(Bài giảng của ĐC Antôn)
Trong bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Thánh Matthêu viết “tâm hồn” hay “tinh thần” nghèo khó. Còn Thánh Luca chỉ viết “nghèo khó”, thường hiểu là nghèo về tiền của: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 5,20). Bài Tin Mừng theo Thánh Marcô nói rõ: “Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao ! Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người nói tiếp: …Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 23-25).
Phải chăng Thiên Chúa không muốn người ta làm giàu ? Trong Cựu ước, nghèo khó được coi là vô phúc, trong khi giàu có được coi như ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa ban cho (x. Tv 34,10-11; 112,1.3). Tuy nhiên người nghèo luôn là đối tượng được Thiên Chúa bảo vệ, chăm sóc và quan tâm. Trong Tân Ước, Đức Giêsu sống trong một gia đình có nghề nghiệp, con của một bác thợ mộc (x. Mt 13,55), bảo đảm nuôi sống gia đình ở mức trung bình. Trong cuộc đời công khai, khi giảng dạy về Nước Trời, Chúa Giêsu có lần nói “con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” nhằm mời gọi những ai muốn theo Người cần phải tín thác vào TC hơn là cậy dựa vào của cải. Đó là tinh thần nghèo khó.
Các chị em tuyên khấn giữ đức khó nghèo, chủ yếu không sở hữu của cải, vì khiêm tốn tín thác vào Chúa, tuy khó nhưng tin vào lời Chúa: “Đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”. Đức tin đòi khiêm tốn, và khiêm tốn chính là “tinh thần khó nghèo”, nên các chị em công khai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào của cải. Như Phêrô, các chị cũng thưa với Chúa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !”. Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (câu 29-30). “Cùng với sự ngược đãi” là đau khổ, là thánh giá ! Chị em Mến Thánh Giá luôn ý thức rằng: “Qua Thánh giá đến Ánh sáng” (Per Crucem ad Lucem).
Với cùng một niềm tín thác vào Thiên Chúa, chị em tuyên khấn trọn đời giữ đức khiết tịnh, muốn dành trọn tình yêu và con người cho Thiên Chúa. Chị em ý thức rằng chính Chúa Giêsu chọn chị em làm bạn trăm năm. Đó là tình yêu cứu độ được diễn tả cách thi vị trong Sách Nhã ca: “Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh, như chiếc ấn trên cánh tay anh. Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng” (Nc 8,6). Chị em là những người cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mình và đã đáp lại tình yêu đó, mặc dù biết “yêu là khổ”, nhưng sẵn sàng đón nhận thánh giá như chấp nhận gai trong hoa hồng !
Chị em còn tuyên khấn giữ đức vâng phục. Từ bỏ ý riêng luôn là một việc không dễ dàng, nhưng chị em muốn theo sát Chúa Kitô là Đấng “đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá”, chết để đem lại sự sống cho bản thân và cho nhiều người. Các chị em có cùng một suy nghĩ như Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 22-24).
Các tu sĩ tuyên khấn giữ đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, quen gọi là các “lời khuyên Phúc Âm”. Trước đây, để tìm hiểu nguồn gốc của các lời khuyên Phúc Âm, người ta thường cố gắng truy tìm những bản văn Kinh Thánh chứng minh trong đó Chúa chỉ khuyên chứ không buộc. Thế nhưng, ngày nay với khoa chú giải Thánh Kinh hiện đại, nhiều người không hoàn toàn đồng ý với cách thức trên. Trình thuật Mt 19,16-30 tiêu biểu cho sự phân biệt giữa lệnh truyền và lời khuyên, khi anh thanh niên trả lời Chúa Giêsu rằng anh ta đã giữ tất cả các điều răn, thì Chúa nói thêm: “nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi”. Ngày nay, theo cách hiểu tích cực, lời khuyên (nếu anh muốn) mà Chúa Giêsu nói với anh thanh niên, như một giao ước mới, mời gọi con người tự nguyện tiến xa hơn những điều buộc (giao ước cũ), nghĩa là hãy yêu Chúa hết lòng, trọn tình, vượt trên của cải vật chất. Lời khuyên và lệnh truyền trong Kinh Thánh không được đặt trong thế đối chọi để chọn cái này, bỏ cái kia, nhưng lời khuyên là lời mời gọi tình yêu, vượt trên và vượt xa những lệnh truyền. Đoạn Tin Mừng Mathêu 19,4-12 cho ta cái nhìn rõ hơn về điều này: hôn nhân không phân ly (Mt 19,6) hay tự ý không kết hôn vì Nước Trời (Mt 19,12) đều là ý muốn của Thiên Chúa. Theo Công đồng Vatican II, các lời khuyên Phúc Âm “về đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục đều đặt nền tảng trên lời nói và gương lành của Chúa Giêsu Kitô”.
Hơn nữa, các lời khuyên Phúc Âm phải được hiểu trong viễn ảnh ân sủng, chứ không phải từ nỗ lực của con người. Thực hiện một lời khấn trước hết là một quà tặng của Chúa Thánh Thần. Tu sĩ được mời gọi lãnh nhận quà tặng đó và cộng tác với Chúa Thánh Thần làm cho quà tặng đó sinh hoa kết quả phong phú.
Giờ đây, chúng ta tham dự nghi lễ tuyên khấn trọn đời của 20 nữ tu thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt là những người thân thương của chúng ta, hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện đặc biệt cho các chị trong ngày đáng ghi nhớ này. Ước gì đời sống thánh hiến của các chị đem lại nhiều hoa trái cho bản thân và cho nhiều người trong khi thi hành sứ vụ Phúc-Âm-hóa giáo hội và xã hội.