LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Ngày họp mặt Gia đình Tông đồ Giáo dân
Giáo hạt Đà Lạt
Nhà thờ Chính tòa, 08/12/2016
Gia đình Tông đồ Giáo dân giáo hạt Đà Lạt chọn Thánh Phanxicô Xaviê làm Bổn Mạng, lễ mừng ngày 3/12, ngày thánh nhân qua đời năm 1552. Trong cơn đau lúc hấp hối, Ngài kêu cầu Chúa Ba Ngôi và nài xin Đức Mẹ: “Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con”.
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa đã được ĐTC Piô IX công bố là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội ngày mồng 8 tháng 12 năm 1854: “Đức Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu tiên khi thành thai, do một ân huệ và một sự ưu đãi đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu tinh của toàn thể loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi tỳ ố của tội nguyên tổ”.
Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Ðức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ân sủng” (Lc l, 28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc thụ thai. Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XIII, nhà thần học Duns Scott đã có công lý giải vấn đề này. Ông cho rằng đặc ân Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội làm sáng tỏ sự sung mãn của công trình cứu chuộc, vì Ðấng cứu chuộc hoàn hảo chẳng những có thể CHỮA LÀNH tội lỗi mà còn NGĂN NGỪA tội lỗi. Tương tự như một người mẹ thương yêu con khi bà tắm rửa cho con vừa rơi vào đống bùn; nhưng nếu Bà ngăn ngừa không để cho con rơi vào bùn thì tình thương của Bà càng linh nghiệm hơn.
Tín điều được tuyên bố ngày 8/12/1854. Bốn năm sau, ngày 25 tháng 3 năm 1858, trong lần hiện ra thứ 16 tại Lộ Đức, cô Bernadette nhất quyết phải hỏi cho bằng được tên của “Bà” vì cô phải trả lời cho Cha Xứ.
– Thưa Bà. Xin Bà làm ơn nói cho con biết Bà là ai?
Bà chỉ mỉm cười. Bernadette hỏi lại lần thứ hai, thứ ba. Bà vẫn mỉm cười. Sau lần hỏi thứ tư, Bà mở hai tay ra chỉ xuống đất, rồi chấp tay lại ngang ngực ngước mắt nhìn trời và nói bằng thổ âm: “Que soy era Immaculada Concepciou”, rồi Bà biến đi trong vùng ánh sáng.
Bernadette chạy ngay về nhà xứ, vừa chạy vừa lẩm nhẩm trong miệng vì sợ quên mất lời Bà vừa nói. Gặp Cha Xứ, cô nói ngay: “Que soy era Immaculada Concepciou”. Cha Xứ giật mình. Ngài biết rằng Bernadette không thể tự ý bày ra. Cha Xứ nói với cô: “Một Bà không thể mang tên đó. Con có hiểu câu đó không?”. Bernadette nhẹ lắc đầu. Cha Xứ hỏi: “Nếu con không hiểu sao con lại nói?”. Bernadette thưa: “Con lập đi lập lại trên suốt đường về”. Cha Xứ cảm động, cố nén giòng lệ như muốn trào ra, vì câu đó có nghĩa: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Đức Maria được Thiên Chúa ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng chính Đức Mẹ đã có một đời sống luôn tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Mẹ đã thưa “Xin Vâng” với Thiên Chúa và hoàn toàn liên kết mật thiết với Chúa Kitô vô điều kiện.
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành trong khung cảnh Mùa Vọng hướng về Lễ Giáng Sinh, mà ý nghĩa của Thánh lễ được Giáo Hội xác định trong lời nguyện đầu lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ”.
Trong bài đọc I trích sách Sáng Thế, sau khi tuyên phạt hai ông bà nguyên tổ vì tội lỗi họ đã phạm, Thiên Chúa đã thương ban cho họ một lời hứa cứu độ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời đó ám chỉ Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra từ người phụ nữ và sẽ đánh bại ma quỉ, phục hồi tình trạng ân sủng cho con người. Người đầu tiên được hưởng thành quả của cuộc chiến thắng ấy chính là Đức Maria, Mẹ Đức Kitô. Do sự quan phòng khôn ngoan và đầy quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ đã hưởng được thành quả ấy trước khi cuộc chiến thắng xảy ra trong thời gian, để ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc hiện hữu, Mẹ được gìn giữ khỏi tội tổ tông truyền.
Vì thế, trong đoạn Tin Mừng thánh Luca chúng ta vừa nghe, Đức Trinh Nữ Maria đã được sứ thần Gabriel gọi là “Đấng Đầy Ân Sủng” (Lc 1,28), tức là hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ được gìn giữ khỏi mọi tì ố của tội tổ tông.
Vẻ đẹp tinh tuyền rực rỡ của Mẹ có lẽ đã được tác giả sách Diễm Ca nhìn thấy trước và ca tụng: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời” (Dc 6,10). Sau này thánh Gioan cũng đã mô tả trong sách Khải Huyền: “Một người nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1).
Với tư cách là hiền mẫu và khuôn mẫu của Hội Thánh, vẻ đẹp tinh tuyền của Mẹ trở thành mẫu mực cho mọi tín hữu mọi nơi và mọi thời, những người đã được Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn phúc thiêng liêng, để họ trở nên tinh tuyền thánh thiện trước mặt Người, như lời thánh Phaolô đã nói trong bài đọc II trích thư gửi giáo đoàn Êphêxô (x. Ep 1,3-6).
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng tục hóa, chối bỏ Thiên Chúa và do đó tội lỗi ngày càng phát triển như một thứ mầm bệnh tinh thần, lan tràn khắp cơ thể nhân loại và ngay cả trong thân mình Hội Thánh. Sống trong bầu khí ô nhiễm như thế, con người không thể không bị ảnh hưởng. Tội lỗi không những tàn phá sức khỏe tinh thần, mà còn gây nên những hậu quả trầm trọng cho con người về mặt thể lý, đó là bệnh tật và chết chóc. Tuy nhiên, với những người được đức tin chiếu soi, Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội xuất hiện như một ánh sao hy vọng. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn chứng tỏ tình yêu thương không hề lay chuyển của Người đối với nhân loại, bất chấp tội lỗi của họ. Chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội !
Chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ như Thánh Phanxicô Xaviê: ““Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, xin hãy nhớ đến con”. “Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con” trở thành những chứng nhân của Tình Yêu trong đời sống tông đồ giáo dân để có thể giới thiệu Chúa cho những người chung quanh. Amen.