GIÁO XỨ THÁNH TÂM
KỶ NIỆM 10 NĂM CUNG HIẾN NHÀ THỜ
60 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ
18/8/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Giáo xứ Thánh Tâm (Lộc Phát) chọn ngày kỷ niệm 10 năm cung hiến nhà thờ để mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ, có lẽ muốn chúng ta suy nghĩ về nhà thờ là trung tâm của giáo xứ.
Giáo xứ, theo Giáo luật,“là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ đó, dưới quyền Giám mục giáo phận” (Gl đ. 558).
Ở Việt nam, trước đây, xứ là tiếng gọi ở ngoài Bắc, và vị chủ chăn được gọi là cha xứ, hay chính xứ; trong Nam gọi là họ hay họ đạo, và vị chủ chăn được gọi là cha sở, hay chánh sở, bổn sở. Với cuộc di cư năm 1954, người Bắc mang cái “xứ” vào trong Nam, và biến cái “họ” thành một chi nhánh của “xứ” (họ lẻ). Tại nhiều giáo phận, một cộng đoàn được thiết lập thành “giáo họ” trước khi tiến tới “giáo xứ”. Dù sao thì cả hai danh từ xứ (gợi lên ý tưởng “nơi chốn, xứ sở”) và họ (gợi lên ý tưởng “họ hàng thân thuộc”) đều muốn nói lên một sự ràng buộc như trong một gia đình, gia tộc, một cộng đồng. Ngoài ra, trước đây Xứ và Họ được gắn với “đạo” (xứ đạo, họ đạo) để phân biệt với những xứ hoặc họ theo nghĩa xã hội học (xứ Quảng, họ Nguyễn); một cách tương tự “giáo xứ” cũng muốn nêu bật rằng cái “xứ” này thuộc về “Giáo hội” chứ không hiểu thuần túy theo nghĩa nhân văn. Giáo xứ Thánh Tâm được thành lập cách đây 60 năm.
Như thế, xứ hay họ được dùng để chỉ nơi một số người Công Giáo quy tụ theo địa dư, sinh hoạt tôn giáo có tổ chức, lấy nhà thờ là trung tâm, dù nơi đó có linh mục thường trực hay không.
Nhà thờ, theo Giáo luật, “được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công” (Gl đ.1214). “Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ càng sớm càng tốt” (Gl đ. 1217). Nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm được nâng cấp và cung hiến cách đây đúng 10 năm.
Các bài Thánh Kinh được chọn đọc trong Thánh Lễ hôm nay giúp ta hiểu được ý Chúa muốn về nhà thờ và về cuộc sống của mọi người trong giáo xứ.
Bài đọc I trích sách Êdêkiel (x. 47, 1-2.8-9.12) mô tả “nước chảy ra từ cửa nhà Chúa, nhờ đó mà các sinh vật sống động…, và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển”.
Tại Do Thái, chỉ có một đền thờ duy nhất tại thủ đô Giêrusalem. Đáng lý người ta phải kính trọng đền thờ đó, chỉ sử dụng vào việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thánh sử Gioan thuật rằng: “Chúa Giêsu thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán… Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người có ý nói đền thờ là thân thể Người” (Ga 2, 13-22).
Như thế, Chúa Giêsu quan tâm đến cuộc sống, sự chết và sống lại của Người, nhằm trở nên mẫu gương cho cuộc sống của những người tôn thờ Thiên Chúa. Đo đó Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacób: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi hay tại Giêrusalem… nhưng những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 21-24). Sự thật ở đây chính là ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần đã được ban cho thế gian để mọi người được sống và sống dồi dào.
Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, đã nhắc nhớ: “Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy” (1 Cr 3, 16). Đền thờ ở đây là cuộc sống của người tín hữu được xây dựng trên nền tảng là chính Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô được cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ.
Trong 60 năm qua, biết bao ơn lành Chúa đã ban cho những người thuộc giáo xứ Thánh Tâm, phát xuất từ nhà thờ của giáo xứ, cụ thể qua các vị mục tử được Chúa sai đến.
Lịch sử giáo xứ Thánh Tâm ghi nhận: cuối năm 1954, đồng bào công giáo từ Bắc vào lập nghiệp tại khu vực xã Lộc Phát ngày nay đã hình thành xã Tân Phát, nơi qui tụ 3 họ đạo: Thánh Tâm, Thánh Mẫu và Hài Ðồng, lúc đó thuộc giáo phận Sàigòn.
Họ Thánh Tâm khi đó do cha Giuse Hoàng Y coi sóc. Cùng lúc với việc giúp đồng bào vỡ đất làm nhà để ổn định cuộc sống, Cha đã xúc tiến việc xây cất một ngôi nhà thờ tạm và các cơ sở chính yếu khác của họ đạo. Sau gần một năm sống giữa đoàn chiên, Cha đã đi nhận nhiệm sở mới tại Buôn Mê Thuột, thuộc giáo phận Sàigòn.
Tiếp theo là thời cha Giuse Nguyễn Ðức Tụng, Cha Xứ tiên khởi, từ năm 1956 đến năm 1975; trong thời gian 18 năm, Giáo xứ mỗi ngày một thêm lớn rộng. Năm 1962, Giáo xứ khởi công xây cất ngôi nhà thờ mới, mặt tiền và ngọn tháp còn tồn tại đến nay.
Năm 1975, giáo xứ đón tiếp cha xứ mới: Cha Gioan Baotixita Trần Thái Huân. Sau 3 năm, Cha Cố Huân đi làm quản lý tại Tòa Giám mục. Năm 1978, Cha Phêrô Hoàng Ngọc Dao được bổ nhiệm làm quản xứ; sau 15 năm, Cha đi coi xứ Tân Bùi.
Ngày 4/11/1990 Giáo xứ có lễ truyền chức linh mục cho hai thầy Phaolô Vũ Ðức Vượng, Gioan Bosco Trần Văn Ðiện đang giúp xứ tại đây. Cha Phaolô Vượng phục vụ tại Thánh Tâm đến ngày 20/9/1993 được bổ nhiệm làm quản xứ Tân Rai. Cha Gioan Bosco Ðiện đi làm Phó xứ Bảo Lộc.
Ngày 19/9/1993 cha Giuse Vũ Ðình Tân về làm quản xứ, đến ngày 10/7/2013 được nghỉ hưu tại Nhà Nghỉ dưỡng Linh mục sau 20 năm phục vụ Giáo xứ.
Ngày 16/7/2013 cha Phêrô Mai Vinh Sơn về làm quản xứ cho đến nay.
Cùng phục vụ Giáo xứ trong 60 năm qua, còn có 11 cha phó, các nữ tu, đặc biệt có các vị Hội đồng Giáo xứ là những người cùng với Linh mục Quản xứ lo điều hành giáo xứ.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ, những người còn sống cũng như đã qua đời, cách riêng cho các vị Hội đồng Giáo xứ cũng như các linh mục tu sĩ đã và đang phục vụ Giáo xứ, các ân nhân xa gần. Ước mong mọi người trong giáo xứ biết đền đáp ơn Chúa và công lao của nhiều người bằng cách quan tâm hơn nữa đến bản thân là đền thờ của Thiên Chúa theo gương Chúa Giêsu đã khẳng định đền thờ là chính thân thể Người.