LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Nhà thờ Chính tòa 21/11/2015
Một sinh viên học giáo lý dự tòng, có lần đã hỏi tôi: “Thời phong kiến đã qua lâu rồi mà Giáo hội vẫn gọi Chúa Giêsu là Vua thì có phù hợp không ?”. Tôi trả lời: “Hiện nay một ít quốc gia trên thế giới vẫn có Vua hoặc Nữ Hoàng, nhưng mang tính biểu tượng nhiều hơn là mang thực quyền”.
Tuy nhiên tôi hỏi lại anh ta: “Thời phong kiến đã qua lâu rồi mà tại sao người ta còn nói “vua bóng đá”, “Vua dầu lửa”, “Vua nhạc rock and roll”, thậm chí còn nói “Vua lười”, “Vua nói hành nói xấu”, “Vua chửi thề” v.v. ?”.
Anh sinh viên trả lời rất thông minh: “Đó là nghĩa bóng. Chẳng hạn Pélé là Vua bóng đá. Rockefeller là Vua dầu lửa. Elvis Presley là Vua nhạc rock and roll. Michael Jackson là Vua nhạc Pop. Còn Vua lười và Vua nói hành nói xấu là ai thì cũng dễ biết ! Vua ở đây ngụ ý nói về những người được coi là nhất trong một lãnh vực nào đó”.
Tôi hỏi tiếp: “Theo anh, có thể gọi Chúa Giêsu là Vua trong lãnh vực nào ?”. Anh ta trả lời: “Chắc hẳn là lãnh vực Tình Yêu”. Anh chị em nghĩ sao ? Tôi cũng nghĩ thế.
Thật vậy, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Thánh Gioan thuật lại rằng: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”.
Chúa Giêsu yêu thương đến cùng như thế nào ?
Trước khi từ giã cõi trần, Vua Tình Yêu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và căn dặn họ cũng phải rửa chân cho nhau. Rửa chân ở đây ám chỉ cái chết hiến thân của Chúa Giêsu, vì Người đã nói với Phêrô: “Nếu anh không để Thầy rửa chân cho anh thì anh không được dự phần với Thầy”, tức là không được hưởng vinh quang và sự sống vĩnh cửu với Thầy.
Đức Giêsu biết trước Phêrô sẽ chối Thầy nhưng vẫn rửa chân cho Phêrô, nghĩa là yêu đến cùng. Đức Giêsu biết trước Giuđa sẽ phản Thầy, nhưng vẫn rửa chân cho Giuđa, nghĩa là yêu đến cùng. Đức Giêsu biết trước các tông đồ sẽ bỏ chạy, nhưng vẫn rửa chân cho các ông, nghĩa là yêu đến cùng. Đức Giêsu biết rằng những người cùng ăn một bàn với mình sẽ phản bội mình, nhưng Người vẫn rửa chân cho họ, vẫn chết cho người mình yêu, nghĩa là yêu đến cùng. Chúa Giêsu biết rằng chính những người đã được Chúa cung cấp bánh ăn no nê, đã được Chúa chữa lành nhiều bệnh tật, sẽ là những người bị nhóm Biệt phái rỉ tai rồi hô to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”, nhưng Người vẫn một lòng yêu thương: “Lạy Cha xin tha cho họ”, như thế là yêu đến cùng.
Cũng chính vì yêu đến cùng, Chúa Giêsu đã quy tụ các môn đệ lại sau Phục Sinh, nhờ Thần Khí Tình Yêu, không một lời chê trách, vì Chúa Giêsu cảm thông với sự hèn yếu của con người, “tinh thần thì mau mắn mà xác thịt thì nặng nề”. Có thể nói: các môn đệ coi như đã chết khi bỏ Thầy, nhưng đã phục sinh khi đón nhận tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh. Tội của Phêrô nặng hơn tội của Giuđa, nhưng sau khi chối Thầy, Phêrô đã nhận ra cái nhìn đầy yêu thương của Thầy và đã sám hối, đã sống con người mới. Còn Giuđa thì không ! Ông sợ rằng các bạn sẽ chê ông là người không có lập trường, sẽ giết chết ông, nên thà chết trước còn hơn ! Ông không ý thức rằng Thầy Giêsu đã rửa chân cho ông, nghĩa là ông cũng đã được yêu đến cùng. Nhưng ông đã không nhận ra, hoặc không muốn đón nhận, tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống cho cả ông nữa !
Sau Phục Sinh, Phêrô vẫn được Chúa Giêsu yêu đến cùng khi đặt ông làm Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội. Điều này gây ngạc nhiên cho các tín hữu thời đó. Họ ngạc nhiên tại sao Chúa không đặt ông Gioan là người đã có mặt dưới chân thánh giá bên cạnh Đức Maria ?! Trong bối cảnh đó, các môn đệ của Gioan đã phải thêm chương 21 vào sách Tin Mừng mà thánh Gioan đã kết thúc ở chương 20, để nói lên lý do Chúa Giêsu chọn ông Phêrô. Lý do nằm trong câu trả lời 3 lần của ông Phêrô: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Nếu Phêrô đã không để cho Thầy yêu mình, rửa chân cho mình, nghĩa là không đón nhận tình yêu của Thầy, thì Phêrô đã không đáp lại bằng yêu mến Thầy và yêu mến anh em mình, và chắc chắn sẽ “không được dự phần với Thầy” trong vinh quang vĩnh cửu.
Thánh Mathêu viết:“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”… “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 31-40). Như thế, khi Thánh Tử Giêsu trở lại trong vinh quang, Đức Vua sẽ phán xét chúng ta về tình yêu đối với tha nhân, chứ không phải về những gì chúng ta đã làm mà không có tình yêu.
Trong thánh lễ sáng thứ 5 ngày 19/11 vừa qua tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giảng về đề tài “Đức Giêsu khóc thương”. ĐTC nói: “Khi đến gần Giêrusalem, Đức Giêsu đã trông thấy thành và khóc thương. Nhưng tại sao Chúa lại khóc thương? Chính Đức Giêsu cũng đã trả lời: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.’ Như thế, Đức Giêsu khóc vì Giêrusalem đã không hiểu được đường lối hòa bình mà lại chọn con đường của ghen ghét, hận thù, chiến tranh.
Ngay cả ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang còn khóc thương. Bởi vì chúng ta ưa thích con đường của chiến tranh, hận thù, ghen ghét. Ngày lễ Giáng Sinh đã gần kề… Tất cả đều được trang hoàng đẹp đẽ. Nhưng ở ngoài kia, thế giới vẫn có chiến tranh… Người ta thực sự không hiểu được đường lối của hòa bình.
Chúa Giêsu nói: ‘Phúc cho ai kiến tạo hòa bình!’, còn những người gây ra chiến tranh, hận thù sẽ không được chúc phúc, và còn là những tội phạm nữa… Thiên Chúa đã khóc thương. Đức Giêsu đã khóc thương. Bởi vậy, thật là hữu ích nếu mỗi người chúng ta cũng xin ơn biết khóc thương… Chúng ta phải hoán cải tận căn từ sâu thẳm trái tim, đặc biệt trong Năm Lòng Thương Xót sắp khai mạc.