GIÁO XỨ ĐỨC THANH
KỶ NIỆM 20 NĂM CUNG HIẾN NHÀ THỜ
KHÁNH THÀNH ĐÀI ĐỨC MẸ LA VANG
VÀ NHÀ MỤC VỤ GIÁO XỨ
28/12/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Hôm nay giáo xứ Đức Thanh mừng “ba trong một”: kỷ niệm ngày Cung hiến Nhà thờ, làm phép đài Đức Mẹ và khánh thành Nhà Mục vụ Giáo xứ.
Theo tôi, “tuy ba mà một”: trong bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Êphêsô (x.Eph 2,19-22), thánh Phaolô nhắn nhủ rằng: “anh em là người nhà của Thiên Chúa” mà “đá táng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu”; trong bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 2,13-22), ĐGK nhấn mạnh rằng: “đền thờ là chính thân thể Người”, phá đi và xây lại trong 3 ngày ngụ ý nói về sự chết và sống lại của Người nhằm tái sinh con người làm con Thiên Chúa. ĐGK là ai? Thưa, là Ngôi Lời Nhập Thể, vừa là Con Thiên Chúa vừa là con Đức Maria, được Đức Maria cưu mang và sinh ra bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Còn Nhà Mục vụ Giáo xứ để làm gì ? Thưa, là nơi đào tạo các tín hữu về những điều phải tin và những việc phải làm, là nơi sinh hoạt chung nhằm xây dựng những đền thờ sống động là bản thân, gia đình, giáo xứ và giáo phận.
Như thế, trung tâm điểm của buổi lễ hôm nay là chính Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là đền thờ của Thiên Chúa. Đức Mẹ đã làm gương cho mọi người biết cộng tác với Chúa Thánh Thần để xây dựng ngôi nhà thờ đích thật là Đức Kitô Toàn Diện, gồm có Đầu là Đức Kitô và Thân Thể của Người là Hội Thánh. Muốn thế, các tín hữu phải siêng năng học hỏi giáo lý, thường xuyên hội họp nhau trong Nhà Mục vụ Giáo xứ để canh tân việc sống đạo…
Bài Phúc Âm thuật rằng: “Đức Giêsu thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Tại sao lại có việc đổi tiền và buôn bán chiên bò, bồ câu trong đền thờ ? Chúng ta biết: vào thời nước Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ, dân Do Thái phải dùng đồng tiền Rôma (có in hình hoàng đế Caesar), nhưng trong đền thờ thì phải dùng đồng tiền Do Thái, nên mới có việc đổi tiền Rôma thành tiền Do Thái để dâng hiến vào đền thờ, hoặc để mua chiên bò, bồ câu làm của lễ dâng tiến trong đền thờ. Vì thế các tư tế phục vụ đền thờ đã lợi dụng cơ hội để làm ăn, đã biến đền thờ thành nơi buôn bán. Do đó Chúa Giêsu đã xua đuổi họ ra khỏi đền thờ và xô đổ các bàn đổi tiền: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Chúng ta có thể làm những gì sai với mục đích của nhà thờ, của đài Đức Mẹ, của nhà mục vụ không ?
Đến nhà thờ để làm gì? Nhà thờ là nơi cử hành Lời Chúa và các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể tự kiểm: chẳng hạn khi được phân công đọc Sách Thánh trong nhà thờ, ta có chuẩn bị trước để đọc rõ ràng với tâm tình công bố Lời Chúa không? hay chỉ là dịp muốn được xuất hiện trước công chúng để khoe bộ quần áo đẹp? Linh mục có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa trong nhà thờ, có dọn bài giảng phù hợp không? hay là thường lợi dụng tòa giảng để la rầy giáo dân? Khi cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, linh mục có cử hành và hướng dẫn mọi người cử hành theo đúng luật phụng vụ và thánh nhạc không? Cộng đoàn có tích cực tham gia bằng lời kinh tiếng hát và sốt sắng hiệp lễ trong tâm tình hiệp thông với của lễ là Chúa Giêsu được dâng tiến trên bàn thờ không? Ca đoàn hát tốt để hỗ trợ cộng đoàn hay chỉ để biểu diễn nghệ thuật? Tôi ngạc nhiên khi nghe nói: có nơi phải nịnh bợ những người phụ trách, thậm chí phải mời đi ăn uống hoặc tặng quà mới được hát solo, mới được đọc Sách Thánh! Tôi càng ngạc nhiên khi nghe nói: vào dịp lễ trọng có đông người tham dự, có một nơi, người phụ trách ca đoàn đã tự ý trao Mình Thánh Chúa cho ca đoàn rước lễ trước 2 tiếng đồng hồ để trong phần hiệp lễ có nhiều thời gian trình diễn thánh ca (chắc Cha Xứ không biết, vì đây không phải là lý do để được rước lễ ngoài Thánh Lễ; theo luật phụng vụ, việc rước lễ phải thực hiện trong phần hiệp lễ).
Đến trước đài Đức Mẹ để làm gì? Tất nhiên để bày tỏ lòng tôn kính với Mẹ Đấng Cứu thế, để cầu nguyện với Đức Mẹ. Nhưng trong trường hợp này thì sao: một bà mua vé số đến trước tượng Đức Mẹ xin ơn trúng số đặc biệt, và hứa với Đức Mẹ sẽ dâng một nửa tiền trúng số để Cha Xứ xây đài Đức Mẹ; đến khi sổ, không trúng, đã trách Đức Mẹ: “Người ta đã hứa cho một nửa mà còn không chịu, từ nay không thèm xin gì nữa”!
Đến Nhà Mục vụ Giáo xứ để làm gì? Trong nghi thức làm phép có ghi nhận rằng: “Nhà mục vụ của Giáo xứ Đức Thanh trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa hiện diện trong các buổi sinh hoạt giáo lý cũng như các việc hội họp của giáo xứ, là dấu chứng của tình yêu thương hiệp nhất, biểu tượng của sự thánh thiện, để nơi đây còn là nơi gieo mầm đức tin cho thế hệ tương lai”.
Vậy mà có nơi đã biến Nhà Mục vụ thành nơi làm ăn kinh tế! Chẳng hạn biến nhà dạy giáo lý thành nơi giữ trẻ; biến hội trường giáo xứ thành nơi truyền thông những điều trái với đức tin, luân lý; biến phòng hội họp thành nơi đấu đá nhau, thành nơi vui chơi không lành mạnh v.v.
Nếu Chúa Giêsu có mặt ở những nơi đó, chắc hẳn Người cũng sẽ mạnh dạn nói với họ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Chúng ta cảm tạ Chúa vì đã có những giáo xứ đồng tâm nhất trí với Cha Xứ và HĐGX quan tâm đến việc xây dựng giáo xứ trở thành những cộng đoàn đức tin qua việc học hỏi giáo lý; trở thành những cộng đoàn phụng tự qua việc cử hành phụng vụ bí tích sốt sắng; trở thành những cộng đoàn bác ái qua việc sinh hoạt tập thể, nhằm xây dựng đời sống yêu thương trong gia đình, trong giáo xứ và ngoài xã hội; đồng thời cũng quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng những nhu cầu xây dựng đời sống tinh thần; nhờ đó giáo xứ trở thành những cộng đoàn truyền giáo, đem Tin Mừng Đức Kitô đến với mọi người chung quanh.
Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cầu cho chúng con!
Lạy các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam, bổn mạng Giáo xứ, xin cầu cho chúng con!