LỄ ĐỨC MẸ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU
Tu viện Don Bosco Đà Lạt 24/5/2018
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Hàng năm chúng ta tụ họp nhau nơi đây để dâng Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Thánh Lễ gồm có hai phần chính: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. Trong phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bài đọc I trích sách Sáng thế (x. St. 3,1-6.13-15). Sau bài đọc, toàn thể cộng đoàn đáp lại Lời Chúa dạy qua bài đọc I bằng Thánh Vịnh 98: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người”, ngụ ý ngợi khen Thiên Chúa đã yêu thương loài người tội lỗi, đã ban một Eva mới là Đức Maria bên cạnh Adam mới là Đức Giêsu, đấng cứu chuộc loài người. Người đọc bài đọc 1 đọc câu xướng hoặc một ca viên hát câu xướng trong Thánh Vịnh, rồi toàn thể cộng đoàn đọc hoăc hát câu đáp vắn gọn đáp lại Lời Chúa, được gọi là Thánh vịnh Đáp ca.
Tiếp theo là một người khác đọc bài đọc II trích thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata (x. Gl 4,4-7), ngụ ý muốn dạy rằng: nếu Eva làm cho nhân loại mất quyền làm con cái Thiên Chúa, thì Đức Maria sinh ra Đấng đem lại cho nhân loại phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Cuối bài đọc, cộng đoàn đáp “Tạ ơn Chúa”.
Tiếp đến là Alleluia và câu xướng dẫn vào bài Phúc âm. Bài Phúc âm hôm nay theo thánh Gioan (x. Ga 2, 1-11) tường thuật về tiệc cưới Cana, soi sáng cho chúng ta về ý tưởng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Thánh sử Gioan coi phép lạ đầu tiên Đức Giêsu thực hiện dưới sự can thiệp của Mẹ Maria có một tầm quan trọng rất đặc biệt: để “bày tỏ vinh quang của Người” và để các môn đệ tin vào Người.
Phép lạ nước hoá rượu là chuyện nhỏ so với nhiều phép lạ khác, tại sao lại nói lên ý nghĩa “bày tỏ vinh quang” của Đức Giêsu ? Thưa, tại Cana, Đức Giêsu nói với Đức Mẹ: “Giờ tôi chưa đến”, rồi trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Như thế, “giờ” ở đây là giờ Thiên Chúa thiết lập Giao ước mới bằng cái chết đổ máu của Con Thiên Chúa trên thánh giá và sự Phục sinh vinh hiển của Người. Những chum chứa nước tượng trưng cho Giao Ước cũ (Cựu Ước); rượu mới ngon hơn rượu cũ muốn nói rằng Tân Ước hơn hẳn Cựu Ước.
Thánh Sử Gioan xác tín rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian” (Ga 3,16), hiến mạng sống để cho thế gian được sống. Thiên Chúa đã đi vào cuộc sống của con người. Đối với Gioan, đó chính là Tin Mừng, là niềm tin căn bản của các Kitô hữu qua mọi thời đại.
Trong “giờ” đó, ta thấy vai trò của Đức Maria, người phụ nữ âm thầm và khiêm hạ. Tại Cana, Đức Maria đã kín đáo cho Chúa Giêsu biết “Người ta hết rượu rồi”. Tại Calvariô, Đức Maria lặng lẽ đứng dưới chân thánh giá, hiệp thông với Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc thế gian, được Chúa Giêsu công khai nhìn nhận là Mẹ nhân loại mới, Mẹ Hội thánh, khi tuyên bố “Đây là Mẹ con… Đây là con Mẹ”: Đức Maria là người mẹ thiêng liêng đã góp phần tái sinh Gioan là đại biểu của các tín hữu.
Chúng ta biết rằng tại Vương Cung Thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ ở Tôrinô, nước Ý, có một kiệt tác nghệ thuật thánh mà Cha Don Bosco đã để lại cho cái của Ngài qua bàn tay tài hoa của một họa sĩ. Chính cha Don Bosco đã gợi ý về bức tranh này cho họa sĩ như một cảnh tượng ngài đã nhìn thấy.
Khi bức tranh được được treo lên, Cha Don Bosco miêu tả như sau: “Đức Trinh Nữ Maria đứng trên một biển ánh sáng tráng lệ, xung quanh là đoàn thiên thần tôn kính như nữ hoàng. Tay phải Mẹ cầm phủ việt biểu tượng của sức mạnh, tay trái Mẹ bồng ẵm Chúa Hài Đồng đang mở rộng cánh tay ban phát ơn lành cho những ai kêu xin Mẹ Người. Xung quanh và bên dưới Đức Mẹ là các Thánh Tông đồ và các thánh soạn giả Phúc Âm trong trạng thái xuất thần tuyệt diệu, ngây ngất chiêm ngắm Đức Trinh nữ Rất Thánh. Phía dưới của bức tranh là thành phố Tôrinô với Đền thờ của Nguyện xá Valdocco theo cận cảnh và hình Đền thờ Superga làm nền. Giá trị lớn nhất của bức tranh là ý cho bất cứ ai khi chiêm ngưỡng bức tranh”.
Khi Cha Don Bosco cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ với tước hiệu “Phù Hộ Các Giáo Hữu”, chắc hẳn ngài muốn nói lên vai trò âm thầm của Mẹ trong việc xây dựng niềm tin cho các giáo hữu nói chung, đặc biệt cho các thành viên trong đại gia đình Salêdiêng.
Tại Torinô nước Ý, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Phù Hộ không những là điểm hành hương cho mọi giáo hữu, mà còn là nơi hằng năm, cha Bề trên Cả tổ chức thánh lễ trao thánh giá truyền giáo cho các nam nữ tu sĩ và giáo dân Salêdiêng.
Tại Đà Lạt Việt Nam, Cộng thể Don Rua là một nơi quy tụ các tín hữu có lòng yêu mến Cha Thánh Don Bosco, được sự chăm sóc giáo dục của các cha Salêdiêng, đặc biệt hàng năm cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Hôm nay, việc khởi công xây Nhà Mục vụ, trong đó có nhà nguyện, các phòng giáo lý và các phòng sinh hoạt khác, nói lên sự quan tâm của con cái thánh Don Bosco trong sứ vụ giáo dục.
Hôm nay, chúng ta chẳng những cầu xin Đức Mẹ phù hộ cho công việc xây dựng được bình an, mà còn cầu nguyện cho có nhiều ân nhân xa gần quảng đại góp phần vào công trình, để sớm tới ngày có điều kiện thuận lợi hơn cho các sinh hoạt mục vụ, trong đó có sinh hoạt của giáo sở Don Bosco, của giới trẻ và thiếu nhi. Đặc biệt chúng ta hợp ý cầu nguyện để mỗi người chúng ta biết sống “Xin Vâng” như Đức Mẹ.
Giờ đây mời cộng đoàn đứng lên cùng đáp lại Lời Chúa trong bài Tin Mừng bằng một bài ca quen thuộc: “Xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin Vâng”…