Lm. Giuse
Bài đọc 1 : Kh 21,1-5a
BÀI ĐỌC 2 : Ep 1, 3-6. 11-12
Bài Tin Mừng : Lc 1, 26-38
SUY NIỆM
Chúng ta nhờ Lời Chúa đã từng suy nghĩ về CON ĐƯỜNG MỚI mà Thiên Chúa đã mở ra để loài người đến với Người, CON ĐƯỜNG CÓ TÊN LÀ GIÊSU, Đấng đã nói về mình “Thầy là đường”. Con đường đã khởi đi từ cung lòng Mẹ Maria. Nhưng để có khởi điểm tương xứng với CON ĐƯỜNG này, Thiên Chúa đã cho thấy Người phải thực hiện điều sách Khải Huyền vừa nói “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”
- Chúng ta biết sau khi tổ tông phạm tội thì mọi người khi sinh ra đều mắc tội tổ tông, có nghỉa là “khuyết ân sủng”. Thánh vịnh 50 đã nói “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” Và đó chính là gốc rễ của đau khổ và sự chết nơi nhân loại. CON ĐƯỜNG MỚI không thể có một khởi điểm “khuyết ân sủng” như vậy. Do đó khi sứ thần truyền tin đã hân hoan xướng lên “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. Lời này khiến thánh Gioan trong bài sách Khải Huyền đã có thể viết “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ.”
- Quả thực lời chào của sứ thần mang một ý nghĩa đặc biệt:
- Trước hết nó bộc lộ một kế hoạch từ ngàn đời của Thiên Chúa: Đấng đã hứa cho dân Người NIỀM VUI ĐƯỢC CỨU ĐỘ: Xophonia (3,14-15) đã sớm loan báo NIỀM VUI ấy “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi…. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA…”. Dacaria cũng từng nói như thế. Vì vậy , đây là lời chào nói lên niềm vui của người được đón nhận Tin Mừng. Nhưng để các lời tiên tri ấy thành sự thật thì Thiên Chúa với biết bao nỗ lực luôn phải làm mới Israel trong lịch sử để có thiếu nữ Sion, có nhà Israel, có Giêrusalem xứng với Vua sắp tới. Dù vậy cuối cùng chỉ còn số sót, là những người nghèo của Đức Chúa, và chóp đỉnh chính là Đức Maria, thiếu nữ Sion và là người nghèo đầy ân sủng, đặc tuyển của Thiên Chúa.
- Chúng ta hiểu được điều đó nhờ lời sứ thần kèm ngay sau lời chào cũng thật khác thường: khi sứ thần không gọi tên của Mẹ là Maria, mà lại xướng lên một danh hiệu khác : Bà đầy ân sủng, như là tên riêng của Mẹ. Thánh Luca dùng từ “Bà đầy ân sủng” theo nghĩa Kinh Thánh thường dùng với nghĩa là “Người được sủng ái”, là đối tượng sủng ái bền vững của Thiên Chúa. Điều này cho thấy chính Thiên Chúa đã phải làm mới con người sẽ cưu mang CON ĐƯỜNG TÊN GIÊSU, làm cho “Bà đầy ân sủng”. Vì thế Đức Maria theo sự dự liệu của Thiên Chúa được gắn kết chặt chẽ không thể tách rời với Đức Kitô, là Ân Sủng tràn đầy của Thiên Chúa Cha dành cho loài người.
- Trong lời mời Đức Maria, dù có tính cá nhân, nhưng khía cạnh tập thể cũng không hoàn toàn biến mất. Lời mời gọi kèm theo lời Thiên Chúa ở cùng Bà. Lời mà Thiên Thần muốn xác định như là cốt lõi của sứ điệp gởi đến Mẹ: báo cho Mẹ việc NHẬP THỂ của Con Thiên Chúa trong dạ Mẹ để cứu độ Dân Người. Và chính Đức Maria cũng ý thức Người nhận niềm vui cứu độ là nhân danh số sót Israel, và nhân danh cả nhân loại. Trong dạ Mẹ, khi cho Con của Người mặc lấy nhân tính, Thiên Chúa đã làm mới tất cả nhân tính nhân loại. Nói được Thiên Chúa đã muốn Mẹ là Mẹ nhân loại, và điều ấy chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá sẽ công bố qua lời trăn trối cho Gioan “Đây là Mẹ con”.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Mẹ Fatima, biến cố nói lên một lần nữa lòng người Mẹ vì con cái mình là Giáo Hội, và qua Giáo Hội vì cả nhân loại, trong thời điểm mà chiến tranh thế chiến I đang gieo rắc chết chóc và đói khổ, Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ ở Fatima để chỉ cho nhân loại con đường Hòa Bình : Hãy sám hối ăn năn đền tội: từ bỏ tội lỗi trở về với NGUỒN ÂN SỦNG là Con của Người;Hãy nhìn lên Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ đang đau đớn vì tội lỗi nhân loại xúc phạm đến Trái Tim Yêu Thương của Con Mẹ mà yêu mến và đền tạ; đồng thời hãy siêng năng lần hạt Mân Côi để suy niệm và sống những mầu nhiệm cứu độ của Người. Những mệnh lệnh đó là những phương thế để đem lại HÒA BÌNH và BÌNH AN cho thế giới và cho Giáo Hội. Thế giới hôm nay cũng đang trên bờ vực chiến tranh bởi bao nhiêu tội ác chỉ vì tham lam và ích kỷ, Giáo Hội hôm nay cũng đang đứng trước những thử thách: có linh mục, tu sỹ, giáo dân đang bị giết mỗi ngày, sứ điệp Fatima vẫn còn phải được lắng nghe và sống với tình con hiếu thảo, để nhờ đó Mẹ có thể cầu thay nguyện giúp cho chúng ta được sống trong bình an.
Qua những suy nghĩ trên, Giáo Hội luôn dạy chúng ta: mọi lòng sùng kính Đức Mẹ phải dẫn đến việc bắt chước Mẹ đón nhận, yêu mến và tôn vinh Con của Người, Đức Giêsu Kitô, là Ân Sủng tròn đầy. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta phải noi gương Mẹ chấp nhận để Chúa đổi mới tận căn lòng dạ mình hầu xứng đáng mang lấy Đức Kitô và cộng tác với Người loan báo Tin Vui Bình An cho thế giới.