LỄ DẦU 2015
(Bài giảng Lễ Dầu, ngày 1-4-2015 tại Nhà Thờ Chính Toà Đalạt)
Cha Thomas Reese, một linh mục Dòng Tên, Trưởng Nhóm Phân tích của Tạp chí Công giáo Mỹ, trong số ra ngày 6/3/2015, đã nhìn nhận rằng: chỉ trong 2 năm, ĐTC Phanxicô đã làm thay đổi bộ mặt của Giáo hội Công giáo bằng nhận thức một cách mới mẻ việc Giáo hội phải hiện diện như thế nào trong thế giới. Tôi thấy đây là một bài học cho tôi và có thể cho nhiều người trong chúng ta, nên tôi xin được chia sẻ. Cha Thomas Reese ghi nhận rằng:
Thật vậy, từ lúc đầu tiên bước ra balcon đền thờ Thánh Phêrô, vị tân Giáo hoàng đã hiện diện với một cung cách mới. Cung cách mới này đã gây chú ý đầu tiên cho dân chúng: ngài không mặc chiếc áo trang trọng mà các vị Giáo hoàng thường mặc, nhưng chỉ mặc áo trùng trắng; lời đầu tiên là lời chào đơn sơ “buona sera” (chào buổi chiều); trước khi chúc lành cho dân chúng, ngài cúi đầu xin dân chúng cầu nguyện trên ngài.
Sau đó rất sớm, ngài đã quyết định không ở một mình trong dinh thự giáo hoàng, nhưng ở tại Nhà Thánh Marta với những người cùng làm việc trong Giáo triều; dâng Thánh Lễ đầu tiên tại nhà thờ một giáo xứ nhỏ ở Vatican; cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trong một nhà tù cho những người trẻ mà ngài đã rửa chân cho họ.
Những cách hành xử mới này đã làm cho thế giới chú ý đến ngài, nhưng quan trọng hơn đó là những cử chỉ tượng trưng muốn thông truyền nhãn giới của ngài về Giáo hội. Ngài thực hiện điều thánh Phaxicô Assisi đã lưu ý: “Luôn rao giảng Tin Mừng, khi cần thì dùng lời nói”, nghĩa là Tin Mừng cần được rao giảng trước tiên bằng hành động.
ĐTC Phanxicô đã sớm phê phán “tính giáo sĩ” trong Giáo hội bằng cách mô tả thế nào là một giám mục tốt, một linh mục tốt, một giáo dân tốt. Ngài muốn thay đổi “văn hóa” trong Giáo hội. Ngài kêu gọi hoán cải về thái độ và hành động. Ngài nói rõ ngài muốn các giám mục, linh nục gần gũi dân chúng, gần gũi đến nỗi họ là những mục tử “mang vào mình mùi chiên”. Ngài nói họ phải là những người “hiền lành, nhẫn nại và giầu lòng thương xót; được thúc đẩy bởi sự khó nghèo nội tâm, sự tự do của Chúa, và hơn nữa bằng sự đơn sơ giản dị bên ngoài, sự nhiệm nhặt trong cuộc sống”.
Theo Ngài, lãnh đạo trong Giáo hội là lãnh đạo phục vụ, chứ không phải là uy quyền và thanh thế. Nhiều người quan sát không nhận ra “cách mạng” chính là thay đổi cung cách và văn hóa mà ĐTC Phanxicô mời gọi. Ngài yêu cầu đạt được sự thay đổi nơi hàng giáo sĩ trên toàn thế giới. Ngài nói có nhiều linh mục trẻ coi mình như là chuyên viên sửa lỗi những giáo dân thiếu nghiêm túc và thiếu chính thống hơn là cùng đi với họ trong cuộc lữ hành về với Chúa.
Đức Thánh Cha còn kêu gọi việc trao đổi cởi mở trong Giáo hội. Chính ngài không sợ tranh luận và bất đồng ý kiến. Ngài nói: “Tranh luận huynh đệ làm cho thần học và mục vụ phát triển. Tôi không sợ tranh luận. Hơn nữa, tôi còn mong đợi điều ấy”. Ngài đã nói với Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình rằng: “Hãy phát biểu cách rõ ràng… Chúng ta có thể nói mọi điều miễn là nói với “parrhesia” (tiếng Hy lạp có nghĩa là: tự do nói, can đảm nói, nhưng buộc phải nói sự thật vì lợi ích chung). ĐTC đã dùng từ Hy lạp này để diễn tả sự thẳng thắn trung thực mà thánh Phaolô và Phêrô đã thể hiện tại Công đồng Giêrusalem trong cuộc tranh luận chống lại việc bắt dân ngoại phải theo tập tục của người Do Thái. Thỉnh thoảng ĐTC Phanxicô còn lưu ý về tật nói hành nói xấu. Mới đây, Ngài chia sẻ 10 bí quyết sống hòa bình và hạnh phúc, trong đó điều thứ 8 là: “Từ bỏ những việc tiêu cựu. Nói xấu người khác là dấu hiệu biểu lộ thiếu lòng tự trọng. Điều đó có ý nói rằng: ‘Tôi cảm thấy mình thấp hèn đến độ thay vì vươn lên, tôi lại triệt hạ người khác”. Tuần trước tại Napoli, ĐTC nói chuyện với các linh mục tu sĩ, trong đó khi đề cập đến việc ngồi lê đôi mách, ngài nói: “Đời sống tu trì không dễ dàng đâu. Ma quỉ luôn gieo rắc sự ganh tị. Lắm mồm là khủng bố, là dấu hiệu lớn nhất rằng ma quỉ đang hoạt động”. Khi ĐTC thăm viếng một khu ngoại ô thành Napoli, ĐTC hỏi một cặp vợ chồng là khi họ cãi nhau thì có ném chén ném bát không? Họ trả lời “Chúng con dùng toàn là chén nhựa mà thôi”.
ĐTC Phanxicô đã ưu tiên nói thẳng thắn cho Giáo hội được rõ. Ngài đã từng nói: chúng ta không bị ám ảnh về việc phá thai, về hôn nhân đồng tính và điều hòa sinh sản khi mà mọi người đều biết quan điểm của Giáo hội về những vấn đề này. Ngài cũng muốn “một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Ngài khuyến khích một Giáo hội biết nuôi dưỡng những người nghèo đói, đem quần áo đến cho những người thiếu mặc, chăm sóc những người đau yếu bệnh tật. Ngài còn muốn một Giáo hội hành động cho công lý, hòa bình và bảo vệ môi sinh. Ngài nói rằng chúng ta không những chỉ nuôi họ và đấu tranh cho họ, mà còn phải lắng nghe họ và yêu họ, từng người một.
Đối với ĐTC Phanxicô, Giáo hội là một bệnh viện cho người bị thương. Những từ ngữ đầu tiên của việc Phúc âm hóa, của việc loan báo Tin Mừng, không phải là một danh sách những việc phải làm và không được làm, nhưng là loan truyền lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. ĐTC nhận thức rõ rằng mầu nhiệm trước tiên đến với trái tim, chứ không phải đến với cái đầu. Người ta không được thuyết phục qua tranh luận nhưng qua gương sống của các Kitô hữu có lòng trắc ẩn và yêu thương. ĐTC Phanxicô cũng ý thức rằng sứ điệp của Giáo hội phải đơn giản và không quá nặng về tri thức. Ngài không phải là vị giáo hoàng bận tâm lý giải tại sao Chúa Giêsu là một trong Chúa Cha và đồng bản thể với Chúa Cha. Ngài thường nói về hành động yêu thương của một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.
Điều quan trọng nhất là khi người ta ra khỏi Giáo hội, Đức Thánh Cha không tấn công hoặc lên án họ, nhưng tự hỏi: Giáo hội đã làm điều gì sai ?! Ngài muốn gặp gỡ họ, đối thoại với họ. Ngài mời gọi Giáo hội phải có một cung cách mới mẻ, mang tính mục vụ và cởi mở. ĐTC đã vạch ra cho Giáo hội những ưu tiên cắm rễ trong Phúc Âm. Nhưng Giáo hội không phải là Đức Giáo hoàng.
Cha Thomas Reese kết luận: Chỉ khi nào giám mục, linh mục, giáo dân trong Giáo hội noi gương Đức Giáo hoàng và nắm bắt những ưu tiên mục vụ mà ngài đã vạch ra, thì khi đó mới có sự thay đổi trường kỳ trong Giáo hội. Chúng ta bị cám dỗ rất mạnh về “tính giáo sĩ” và “lấy mình làm trung tâm”. Chúng ta phải ngưng việc ca ngợi Đức Giáo hoàng và phải bắt đầu noi gương ngài ! Amen.
Antôn Vũ Huy Chương
GM Giáo Phận Đalạt