LỄ AN TÁNG
Cha ANPHONGSÔ NGUYỄN VĂN LUẬN
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Cha Anphongsô Nguyễn Văn Luận đã an nghỉ trong Chúa lúc 19 giờ 30, khi Cộng đoàn Nhà Nghỉ dưỡng Linh mục Giáo phận đang cử hành lễ Vọng Phục Sinh. Cha Anphongsô:
– sinh ngày 08/7/1935
tại Trác Bút, Duy Tiên, Hà Nam.
– được truyền chức LM ngày 29/4/1965 tại Sàigòn.
– 1965 – 1966: 1 năm Giáo sư Tiểu CV Simon Hòa Đà Lạt
– 1966 – 1968: 2 năm Phó xứ Chính Tòa Đà Lạt.
– 1968 – 1972: 4 năm Tuyên úy Dân Y viện Đà Lạt.
– 1972 – 1975: 3 năm Tuyên úy Tiểu khu Tuyên Đức.
– 1975 – 1981: 6 năm Học tập.
– 1981 – 1995: 14 năm Tòa Giám mục Đà Lạt.
– 1995 – 2000: 5 năm Quản xứ Lạc Nghiệp, Đơn Dương.
– từ 2000: 17 năm Nghỉ bệnh tại Nhà Nghỉ Dưỡng LMGP.
– Cha Anphongsô qua đời vào đêm Vọng Phục Sinh, 15/4/2017, hưởng thọ 82 tuổi, 52 năm linh mục.
Bài Tin Mừng Thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh hôm nay (x. Ga 20, 11-18) đưa chúng ta đến gặp một người đàn bà thật tội nghiệp, đó là Maria Mađalena, một người đã từng theo Đức Kitô tới chân thánh giá đầy tang thương. Chúng ta thấy bà xao xuyến, lo âu, sợ hãi bên mồ Đức Giêsu, đến nỗi khi Đấng Phục Sinh đang nói với bà mà bà không biết là ai, nên đã thốt lên:
“Tôi không biết người ta đã đặt Người ở đâu”. Đối với bà, xem ra tất cả đều sụp đổ, chẳng còn gì hy vọng nữa! Thế nhưng, chính trong nỗi tuyệt vọng ấy, chính trong thử thách mù mịt ấy, bà đã được Chúa ban cho một ân huệ lớn lao: đó là cuộc gặp gỡ “mặt đối mặt”, một cuộc gặp gỡ bằng con tim mà bà đã giành cho Chúa kể từ lúc Người yêu thương tha thứ cho bà, một cuộc gặp gỡ mà bà được Chúa gọi bằng chính tên của bà: “Maria!”. Được gọi tên là dấu chỉ cho thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và một người nào đó.
Hôm nay, Cha Anphongsô “được Chúa gọi về”, gọi bằng tên Anphongsô Nguyễn Văn Luận. Cha đã được Chúa gọi tên từ khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, khi đó, Cha được biến đổi từ con người cũ thành con người mới; được nâng lên thành con cái của Thiên Chúa và được thông phần vào sự sống Phục sinh trong nhiệm thể Đức Kitô. Sự sống mà Chúa Phục Sinh đem lại, sẽ làm cho con người sống đúng vị trí làm người và làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Hơn nữa, Cha Anphongsô còn được Chúa gọi tên khi nhận lãnh sứ vụ linh mục để đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh trong mọi hoàn cảnh.
Ý thức được giá trị cao quý đó, nếu tội lỗi vẫn còn đang làm cho chúng ta u buồn, thất vọng… thì chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa Phục Sinh đang ở bên chúng ta và Người gọi tên từng người một. Nếu chúng ta chưa nhận thấy và chưa nghe được tiếng Chúa gọi mình, thì có thể vì chúng ta chưa nhiệt tâm yêu mến Chúa, chưa ước vọng tìm kiếm Người như Maria Madalena. Nhưng nếu chúng ta biết tìm kiếm Chúa trong tin yêu thì chắc chắn không ai trong chúng ta phải thất vọng.
Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã sống đạo trong niềm hy vọng sẽ được gặp Đấng Phục Sinh. Sách CvTđ thuật rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và đồng tâm nhất trí… Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-46).
Như thế, sống yêu mến Chúa và yêu thương nhau là điều căn bản trong cuộc sống đạo và là cách truyền đạo hữu hiệu nhất. Thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống khi chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân… Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (3 Ga 14-18).
Thánh Phaolô (x. 1 Cr 13, 1-13) nhấn mạnh: “Giả như tôi có … đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí…, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Phaolô còn nói rõ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.
Chúng ta cầu nguyện cho Cha Cố Anphongsô, để nếu Cha còn thiếu sót điều gì chưa đáng được gặp Chúa Kitô Phục Sinh, thì xin Chúa thứ tha.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho nhau, để trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta sống đức tin vào Đức Kitô Chết và Sống lại bằng cách đi từ cõi chết và cõi sống, tức là sống yêu mến Chúa và yêu thương nhau một cách cụ thể hơn nữa.