GIỚI HIỀN MẪU CÙNG VỚI THÁNH MONICA
YÊU MẾN VÀ NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ
NTCT Đà Lạt, 27/08/2018
Một trong những điều đáng được lưu ý là thánh Monica đã noi gương Đức Mẹ sống gắn bó với con là Augustinô như Đức Mẹ đã sống gắn bó với Chúa Giêsu. Chúng ta mới mừng lễ Đức Maria Nữ Vương; xin mời cộng đoàn cùng đọc kinh “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành…”
Trong kinh Lạy Nữ Vương, chúng ta thưa với Đức Mẹ: “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy”. Vì thế, giới hiền mẫu cố gắng noi gương Đức Mẹ chia sẻ cho con cái sự sống, niềm vui và lòng tin cậy, để con cái cũng biết chia sẻ cho người khác.
- Nữ Vương Mẹ Nhân lành làm cho chúng con được SỐNG.
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 1, 26-38), sứ thần Gabriel báo tin cho Đức Maria “sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavid, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
Tất nhiên, chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng hằng sống và là nguồn sống; chỉ một mình Con-Thiên-Chúa-Làm-Người đã chết và sống lại để chiến thắng sự chết do tội tổ tông truyền; chỉ một mình Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha và Chúa Con là Đấng ban sự sống. Tuy nhiên, Đức Maria đã được Chúa Cha mời gọi cộng tác với Chúa Thánh Thần để cưu mang và sinh hạ Chúa Con, Đấng phục hồi sự sống vĩnh cửu cho loài người.
Nhiều thánh Giáo Phụ đã không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân phục của bà Eva, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria ; điều mà Eva đã buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”. So sánh với Eva, các Giáo phụ còn quả quyết rằng: “Bởi Eva đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống”.
Các hiền mẫu chẳng những sinh dưỡng con cái về phần xác mà còn phải quan tâm đến việc nuôi dưỡng phần hồn cho con cái bằng cầu nguyện, hy sinh và làm gương sáng đạo đức cho con cái như thánh Monica.
- Nữ Vương Mẹ Nhân lành làm cho chúng con được VUI.
Sứ thần Gabriel đã chào Đức Maria bằng một lời chào khác thường: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. “Đầy Ân sủng” trở thành tên gọi Đức Maria, vì Đức Maria có “Chúa ở cùng”.
Khi Đức Maria đi thăm bà Elisabeth, bà nói với Đức Maria rằng: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”.
Thánh Luca dùng động từ “nhảy mừng” khiến người đọc liên tưởng đến việc vua Đavít nhảy mừng trước chiếc Hòm chứa đựng Bia đá khắc 10 điều răn trong Cựu Ước (x. 2 Sm 6,16), và như Hòm Bia ở lại 3 tháng tại “nhà ông Obed-edom”, Đức Maria cũng ở lại 3 tháng tại “nhà ông Zacharia” (x. 2 Sm 6,11). Ở đây, “Đức Maria đang mang thai Con Thiên Chúa Làm Người” được ví như “hòm bia Thiên Chúa” trong Tân Ước. Vì thế, Gioan Baotixita trong lòng bà Elisabeth nhảy mừng trước sự hiện diện của Đức Maria là người “được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng Bà được chúc phúc”. Đây là niềm vui cho toàn dân Israel vì Thiên Chúa là “Đấng Thánh cao cả của Israel ở giữa” dân Người. Đây là niềm vui mà tiên tri Sôphônia đã tiên báo (x. Xp 3, 14-18a): “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! … Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi”.
Cảm nhận được ơn phúc lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho mình, Đức Maria cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Niềm vui của Mẹ Maria là niềm vui của cả nhân loại.
Ước gì niềm vui của các hiền mẫu là niềm vui cho chồng con và mọi người trong gia đình, trong xã hội, trong giáo xứ.
- Nữ Vương Mẹ Nhân lành làm cho chúng con được CẬY.
Đức Maria là một mẫu gương cho chúng ta về niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Khi Đức Maria tỏ ra bối rối trước lời truyền tin của sứ thần Gabriel, sứ thần đã trấn an: “Đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Ngay lúc đó, sứ thần đã cho Đức Maria một bằng chứng để củng cố niềm tin cậy vào Thiên Chúa: “Kìa bà Êlisabeth, người họ hàng với Bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Lập tức, Đức Maria thưa với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đó là lời “Xin Vâng” với trọn niềm tin cậy vào Thiên Chúa.
Lòng tin cậy của Đức Maria có lúc cũng gặp thử thách. Thánh Marcô thuật rằng: một hôm Đức Giêsu đang giảng dạy cho dân chúng, thì “Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3, 31-35; x. Mt 12: 46-50; Lc 8:19-21). Mẹ và anh em đến gặp Đức Giêsu, theo trình thuật của thánh Marcô, được hiểu là để yêu cầu Ngài về nhà vì người ta bảo Ngài “mất trí” (x. Mc 3, 21).
Như thế, trong khi đám đông đang “ngồi chung quanh” Đức Giêsu như những người môn đệ ngồi lắng nghe lời Ngài để biết ý muốn của Thiên Chúa mà thi hành, thì Mẹ và anh em Ngài lại “đứng ở ngoài” vòng các môn đệ. Do đó, ngỏ lời với đám đông, Đức Giêsu đã muốn nói với Mẹ và anh em Ngài là hãy ngồi xuống như những người môn đệ của Ngài. Có thể nói rằng chính Đức Mẹ cũng được đào tạo để làm môn đệ Chúa Giêsu, một người biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy.
Trong một trường hợp khác, tại tiệc cưới Cana, Đức Mẹ đã báo cho Đức Giêsu biết: “Họ hết rượu rồi”. Nhưng Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? (có nghĩa là giữa bà và tôi không đồng quan điểm). Giờ của tôi chưa đến”.
Đọc TM theo thánh Gioan, chúng ta thấy những người đến gặp Đức Giêsu chỉ nghĩ đến những chuyện tự nhiên, nên Đức Giêsu phải hướng tâm trí họ về một trật tự siêu nhiên, chẳng hạn khi người phụ nữ Samaria xin nước uống, Đức Giêsu nói Ngài là “nước hằng sống”; sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đến gặp Ngài để lại được ăn bánh, Đức Giêsu nói Ngài là “bánh hằng sống”; khi Đức Giêsu nói về việc “phải tái sinh”, Nicôđêmô thắc mắc: “Không lẽ lại chui vào bụng mẹ để được sinh ra một lần nữa sao?”, vì thế Đức Giêsu đã hướng Nicôđêmô đến việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần.
Theo văn mạch của Thánh Gioan, Đức Maria cũng vậy thôi, khi Mẹ nói “họ hết rượu rồi” thì Mẹ chỉ nghĩ đến rượu vật chất, nên Đức Giêsu mới nói: “Chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. “Giờ” ở đây là giờ thiết lập Giao ước mới trên thánh giá. Tuy nhiên, nhân dịp này, Đức Giêsu đã làm dấu lạ hóa nước thành rượu, mà rượu mới ngon hơn rượu cũ, ám chỉ giao ước mới hơn hẳn giao ước cũ. Trong “giờ” cao điểm đó, Đức Maria đứng vững dưới chân thánh giá, không xin gì, chỉ im lặng kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu hiến tế chính mình làm của lễ cứu chuộc nhân loại. Vì thế, trong cuộc tái sinh nhân loại, Đức Giêsu đã công bố Đức Maria là mẹ của Gioan, vì Mẹ đã cộng tác với Chúa Giêsu tái sinh các tín hữu mà Gioan là đại biểu.
Ước gì các hiền mẫu cũng noi gương Đức Mẹ tái sinh con cái bằng cách kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu chịu đóng đinh để mưu ích phần linh hồn cho chồng con như thánh Monica đã làm. Chính những giọt nước mắt và hy sinh âm thầm của mẹ Monica đã góp phần tái sinh người con là Augustinô trong ơn nghĩa Chúa.
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Amen.