LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ
XÂY NHÀ THỜ TÀ HINE – GX ĐÀ LOAN
KÍNH THÁNH MARTINÔ DE PORRES
12/11/2015
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Đã từ lâu bà con giáo họ Tà Hine mong được xây nhà thờ, nhưng mọi sự đều có lúc có thời trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Bài đọc 1 thuật rằng vua Đavid muốn “xây đền thờ kính Danh Đức Chúa” tại thủ đô Giêrusalem, nhưng hoàn cảnh không thuận lợi. Phải đợi đến thời vua Salomon mới khởi công được (x. 1 V 5, 15-19) và phải mất 46 năm mới xây dựng xong !
Hôm nay chúng ta vui mừng làm lễ khởi công xây nhà thờ Tà Hine, hy vọng một hai năm sẽ hoàn thành, nhưng bài đọc 2 và bài Tin Mừng lại mời gọi chúng ta quan tâm đến việc xây nhà trên tảng đá là Đức Kitô.
Chúng ta nhớ rằng có lần Chúa Giêsu lên Đền thờ dự lễ và nói rằng: “Cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19). Ðền Thờ Ðức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người; Người đã chết trên thánh giá, đã được an táng trong mồ, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại. Đó là Tin Mừng Phục Sinh mà 68 năm trước đây cha ông bà con dân tộc tại nơi này đã được nghe cha Gabriel De Thune loan báo từ năm 1957.
Thánh Phaolô đã viết cho dân Côrintô rằng: “Tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển… Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1 Cr 10, 1-4).
Nghi thức đặt viên đá làm nền cho việc xây dựng nhà thờ nhắc nhớ Đức Kitô là đá tảng mà chính Người đã lưu ý trong bài Tin Mừng (x. Lc 6, 46-49): “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc”.
Nhà thờ là nơi các tín hữu đến để nghe Lời Chúa dạy, chẳng những dạy qua các bài đọc Kinh Thánh và dẫn giải của các tư tế, mà còn dạy qua việc cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Điều quan trọng là “nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành”. Các điều Thầy dạy tóm về 2 điều: mến Chúa và yêu người.
Thánh Martinô de Porres, tước hiệu của nhà thờ Tà Hine, là một mẫu gương về lòng mến Chúa, yêu người. Thánh Martinô thường được mô tả bằng nhiều hình ảnh: ông thánh da đen,ông thánh hay làm phép lạ, ông thánh có tấm lòng vàng…; nhưng một hình ảnh mang tính thời sự nhất đó là “ông thánh của lòng thương xót”.
Martinô Porres sinh ngày 09/12/1579 tại thành phố Lima, nước Peru, Nam Mỹ. Cha của cậu là Gioan Porres, một người gốc Tây Ban Nha, sau làm thị trưởng tại Panama. Ông không nhìn nhận con khi thấy nó là một người da mầu. Do đó, suốt nhiều năm, Martinô phải sống trong cảnh nghèo khổ với người mẹ, một phụ nữ da đen. Thánh Martinô thực sự là một người nghèo, nghèo cả tinh thần lẫn vật chất. Từ nhỏ, thánh Martinô đã phải nếm trải biết bao cay đắng cuộc đời. Tuổi thơ của thánh nhân đầy tủi nhục và đau thương, đau thương lớn nhất phải gánh chịu là sự hất hủi, ruồng bỏ của người cha. Nhưng trong chính hoàn cảnh đen tối ấy, thánh Martinô lại trở nên nén bạc Chúa trao để sinh lời, nhờ biết thông cảm với những người nghèo, biết chia sẻ với những người thiếu thốn, biết an ủi những người thất vọng, biết yêu thương những người đau khổ, những người bị bỏ rơi trong xã hội, và nhất là biết mở rộng lòng ra để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.
Cuộc sống đặt nền trên đá tảng là Đức Kitô, thánh Martinô đã mở ra cho mình một con đường của lòng bác ái, đã trở thành vị ân nhân của người nghèo. Thánh nhân không đến với người nghèo bằng một túi tiền to, nhưng đến với người nghèo như một người nghèo có tấm lòng vàng. Chính từ thái độ “trao tặng tấm lòng” như thế, Thiên Chúa đã làm cho công việc của Martinô trở nên hiệu quả theo ý của Ngài.
Suốt hơn 45 năm sống đời khiêm hạ và bác ái trong Dòng Thánh Ðaminh tại Lima, Martinô qua đời ngày 4 tháng 11 năm 1639. Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã phong thánh cho Thầy Martinô Porres ngày 6 tháng 5 năm 1962, và gọi người là “Martinô Bác Ái”. Lễ kính Thánh nhân trong toàn thể Giáo Hội được ấn định vào ngày 3 tháng 11 hằng năm.
Thánh Martinô là một trong những tấm gương sáng ngời về đời sống bác ái, yêu thương. Thánh nhân đã trở thành hiện thân của lòng Chúa thương xót.
Trước thềm Năm Thánh Lòng Thương xót, được khai mạc tại Rôma ngày 8/12/2015 và tại các Nhà thờ Chính tòa ngày 13/12/2015, ĐTC đưa ra một số chỉ dẫn thực hành “để sống Năm Thánh một cách tốt đẹp nhất”:
– Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, nhưng hãy tha thứ và cho đi, tránh tật xấu nói hành nói xấu người khác, tránh những lời nói vì ghen tương, phân bì, và đón nhận điều tốt lành ở nơi mỗi người, trở thành khí cụ tha thứ.
– Cởi mở tâm hồn đối với những môi trường bên lề cuộc sống, những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ, những anh chị em bị tước đoạt phẩm giá. Hãy phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ.
– Vui mừng thực thi những công việc bác ái về thể lý và tinh thần, để “thức tỉnh lương tâm ngái ngủ của chúng ta trước thảm trạng nghèo đói”. ĐTC dùng lời thánh Gioan Thánh Giá để nhắc nhớ rằng: “Vào cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức bác ái”.
– Trong các giáo phận, ĐTC mời gọi gia tăng sáng kiến cầu nguyện và thống hối. Đặc biệt ĐTC lưu ý rằng đến với bí tích Hòa Giải là bí tích giúp “động chạm một cách cụ thể lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa”, nhờ đó nhiều người cảm thấy có thể “tái khám phá ý nghĩa cuộc sống của mình”. ĐTC cầu mong rằng “các vị giải tội hãy trở thành dấu chỉ đích thực về lòng thương xót của Chúa Cha”, …bằng cách trở thành những “hối nhân đầu tiên tìm ơn tha thứ”…Vì thế, mỗi vị giải tội phải đón nhận các tín hữu “như một người cha chạy ra gặp con mình, dù người con ấy đã phung phí của cải của cha”. Vì thế, các vị giải tội “đừng đặt những câu hỏi không thích hợp”, nhưng biết “trở thành dấu chỉ sự tối thượng của lòng thương xót, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh, dù thế nào đi nữa”.
Lạy Thánh Martinô giàu lòng thương xót, xin cầu cho chúng con !