LỄ GIA NHẬP VĨNH VIỄN
NAM TU HỘI ICM
Minh Giáo, 17/7/2018
Có người thắc mắc: tại sao Tu Hội Tận Hiến không gọi là “lễ khấn trọn đời” mà gọi là “lễ gia nhập vĩnh viễn”? Chúng ta dành ít phút để tìm hiểu cách tổng quát.
Bộ giáo luật hiện hành (x. GL 573-755) phân biệt các hình thức tu trì bằng các tên gọi như sau: một là Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến, được chia làm 2 loại: Hội Dòng và Tu Hội Đời; hai là Tu Đoàn Đời Sống Tông Đồ.
Nếu xét về mặt từ ngữ mà thôi, thì “Tu Đoàn“ và “Tu Hội” hay “Hội Dòng” không có gì khác nhau, vì đều là những tổ chức qui tụ các tín hữu muốn sống đời thánh hiến để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Tuy nhiên, có thể phân biệt dựa vào một số đặc điểm:
Các Hội Dòng, ví dụ Hội Dòng Mến Thánh Giá, có 3 đặc điểm chính: một là, các phần tử tuyên giữ 3 lời khuyên Phúc Âm với lời khấn công; hai là, họ có đời sống chung; ba là, xa cách đời với mức độ khác nhau, nghiêm nhặt nhất là Dòng Kín.
Các Tu Hội Đời, ví dụ Tu Hội Thánh Tâm, có 3 đặc điểm: một là, không có lời khấn công nhưng chỉ có mối dây ràng buộc thánh; hai là, không có đời sống chung; ba là, sống giữa đời, không có tu phục, thường không có cơ sở chung.
Các Tu Đoàn Tông Đồ (như ICM) có 3 đặc điểm: một là, không có lời khấn công, nhưng chỉ có một mối dây ràng buộc nào đó gọi là lời khấn tư; hai là, có đời sống chung (điểm này làm cho họ gần với các Hội Dòng và khác với các Tu Hội Đời).
Như thế, chúng ta thấy có một tiêu chuẩn để phân loại các tập thể tu trì, đó là lời khấn công và lời khấn tư. Chúng ta không có thời gian để đi vào chi tiết lịch sử vấn đề này trong Giáo hội. Nói một cách tổng quát, các Hội Dòng có lời khấn công, tức là hứa với Thiên Chúa và được Giáo hội công nhận; còn các Tu Hội Đời và Tu Đoàn Tông Đồ chỉ có lời khấn tư hay còn được gọi là lời hứa hoặc lời cam kết với Bề trên và xin Thiên Chúa đến chứng giám, chẳng hạn cam kết gia nhập vĩnh viễn vào Tu Đoàn Tông Đồ ICM, quen gọi là Tu Hội ICM, đồng thời cam kết suốt đời giữ ba lời khuyên Phúc Âm. Về mặt pháp lý, tháo gỡ những lời cam kết này không cần đến sự phê chuẩn của Đấng Bản quyền.
Cụ thể như hôm nay, từng thầy sẽ xin Cha Tổng Phụ trách “để được gia nhập vĩnh viễn vào Tu Hội NT-TH-TG” và “xin được ơn trung thành với đặc sủng của Tu Hội và tuân giữ những lời khấn tư: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trọn đời theo Hiến Pháp của Tu Hội”.
Vì thế, Tu Đoàn Tông Đồ NT-TH-TG, vì chỉ có lời khấn tư, nên không gọi như các Hội Dòng là “lễ khấn trọn đời” mà gọi là “lễ gia nhập vĩnh viễn” vào Tu Đoàn.
Phân biệt như thế chỉ là về mặt pháp lý thôi, chứ về mặt thần học, thì các thành viên của Tu Đoàn Tông Đồ (như ICM) cũng giống như các phần tử của các Hội Dòng. Bên cạnh lời cam kết gia nhập Tu Đoàn, các phần tử cũng thực sự theo đuổi đức ái trọn hảo qua việc tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm.
Hôm nay Nam Tu Hội Tận Hiến có 4 thầy cam kết gia nhập vĩnh viễn, hứa tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm. Thực ra, toàn bộ Phúc âm đều là lời khuyên. Theo nghĩa này, lời khuyên là lời mời gọi yêu thương gửi tới bạn hữu. Chúa Giêsu cho thấy rằng trọng tâm của hết mọi luật lệ là tình yêu thương, và từ chỗ yêu thương, Ngài mời gọi hết mọi người tiến xa hơn nữa, tiến đến mức trọn lành giống như Cha trên trời: ai muốn bước theo Chúa Giêsu thì cũng muốn bắt chước nếp sống của Người, ít ra là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Đó là một hình thức “vác thập giá” bước theo Đức Kitô. Điều này chắc hẳn là không dễ dàng.
Phúc âm thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với chàng thanh niên; anh ta hỏi Ngài: “Thưa thầy, tôi phải làm điều gì để được vào Nước Trời?” Chúa trả lời: “Hãy giữ các điều răn” (được hiểu là luật truyền). Anh tiếp thêm: “Tôi đã tuân giữ tất cả từ hồi còn nhỏ”. Chúa liền nói: “Còn thiếu một điều nữa: anh về bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo, rồi đến đây theo tôi” (Mt 19,16-22). Chàng thanh niên đó không đáp lại lời khuyên, có lẽ làm cho Chúa buồn, nhưng không phương hại đến phần rỗi. Bấy giờ Chúa Giêsu nói: “Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
Vì thế, muốn theo Chúa cần tính cho kỹ, giống như người muốn xây tháp, thì trước tiên phải tính toán phí tổn xem có khả năng không; hoặc muốn đi giao chiến thì phải bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng. Thực ra Chúa có ý nói rằng: cần phải tính toán, nhưng tính toán thế nào được vì rõ ràng không cân sức! Do đó điều quan trọng là tín thác vào Chúa vì “đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được”.
Do đó, chúng ta luôn cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau, để dù theo ơn gọi sống đời hôn nhân hay sống đời thánh hiến, đều nỗ lực vươn tới sự trọn lành mỗi ngày một hơn khi thực hành những lời khuyên Phúc âm, không chỉ có 3 mà nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, con người vừa cần nỗ lực vừa luôn cậy dựa vào ơn Chúa thì mới có thể thực hành được, dù có khấn hứa hay không.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của lời Xin Vâng, xin cầu cho chúng con!