LỄ DẦU 2018
(Bài giảng của Đức Cha Antôn tại NTCT Ngày 28-3-2018)
Thánh Lễ được cử hành hôm nay có “Nghi thức làm phép Dầu Thánh” nên được gọi tắt là “Lễ Dầu”, thường được cử hành vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh. Vì lý do mục vụ, Giáo hội cho phép cử hành vào một ngày khác không xa Tuần Thánh, chẳng hạn như năm ngoái dịp công bố việc bổ nhiệm Giám mục Phó cho Gp Đà Lạt.
Hôm nay, với sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các linh mục trong Giáo phận, tôi xin tóm lược những sự kiện mà Hội đồng Giám mục Việt Nam chúng tôi đã trải qua tại Rôma trong khoảng 10 ngày đầu tháng 3, trong đó có việc qua đời đột ngột của Đức Tổng Phaolô, những sự kiện có thể giúp cảm nghiệm và xác tín hơn về sứ vụ và cuộc sống của hàng giáo sĩ.
– Trước khi tới Rôma, ngày 28/2/2018: các giám mục Việt Nam đã có mặt ở Paris, nước Pháp, tại trụ sở của Hội Thừa sai Paris (được thành lập vào thế kỷ 17), nơi mà từ đó các linh mục thuộc Hội đã được sai đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng vào giữa thế kỷ 17, đến Đà Lạt vào đầu thế kỷ 20. Trong vài chục năm qua, nhiều linh mục Việt Nam đã cư ngụ nơi đây để đi học tại Học viện Công giáo Paris.
Tại Paris, người ta thấy Đức Tổng Phaolô có vẻ mệt mỏi vì chuyến bay xa 12 tiếng từ Sàigòn sang Pháp.
– Thứ Bảy, ngày 2/3/2018, tất cả 33 giám mục bay hai tiếng từ Paris đến Rôma. Trong những ngày ở Rôma, chúng tôi cư ngụ tại Cư xá Phát Diệm, cách đền thờ thánh Phêrô trong thành Vatican khoảng 15 phút đi xe. Theo Giáo luật, cứ 5 năm một lần, các giám mục tại chức đi viếng mộ thánh Phêrô, Phaolô và gặp Đức Giáo hoàng (tiếng Latinh gọi là “Visitatio ad Limina Apostolorum”, gọi tắt là “Ad Limina”). Việc này muốn nói rằng: các giám mục, kế vị các Tông đồ, ngoài việc luôn phải gắn bó với Đầu là Chúa Giêsu Kitô, còn phải gắn bó với thánh Phêrô và đấng kế vị là Đức Giáo hoàng mà Chúa Kitô đã đặt làm đầu hữu hình. Tất cả họp thành một “Giám mục đoàn” đứng đầu là Đức Giáo hoàng, như xưa các Tông đồ họp thành một “Tông đồ đoàn” đứng đầu là Thánh Phêrô. Trong một giáo phận, tất cả các linh mục trong giáo phận họp thành một “Linh mục đoàn”, đứng đầu là giám mục.
Trong chuyến đi “Ad Limina” vừa qua, bắt đầu từ Chúa nhật III Mùa Chay năm B, tôi và Đức Cha Phó đã có nhiều giờ suy nghĩ và cầu nguyện cho sứ vụ mục tử đã được Chúa trao phó, và cũng đã chia sẻ với nhau về trách nhiệm chu toàn sứ vụ theo tinh thần của Chúa Giêsu, một mục tử hiền lành nhưng cương quyết, dám hy sinh bản thân vì lợi ích của nhiều người; khi thiết lập bí tích Thánh Thể và chức vụ linh mục, Chúa Giêsu đã phán: “Đây là Mình Thầy bị nộp vì các con. Đây là Chén Máu Thầy đổ ra vì các con…”. ĐTC Phanxicô là một mẫu gương sống động cho chúng tôi về sự hy sinh quên mình vì lợi ích chung của Giáo hội. Qua tiếp cận với ĐTC, chúng tôi cảm nghiệm sâu xa hơn và cầu nguyện tha thiết hơn cho lý tưởng luôn biết “Xin Vâng” để làm theo ý Chúa và Hội Thánh trong khi thi hành sứ vụ “Mẹ và Mục tử”.
– Sáng Chúa Nhật, ngày 3/3, các giám mục đi dâng lễ tại nhà thờ thánh Tôma Tông đồ ở ngoại thành Rôma là nhà thờ hiệu tòa của Đức Hồng Y Phêrô, Tổng Giám mục Hà Nội. Nhà thờ và nhà xứ này khá đẹp, xây theo kiểu tân thời.
Tại sao lại gọi là nhà thờ hiệu toà? Làm Giám mục phải có nhà thờ của mình. Giám mục Chính toà thì có nhà thờ chính toà. Gọi là “toà” (tiếng Latinh là sedes), tức ghế Giám mục. Vì thế, khi giáo phận không có Giám mục (ví dụ Giám mục qua đời mà không có Giám mục Phó kế vị) thì chiếc ghế trong Nhà thờ Chính toà để trống, gọi là “trống tòa” (sede vacante). Giám mục Phó có nhà thờ chính toà khi kế vị Giám mục chính, vì trước hay sau Giám mục Phó cũng làm Giám mục chính toà. Vì trên thực tế, số lượng giám mục nhiều hơn số lượng giáo phận nên những giám mục nào không có một giáo phận cụ thể để cai quản thì sẽ nhận một nơi tượng trưng gọi là “hiệu tòa”. Các hiệu tòa này thường là tên các nhà thờ cổ xưa, hoặc tên các giáo phận cũ không còn tồn tại. Các giám mục phụ tá (phụ giúp cho giám mục chính tòa trong một giáo phận), hoặc giám mục làm công việc ngoại giao của Tòa Thánh, hoặc giám mục là viên chức trong Giáo triều Rôma đều là các giám mục hiệu tòa.
Mỗi Hồng Y (Giám mục áo đỏ), với danh hiệu là “hoàng tử của Giáo hội”, đều có một nhà thờ hiệu tòa ở Rôma: nếu vị Hồng Y đó coi sóc một giáo phận thì nhà thờ hiệu tòa ở ngoại thành Rôma; nếu đứng đầu một cơ quan của Tòa Thánh, như Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, thì có nhà thờ hiệu tòa trong thành Rôma.
Tôi đi chung xe với Đức Tổng Phaolô; ngài ngồi ở ghế trên trước mắt tôi, tôi thấy ngài thở nhiều khi lên xuống xe. Sau một giờ, xe đến nơi, chúng tôi đứng ngoài sân chụp hình. Riêng Đức Tổng Phaolô đã vào nhà thờ, tại đây tôi thấy ngài vào tòa xưng tội. Sau khi dâng lễ tại nhà thờ Thánh Tôma Tông đồ, các giám mục trở về Cư xá Phát Diệm nghỉ ngơi.
– Sáng thứ Hai 4/3/2018, các giám mục đi viếng mộ thánh Phêrô, dâng Thánh Lễ tại đền thờ thánh Phêrô, nơi có mộ của Người. Thánh Phêrô là vị Tông đồ được Chúa Giêsu đặt đứng đầu 12 Tông đồ, là vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội.
Đức Tổng Phaolô đã viếng mộ thánh Phêrô và dâng Thánh Lễ tại nơi ngài đã nhận giây Pallium tổng giám mục năm 2014 từ tay Đức Thánh Cha Phanxicô.
– Sáng Thứ Ba, ngày 5/3, các giám mục được ĐTC Phanxicô tiếp kiến trong vòng 2 tiếng đồng hồ. ĐTC và các giám mục trao đổi với nhau trong bầu khí rất thân tình, cởi mở; cụ thể như lúc mới vào, chúng tôi đứng lên vỗ tay chào ĐTC, ĐTC mời ngồi và chỉ cho các giám mục biết chỗ uống nước và nhà vệ sinh; cuối giờ, chính ĐTC ra mở cửa làm hiệu cho thợ chụp hình vào. Mỗi giám mục lần lượt lên hôn nhẫn và bắt tay ĐTC, chụp hình; trước khi ra về, ngài đứng ở cửa tặng quà cho từng vị. Vị lên hôn tay trước tiên là Đức Hồng Y Phêrô, kế đến là Đức Tổng Phaolô.
Đức Tổng quỳ xuống hôn nhẫn ĐTC rồi đứng lên bắt tay và tự giới thiệu mình, nét mặt rất vui tươi. Sau khi rời điện Vatican để lên xe, Đức Tổng nhìn thấy Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đi dưới hành lang, một mình ngài bước xuống xuống xe chào Đức Hồng Y Parolin, rồi lên xe cùng các giám mục về Cư xá Phát Diệm.
– Sáng Thứ Tư, ngày 6/3, các giám mục đi viếng mộ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong Nhà thờ “Đức Mẹ Cầu thang”. Nhà thờ này cổ kính ở trong một đường hẻm, phải đi bộ đến. Gọi là “Đức Mẹ Cầu Thang” vì tương truyền rằng một nhà bên cạnh có mẫu ảnh Đức Mẹ ở bậc thềm cầu thang trong nhà. Bà chủ nhà mang thai và đã cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ nầy và được cho biết là đứa con dị dạng trong bụng mẹ đã được chữa lành. Khi xây nhà thờ kế bên nhà, bà mang bức ảnh sang dâng cho nhà thờ. Từ đó, nhà thờ được đặt tên là Nhà thờ “Đức Mẹ Cầu Thang”.
Tại nhà thờ này, Đức Tổng Phaolô ngồi trước Mình Thánh Chúa lần chuỗi, sau đó kính viếng và chụp hình trước mộ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê. Sau đó, vì thấy Đức Tổng Phaolô mỏi mệt nên các cha cùng đi đã gọi xe taxi để tới Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành.
Tại đây, các giám mục viếng mộ thánh Phaolô, sau đó dâng Thánh lễ. Đức Tổng Phaolô đã được phân công chủ tế Thánh lễ này. Cuối Thánh lễ, ngài chụp hình chung với các giám mục và nhiều người, sau đó có hai cha đưa ra xe riêng để về Cư xá Phát Diệm.
Tuy nhiên gần ra tới xe thì ngài quị xuống và được hai cha dìu lên xe đưa đến bệnh viện gần nhất, lúc đó tim ngài có vẻ ngưng đập. Tới bệnh viện, bác sĩ làm hô hấp nhân tạo và hỗ trợ tim, nhưng ngài hôn mê cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10g15 tối Thứ Tư ngày 6/3, giờ Rôma, tức là 4g15 phút sáng Thứ Năm, ngày 7/3, giờ Việt Nam.
Đức Tổng Phaolô đã bước vào “Giờ” không ngờ của ngài, với Thánh Lễ sau cùng tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến Đức Giêsu Kitô cử hành lễ Vượt Qua của Con Chiên Thiên Chúa trong Bữa Tiệc Ly, để rồi sau đó, Người hoàn tất trọn vẹn Hy Lễ Tạ Ơn của Giao Ước Mới và vĩnh cửu qua việc hiến tế chính mình trên bàn thờ Thập Giá”. Trong Bữa Tối Sau Cùng này, Chúa Giêsu đã thiết lập chức linh mục và trăn trối giới răn mới: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”.
Chúng ta sắp cử hành Tam Nhật Vượt Qua, cử hành cuộc Tử nạn và Phục sinh của vị Mục tử duy nhất và tối cao là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, cách riêng cho các mục tử trong Giáo phận, biết nỗ lực hơn nữa trong việc sống theo gương Chúa Giêsu chịu đóng đinh vì phần rỗi nhiều người.