LỄ DẦU 2017
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Anh chị em thân mến,
Chúng ta bắt đầu bước vào những ngày trọng đại nhất của Năm Phụng vụ, đó là Tuần Thánh. Tuần Thánh là tuần lễ trước lễ Phục Sinh, tính từ ngày Chúa nhật Lễ Lá cho đến ngày Thứ bảy Tuần Thánh, ngay trước khi bắt đầu Canh thức Vượt Qua. Trong tuần này, Giáo hội tưởng nhớ cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng ở trần gian. Ba ngày cuối Tuần Thánh diễn lại những biến cố và sự việc hết sức quan trọng trong cuộc đời trần thế của Chúa Kitô.
Trong Tuần Thánh còn cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu, gọi tắt là Lễ Dầu. Sách Nghi thức Giám mục được Thánh Bộ Phụng Tự ban hành năm 1984 ghi chú về Lễ Dầu: “Thông thường chính Giám Mục giáo phận thánh hiến dầu Thánh và làm phép dầu Bệnh nhân và dầu Dự tòng trong Thánh Lễ riêng vào buổi sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, khi có khó khăn cho việc tập họp giáo sĩ và giáo dân, Giám Mục có thể cử hành Thánh Lễ Dầu trước Tuần thánh, nhưng không quá xa Lễ Phục Sinh” (số 275).
Tại giáo phận Đà Lạt, Lễ Dầu thường được cử hành vào sáng Thứ Tư Tuần Thánh, nhưng đặc biệt năm nay, kết hợp với ngày giờ Tòa Thánh công bố Giám mục Phó của Giáo phận, để tránh tập họp giáo sĩ và giáo dân hai lần trong một thời gian ngắn, nên đã được cử hành vào chiều nay, Thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 08 tháng 4 năm 2017, một ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Giáo phận.
Trong Lễ Dầu, Đức Giám mục sẽ hiến thánh Dầu Thánh, làm phép Dầu Bệnh nhân và Dầu Dự tòng, dùng để cử hành một số bí tích và phụ tích. Tuy nhiên, Lễ Dầu cũng còn có mục đích tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Truyền chức Thánh.
Thi hành chỉ thị của Công đồng Vaticanô II về việc duyệt lại nghi thức truyền chức thánh “cả về nghi lễ lẫn các bản văn”, ĐTC Phaolô VI đã ban hành Sách Nghi thức mới ngày 18/6/1968. Hai mươi mốt năm sau, ngày 29/6/1989, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích xuất bản một ấn bản mới với một vài thay đổi, tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa về Bí tích Truyền Chức Thánh, ngay trong tựa đề Sách Nghi thức. Tựa đề ấn bản cũ là: “Việc phong chức phó tế, linh mục và giám mục”; tựa đề ấn bản mới là: “Việc phong chức giám mục, linh mục và phó tế”. Như vậy là có sự đảo ngược thứ tự. Trước đây, thứ tự tính từ dưới lên trên: trước hết lãnh chức phó tế, rồi sau mới đến chức linh mục và giám mục; xem ra đây là thứ tự của việc thăng quan tiến chức! Bây giờ thứ tự từ trên xuống (giám mục, linh mục, phó tế): giám mục là người có chức thánh tròn đầy nhất vì các ngài kế vị các tông đồ do việc đặt tay tông truyền; linh mục và phó tế là những người được tham dự vào đó; đây là thứ tự thần học. Chắc cũng vì thế mà tại Việt Nam có những nơi thay vì dùng từ “phong chức” thì dùng từ “truyền chức” là từ đã được dùng trong kinh 7 bí tích: “thứ sáu là Phép Truyền Chức Thánh”. Chỉ có một Bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng có 3 chức vụ: giám mục, linh mục và phó tế.
Vì Giám mục cũng như linh mục đều được chia sẻ chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nên trong Lễ Dầu, các linh mục trong giáo phận được mời về đồng tế với Giám mục, để tỏ tình hiệp thông, hiệp nhất giữa Giám mục và linh mục, cũng như giữa các linh mục với nhau. Trong Thánh Lễ, các linh mục lặp lại lời đã tuyên hứa trong ngày được truyền chức linh mục thừa tác, để một lần nữa ý thức về những bổn phận phải thi hành trong cuộc sống bản thân cũng như các công tác mục vụ, bằng cách cố gắng từ bỏ chính mình để gắn bó với Chúa Kitô, nỗ lực nên đồng hình đồng dạng với Người mỗi ngày mỗi hơn, nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các linh hồn.
Trong nghi thức này, Giáo Hội cũng kêu mời anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các Linh mục, Giám mục, và tích cực cộng tác với các ngài, bằng cách thực thi những gì giáo dân có thể làm, bởi vì giáo dân có chức linh mục cộng đồng được trao ban trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Nhân dịp này, tôi cũng xin chia sẻ thêm: trong Thánh Lễ, phần Kinh Nguyện Thánh Thể, theo “Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma”:
– Việc xướng đích danh tên của Đức Giáo Hoàng (lãnh đạo Hội Thánh phổ quát), Đức Giám mục Giáo phận (lãnh đạo Hội Thánh địa phương) và có thể là tên của cả Đức Giám mục phó hay phụ tá trong mọi Kinh nguyện Thánh Thể, nhằm 3 mục đích: thứ nhất, tôn trọng một truyền thống rất xa xưa trong Hội Thánh; thứ hai, để các tín hữu đồng tâm nhất trí với các ngài và cầu nguyện cho các ngài; thứ ba, muốn diễn tả sự trung thành của cộng đoàn tín hữu đối với các vị lãnh đạo của họ. Lời cầu được tiếp nối bằng việc cầu nguyện cách chung cho “toàn thể hàng giáo sĩ khắp nơi” (không nhắc tên đích danh), nhằm biểu hiện mối dây hiệp nhất của cộng đoàn tín hữu với các ngài là những vị mục tử trong Hội Thánh.
– Trong Kinh nguyện Thánh Thể, có thể xướng tên các Đức Giám mục phó và phụ tá, nhưng không cần xướng tên các Đức Giám mục khác có thể hiện diện trong buổi cử hành.
– Cụ thể, trong Giáo phận chúng ta hiện nay, xin quý Cha đọc: “cùng với tôi tới Chúa là Đức Giáo hoàng Phanxicô, Đức Giám mục Antôn chúng con, Đức Giám mục Phó Đaminh, cùng toàn thể giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa”.
Sau đây xin mời hiệp thông trong nghi thức các linh mục lập lại lời hứa khi chịu chức linh mục.