Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Ngày 25 tháng 05 năm 2001
“Về hoạt động của Chúa Thánh Thần tại Châu Á, Tông Huấn “Giáo Hội tại Châu Á” số 18 có đoạn viết:
“Chúa Thánh Thần đã hoạt động tại Châu Á vào thời các tổ phụ và các ngôn sứ, rồi còn hoạt động mạnh hơn nữa trong thời Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh sơ khai, nay vẫn đang hoạt động nơi các Ki-tô hữu Châu Á để củng cố chứng tá đức tin của họ giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa và các tôn giáo của lục địa. Cũng như cuộc đối thoại tình yêu cao cả giữa Thiên Chúa và con người đã được Chúa Thánh Thần chuẩn bị và được hoàn thành trên miền đất Á Châu này trong mầu nhiệm Đức Kitô, thì cuộc đối thoại hiện nay giữa Chúa Cứu Thế và các dân tộc của châu lục này cũng vẫn tiếp tục nhờ quyền năng của cùng một Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội. Trong tiến trình này, các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đều phải đóng vai trò quan trọng, như lời Đức Giêsu đã phán, vừa như một lời hứa vừa như một mệnh lệnh : Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Thánh Thần đến với anh em; anh em sẽ là nhân chứng của Thầy tại Giêrusalem, trong toàn cõi Giuđê và Samari, cho tới tận cùng trái đất (Cv 1, 8).
“Giáo Hội tin chắc rằng ẩn sâu trong các dân tộc, các nền văn hóa và tôn giáo của Á Châu này luôn có một sự khao khát nước hằng sống (x. Ga 4, 10-15), một sự khao khát do chính Chúa Thánh Thần khơi dậy và chỉ mình Đức Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn. Giáo Hội hướng về Chúa Thánh Thần xin Ngài tiếp tục chuẩn bị tâm hồn các dân tộc Á Châu để họ đối thoại với Đấng Cứu Tinh nhân loại hầu đón nhận ơn cứu độ. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng yêu thương và phục vụ, Giáo Hội có thể tạo cơ hội cho Đức Giêsu Kitô và các dân tộc Á Châu gặp gỡ nhau, đang khi họ tìm kiếm một cuộc sống sung mãn. Chỉ khi nào có cuộc gặp gỡ ấy người ta mới tìm được nước hằng sống vọt lên đem lại sự sống đời đời, nghĩa là sự nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đức Giêsu Kitô do Ngài sai đến (x. Ga 17, 3)”.
Ở số 9 của Tông Huấn, chúng ta thấy các Nghị Phụ và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II làm nổi bật những luồng gió mới đang được Chúa Thánh Thần thổi vào trong lòng các dân tộc và các Giáo Hội Á Châu:
“Thánh Thần Thiên Chúa đã luôn hoạt động trong lịch sử Giáo Hội Châu Á, hẳn cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội ấy. Người ta tìm thấy nhiều yếu tố tích cực nơi các Giáo Hội địa phương, mà các Nghị Phụ thường lưu ý trong Hội Nghị, điều này càng làm chúng ta thêm hy vọng vào một mùa xuân mới trong đời sống đức tin của Kitô hữu. Một lý do vững chắc cho phép ta hy vọng như thế là càng ngày càng có nhiều giáo dân được huấn luyện tốt hơn, nhiệt tình và đầy ơn Thánh Thần, nhận thức sâu sắc hơn ơn gọi riêng của mình trong cộng đoàn Giáo Hội. Trong số đó, các giáo dân giảng viên giáo lý là những người rất đáng cho chúng ta chân nhận và ca ngợi một cách đặc biệt. Các phong trào tông đồ và đặc sủng cũng là một ơn huệ do Chúa Thánh Thần ban cho, đem lại sức sống mới và nghị lực cho công việc đào tạo các giáo dân nam nữ, các gia đình và giới trẻ. Các hiệp hội và các phong trào của Giáo Hội nhằm thăng tiến nhân phẩm và công lý đã giúp làm cho mọi người cảm nhận được tính phổ quát của sứ điệp Tin Mừng: mọi người đều được nhận làm con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 15-6).
Trong những cái mới mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng các Giáo Hội tại Châu Á ngày nay, thì các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản (Basic Ecclesial Communities, viết tắt là BEC) và chứng tá của các Cộng Đoàn ấy được các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Á và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặc biệt đề cao:
“Trong bối cảnh ấy và dựa trên kinh nghiệm mục vụ của mình, các Nghị Phụ nhấn mạnh tới giá trị của các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản như một phương thế hữu hiệu để cổ võ mọi người sống hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và giáo phận, và như một sức mạnh thật sự cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Những tập thể nhỏ bé ấy sẽ giúp các tín hữu sống thành những Cộng Đoàn Đức Tin, Cầu Nguyện và Yêu Thương như các Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 2, 44-47 ; 4, 32-35). Các tập thể này còn giúp các thành viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc để xây dựng một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương. Cùng với Thượng Hội Đồng, tôi khuyến khích Giáo Hội tại Châu Á, chỗ nào có thể được, hãy coi các cộng đoàn cơ bản ấy như một nét tích cực trong công việc Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội. Nhưng các cộng đoàn ấy chỉ thực sự hữu hiệu, khi biết hiệp thông với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội toàn cầu, hiệp thông từ trong tâm hồn với các vị Chủ Chăn và Huấn Quyền của Giáo Hội, biết dấn thân cho việc truyền giáo mở rộng, không rơi vào tình trạng cô lập và không để cho một ý thức hệ nào lợi dụng khai thác.” (Tông Huấn “Giáo Hội tại Châu Á”, số 25).