LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH
TÔN VINH CÁC THÁNH TỬ VÌ ĐẠO VIỆT NAM
KHỞI CÔNG XÂY DỰNG NHÀ THỜ KALA
24/11/2018
Ngay từ khi mới đón nhận hạt giống đức tin, cánh đồng truyền giáo trên đất Việt đã thấm máu các vị Tử Vì Ðạo. Tertuliano nhận xét: “Máu các vị Tử Vì Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu”.
Nhìn lại bối cảnh tử vì đạo:
Đây là dịp tốt để chúng ta cùng nhau nhìn lại bối cảnh tử vì đạo. Có thể nói chính Đức Giêsu là người tử vì đạo đầu tiên. Trong bối cảnh chính trị, tôn giáo tại Do Thái thời đó, Đức Giêsu bị kết án 2 tội: tội tôn giáo (phạm thượng, vì bị coi là dám phá đổ Lề Luật Môsê), tội chính trị (bị chụp mũ là có âm mưu lật đổ chính quyền Hêrôđê nô lệ đế quốc Rôma), mặc dù Đức Giêsu khẳng định Người đến để kiện toàn Lề Luật Môsê, và thiết lập Nước Trời là nước không thuộc thế gian này. Tuy bối cảnh dẫn đến cái chết của Đức Giêsu như thế, nhưng Ngài đã tự nguyện dùng chính cái chết đó để cứu chuộc, nghĩa là Ngài đã chết thay cho nhân loại tội lỗi trong niềm tín thác vào Thiên Chúa và trong tình yêu thương tha thứ, để cứu sống nhân loại nhờ sự Phục Sinh của Người. Đây là đặc điểm của các vị anh hùng tử vì đạo: chết không mang hận thù nhưng chết trong tình yêu thương tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; sống và chết như thế là vì tình yêu tuyệt đối dành cho Thiên Chúa: “Con xin phó thác mạng sống con trong tay Cha”.
Bối cảnh tử vì đạo tại Việt Nam vào thế kỷ 18-19 cũng tương tự như thế.
Thực ra, trong thời kỳ khai nguyên Giáo hội tại Việt Nam, một số nhà truyền giáo đã chiếm được cảm tình của dân chúng và nhiều nhà cầm quyền. Lịch sử còn ghi:
– Năm 1591, Giáo sĩ Ordonez de Cevallos dạy giáo lý và làm phép Thánh Tẩy cho Công Chúa Mai Hoa (Mai Hoa: phiên âm từ Maria) là chị của hoàng tử Lê Thái Tông;
– Năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng, và cha Ðắc Lộ làm phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena;
– Năm 1627, Cha Ðắc Lộ, khi tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng, xưng hiệu là Thanh Ðô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, em gái chúa Trịnh Tráng đã theo đạo Công Giáo mang tên thánh là Catarina, còn chính chúa Trịnh Tráng cho phép lập nhà thờ bên cạnh đền vua; từ năm 1725-1765, bên cạnh Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) vẫn có một linh mục Dòng Tên làm bác sĩ và dạy toán học.
Nhưng chính những thành quả kể trên cũng là cơ hội gây nên hiểu lầm, ghen ghét, vì giáo dân càng ngày càng đông, và vì tính đa nghi của một số vua quan do sợ mất ảnh hưởng. Ngoài ra, các vua quan cho rằng đạo Công Giáo gây xáo trộn trật tự xã hội lúc đó, ví dụ Giáo hội chủ trương hôn nhân một vợ một chồng, không đa thê, tì thiếp…
Bối cảnh chính trị tại Việt Nam vào thời kỳ thuộc địa cũng là cớ để cấm đạo. Lúc đầu, những cuộc bách hại khởi xướng bằng những lý do mang nặng thành kiến, nhưng về sau, dần dần hiện rõ lý do tôn giáo: cấm đạo vì “hận thù tín ngưỡng”. Tín ngưỡng nói đây là đức tin sâu xa vào Thiên Chúa: dù bối cảnh khác nhau đã dẫn đến cái chết của nhiều người công giáo, nhưng cuối cùng họ lại bị kết án tử hình vì không chịu bỏ đạo, nên thực sự họ đã chết vì tín ngưỡng, nghĩa là đã tử vì đạo, để chứng minh tấm lòng trung kiên với Thiên Chúa.
Tổng cộng trong 2 thế kỷ bị bách hại, có trên 100.000 vị tử vì đạo: 58 giám mục và linh mục ngoại quốc, 150 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 01 chủng sinh, 270 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 99.182 giáo dân. Trong số đó, 117 vị đã được ĐTC Gioan-Phaolô II tuyên bố là hiển thánh ngày 19/6/1988, năm nay (2018) kỷ niệm 30 năm.
Các vị tử vì đạo “gieo trong lệ sầu”
Trong bài giảng lễ tuyên thánh, ĐTC đã trích dẫn Thánh Vịnh 125: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Lúc ra đi phải khóc than, vì công vất vả gieo hạt, nhưng khi trở về, lòng hân hoan phấn khởi, vì sẽ ôm nặng nhiều bông lúa” (TV 125-126, 5, 6).
ĐTC giải thích rằng: “Các vị Tử vì đạo gieo trong lệ sầu có nghĩa là khi các ngài ra trước quan quyền tra khảo về Đức Tin, các ngài đã can đảm nói lên ý chí tôn trọng quyền bính trong nước, nhưng không vì thế mà làm điều gì bất chính… Chính máu các vị Tử vì đạo là nguồn ân sủng cho anh chị em trước tiên, để anh chị em thăng tiến trong Đức Tin…”
Chúng ta ghi nhận vài tấm gương để minh họa:
Nói chung, các tín hữu lúc đó được dân chúng thương mến. Thí dụ viên cai ngục nói với linh mục Gioan Đạt: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ”.
Với 2 linh mục Trương Đình Thi và Dũng Lạc, quan huyện Bình Lục ra lệnh cởi trói và cho dọn cơm bằng mâm bát của mình. Đến khi cho áp giải hai vị về Thăng Long, quan lập đàn tế lạy trời phật để thanh minh mình vô can trong vụ án.
Với tinh thần hội nhập văn hóa, linh mục Nguyễn Văn Tự đối đáp với quan tòa rằng: “Tôi kính Thiên Chúa như thượng phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến thượng phụ là Thiên Chúa được”.
Đức Cha Hemosilla Liêm nhắc nhở các tín hữu phải tuân giữ luật nhà phép nước, còn nếu bị vu cáo tội chính trị thì cứ an tâm, vì Đức Giêsu xưa đã từng bị dân Do Thái lấy cớ chính trị để giết Ngài.
Khi quân đội Pháp tiến vào Đà Nẵng năm 1858, giới Công giáo tình nguyện đi bảo vệ non sông. Có điều, vua Tự Đức đòi hỏi họ: muốn tham chiến, phải bỏ đạo trước đã. Gần 200 người Công giáo chuẩn bị lên đường đi Đà Nẵng, vì không chịu bỏ đạo nên đã lãnh án chung thân. Giáo dân Trần Văn Trung đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ xâm lược đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ”.
Tình thương bác ái đã được Đức Giêsu coi là dấu chỉ của những môn đệ Ngài (x. Ga 13,35), nên không lạ gì mà linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử: “Xin cầm tiền và gửi cho người nghèo dùm tôi”.
Với ông Năm Quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, ông từng nói với gia đình: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, vì ông nói : “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất Chúa sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.
Nói đến tình nghĩa gia đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như: Ông Trùm Lê Văn Phụng tại pháp trường gặp lại con gái, đã đeo cho con ảnh thánh giá ở cổ mình và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của Ba. Đây là ảnh đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quí hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé!”. Ông nhắn nhủ con trai mình: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố giác ba nhé”, và dặn dò các thân hữu: “Hãy tha thứ, các bạn ơi. Hãy tha thứ, vì chính tôi đã tha thứ”.
Một lần vợ ông Lý Mỹ đến thăm ông tại trại giam, đã nghẹn ngào nói: “Vợ con ai mà chẳng thương tiếc nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả”.
Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành đã nói với người con gái khóc khi thấy áo mẹ loang vết máu: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Lần khác, bà nhắn nhủ con gái: “Con hãy về chuyển lời mẹ đến với anh chị em con, nhớ coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối nguyện kinh, dâng lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá đến cùng. Không bao lâu nữa, mẹ con chúng ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng”.
Tử vì đạo, gốc tiếng Hy Lạp là μάρτυς (mártys), có nghĩa là chứng nhân, người làm chứng. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng Đức Cha Jean Cassaigne cũng là một vị tử vì đạo, với ý nghĩa là một chứng nhân về tình yêu để loan báo Tin Mừng cứu độ, một tình yêu đặc biệt đối với bệnh nhân phong. Ngài là người đã sống đạo yêu thương một cách cụ thể và thiết thực; sống đạo như thế đòi hỏi hy sinh bản thân mình, nên có thể nói sống đạo là chết vì đạo liên lỉ trong cuộc sống hằng ngày, như lời thánh Phaolô tâm sự: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào Thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).
Chúng ta hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân đức tin đã trổ sinh nhờ máu của các vị anh hùng tử vì đạo. Chúng ta cầu xin các Thánh Tử vì đạo Việt Nam bầu cử cùng Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sống đức tin, đức cậy, nhất là sống đức mến; nếu không yêu thương thì tất cả những việc khác đều trở nên vô ích khi đến trước tòa Chúa phán xét. Xin Chúa ban bình an cho công việc xây dựng nhà thờ Kala dâng kính các Thánh Tử Vị Đạo Việt Nam, đặc biệt cầu cho mỗi người chúng ta trong cuộc xây dựng đền thờ tâm hồn biết vác thánh giá theo chân Chúa như các Thánh Tử Vì Đạo. Chúng ta không quên cầu cho Giáo hội Việt Nam và cho việc loan báo Tin Mừng trên Quê hương và Giáo phận thân yêu của chúng ta.