KÍNH ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Bổn mạng Giáo xứ Tùng Nghĩa
Ngày Cha tân quản xứ nhậm chức
Một lần kia, vào ngày 8/12, tôi đi dâng lễ kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, bổn mạng một giáo xứ. Trước lễ tôi đến thăm nhóm hậu cần đang chuẩn bị tiệc mừng sau lễ; một bà nói: “Có Đức Cha, hỏi Đức Cha thì biết”. Tôi muốn biết muốn hỏi gì, bà ấy nói: “Chúng con đang tranh luận với nhau đàn ông có trước hay đàn bà có trước. Các ông thì bảo Thiên Chúa dựng nên ông Adam trước, bà Eva sau. Còn các bà thì bảo các bà “đẻ” ra các ông nên các bà phải có trước” !
Chúng ta vừa nghe đọc trích đoạn Sách Sáng thế về Adam Eva phạm tội chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa và phải chịu hình phạt mất ơn thánh sủng, rơi vào tình trạng xa lìa Thiên Chúa. Đó là tội tổ tông Adam Eva phạm; tội đó truyền lại cho con cháu mà ta gọi là “tội tổ tông”, hoặc “nguyên tội” mà ai làm người cũng mắc phải. Riêng Đức Maria được đặc ân Thiên Chúa gìn giữ không mắc tội này mà ta gọi là “vô nhiễm nguyên tội”.
Vô nhiễm Nguyên tội (VNNT) có nghĩa là không mắc tội tổ tông, tức là không mang những yếu tố làm thành tội nguyên tổ, như tình trạng xa lìa Thiên Chúa, mất đời sống ân sủng (những hậu quả như dục vọng và cái chết, không làm thành tội tổ tông). Nói cách tích cực, VNNT có nghĩa là: nhờ công nghiệp ĐGK, Đức Maria đã được TC ban đầy ơn thánh sủng ngay từ giây phút đầu tiên bước vào lịch sử cuộc đời khi bà Anna thụ thai Đức Maria.
Đây là một đặc ân miễn trừ, nghĩa là Đức Maria vì thuộc dòng dõi Ađam nên đáng lý cũng mắc tội tổ tông, nhưng việc đó đã không xảy ra đối với Đức Maria. Việc miễn trừ này được thực hiện nhờ tiên kiến công nghiệp của ĐGK, nghĩa là Đức Maria cũng được cứu chuộc nhờ công nghiệp ĐGK, nhưng “được cứu chuộc cách phi thường” (GH số 53), khác với chúng ta là những người được giải thoát khỏi tội đã mắc nhờ công nghiệp cứu chuộc của ĐGK khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy.
Lịch sử hình thành tín điều Đức Maria VNNT đã trải qua một thời gian rất dài từ thời các giáo phụ (vào những thế kỷ đầu của công nguyên), đến thời Trung Cổ khi có tranh luận thần học về mầu nhiệm này; cuối cùng ngày 8/12/1854, Đức Thnh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều như sau: “Để tôn vinh Ba Ngôi cực thánh…, để chúc tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria…, do quyền ĐGK Chúa chúng ta, do quyền hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và chính Ta, Ta công bố, tuyên xưng, và xác định giáo lý dạy rằng, Đức Trinh Nữ Maria, từ giây phút đầu tiên lúc được thụ thai, do ơn thánh và đặc ân siêu việt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp Chúa Kitô Đấng Cứu thế, đã được tinh tuyền, không vương vấn một tỳ vết nào của nguyên tội: đó là giáo lý được Thiên Chúa Mặc khải, vì thế các tín hữu phải luôn luôn vững tin vào giáo lý ấy” (DS 2803).
Tín điều này dựa vào luận cứ rút ra từ Sách Sáng thế: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng Giống ngươi và dòng Giống người nữ ; người nữ đạp dập đầu ngươi, còn ngươi rình cắn gót chân người” (St 3,15). Bản văn nói lên chiến thắng của người nữ mà truyền thống hiểu là Đức Maria, khác với Eva là người đã thất bại trước cám dỗ của Satan. Mối thù giữa Đức Maria và Satan ám chỉ rằng không bao giờ Đức Maria lụy phục Satan, nghĩa là không bao giờ vướng mắc tội lỗi. Ở đây Đức Maria còn được hiểu như một phụ nữ liên kết chặt chẽ với ĐK trong công trình cứu chuộc, đó là cuộc chiến thắng tội lỗi, dục vọng và thần chết. Vì thế Đức Maria đã được sứ thần Gabiel chào là “Đầy Ơn Phúc” (Lc 1,22) như một danh hiệu, ngay cả trước khi thụ thai ĐGK.
Những đoạn Kinh Thánh trên có thể hàm chứa đặc ân VNNT, nhưng Giáo hội Công giáo đã căn cứ vào Thánh Truyền để quả quyết. CĐ Vatican II ghi nhận rằng: “Không lạ gì các thánh giáo phụ thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Mẹ rất thánh, không hề vấn vương bợn nhơ tội lỗi ; Người như thụ tạo mới được Chúa Thánh Thần nhào nặn và tác thành” (GH số 56)…
Tín điều ĐM VNNT thiết thân với loài người trong lịch sử cứu độ. Trước hết, VNNT là một bảo chứng Thiên Chúa yêu thương loài người: Xét về thân phận con người, tín điều này muốn nói rằng: khởi điểm của cuộc đời mỗi người được Thiên Chúa ấn định. Tuy con người vẫn có tự do, trách nhiệm cá nhân, năng lực sáng tạo và mọi cái bất ngờ; tuy mỗi người có thể tự hiến cho Thiên Chúa hay từ khước Thiên Chúa, nhưng một khi đã bước vào cuộc đời là Thiên Chúa đã đặt mỗi người vào khởi điểm hạnh phúc của cuộc sống.
Ngoài ra, tín điều VNNT còn có một ý nghĩa sâu rộng hơn: Thiên Chúa đùm bọc con người trong một tình yêu giải thoát. Thiên Chúa có thể để chúng ta hư nát, nhưng nếu chúng ta được giải thoát khỏi sự hư nát, thì đó là một ân huệ hoàn toàn nhưng không. Đó là tiếng gọi của lòng Chúa thương xót. Tiếng gọi đó đã đến với Đức Maria và bao phủ tất cả đời sống của Mẹ ngay từ giây phút đầu tiên. Sở dĩ Thiên Chúa đã yêu thương Đức Maria như thế là vì Thiên Chúa muốn cho Con Một Người trở thành một con người trong cộng đoàn nhân loại, để rồi trở thành Đấng Cứu chuộc ta.
Tín điều Đức Maria VNNT còn nhắc nhớ chúng ta về lời mời gọi của Thiên Chúa mà con người có quyền tự do đáp lại. Tuy Thiên Chúa là Đấng thiết lập khởi điểm cho mỗi người, nhưng kế hoạch đó vẫn dành chỗ cho tự do của mỗi người, cho lịch sử mà họ tạo nên, cho những gì mà chính con người thực hiện. Đức Maria là gương mẫu của một con người đã dùng tự do của mình để thực hiện tất cả những gì ăn khớp với khởi điểm hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt định nơi Đức Mẹ.
Hôm nay Cha Vinh Sơn noi gương Đức Mẹ thưa “Xin Vâng” về nhậm chức tân quản xứ giáo xứ Tùng Nghĩa, nơi mà trước đây ngài đã làm Phó xứ 6 năm. Hôm nay bà con giáo xứ Tùng Nghĩa đón nhận Cha Vinh Sơn làm quản xứ sau khi ngậm ngùi chia tay Cha Cố Giuse đã coi xứ 23 năm. Nhưng thử hỏi: mấy ai nghĩ rằng tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, nghĩa là nằm trong chương trình của Thiên Chúa đã đặt để ?! Với cái nhìn đức tin về mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta sẽ cảm nhận được mình đang sống lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ trong lịch sử cứu độ.
Ước gì mọi người trong giáo xứ tích cực cộng tác với Cha tân quản xứ trong việc xây dựng giáo xứ, coi nhau như người trong một gia đình, luôn tôn trọng và nâng đỡ nhau thi hành sứ vụ Chúa trao cho mỗi tín hữu, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, vốn là những con người bất toàn. Tôi mong rằng Cha Xứ và các Cha Phó sẽ biết tôn trọng và cùng làm việc với các Tu sĩ và Hội đồng Giáo xứ để lo cho giáo dân; đồng thời giáo dân, nhất là Hội đồng Giáo xứ, sẽ ý thức trách nhiệm bảo vệ linh mục và tu sĩ sống đúng ơn gọi của mình. Tất cả mọi người đều quan tâm đến nhau để cùng làm chứng cho Thiên Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tôi đề nghị cụ thể: HĐGX phân công nhau trực tại nhà xứ để giúp đỡ các Cha trong công việc của giáo xứ, trong đó có việc mời khách của quý Cha vào phòng khách, ngăn cản những người đến “cám dỗ” như Eva cám dỗ Adam ăn trái cấm ! Tất cả chúng ta đều ý thức sự yếu hèn của con người và cần phải bảo vệ nhau, giúp đỡ nhau sống ơn gọi của mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chúng ta có tâm tình của ĐTC Phanxicô trong ngày được bầu làm giáo hoàng: “Tôi xin phó thác sứ vụ của tôi và của anh em cho sự chuyển cầu đầy quyền thế của Đức Maria, Mẹ chúng ta, Mẹ Giáo hội. Dưới cái nhìn từ mẫu của Người, ước gì mỗi người chúng ta bước đi và lắng nghe tiếng của Con chí thánh của Mẹ, gia tăng sự hiệp nhất, kiên trì cầu nguyện và làm chứng cho đức tin chân thực trong sự hiện diện của Chúa”. Amen.