LỄ CUNG HIẾN NHÀ THỜ
GIÁO HỌ LIANG DĂM, GIÁO XỨ DI LINH
TƯỚC HIỆU THÁNH GIUSE
(24-1-2016)
Theo lời kể của đồng bào tại Liang Dăm thì vào thời xa xưa, người Chàm đã bắt dân địa phương nộp thuế bằng những sản vật của núi rừng như da thú, sừng tê giác, hươu nai… và đặc biệt là ngà voi. Người tù trưởng đã tìm được một cặp ngà voi cao quá đầu người. Vua Chàm thích quá nên đặt cho vùng này là BoBla và dòng thác cũng mang tên BoBla. Theo tiếng Kơ Ho, Bo có nghĩa là đầu, Bla là ngà voi; Liang có nghĩa là thác, Dăm là ông. Ông là danh từ chung chỉ một nam nhân, nhưng ở đây có ám chỉ ông nào không ?
Theo truyền thuyết, Liang Dam là tên một chàng trai tài giỏi đã cứu giúp dân làng Liang Jrak Mur khỏi giặc Chàm. Trong một lần quân Chàm tiến đánh buôn làng, cả làng đều sợ hãi bỏ chạy, duy chỉ có Liang Dam là không chạy. Anh bẻ một cành cây trâm bên bờ thác và hướng cành trâm về phía quân thù. Lạ thay, cành trâm đi tới đâu thì quân thù tan rã tới đó. Giặc tan rồi, Liang Dam lặng lẽ đi về phía dòng thác rồi biến mất, không đợi dân làng kéo đến tạ ơn.
Dân làng Liang Jrak Mur biết ơn chàng trai Liang Dăm, đọc trại là Liên Đầm. Nhưng đông đảo bà con tại Liên Đầm còn biết ơn một chàng trai khác tên là Jesu Kristo, con của Yàng Bap (Chúa Cha), đã dùng cây thánh giá để đánh tan quân thù Satan, kẻ gieo rắc tội lỗi và sự chết đến cho con người; Chúa Jesu Kristo đã chết trên thập giá thay cho con người và đã sống lại để đưa con người vào cõi hằng sống, đã ban Thánh Thần (Yàng Nhơm) là Đấng ban sự sống cho những ai tin vào Yàng Kon (Chúa Con), Kơnràn Jesu Kristo.
Thánh Giuse, tước hiệu của nhà thờ được cung hiến hôm nay, là một mẫu gương sống đức tin.
Trong gia phả Đức Giêsu, thánh Matthêu ghi: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Điều này được thánh Matthêu nói rõ hơn: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse, nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 18).
Chính Đức Maria đã thưa “Xin Vâng” (x. Lc 1, 38) khi nghe sứ thần nói: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa…Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 35.37).
Các sách Tin Mừng đã không ghi lại một lời nào của Thánh Giuse, nhưng đã mô tả hành động “Xin Vâng” của Thánh Giuse mà ta có thể gọi là “Xin Vâng không lời”. Thánh Matthêu thuật rằng: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi”… Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 19-20.24). Thánh Giuse đã âm thầm chấp nhận điều đó suốt đời. Đức tin của Người, chỉ riêng Thiên Chúa biết. Thánh Giuse đã hành động xin vâng qua việc lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Ngài không thắc mắc, không than vãn, nhưng luôn mau mắn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Thiên Chúa.
Như thế, nếu không có tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria thì thực tế con Thiên Chúa đã không nhập thể làm người; cũng thế, nếu không có sự vâng phục âm thầm của Thánh Giuse thì thực tế Chúa Giêsu đã không được lớn lên trọn vẹn như một con người. Giêsu Maria Giuse, đó là ba tên gọi gắn liền với nhau trong chương trình cứu thế.
Trong ngày lễ mở đầu sứ vụ giáo hoàng, 19/3/2013, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ về Thánh Giuse như Người Bảo Vệ: “Thánh Giuse đã thực thi vai trò của người bảo vệ như thế nào? Ngài kín đáo, khiêm nhường và lặng lẽ… Tôi muốn nói thêm: để săn sóc, bảo vệ cần phải sống tốt lành, hiền hòa. Trong các sách Phúc âm, Thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, một người lao động, nhưng chúng ta thấy trái tim Ngài dịu dàng biết bao. Sự hiền lành không phải là đức tính của kẻ yếu nhưng thực sự là dấu chỉ của một tinh thần mạnh mẽ và khả năng biết quan tâm, đồng cảm, thật sự mở lòng thương xót với tha nhân”.
Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con trong Năm Thánh Lòng Thương Xót !