LINH MỤC KENNETH M. DOS SANTOS, MIC (*)
Sự tha thứ, một ân huệ mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa và từ những người khác, có phải là một hành vi hoàn toàn không cần đến, hay, đó là thứ mà tất cả chúng ta yêu cầu và cần đến không? Không phải sự tha thứ là một hành vi bắt nguồn từ lòng thương xót của Thiên Chúa sao? Và, nếu vậy, hành vi tha thứ không phải là cần thiết cho đức tin và cuộc sống của chúng ta sao?
Bắt đầu cân nhắc những câu hỏi này, chúng ta cần xem xét suy nghĩ này: Có sự Cứu rỗi Vĩnh cửu nào cho cả nhân loại mà không cần Chúa Kitô phải bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết không?
Nhưng nếu Ðức Kitô, chiếu theo lời rao giảng, đã sống lại từ cõi chết, thì làm sao trong anh em lại có kẻ dám nói: Không có chuyện kẻ chết sống lại? Nhưng nếu không có chuyện kẻ chết sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại! Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, vậy thì lời rao giảng của chúng tôi thật hư không, và hư không nữa việc anh em tin. (1Côrintô 15: 12-14) [[1]]
Chúc tụng Thiên Chúa
và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Yêsu Kitô,
Ðấng đã chúc lành cho ta bằng mọi chúc lành Thần khí,
chốn hoằng thiên, trong Ðức Kitô.
Bởi chưng Người đã chọn ta trong Ngài, từ trước tạo thiên lập địa,
để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người.
Bởi lòng yêu mến
Người đã tiền định cho ta được phúc làm con,
nhờ Ðức Yêsu Kitô, và vì Người,
chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người,
để nên lời ca ngợi cho vinh quang Người, bởi ân sủng
Người đã ban xuống cho ta trong Ðấng chí ái.
Trong Ngài ta được cứu chuộc, nhờ máu Ngài,
tức là ơn tha thứ tội khiên,
chiếu theo lường phong phú của ân sủng.
Người đã xuống dẫy tràn trên ta.
Cùng với tất cả khôn ngoan lịch duyệt, (Êphêsô 1: 3 8)
Phải chăng điều này không buộc rằng Chúa Giêsu Kitô ở trong chính bản tính Thiên Chúa của mình, là Đấng vô tội không mắc nợ gì tội lỗi, tuy nhiên đồng thời, thông qua ngôi hiệp cũng là Đấng mang bản tính nhân loại đó sao? Một con người sẵn sàng và có thể dâng hiến cuộc đời của mình làm của lễ hy sinh dâng lên Cha trên trời của mình, vì tội lỗi của cả nhân loại? Chính nhờ sự dâng hiến thánh thiêng của Ngài mà chúng ta nhận được sự tha thứ tội lỗi và ân sủng để tha thứ cho anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô.
Nhưng phải chăng ân sủng và sự tha thứ mà Chúa Kitô đã hiến dâng chính là để trao ban cho chúng ta cuộc sống của Ngài làm của lễ hy sinh – một cách vô điều kiện sao? Ở đây, chúng ta phải hiểu, sự tha thứ tội lỗi cho chúng ta chắc chắn là có điều kiện. Và chính vì lý do này mà sau Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được ban Bí tích Hòa giải:
“Đức Ki-tô đã lập bí tích thống hối cho những tội nhân trong Hội Thánh, trước hết là cho những người sau khi đã được rửa tội mà còn phạm tội trọng, đánh mất ân sủng thánh tẩy và làm tổn thương đến sự hiệp thông Hội Thánh. Bí tích thống hối cho họ một cơ hội mới hoán cải và tìm lại ơn công chính hóa. Các giáo phụ coi bí tích này như “cái phao thứ nhì sau khi tầu chìm, tức là đánh mất ân sủng”. (Giáo lý Công giáo, 1446) [2]
Nhờ bí tích này, chúng ta nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa: ân sủng, sự chữa lành và biến đổi của Ngài, để chúng ta có thể sống cuộc sống của mình như Chúa dự định – kết hiệp với Ngài và không tách rời khỏi Ngài vì nhiều tội lỗi của chúng ta.
Chủ sự của bí tích thiết yếu này là linh mục được phong chức hợp lệ, đã lãnh nhận Bí tích Truyền chức phù hợp với sự kế vị các tông đồ:
“Vì Đức Ki-tô đã trao cho các tông đồ thừa tác vụ giao hòa (Ga 20,23; 2Cr 5,18), nên các giám mục kế nhiệm các ngài và các linh mục là những cộng sự viên của các giám mục, tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Nhờ bí tích Truyền Chức, các giám mục và linh mục có quyền tha tội “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.(Giáo lý Công giáo, 1461)
Tuy nhiên, trước khi một người Công giáo đã được rửa tội đến với một linh mục đã được truyền chức để lãnh nhận bí tích này, người ấy phải ước ao xưng thú tội lỗi, hay “hối nhân”, nên cầu nguyện với Chúa để mình có một trái tim rộng mở với ân sủng của Chúa Thánh Thần, để người ấy hoàn toàn có sức mạnh thực hiện việc thú nhận tội lỗi cách trọn vẹn.
Điều này được thực hiện một cách triệt để nhất nhờ việc sử dụng một cuộc kiểm tra lương tâm[2]:
Để lãnh nhận bí tích Giao Hòa, hối nhân cần chuẩn bị bằng việc xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Những bản văn thích hợp nhất có thể tìm được trong Mười Điều Răn, trong phần giảng huấn luân lý của Tin Mừng và trong các thư Tân Ước : Bài giảng trên núi, Giáo huấn các tông đồ. (Giáo lý Công giáo, 1454) [3]
Một phần của quá trình này bao gồm, “giục lòng ăn năn” những tội mình đã phạm: “Trước hết hối nhân phải ăn năn tội. Ăn năn tội là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa”. (Giáo lý Công giáo, 1451). [4]
Do đó, chỉ sau khi người ta cầu nguyện với Chúa Thánh Thần xin Ngài giúp đỡ, đã kiểm tra lương tâm của mình, và ăn năn chân thành, khiêm nhường và đích thực vì tội lỗi của mình, thì “hối nhân” mới đến với một linh mục được cho phép giải tội để lãnh nhận bí tích này:
Lời thú tội với linh mục là phần cốt yếu của bí tích Thống Hối : “Khi xưng tội, hối nhân phải kể hết các tội trọng nhớ được sau khi xét mình cẩn thận, dù những tội trọng này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai điều cuối của Mười Điều Răn (x. Xh 20,17; Mt 5,28), vì những tội này đôi khi làm cho linh hồn bị thương tổn nặng nề và nguy hiểm hơn những tội phạm công khai” ( Giáo lý Công giáo, 1456) [5]
Ngay trên bình diện thuần nhân loại, xưng tội hay thú tội giải thoát và giúp chúng ta dễ dàng hòa giải với anh em. Qua việc thú tội, con người nhận mình là tội nhân, nhận trách nhiệm về tội lỗi đã phạm, nhờ đó lại sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa và hiệp thông với Hội Thánh để có một tương lai mới. (Giáo lý Công giáo, 1455)
Sau khi hối nhân bộc lộ cách trung thực và ăn năn về tội lỗi của mình, linh mục (còn gọi là “cha giải tội”) nên đưa ra một số lời khuyên ngắn gọn và chỉ định việc đền tội:
Có những tội gây thiệt hại cho tha nhân. Chúng ta phải hết sức để đền bù (như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại). Đức công bình đòi buộc thực hiện như vậy. Hơn nữa, tội lỗi gây thương tổn và làm suy yếu chính tội nhân cũng như mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và tha nhân. Bí tích Giao Hòa tha thứ tội lỗi, nhưng không xóa bỏ những hậu quả xấu do tội gây nên (Công đồng Trentô [1551]: DS 1712). Sau khi được tha thứ, tội nhân còn phải hồi phục hoàn toàn sức sống thiêng liêng. Vì thế, họ phải làm một việc gì sửa lại lỗi lầm của mình : phải “đền bù” cân xứng hoặc “đền tạ” tội lỗi mình. Việc đền tội như vậy cũng gọi là “thống hối”.
Khi chỉ định việc đền tội, linh mục phải chú ý đến tình trạng riêng của hối nhân và mưu cầu lợi ích thiêng liêng cho họ. Việc đền tội phải tương xứng với bản chất và tính chất trầm trọng của tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách cầu nguyện, dâng cúng, bố thí, phục vụ tha nhân, hãm mình, các hy sinh và nhất là kiên trì vác thánh giá của mình. Những việc đền tội như thế giúp chúng ta nên giống Đức Ki-tô, Đấng duy nhất đã đền bù dứt khoát tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên đồng thừa tự với Đức Ki-tô phục sinh “một khi chúng ta chịu đau khổ với Người” (Giáo lý Công giáo,1459 và 1460) [6]
Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, nhận được sự tha tội chắc chắn hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và Giáo hội, xóa bỏ hình phạt vĩnh cửu vì tội lỗi: “nhưng không xóa bỏ những hậu quả xấu do tội gây nên (Công đồng Trentô [1551]: DS 1712)”.
Được tha thứ tội lỗi và tái lập hiệp thông với Thiên Chúa, hối nhân cũng được tha các hình phạt đời đời do tội. Nhưng những hình phạt tạm vẫn còn. Người ki-tô hữu phải cố gắng đón nhận các hình phạt tạm này như một ân sủng, bằng cách nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thách đủ loại, ngay cả cái chết. Họ phải cởi bỏ hoàn toàn “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” (x. Ep 4,24), nhờ làm những việc từ bi và bác ái cũng như nhờ cầu nguyện và sám hối. ( Giáo lý Công giáo, 1473)
Bất kỳ hình phạt tạm thời nào còn lại sau khi nhận Bí tích Hòa giải, có thể được xóa bỏ trong một số trường hợp. Ví dụ, việc ăn năn cách trọn; cầu nguyện, ăn chay và bố thí với tình yêu trọn hảo; hoặc bằng cách lãnh nhận ơn toàn xá – đáp ứng các điều kiện bình thường, bao gồm việc hoàn toàn dứt bỏ bất kỳ sự quyến luyến nào với tội lỗi, dù là tội nhẹ.
Ngoài những điều này, cần lưu ý rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã ban cho Thánh Maria Faustina Kowalska một phương tiện nữa để có được sự “tha thứ hoàn toàn tội lỗi và hình phạt”, được coi như là “lời hứa đặc biệt” của Chúa trong ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót:
Hỡi ái nữ của Cha, con hãy nói cho cả thế giới biết về lòng thương xót khôn lường của Cha. Cha ước mong đại lễ kính Lòng Thương Xót Cha trở thành chỗ nương náu và trú ẩn cho mọi linh hồn, nhất là các tội nhân đáng thương. Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở. Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha. Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở. Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều. Lòng nhân ái của Cha bao la đến nỗi cho đến đời đời, không một trí năng nào, dù nhân loại hay thiên thần, có thể dò thấu được. Tất cả những gì đang hiện hữu đều phát xuất từ lòng thương yêu sâu thẳm rất dịu dàng của Cha. Mọi linh hồn mật thiết với Cha sẽ được chiêm ngắm tình yêu và lòng thương xót của Cha cho đến muôn đời. Đại lễ kính Lòng Thương Xót của Cha phát xuất từ tình dịu dàng sâu thẳm của Cha. Cha mong ước đại lễ ấy phải được cử hành trọng thể vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh. Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào trở về với nguồn mạch thương xót của Cha. [7]
Vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đáp lại mong muốn của tín hữu Kitô giáo, đã tuyên bố rằng Chúa nhật thứ hai của lễ Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật lòng thương xót, từ đó đến nay trong toàn Giáo hội. Thánh bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích trong sắc lệnh ban hành ngày 5 tháng 5 năm 2000, đã chính thức hóa tuyên bố này và bằng việc đưa vào Sách lễ Rôma khiến lễ này trở nên lễ buộc trong toàn Giáo hội.
Tuy nhiên, người ta nhất thiết phải thừa nhận thực tế rằng nếu sự đền bù tội lỗi cá nhân không được thực hiện trong cuộc đời này, qua một số hình thức đền tội, thì hình phạt tạm thời do tội lỗi chắc chắn sẽ xảy ra sau khi chết qua việc thanh luyện trong Luyện ngục.
Chúng ta thấy một ví dụ đẹp và sống động về hành động tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho cả nhân loại, được thể hiện qua Dụ ngôn Người Con hoang đàng. Và điều này được nội tâm hóa với sự nhấn mạnh thậm chí còn lớn hơn thông qua một cảnh được lấy từ chương trình truyền hình ít tập Anh-Ý năm 1977 của đạo diễn Franco Zeffirelli mang tên Chúa Giêsu thành Nadarét.
Khung cảnh mở ra với việc các Tông đồ nói chuyện với nhau về quyết định của Chúa Kitô giao du với một tội nhân công khai, mối quan tâm của họ bắt nguồn từ vụ bê bối công khai khi Chúa Kitô tính đến thăm nhà của Mátthêu Người thu thuế. Và, trong sâu thẳm trái tim mình họ tin rằng, nếu Ngài khăng khăng thực hiện chuyến viếng thăm này – thì Chúa Kitô, chính Ngài, một bậc thầy Rabbi[3], sẽ ra ô uế.
Chính tại đây, chúng ta chứng kiến sự hỗn loạn xảy ra trong lòng Thánh Phêrô. Ở một cấp độ nào đó, chúng ta nhận ra rằng Phêrô được mời gọi theo Chúa Kitô, trái ngược hoàn toàn với mong muốn trở thành một ngư dân đơn thuần. Thánh Phêrô, cho đến lúc này, đã rất quen thuộc và kiểm soát được môi trường xung quanh. Thuyền của ông, lưới của ông, tất cả các dụng cụ ông yêu cầu để thực hiện một chức năng duy nhất, bắt cá, nghề duy nhất ông từng biết, để ông chu cấp cho gia đình. Không thể bỏ qua cuộc đấu tranh nội tâm mà Thánh Phêrô đang chịu đựng, khi ông suy ngẫm về hai thực tại này.
Do đó, ông lựa chọn ở lại bên bờ biển, để cho các Tông đồ khác đến tìm Chúa Kitô, để họ thuyết phục Ngài không được vào nhà của Mátthêu Người thu thuế. Và, khi họ tìm thấy Chúa Giêsu, họ khẩn nài Ngài, nói rõ rằng họ đã sống một cuộc đời đáng kính và đã hy sinh nhiều. Rằng, những người mà Ngài định đến thăm là những tên trộm thông thường, gái mại dâm, những kẻ thực hành cho vay nặng lãi, những kẻ bạo lực và vô thần. Họ tự hỏi làm thế nào Chúa Kitô có thể lại ngồi xuống và ăn uống với những người này, là những người sẽ dành cuộc sống của họ trong khoái lạc và đồi trụy. Nhưng Chúa Kitô trả lời, “Ta đến không phải để gọi những người đạo đức ăn năn, nhưng là những kẻ tội lỗi”, và “họ có thể vào Nước Trời, ngay cả trước các ngươi”.
Sau đó, Chúa Kitô quay về phía Thánh Giacôbê nhìn chăm chú và tuyên bố: “Trái tim của Luật pháp – là Lòng thương xót”. Với tuyên bố này Chúa Kitô bước vào nhà của Mát thêu Người thu thuế trong khi các Tông đồ của Ngài vẫn ở lối vào của căn nhà, chăm chú và chờ đợi. Chúa Kitô lục soát đám đông để tìm ra Mátthêu và khi đã xác định được vị trí của ông, Ngài tuyên bố: “Bình an ở cùng anh”. Mátthêu trả lời: “Cảm ơn Ngài đã đến nhà tôi, thưa Rabbi”. Chúa Kitô nhanh chóng xác định một chỗ để ngả lưng, trong khi số đông những người có mặt nài xin Ngài phát biểu. Nhưng Mátthêu phản đối gay gắt, nài xin khách của mình hãy để Rabbi ăn trước đã, và nói rằng, một khi Ngài đã ăn xong, Ngài sẽ nói chuyện với tất cả mọi người đang tụ tập. Tuy nhiên, Chúa Kitô lại đồng ý kể cho họ một câu chuyện: Dụ ngôn Người Con hoang đàng:
Người kia có hai đứa con. Con thứ nói với cha: “Thưa cha, xin ban cho con phần gia sản thuộc về con!” Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó. Không mấy ngày sau, con thứ thâu góp tất cả vốn liếng mà trẩy đi phương xa. Và ở đó, nó sống trác táng đã phá tan sản nghiệp.”
“Khi nó tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó, lại xảy ra nạn đói kém khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải túng thiếu. Nó đi sống bám nhờ một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó ước gì có thể lấy muồng muồng heo ăn mà thốn cho đầy bụng, mà cũng chẳng có ai mà bố thí cho nó. Hồi tâm lại, nó nói: Biết bao nhiêu người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người: “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với trời và trước mặt cha; con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin xử với con như một người làm công của cha thôi”.
“Và nó đã chỗi dậy mà về cùng cha nó.”
“Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương: chạy lại, ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để. Người con mới nói với ông: “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn đáng gọi là con cha nữa!”
Nhưng cha nó đã nói cùng tôi tớ: “Mau mau! đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó, và giày vào chân nó; rồi đem con bò tơ nẫy mà hạ đi! ta phải ăn khao mới được, Vì này con ta đây: nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. Và người ta mở tiệc ăn khao.”
“Nhưng con cả của ông thì ở ngoài đồng. Thoạt khi nó vừa lại gần nhà, thì nghe có đàn ca múa hát. Chàng gọi một tên đầy tớ lại mà dò hỏi xem có gì thế. Tên đầy tớ nói với chàng: “Ấy em cậu vừa về đó, và cha cậu đã cho hạ bò tơ nẫy, vì cụ đã được lại con an lành mạnh khỏe”. Chàng liền nổi giận và không thèm vào nhà. Cha chàng phải ra dỗ chàng. Chàng đáp lại mà nói với cha: “Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm cho ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông; thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con ông này đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ nẫy mừng nó”.
“Cha chàng mới nói: “Này con! con hằng ở luôn với cha, thì tất cả của cải cha đều là của con. Nhưng phải ăn khao mà mừng chớ, vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. (Lc 15: 11-32)
Mọi thứ đã trở nên rõ ràng khi kể lại câu chuyện dụ ngôn này, ấy thế mà, theo nhiều cách vẫn không thể giải thích được, đó là người con thứ đã tự do lựa chọn tội lỗi hơn cả mối quan hệ yêu thương mà anh ta có với cha mình từ khi sinh ra. Anh ta bị ý tưởng giàu sang vật chất làm mù quáng – ảo tưởng quá đến độ dù diễn biến hành động của anh ta có mang lại cho anh ta hạnh phúc và sự thỏa mãn thực sự, nhưng anh ta quyết từ chối tình yêu của cha mình. Và, vì thực tế rõ ràng như vậy nên nhiều người khi gặp phải câu chuyện dụ ngôn này đã bỏ qua và thậm chí đồng cảm với sự nhẫn tâm của người con cả.
Sự tự cao tự đại, sự bất kính và bất công mà người con thứ phạm phải khi đòi chia gia tài của cha mình, ngay trong khi cha anh vẫn còn sống. Một người con yêu thương cha, chỉ nên nhận gia tài sau cái chết của cha mình. Tài sản, mà người con thứ được chia thực ra thì rất ít hoặc không được phần nào. Tuy nhiên, người con thứ quyết tâm từ bỏ cha và anh trai mình để đi tới một đất nước xa xôi và phung phí gia tài này vào cuộc sống buông thả.
Nhưng phải đến khi người con thứ trải qua một thử thách lớn, nạn đói, một sự kiện buộc anh ta phải suy nghĩ về hành động của chính mình – không chỉ khi anh mất hết phương tiện để nuôi sống bản thân, mà còn vì quyết định mà anh ta đã lựa chọn để chối từ và bỏ rơi người cha và anh trai của mình.
Sau khi xem xét tình trạng khó khăn của mình, người con thứ quyết định tốt nhất là anh ta nên “kết thân với một công dân” của nước ngoài này (hoặc, chấp nhận làm việc nuôi lợn cho công dân này) có lẽ kiếm đủ tiền để nuôi sống bản thân. Nhưng, khi làm công việc này, người con thứ đang rất cần thức ăn đến độ anh ta khao khát được ăn những vỏ đậu mà anh ta được thuê phân phát cho heo ăn. Cảnh thiếu thốn tuyệt đối này thúc đẩy người con thứ suy nghĩ về thực tế những người hầu của cha mình luôn có đủ bánh mì để ăn. Cõi lòng anh ta thấy rõ tội lỗi, đến nỗi anh ta xúc động khi trở về với cha mình và nói: “Thưa Cha, con đã phạm tội chống trời và trước Cha; Con không còn đáng được gọi là con của Cha nữa; hãy coi con như một trong những người làm thuê của Cha”. Chỉ đến thời điểm này, người con thứ mới thực sự hiểu được sức nặng của tội lỗi mình; cho đến thời điểm này, anh ta mới có sự ăn năn thực sự và hối hận về những gì anh ta đã làm. Và chúng ta biết điều này qua phản ứng của anh ta: rằng anh ta không xứng đáng được gọi là con nữa vì anh ta đã phạm tội trước trời đất và chống lại cha mình, là người luôn yêu anh ta vô điều kiện.
Và, vì vậy, người con thứ đưa ra lựa chọn bắt tay vào hành trình trở về đất nước của mình. Trong khi anh ta vẫn còn cách nhà của cha mình một khoảng cách rất xa, cha anh bắt gặp hình ảnh con trai của ông, chạy ra gặp anh ta, ôm lấy anh và hôn anh. Ở đây, chúng ta phải suy nghĩ về câu hỏi: người cha có đơn giản tình cờ bắt gặp con trai mình khi trở về nhà không? Không, người cha vì yêu thương con trai, ông theo dõi hàng ngày, ông luôn canh chừng và luôn hy vọng rằng con trai sẽ trở về với mình. Người cha không mang một mối hận thù nào, cũng không xét đến nỗi đau và sự đau khổ mà ông phải chịu khi đứa con trai của mình đòi chia gia tài của mình, quyết từ bỏ ông để đi nước ngoài chỉ để phung phí sự giàu có mới mẻ này và sống buông thả. Người cha đơn giản là vui mừng khi thấy con trai và mong muốn luôn được chào đón anh trở về nhà.
Người cha tràn ngập tình yêu dành cho con thứ đến nỗi dường như ông phớt lờ lời nói của anh ta, và không ngần ngại triệu tập những người hầu của mình, ông nói: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và, người cha không chỉ chào đón người con thứ về nhà, mà ông còn phục hồi anh ta trong địa vị còn lớn hơn anh ta đã nắm giữ trước đó, mặc cho anh ta chiếc áo choàng đẹp nhất và đeo một chiếc nhẫn trên ngón tay.
Người cha đã chứng kiến cái chết của tình yêu trong trái tim của con trai mình, khi con trai chọn tội lỗi hơn chọn tình yêu của cha và đó là tình yêu của Cha chúng ta trên thiên đàng. Và bây giờ, người cha đã chứng kiến sự tái sinh của tình yêu đó trong trái tim của con trai mình, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và sự hối hận và ăn năn của con trai. Niềm vui của người cha biểu hiện trong đoạn văn được lấy từ Kinh thánh: “Tôi bảo các ông: Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn!”. (Luca 15: 7).
Tại thời điểm này, dụ ngôn chuyển từ tập trung vào người con thứ hơn người con cả. Và, khi người con trai cả đến gần nhà sau khi làm việc cả ngày trên cánh đồng, anh nghe thấy tiếng nhạc và nhảy múa. Người con cả gọi một trong những người hầu để anh ta có thể xác định được ý nghĩa của bữa tiệc tùng chè chén này và người hầu trả lời: ‘Em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, bởi vì ông gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ”. Khi con cả nghe lời giải thích này, anh ta đã tức giận và từ chối vào nhà. Chính tại thời điểm này, người cha ra khỏi ngôi nhà để có thể cầu xin người con cả của mình. Nhưng, thay vì nghe cha và hiểu ra, chúng ta thấy rằng anh ta nhanh chóng trả lời:
“Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
Sự thật là người con cả đã làm việc chăm chỉ cho cha mình suốt những năm qua. Và thực tế này, theo một cách nào đó, biện minh cho sự tức giận của người anh trai đối với em ruột của mình, là người đã quyết từ bỏ cha và từ bỏ mình, làm tiêu tan toàn bộ tài sản của cha mình. Với suy nghĩ này, chúng ta phải suy ngẫm những câu hỏi sau: liệu người con cả đã thực hiện công việc này với một ý hướng đúng đắn không? Có phải anh thức dậy mỗi sáng và ra ngoài đồng để hoàn thành nghĩa vụ của mình với một tình yêu chân thành dành cho cha và vì lòng biết ơn đối với tất cả các phúc lành mà anh đã nhận được: một mái nhà trên đầu, thức ăn trên bàn, tình yêu của cha anh? Hoặc, anh ta cho rằng tất cả những điều này là đương nhiên? Có một thứ thực dụng nào đó trong các hành động của anh? Anh ấy hy vọng nhận được một phần lớn tài sản của cha mình khi cha anh ấy qua đời không, bởi vì thực tế là em trai của anh ấy đã thực sự từ chối cha và anh ấy? Có phải người anh trai đã hết sức oán giận em trai mình, anh ta cố chấp và không tha thứ, thậm chí từ chối nghĩ đến việc hòa giải với em trai mình không?
Khi xem xét phản ứng của người con cả, người ta sẽ phải kết luận rằng, ít nhất một số vấn đề được nêu ra ở đây là đúng đắn:
“Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
Khi anh trai tuyên bố: đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh: cách cư xử của anh rất không giống với một người con trai đang nói chuyện với cha mình, và giống như một người hầu đang nói chuyện với ông chủ. Một đứa con, theo đúng nghĩa của từ này, sẽ không sử dụng cụm từ giống như “con đã hầu hạ cha”, hoặc “chẳng khi nào trái lệnh”. Người anh trai tiếp tục: “chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè”. Trên thực tế, tuyên bố này nhấn mạnh rằng anh ta đang mong đợi một điều gì đó ngoài những gì anh ta đã nhận được, mà không có ý nghĩ thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả các phúc lành anh ta nhận được trong cuộc sống. Cuối cùng, khi người anh trai tuyên bố “Còn thằng con của cha đó,” anh ấy chỉ ra rằng em trai anh chỉ là con của người cha; anh không còn thừa nhận người con thứ là em trai mình. Như thế, người anh trai dường như đã đưa ra lựa chọn từ chối em trai mình, loại bỏ khả năng hòa giải, nuôi trong sâu thẳm lòng anh ta sự không tha thứ và oán giận đối với em trai.
Như vậy chúng ta có được một cái nhìn nội tâm đánh động trong phản ứng của người cha, khi chúng ta trở lại cảnh được lấy từ chương trình truyền hình ít tập Chúa Giêsu thành Nadarét. Khi Chúa Kitô chuyển từ lời của người anh cả sang lời của người cha, Ngài quay về phía Thánh Phêrô, đang đứng ở lối vào của căn nhà. Ngài nhìn chằm chằm vào mắt thánh Phêrô và nói những lời của người cha trong câu chuyện dụ ngôn với ông: “Này con! con hằng ở luôn với cha, thì tất cả của cải cha đều là của con. Nhưng phải ăn khao mà mừng chớ, vì em con đó, nó đã chết”, và sau đó Chúa Kitô quay về phía Thánh Mátthêu (người thu thuế trước đây) và tuyên bố: “và nay lại vẫn còn sống”. Tại đây, Thánh Mátthêu đứng lên thừa nhận rằng những lời này được nói cho ông. Sau đó, Chúa Kitô nhìn vào Thánh Phêrô một lần nữa và tuyên bố: “đã mất đi mà lại tìm thấy”. Nghe những lời này, Thánh Phêrô đau đớn trong lòng, ông chần chừ một lát rồi vào nhà đi về phía Chúa Kitô cùng các Tông đồ còn lại đi theo ông. Thánh Phêrô và các Tông đồ khác chỉ cần vào nhà mà không cần bận tâm, nhận ra rằng sự liên kết của họ với Chúa Kitô quan trọng hơn nỗi sợ bị ô uế. Thánh Phêrô dừng lại gần Chúa Kitô và tuyên bố: “Hãy tha thứ cho tôi, thưa Thầy, tôi là” – và sau đó lắp bắp với một cảm xúc to lớn: “tôi là một người ngu ngốc”. Chúa Kitô mỉm cười nhẹ nhàng, nhìn chằm chằm vào Thánh Phêrô với tình yêu lớn lao, và đặt tay lên vai, dẫn Thánh Phêrô về hướng Thánh Mátthêu cho đến khi cả hai người đối diện nhau. Thánh Phêrô và thánh Mátthêu nhìn chằm chằm vào nhau, trong khi Chúa Kitô tiếp tục nhìn vào họ, rồi Thánh Phêrô đặt tay lên vai thánh Mátthêu, và cuối cùng, Thánh Mátthêu đặt tay lên bàn tay của Thánh Phêrô.
Ở đây chúng ta phải thấy, hành động tha thứ là vô cùng cần thiết cho cuộc sống của chúng ta và thậm chí còn cần thiết hơn đối với cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Và Cha trên trời của chúng ta luôn sẵn sàng và chờ đợi để tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta ăn năn tội lỗi của mình từ sâu thẳm trái tim và tìm kiếm sự tha thứ của Ngài trong Bí tích Hòa giải. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa trong việc nhận ra đầy đủ lỗi lầm và thất bại của chúng ta, chúng ta đã làm tổn thương và xúc phạm người lân cận bằng nhiều cách. Chúng ta có thể bước ra khỏi đức tin khi còn là người con thứ, khiến chúng ta hèn kém và yếu ớt trước Thiên Chúa và con người, nhưng Thiên Chúa nghe thấy sự ăn năn thực sự, sự ăn năn mà chúng ta phải có được trong nội tâm mình. Và người mà chúng ta đã xúc phạm cũng có thể nhận ra nỗi buồn thực sự mà chúng ta phải gánh chịu cho sự xúc phạm đó.
Bằng cách này, người mà chúng ta đã xúc phạm có thể được trao cơ hội để tha thứ cho chúng ta tận đáy lòng, thay vì ôm mối hận hay oán giận đối với chúng ta. Nếu Thiên Chúa của chúng ta đã rất nhân từ khi tha thứ cho viêc phạm tội của chúng ta, thì chúng ta là ai mà cứ giữ lại sự tha thứ của chúng ta khỏi anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô? Vì vậy, chúng ta giống như một người đầy tớ không tha thứ, sau khi được tha nợ, đòi một người hầu trả nợ, thậm chí đến mức bắt anh ta phải ngồi tù cho đến khi anh ta phải trả toàn bộ khoản nợ. Nếu chúng ta chọn con đường này, chúng ta phải xem xét cảnh báo của Chúa:
Bấy giờ, tôn chủ cho triệu y đến bảo rằng: “Tôi tớ bất lương, ta đã tha bổng cho ngươi tất cả món nợ ấy, chỉ vì ngươi đã nài xin ta! 33 Há ngươi không phải thương xót bạn đồng liêu với ngươi sao, nhưng chính ta đã thương xót ngươi? 34 Thịnh nộ, tôn chủ của y đã trao y cho lý hình cho đến khi nào y trả xong tất cả những gì y mắc nợ với ông. 35 Cũng vậy Cha Ta, Ðấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi, nến các ngươi mỗi người không thật lòng tha cho anh em mình” (Mt 18: 32-35).
Vì nếu các ngươi tha thứ cho người ta những điều gì họ sai lỗi, thì Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời, cũng sẽ tha cho các ngươi; 15 nhược bằng các ngươi không tha thứ cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha thứ những điều các ngươi sai lỗi. (Mt 6: 14-15).
Tất cả các trích dẫn Kinh thánh lấy từ bộ Kinh Thánh Tân Ước, Bản dịch Việt Ngữ của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.
[1] SÁCH GIÁO LÝ CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO bản dịch của T.T.Đ/
[2] MAC/OPN được giới thiệu với các thành viên trong Gia Đình Salêdiêng Don Bosco.
[3] Đọc chú thích: Mt 5 -7; Rom 12:15; 1 Cô 12 12-13; Gal 5; Eph 4: 6.
[4] Trích dẫn Công đồng Trentô (1551): DS 1676.
[5] Bài đọc chú thích của nó: Công đồng Trentô (1551): DS 1680 (ND 1626); xem Vd 20:17; Mt 5:28.
[6] Đọc chú thích của Giáo lý Giáo hội Công giáo 1460: Rôma 8:17; Rô-ma 3:25; 1 Ga 2: 12; xem Công đồng Trentô (1551): DS 1690.
[7] Faustina, Nhật ký: Lòng thương xót Chúa trong linh hồn tôi Ấn Bản Thứ Nhất Chuyển ngữ: Matthias M. Ngọc Đính, CMC Sách eBooks được tạo bởi Tủ Sách Công Giáo qua Reedsy, đoạn. 699.
(*) Về Linh mục Kenneth M. Dos Santos, MIC
Linh mục Kenneth M. Dos Santos, MIC, là một thành viên của Dòng Thánh Mẫu Vô nhiễm Nguyên tội và được thụ phong linh mục vào năm 2010. Cha hiện đang là Thư ký tỉnh dòng Đức Thánh Trinh Nữ Maria, phụ tỉnh Mẹ Lòng Thương Xót, tọa lạc ở Stockbridge, Massachusetts. Cha có bằng cử nhân Triết học tại Đại học Franciscan ở Steubenville, Ohio và bằng MDiv từ Viện Nghiên Cứu dòng Đa Minh tại Washington, DC.
Phêrô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.
[2] ND: xét mình.
[3] ND: Rabbi (tiếng Hebrew: רַבִּי) là bậc thầy kinh thánh Do Thái Torah.