GIÁO XỨ THÁNH TÂM – LỘC TIẾN
60 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
(1956-2016)
13 NĂM CUNG HIẾN NHÀ THỜ
(2003-2016)
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Mừng kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ Thánh Tâm, 13 năm Cung hiến Nhà thờ Giáo xứ là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành và phát triển Giáo xứ, và cũng là dịp để suy niệm về ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho “nhà này”, hiện nay có trên 5000 thành viên.
1. Đôi nét lịch sử hình thành và phát triển Giáo xứ
Năm 1955, khi có một số đồng bào công giáo từ miền Bắc đến tạm cư tại sân banh gần nhà thờ Blao, thuộc giáo phận Sàigòn, Cha xứ Blao là Cha Phaolô Nguyễn Văn Ðậu đã liên hệ với chính quyền để được định cư tại khu đất còn hoang vu ở cây số 187. Cha đã đưa họ đến phát rừng, chia đất, cất nhà, bắt đầu xây dựng cuộc sống. Cha cũng giúp họ dựng tạm những cơ sở cần thiết đầu tiên của một xứ đạo như nhà nguyện, nhà xứ, trường học. Để nâng đỡ tinh thần sống đạo của giáo dân, Cha đã nhờ cha già Phêrô Hoàng Châu Thưởng, cũng mới từ miền Bắc vào, đang tá túc tại nhà thờ Blao, ngày ngày tới dâng lễ và ban các bí tích.
Năm 1956, Cha Giuse Phạm Tuấn Trang được cử về làm cha xứ tiên khởi, có cha già Thưởng trợ giúp. Hai năm sau, năm 1958, cha Giuse Trang gia nhập Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám Mục Sàigòn, đã cử cha Phêrô Nguyễn Ngọc Châu thay thế. Từ đó giáo xứ Thánh Tâm ngày càng phát triển về mọi mặt. Số giáo dân lúc đầu khoảng 1000 người đã dần dần tăng thêm, các cơ sở tạm của giáo xứ cũng được tu bổ hoặc thay thế bằng những ngôi nhà rộng lớn hơn.
Năm 1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, trong đó có việc thành lập giáo phận Đà Lạt. Trong những ngày đầu khai hoang lập xứ, giáo xứ có tên là Tân Hiệp, mang ý nghĩa sự hiệp nhất mới của giáo dân gốc giáo phận Bắc Ninh và Bùi Chu, nhưng Cha Tổng Đại diện (quen gọi là Cha Bề trên) PhaoLô Nguyễn Văn Đậu, người đã bỏ nhiều công sức ra giúp đỡ giáo xứ trong thời gian đầu, đã nói: “Không có sự hiệp nhất nào bền vững bằng mọi người sống trong tình yêu của trái tim Chúa Giêsu”, nên Cha đã đề nghị chọn tên “Thánh Tâm” làm tên gọi giáo xứ.
Từ năm 1995 đến năm 2013, Cha Gioan Baotixita Trần Thái Huân được bổ nhiệm làm quản xứ. Từ năm 2013 đến nay, Cha quản xứ là Cha Giuse Phạm Văn Tuấn. Ngoài các Cha Xứ, còn có nhiều Cha lần lượt làm Cha phó giáo xứ Thánh Tâm; hơn nữa, từ những năm mới được thành lập đến nay, Giáo xứ được các nữ tu Ðaminh (Tam Hiệp) tận tình phục vụ.
Cơ sở vật chất của Giáo xứ đã phát triển theo nhu cầu cuộc sống. Các đoàn thể trong giáo xứ khá sinh động. Giáo xứ Thánh Tâm đã cung cấp cho Giáo hội trên 10 Linh mục, hơn 30 tu sĩ nam nữ thuộc nhiều Hội Dòng.
Nói đến sự phát triển giáo xứ không thể không nói đến ngôi thánh đường là bộ mặt, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Giáo xứ. Thánh đường giáo xứ Thánh Tâm ban đầu được làm bằng gỗ, mái tôn… Sau nhiều lần tu sửa, ngôi thánh đường đã được xây dựng đẹp đẽ như ngày nay. Từ năm 2000, Cha Cố Gioan Baotixita đã tiếp nối ý tưởng của Cha quản xứ tiền nhiệm chọn kiến trúc Á Đông làm căn bản để xây dựng ngôi thánh đường mới, thể hiện phương hướng hội nhập văn hóa. Sau hơn hai năm xây dựng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự Thánh lễ Cung hiến nhà thờ mới, đến nay đã được 13 năm.
2. Ơn cứu độ được ban cho “nhà” này
Bài Tin Mừng (Lc 19, 1-10) được Cha quản xứ chọn đọc trong Thánh Lễ hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu vào nhà ông Dakêu, một người đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này… vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ và 13 năm Cung hiến Nhà thờ, chúng ta như được nghe lời Chúa Giêsu nói với mọi người trong nhà: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Thật vậy, giáo xứ là một gia đình. Gia đình chúng ta đã được Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua Chúa Giêsu: vì lòng thương xót, Đức Giêsu đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta.
Các giáo xứ đều được nhiều linh mục coi sóc, không thể không quan tâm đến việc xây dựng nhà thờ là trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, nhưng tất cả đều nhằm mục đích xây dựng đời sống người Kitô hữu trở thành đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 2
(x. 1 Cr 3, 9b-13.16-17), đã khẳng định: “Tôi trồng, Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể… Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên…, xây trên nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô… Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.”
Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã yêu thương chúng ta như thế. Để đáp lại tình thương của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải thể hiện lòng thương xót đối với người khác như ông Dakêu, để có thể được Chúa Giêsu nói về giáo xứ Thánh Tâm rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Thật vậy, chúng ta không thể được cứu độ nếu không có lòng “thương xót như Chúa Cha”.
Đó cũng là chủ đề của Năm Thánh mà toàn thể Giáo hội đang cử hành, và mọi người được mời gọi thực thi lòng thương xót theo gương Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta. Hơn nữa, hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội chiêm ngắm Đức Mẹ Thăm Viếng: Đức Maria “vội vã lên đường” thăm bà Elizabeth đã có thai được 6 tháng và ở lại 3 tháng để giúp đỡ người chị họ trong lúc cần giúp đỡ nhất. Cùng với Đức Maria, chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời ca vịnh tuyệt vời “Magnificat”: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, và thần trí tôi hớn hở mừng vui trong Chúa Đấng cứu độ tôi”.