Ngày Huynh đoàn Giáo phận Đà Lạt
Hành hương Nhà thờ Chính tòa
19/8/2015
HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH
GÓP PHẦN PHÚC ÂM HÓA GIÁO XỨ
Năm nay là năm Phúc Âm Hóa Giáo Xứ. Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh có thể làm gì để góp phần tích cực vào việc xây dựng giáo xứ ?
Luật sống Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh khẳng định sứ mệnh giáo dân Ða Minh là “Loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô cho mọi người qua việc tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng đời sống cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, học tập và hoạt động tông đồ theo hoàn cảnh riêng (xc. LC. 4)” (LS số 3).
Hội đồng Giám mục Việt Nam định hướng cho Năm Phúc Âm Hóa Giáo Xứ như sau: “Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: ″Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng″ (Cv 2,42)”.
Như thế, trong năm nay, Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh chỉ cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực thi Luật Sống của Huynh Đoàn:
Thật vậy, mục tiêu tối hậu của Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh là “Loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Ki-tô cho mọi người”, tức là “Phúc Âm Hóa”. Từ “Phúc Âm Hóa” có nghĩa rộng hơn từ “Truyền Giáo”: “Truyền Giáo” thường hiểu là loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa. Còn Phúc Âm hóa nhằm đến 3 đối tượng: một là, những người đã biết Chúa cần phải sống Phúc Âm; hai là, những người đã biết Chúa nhưng nay bỏ Chúa hoặc khô khan nguội lạnh; ba là, những người chưa biết Chúa. Sống Phúc Âm không phải chỉ là “đọc kinh, xem lễ”, mà là sống theo gương Chúa Giêsu được ghi trong Sách Phúc Âm – sống theo Lời Chúa dạy – nhất là sống công bằng bác ái.
Để loan báo Tin Mừng cho mọi người cách hữu hiệu, cần lưu ý những điều Luật Sống đã ghi, tương đồng với cách sống của các tín hữu đầu tiên mà HĐGMVN đã nhắc nhớ:
- Sách Công vụ Tông đồ ghi nhận rằng các tín hữu “cầu nguyện không ngừng”. Luật sống Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh viết: “tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng đời sống cầu nguyện”; “Theo gương Thánh Ða-Minh, Ðấng luôn “nói với Chúa”, anh chị em chuyên cần cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc trong gia đình cũng như nơi công ăn việc làm”, đặc biệt “hàng ngày anh chị em nên nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ. Nếu có thể, nên đọc chung với nhau tại nhà thờ hay tại nơi thích hợp. Khi không thể nguyện Giờ Kinh Phụng Vụ được, anh chị em có thể thay thế bằng cách đọc và suy niệm mầu nhiệm Mân Côi” (LS số 4-6,7).
- Sách CvTđ ghi rằng các tín hữu “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh”. Luật sống Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh lưu ý: “Anh chị em siêng năng tham dự thánh lễ một cách ý thức, thành kính và sinh động (PV. 11), và hãy sốt sắng nhận lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải” (LS số 5).
- Sách CvTđ ghi nhận rằng “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy”. Luật sống Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh nhắc đến việc “học tập và hoạt động tông đồ theo hoàn cảnh riêng” (LS số 3), nhất là “siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh để được kết hợp với Chúa Ki-tô và tăng cường sức sống tông đồ” (LS số 7).
- Sách CvTđ ghi rằng các tín hữu “luôn luôn hiệp thông với nhau”. Luật sống Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh lưu ý: “tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng… hiệp thông huynh đệ”; “mỗi huynh đoàn là một gia đình yêu thương thánh thiện, mặc dầu có khác biệt về tính tình, tuổi tác, chức vụ… nhưng bình đẳng trong mối dây liên kết của đức ái. Vì vậy, anh chị em hãy đón nhận nhau và giúp nhau nên thánh”; “Chúng ta bày tỏ tinh thần hiệp thông với nhau qua việc luôn cầu nguyện cho nhau và quan tâm đến những anh chị em đang gặp khó khăn về tinh thần cũng như vật chất để có những trợ giúp thích hợp” (LS số 3,15,18).
- Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Đức Maria là “Ngôi Sao của cuộc tân Phúc Âm hoá”. Luật Sống ghi: “Trong sự hiệp thông vào mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, chúng ta có một mẫu gương tuyệt hảo là Ðức Maria… Hàng ngày, anh chị em nên suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, đọc kinh Truyền Tin, kinh Lạy Nữ Vương là những việc đạo đức truyền thống của Dòng” (LS số 8).
Nói về Kinh Mân Côi, tôi đọc được bài viết của Cha Giuse Phan Tấn Thành OP. Ngài lưu ý: “Tục truyền rằng chính thánh Đaminh đã lãnh nhận cỗ tràng hạt từ Đức Mẹ, và đã đi “tuyên truyền” cho việc đọc kinh này. Truyền thuyết này đã bị xét lại vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là vì các tài liệu cổ nhất (bản án phong thánh, Libellus của cha Giorđanô, các Legenda) không hề nói đến sự kiện này. Một lý do nữa là các bức tranh cổ của thánh Đaminh đều vẽ người cầm quyển sách chứ không cầm tràng hạt. Vì thế cần phải truy tầm nguồn gốc của kinh Mân côi cách kỹ lưỡng hơn”.
Theo Cha Phan Tấn Thành, “Thực ra vào thời thánh Đaminh đã lưu hành bốn “bộ thánh vịnh” (psalterium) : 150 kinh Lạy Cha (psalterium Christi), một bộ 150 kinh Kính mừng (psalterium b. Virginis), một bộ gồm 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Kitô; một bộ 150 lời ca ngợi đức Mẹ.
Như đã nói trên đây, các anh em Giảng viên đã có thói tục đọc kinh Kính mừng nhiều lần trong ngày. Vào thế kỷ XIII, đã có vài sự kiện manh nha cho sự tiến triển của kinh Mân côi. Có những sử liệu kể lại thói tục của vài anh em đọc 150 kinh Kính mừng, chia làm 3 “vòng hoa”, chẳng hạn như Bartôlômêo Trentô (+1251), Gioan Mailly (1260), Thomas Cantipré (+1260). Đồng thời, tu sĩ Rômêo de Liva (+1261) đã sử dụng một sợi dây thắt nút để đếm các kinh Kính mừng (mỗi ngày đọc 1000 lần).
Người đã có công cổ động việc đọc kinh Mân côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche. Nguyên là giáo sư thần học tại Paris, Lille, Gand, Rostock, từ năm 1463 cha cảm nhận ơn gọi đi truyền bá kinh Mân côi, như là một kinh kính Đức Mẹ. Hình thức của nó gồm 150 kinh Kính mừng, chia thành ba phần chính (đọc vào ba buổi trong ngày : sáng, trưa, tối), kính nhớ cuộc Nhập thể, Tử nạn và Vinh quang của Chúa Kitô. Vào mỗi kinh Kính mừng, Cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin.
Như vậy, ngoài việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng, cha Alanô còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân côi (Tractatus de Rosario B. Mariae Virginis, Koln 1472; Quodlibet de veritate fraternitatis Rosarii seu Psalterii beatae Mariae Virginis, Koln 1476).
Truyền thuyết về việc thánh Đaminh lãnh nhận tràng chuỗi Mân côi bắt nguồn từ cha Alanô. Có người đã trách là cha đã bịa đặt câu chuyện. Nhưng có người đã bênh vực như thế này. Cha Alanô không hề có chủ ý dựng đứng một sự kiện. Cha chỉ thuật lại (cách thành thực) rằng cha đã được một “thị kiến” trông thấy Đức Mẹ trao cho tràng hạt cho thánh Đaminh như khí cụ bài trừ lạc giáo. Thực khó mà kiểm chứng được cái thị kiến đó hư thực thế nào. Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời, người ta có thể giả thiết rằng cha Alanô nhận thấy kinh Mân côi là một “tuyệt tác”, không thể nào giải thích được do sáng kiến loài người. Vậy thì chắc là nó được linh hứng (do Đức Mẹ) (Lm Giuse Phan Tấn Thành OP, Kinh Mân Côi với Dòng Đa Minh).
Tất nhiên điều quan trọng là siêng năng lần hạt Mân Côi. Trong Thánh Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 2013, trước 12.000 tín hữu tham dự tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đức Maria hiệp cùng chúng ta, Mẹ chiến đấu bên cạnh chúng ta. Mẹ nâng đỡ các Kitô hữu trong cuộc chiến chống lại sức mạnh của sự ác, nhất là qua lời cầu nguyện, qua kinh Mân Côi. Hãy nghe tôi nói, kinh Mân Côi … Anh chị em có cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày không ? Tôi không biết, anh chị em có chắc không ? Thế thì chúng ta bắt đầu !”.
Trước đó, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô ngỏ lời với khoảng 100.000 tín hữu: “Tôi muốn nhắc nhở sự quan trọng và vẻ đẹp của lời Kinh Mân Côi. Khi đọc các Kinh Kính Mừng, chúng ta được dẫn đưa tới chỗ suy ngắm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, nghĩa là suy tư về các thời điểm chính trong cuộc đời của Người, để như cho Mẹ Maria và thánh Giuse, Người là trung tâm các tư tưởng, các chú ý và các hành động của chúng ta”.