(Bài giảng của Đức Cha Antôn)
“Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm” kết hợp 2 Đoàn thể Tông đồ Giáo dân: “Liên Minh Thánh Tâm” và “Gia Đình Phạt Tạ”. Phong trào “Liên Minh Thánh Tâm” được thành lập tại Việt Nam năm 1942, là đoàn thể dành riêng cho nam giới, nhằm hợp nhất tâm hồn các tín hữu lại với Thánh Tâm Chúa Giêsu. Năm 1945, một hội đoàn khác được thành lập tại Việt Nam gọi là “Hội Phạt Tạ” để tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, và từ năm 1953 nhằm hướng về gia đình nhiều hơn nên được gọi là “Gia Đình Phạt Tạ”.
Năm 1999, Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (năm 2003 là Hồng Y) nhận thấy hai đoàn thể nói trên đều nhằm đến việc cổ võ việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu, nên đã quyết định sát nhập hai đoàn thể này thành một đoàn thể dành cho cả hai giới nam và nữ và lấy tên gọi chính thức là GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM, nhằm hun đúc lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, để thánh hoá bản thân và gia đình, đồng thời làm việc tông đồ.
“Tông Đồ” là người được sai đi để làm cho người khác hiểu biết, yêu mến và noi gương Chúa Kitô trong Giáo Hội. Chính Giáo Hội và chỉ có Giáo Hội nhận lãnh nơi Chúa Kitô sứ mệnh cộng tác với Chúa Thánh Thần dẫn đưa người ta đến với Chúa Kitô, để “nhờ Người, với Người và trong Người” tiến đến Chúa Cha. Vì thế, mọi hoạt động tông đồ của thành viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm phải kết hợp với Giáo Hội, một Giáo hội mầu nhiệm, hiệp thông và thi hành sứ vụ.
Kết hợp với Giáo hội-mầu nhiệm, các thành viên GĐPTTT ý thức rằng Giáo hội không phải chỉ là một tổ chức xã hội nhưng là một mầu nhiệm, có Chúa Giêsu là Đầu và Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội. Vì thế thành viên GĐPTTT cần gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu thì mới có thể làm việc tông đồ theo gương Thánh Phaolô: “Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy tôi” (Cr 5, 14). Gắn bó với Chúa Giêsu bằng việc cầu nguyện, hy sinh hãm mình, học và sống Lời Chúa.
Kết hợp với Giáo hội-hiệp thông, các thành viên GĐPTTT cần hiệp thông với nhau, với các đoàn thể khác, với mọi thành phần dân Chúa và với hết mọi người. Hiệp thông nhờ tôn trọng sự khác biệt khi đối thoại, và luôn lấy Chúa Kitô làm trung tâm chứ không lấy bản thân hay tổ chức của mình làm trung tâm.
Kết hợp với Giáo hội-sứ vụ, các thành viên GĐPTTT không chỉ lo cho bản thân mà còn quan tâm đến tha nhân, đặc biệt quan tâm đến lối sống bác ái với mọi người, nhất là những người nghèo khổ về vật chất cũng như tinh thần.
Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng. Những lời chia sẻ của ông trước khi mất vài ngày đã và đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Xin trích đoạn những tâm sự của bác sĩ Richard Teo:
“Tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới trung bình. Tôi học được từ mọi người xung quanh và môi trường sống rằng có thành công thì mới hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi luôn ganh đua ngay từ nhỏ. Tôi đậu vào trường y và trở thành bác sĩ phẫu thuật mắt. Tôi còn được học bổng nghiên cứu của ĐH quốc gia. Trong khi nghiên cứu, tôi có hai bằng phát minh, một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng tất cả thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có.
Sau khi học hoàn tất, tôi quyết định bỏ ngành phẫu thuật mắt và mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ. Một người có thể không vui vẻ khi trả 20 USD cho một bác sĩ khám bệnh nhưng không ngần ngại trả 10.000 USD để hút mỡ bụng, 15.000 USD để sửa ngực… Do vậy, thay vì chữa bệnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Chỉ trong vòng một năm, tôi đã trở thành triệu phú. Nhưng chẳng thể nào là đủ. Tôi bắt đầu bành trướng sang thị trường Indonesia để làm phẫu thuật cho những người giàu ở đó. Tôi đã thành tỷ phú.
Tôi làm gì với mớ tiền dư thừa? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xe hơi. Tôi mua một chiếc Ferrari 430. Sau khi có xe, tôi mua nhà, khu nghỉ mát. Tôi nghĩ phải hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng và bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.
Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp. Đó là tôi của một năm trước đây. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại mình hay vận động mạnh. Tôi đến bệnh viện đa khoa Singapore và nhờ bạn học chụp cộng hưởng từ để xem có phải bị trật đốt sống hay không. Rồi tôi thực hiện PET SCANS và được phát hiện đang ở giai đoạn 4 của ung thư phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn sống được 3-4 tháng. Tôi chán nản, tuyệt vọng.
Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có – sự thành công, tiền bạc, xe cộ, nhà cửa – tất cả những thứ tôi nghĩ mang lại hạnh phúc – thì khi tôi sắp chết, không mang đến cho tôi niềm vui. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm nhưng tôi đã không có. Tôi thực sự không hiểu các bệnh nhân đau đớn như thế nào cho đến khi tôi là bệnh nhân.
Thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được, đó là càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Tôi trở nên mê muội đến nỗi chẳng có việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu của họ. Nhiều khi chúng ta quên mất mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai ngoài chính mình. Tệ hại hơn, vài năm vừa qua, tôi đã nói xấu đồng nghiệp, hạ thấp họ xuống để nâng mình lên. Tôi phải trả giá đắt cho bài học này. Do đó đừng quên, khi được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ.
Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vậy. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Đó là sự thật và tôi đang trải qua. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình”.
Chúa Giêsu là tấm gương sáng ngời cho chúng ta về cuộc sống quên mình để lo cho hạnh phúc của nhân loại. Đó cũng là ý nghĩa của hình ảnh Trái tim Chúa để ra bên ngoài. “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa!”