”. Đồng thời, Hiến chế mục vụ cũng nói thêm rằng: “Vì mang một cơ cấu xã hội hữu hình, là dấu chỉ của sự hợp nhất trong Chúa Kitô, nên Giáo hội cũng có thể và thực sự đang được phong phú thêm nhờ sự tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại. (GS, 44)
Do đó, giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn phát triển trong cuộc gặp gỡ được đổi mới giữa Phúc âm và lịch sử nhân loại. Đó là một cách thức cụ thể mà Giáo hội thi hành thừa tác vụ Lời Chúa và thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình để bênh vực con người nam nữ trong mọi thế hệ và thời đại.
- Thiên Chúa phán dạy theo “cách nói của con người”
Một điểm quy chiếu khác về các tài liệu Công đồng có tầm quan trọng cơ bản để cung cấp một chiều sâu thần học thích hợp cho chủ đề của chúng ta. Tôi đề cập đến một đoạn trong Hiến chế Dei verbum nói rằng Thiên Chúa đã phán dạy “theo cách nói của con người” (Hiến chế Dei verbum [DV], số 12). Công đồng tuyên bố rằng, để giải thích Kinh Thánh một cách đúng đắn, người ta phải chú ý đến điều mà Thiên Chúa muốn thể hiện qua ý định của các tác giả được linh hứng, nghĩa là, người ta phải xem xét văn hóa của họ, sự lựa chọn “văn thể”mà họ sử dụng, các phương thức diễn đạt và tường thuật được sử dụng trong thời đại mà các bản văn thánh được viết ra.
Lời khẳng định của DV số 12 dường như lặp lại lời dạy của các Giáo phụ, đặc biệt là Thánh Augustinô, người khẳng định rằng Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho con người qua con người
(per homines hominibus)[3].
Dưới ánh sáng của nguyên tắc này – “cho con người qua con người” – thánh Augustinô đã đưa ra một loạt các tiêu chí phương pháp luận nhằm đọc và hiểu Kinh Thánh một cách chính xác, mang lại cho chúng ta một loại sổ tay sơ khai về khoa chú giải Kitô giáo. Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong số này được ngài phát biểu hết sức rõ ràng:
Ý tưởng nền tảng là hiểu rằng sự viên mãn và mục đích của Luật, cũng như tất cả Kinh Thánh, là tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa, mà chúng ta phải tận hưởng, và của những sinh linh có thể cùng chúng ta tận hưởng điều đó[4].
Thiên Chúa nói với con người theo “cách nói của con người” bởi vì trong việc nhập thể của Ngôi Lời, Thiên Chúa lấy cách diễn tả về thực tại tình yêu của con người và nâng nó lên thành phẩm chất thần linh của các tương quan giữa các Ngôi vị Ba Ngôi: đó là tình yêu của hiệp thông, trong đó hiệp nhất là sự thâm nhập lẫn nhau không loại bỏ những khác biệt.
Bản Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội nói rằng:
Chính mầu nhiệm của Thiên Chúa, Tình Yêu Ba Ngôi, là nền tảng của ý nghĩa và giá trị của con người, của các tương quan xã hội, của hoạt động của con người trong thế giới, bao lâu con người đón nhận và thông phần vào mạc khải đó nhờ Đức Kitô và trong Thần Khí của Người. (Toát yếu Học thuyết Xã hội của Giáo hội [HTXH] số 54)
Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng luật của sự biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu (GS số 38): Tình yêu con người, mong manh vì tội lỗi, được chữa lành, hội nhập, giải thoát nhờ tình yêu Thiên Chúa, được trao tặng và đón nhận. Tình yêu này, được đổ tràn vào tâm hồn chúng ta nhờ Thánh thần, củng cố tính năng động của sự cởi mở và liên kết với người khác, khuyến khích chúng ta quyết tâm theo đuổi điều tốt đẹp cho họ.
Đức ái không thể bị giản lược vào việc lựa chọn thực hiện một loạt các hành động tốt lành, bởi vì tình yêu dành cho người thân cận của chúng ta được thể hiện ở một mức độ sâu sắc hơn, nghĩa là nó bao hàm sự thể hiện vẻ đẹp thần linh của hữu thể: người khác được mạc khải trong vẻ đẹp nguyên thủy của họ, quý giá trước mắt Thiên Chúa, như một thụ tạo được tạo thành với phẩm giá bất khả nhượng, vượt trên bất kỳ hình thức thể chất hay đạo đức nào, bất kỳ thuộc tính xã hội hoặc văn hóa nào.
Sự thể hiện vẻ đẹp này của hữu thể hàm chứa một tương quan được đổi mới: tình yêu dành cho người khác vì chính họ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm điều tốt nhất cho cuộc sống của họ, nghĩa là sự viên mãn trọn vẹn của con người, sự phát triển con người toàn diện.
Tình yêu là chìa khóa giải thích duy nhất để đọc Kinh Thánh, như Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định trong Tông huấn Evangelii gaudium:
Ðộng lực tốt nhất cho việc chia sẻ Tin Mừng phát xuất từ chỗ chiêm niệm Tin Mừng bằng tình yêu, chầm chậm đọc những trang Tin Mừng và đọc bằng con tim của mình. (Evangelii gaudium [EG] số 264).
Đồng thời, tình yêu là chìa khóa duy nhất có khả năng giải mã xã hội:
Tin Mừng đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của con người, bởi vì tất cả chúng ta đã được tạo ra cho những gì Tin Mừng cung cấp cho chúng ta: tình bằng hữu với Chúa Giêsu và tình yêu huynh đệ với anh chị em. (EG số 265)
Điều răn yêu thương cao trọng định hướng con người trong việc dấn thân xây dựng một nền văn minh dung nạp, trong đó con người không bị coi như “rác thải”, bởi vì nền văn minh ấy có thể tạo ra tình bằng hữu xã hội không thờ ơ với tiếng kêu của người nghèo trên trái đất. Sự dấn thân xã hội của Giáo hội dựa trên việc lắng nghe Lời Chúa chứa đựng trong Kinh Thánh, bởi vì từ tình yêu của Thiên Chúa phát sinh kế hoạch về một tình huynh đệ nhân loại mở ra cho tất cả mọi người. Vấn đề không phải là cải đạo, đưa mọi người trở lại với Giáo hội Công giáo, mà là làm phong phú và lên men xã hội bằng Tin Mừng. Ngay cả trong mối tương quan của mình với những người không tin, Giáo hội được mời gọi đưa vào trong sự lưu truyền các giá trị nhân bản và nhân bản hóa xuất phát từ sứ điệp cứu độ của Đức Kitô:
Do đó, Phúc âm hóa lĩnh vực xã hội có nghĩa là truyền vào tâm hồn con người sức mạnh của ý nghĩa và tự do được tìm thấy trong Tin Mừng, để thúc đẩy một xã hội phù hợp với con người bởi vì nó phù hợp với Đức Kitô: có nghĩa là xây dựng một đô thị cho con người có tính người hơn bởi vì nó phù hợp hơn với Vương quốc của Thiên Chúa. (HTXH, số 63)
- Kitô hữu paideia và politeia
Kinh nghiệm của sự tin tưởng khi tiếp xúc với Kinh Thánh là điều cần thiết để vạch trần sự gian ác ngự trị trong lòng con người, cũng như sự bất công ngự trị trong thế giới xung quanh chúng ta. Khía cạnh cuối cùng mà tôi muốn nhắc lại thực sự liên quan đến chức năng sư phạm của Sách thánh trong mối tương quan của Sách thánh với giáo huấn xã hội của Giáo hội.
Để làm nổi bật mối liên kết này, chúng ta được trợ giúp bởi một đoạn từ Thư thứ hai gửi cho Timôthê, trong đó Phaolô viết rằng:
Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành. (2Tm 3, 16-17)
Tôi để lại cho các chuyên gia những điều khó hiểu do bản văn này trong nguyên bản tiếng Hy Lạp nêu ra, mà có rất nhiều bản dịch có thể có[5], và tôi tập trung ngắn gọn vào danh từ paideia[6].
Vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, ở Hy Lạp, thuật ngữ paideia biểu thị mô hình sư phạm có hiệu lực ở Athens và không chỉ đề cập đến việc giáo dục học đường cho trẻ em mà còn đề cập đến sự phát triển đạo đức và tinh thần của chúng. Mục tiêu là làm cho trẻ trở thành những công dân toàn diện, hướng dẫn họ trong sự hội nhập tiến bộ và hài hòa vào xã hội.
Cicero và Quintilian đã dịch từ paideia trong tiếng Hy Lạp thành doctrina (giáo thuyết) trong tiếng La tinh, như thế để trình bày một tập hợp những giáo huấn hữu dụng cho việc “nhân hóa” con trẻ, qua việc sàng lọc suy nghĩ và giáo dục chúng cho res publica.
Chính Thánh Augustinô là người đã sáp nhập tiến trình giáo dục này từ văn hóa Hy Lạp – La tinh và đưa vào theo quan điểm của Kitô giáo: từ phúc âm phát sinh một giáo thuyết paideia/doctrina, so với những gì được thế giới kinh điển hình thành, giáo thuyết ấy có một giá trị “dứt khoát”, “chung cuộc”, bởi vì nó nhằm mục đích hoàn thiện con người, cứu chữa con người khỏi tội lỗi và thánh hóa con người trong ân sủng.
Paideia Kitô giáo hóa ra là kết quả và vinh quang tột đỉnh của paideia cổ đại: nó vạch ra một lý tưởng giáo dục cho con người, truyền cảm hứng cho một mô hình cộng đồng hài hòa và làm việc chăm chỉ, giống như những con ong trong tổ, và nó mở ra cho chiều kích của politeia, vạch ra những đường nét của một dự án xã hội nhằm mục đích chung sống hòa bình, liên đới và hợp tác giữa mọi người.
Khi chúng ta nói về Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, chúng ta nên nghĩ về giáo huấn ấy trong viễn cảnh sư phạm này, theo đường hướng tiếp nốipaideia/politeia của Kitô giáo: Giáo huấn ấy hướng tới việc thiết lập lại và củng cố mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với cộng đoàn. Như vị tông đồ khẳng định, tất cả Kinh Thánh đều hữu ích cho việc “giảng dạy, biện bác, sửa dạy”, nhưng chức năng giáo dục của Kinh Thánh có mục đích chính là “giáo dục để trở nên công chính”.
Việc giảng dạy và truyền bá Giáo huấn Xã hội của Giáo hội một cách thiết yếu thuộc về sứ điệp Kitô giáo: đó không phải là một hành động bên lề, được thêm vào như một bước thứ hai, như một lãnh vực áp dụng thực tế theo một tập hợp(corpus) các chân lý tín điều; trái lại, nó nằm ở chính tâm điểm của việc loan báo Tin Mừng. Nó là một phần trong thừa tác vụ của Giáo hội, như là một việc phục vụ Ngôi Lời và nhân loại, bởi vì “Mầu nhiệm về con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS số 22).
Điều này được hiểu rõ trong một đoạn cô đọng của Tông huấn Evangelii gaudium, trong đó khẳng định rằng việc hiểu chiều kích xã hội có thể không còn được hiểu như một phần bổ sung cho phúc âm, một khoảnh khắc tiếp theo nó như câu ngạn ngữ “operari sequitur esse”, mà đúng hơn là thực tại bên trong, nội tại của nó:
Kerygma có một nội dung xã hội không thể tránh được: ở trung tâm của Tin Mừng, có đời sống cộng đồng và sự tham gia với những người khác. Nội dung của lời công bố ban đầu có những tác động luân lý tức thì mà trung tâm của chúng là đức ái. (EG số 177)
Thiếu quan tâm đến người nghèo và ngại ngần trong việc bày tỏ tình liên đới hữu hình với người lân cận có liên quan đến khó khăn trong việc xây dựng mối tương quan đích thực giữa việc lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Chúa (EG số 187). Chính nguyên tắc tương ứng này đặt ra thước đo tính xác thực của mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa trong sự cống hiến mà chúng ta thể hiện với anh chị em của mình, nguyên tắc này hướng dẫn các tín hữu trong những cam kết tích cực của họ và gợi ý cho họ tiêu chí để đưa ra lựa chọn trong các lĩnh vực thực tế xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường, công nghệ, sức khỏe và sự an toàn, truyền thông và văn hóa.
Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: thinkingfaith.org (28.06.2022)
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)
Nguồn: WHĐGMVN – 23/11/2023
[1] Đức Hồng y Michael Czerny, SJ là Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican.
[2] Như được đọc trong Kinh Phục Sinh: mors et vita duello conflixere mirano.
[3] Thánh Augustinô, On Christian Doctrine, Prologue, 6.
[4] Thánh Augustinô, On Christian Doctrine, Prologue, I, 35:39.
[5] Danh từ γραφὴ có thể có nghĩa là một câu, một cuốn sách hoặc toàn bộ Kinh Thánh, trong khi tính từ πᾶσα có thể được hiểu theo nghĩa tập hợp (‘toàn bộ’) hoặc phân biệt (‘mỗi’). Thiếu mạo từ xác định, rất có thể nó được hiểu theo nghĩa phân biệt (‘mỗi đoạn Kinh Thánh’). Hơn nữa, vì vào thời điểm thư 2 Timôthê được viết ra, vẫn chưa có một bộ Kinh Thánh Kitô giáo nào nên thành ngữ πᾶσα γραφὴ có lẽ chỉ đề cập đến Cựu Ước.
Tính từ θεόπνευστος cũng đặt ra một số câu hỏi, bởi vì nó có thể được giải thích theo nghĩa chủ động (‘thổi hơi thần linh’), theo nghĩa Kinh Thánh tràn đầy hơi thở của Thiên Chúa, hoặc theo nghĩa bị động, theo nghĩa Kinh Thánh là ‘được Thiên Chúa linh hứng’. Tuy nhiên, vẫn còn vấn đề về chức năng ngữ pháp của θεόπνευστος: nó được sử dụng như một vị ngữ (‘toàn bộ Kinh Thánh linh hứng’) hay như một thuộc tính (‘toàn bộ Kinh Thánh được linh hứng’)? Hầu hết các nhà chú giải nghiêng về việc giải thích tính từ như một vị ngữ, vì vậy thư 2 Timôthê sẽ nói rằng mọi đoạn trong Cựu Ước đều được linh hứng’.
[6] Trong văn bản của 2 Tm 3, 16 ở số ít đối cách παιδείαν và bị chi phối bởi giới từ πρὸς.