LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
01/11/2017
(Bài giảng của Đc Antôn tại Bảo Lộc)
KHÔNG QUÁ MUỘN ÐỂ NÊN THÁNH
Trong Bài đọc I (x. Kh 7, 2-4, 9-14), Thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền viết rằng: “Tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Đấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”. Đoàn người đông đảo đó là ai? Thánh Gioan ghi nhận thêm: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.
Sau khi nghe Lời Chúa trích Sách Khải Huyền (x. Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6), chúng ta đáp lại: “Lạy Chúa, này là dòng dõi của những kẻ tìm Chúa”. Tất cả chúng ta là những người đang sống trong cuộc lữ hành leo núi tìm Chúa, với hy vọng một ngày kia sẽ được gặp Chúa trong “đoàn người đông đảo” là các thánh nam nữ mà Giáo hội mừng lễ hôm nay. Thánh Vịnh Đáp ca nhắc nhớ chúng ta trong câu xướng thứ 2: “Ai sẽ được trèo lên núi Chúa? Ai sẽ được dừng bước trong thánh điện? Đó là người có bàn tay vô tội và tâm hồn trong sạch, không để lòng xuôi theo sự giả trá”.
Chính vì thế, Giáo hội đã mời gọi chúng ta nghe bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, Bài trích Phúc Âm theo thánh Matthêu (x. Mt 5, 1-12a), trong đó có câu: “Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa”.
Được nhìn xem Thiên Chúa là một ân huệ Thiên Chúa ban cho những ai khiêm tốn đặt trọn niềm tín thác nơi Người; đó chính là mối phúc thứ nhất mà Chúa Giêsu nói đến:“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những người giầu có thường cậy dựa vào của cải thay vì cậy dựa vào Thiên Chúa. Thiên Chúa không cấm chúng ta làm giàu, nhưng mời gọi chúng ta luôn giữ được “tinh thần nghèo khó”, tức là luôn cậy dựa vào Chúa, để từ đó chúng ta có thể sống những mối phúc khác: hiền lành, đói khát điều công chính, thương xót người, ăn ở thuận hoà, ngay cả khi gặp đau buồn, khi bị bách hại vì lẽ công chính…“Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Trong cuộc lữ hành trần thế đầy gánh nặng và khó nhọc, người tín hữu luôn có được niềm vui như chúng ta đã tung hô trước khi nghe bài Phúc Âm hôm nay: “Alleluia, alleluia! Chúa phán: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các con”.
Các thánh nam nữ là “là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. Chính nhờ máu của Chúa Giêsu đổ ra trên thánh giá mà chúng ta được tẩy sạch tội lỗi, được phục hồi làm con Thiên Chúa và sẽ được thấy Thiên Chúa như chính Đấng đã trải qua đau khổ để được phục sinh vinh quang. Bài đọc II trích thư thứ nhất của Thánh Gioan (x. 1 Ga 3, 1-3) đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế… Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh”.
Như thế, ngoài việc đặt hy vọng nơi Chúa, điều quan trọng phải làm là “tự thánh hoá mình cũng như Người là Đấng Thánh”. Người Nhật có kể một câu chuyện cho chúng ta thấy rằng không quá muộn để nên thánh:
Zenkai là một thanh niên, con của một hiệp sĩ Samurai, được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.
Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.
Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin: “Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi”.
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai. Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc: “Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?”
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh có câu: “Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ“.
Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được.
Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người. “Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp… Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.