(Bài giảng của ĐC Antôn)
Hôm qua, trong Thánh Lễ Gia Nhập Lần Đầu của chị em Tu hội Nhập thể-Tận hiến-Truyền giáo (Incarnatio-Consecratio-Missio: ICM), tôi đã chia sẻ về “Lòng Thương Xót Của TC Qua Mầu Nhiệm Nhập Thể”. Hôm nay, cử hành Lễ Gia Nhập Vĩnh Viễn, tôi xin chia sẻ về “Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa Qua Mầu Nhiệm Tận Hiến”.
Từ “Consecratio” trong Tu hội được dịch là “Tận Hiến”. Theo nguyên ngữ, “Consecratio” là “thánh hiến”, “cung hiến”, nghĩa là tách rời một vật hay một người ra khỏi lãnh vực phàm tục, để dành riêng cho công việc thánh, thí dụ như cung hiến một nhà thờ, thánh hiến một tu sĩ.
Trong Kinh Thánh, từ “thánh hiến” không những nói lên việc con người cung hiến cho Thiên Chúa một vật gì đó, mà còn nói lên việc Thiên Chúa thánh hiến một con người, thậm chí một dân tộc, làm cho họ trở thành sở hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn và tách biệt một người nào đó, dù họ bất xứng, là do tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự lựa chọn này không chỉ vì ích lợi riêng của người ấy, mà còn trao cho họ một sứ mệnh để phục vụ kế hoạch cứu độ của Ngài nữa.
Thánh Phaolô hằng chúc tụng Thiên Chúa vì “trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3), trong đó ơn cao quý nhất là được thánh hiến làm nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Tẩy. Thánh Phaolô còn ý thức rằng: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi” (Ep 3,7). Ơn đặc biệt đó cũng được ban cho các tu sĩ vì họ được thánh hiến một lần nữa khi tuyên khấn trọn đời, đáp lại tình yêu của Hoàng tử Giêsu muốn chọn mình làm bạn trăm năm để phục vụ Tin Mừng. Thật vậy, các tu sĩ ICM tận hiến để truyền giáo (loan báo Tin Mừng).
Những chị em gia nhập vĩnh viễn hôm nay có xứng đáng được ơn cao quý đó không? Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn nhân để ám chỉ tương quan của Ngài với Israel: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Tình yêu “không môn đăng hộ đối” như thế là tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Hôm nay Thiên Chúa nói với từng chị em gia nhập vĩnh viễn: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (2,21). Đó là mầu nhiệm của tình yêu tận hiến cho nhau.
Có lẽ nhiều người đã nghe biết một đoản văn mà Trần Ngọc đã phổ nhạc: “Cần một người Cha cho dân Chúa, thì Chúa đã chọn một ông cụ già, và Apram đã đứng lên đáp lại lời Chúa. Cần người phát ngôn thay mặt dân Chúa, thì Chúa đã chọn một anh ngọng nghịu, và Môsê đã đứng lên đáp lại lời Chúa. Cần vị lãnh đạo dân Chúa thì Chúa đã chọn một chàng trai bé bỏng, và Đavít đã đứng lên đáp lại lời Chúa. Cần một Tảng Đá xây nền Hội Thánh thì Chúa đã chọn một anh chài lưới đã từng chối Chúa, và Phêrô đã đứng lên đáp lại lời Chúa. Cần một gương mặt diễn tả tình thương xót của Chúa thì Chúa đã chọn một cô gái đứng đường, và Mácđala đã đứng lên đáp lại lời Chúa. Cần một chứng nhân hô vang lời Chúa cho dân ngoại thì Chúa đã chọn một tên bắt đạo, và Phaolô đã đứng lên đáp lại lời Chúa”. Điệp khúc của bài hát đặt câu hỏi: “Tôi chẳng là gì, sao Người gọi tôi. Tôi chẳng là chi, sao Người gọi tôi, sao Người gọi tôi?”. Đó là mầu nhiệm ơn gọi mà chúng ta luôn cảm nghiệm khi suy nghĩ về ơn gọi của mình, đặc biệt về ơn gọi đời sống tu trì, ơn gọi nên trọn lành như Cha trên trời.
Thần học cận đại coi đời sống tu trì là “bậc trọn lành.” Việc sử dụng cụm từ này có thể gây hiểu lầm. Bởi vì, mọi Kitô hữu đều được kêu gọi trở nên trọn lành (x. Mt 5, 48). Công đồng Vatican II cũng đã khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42), chứ không chỉ qua việc giữ các lời khuyên Phúc âm. Ngày nay, cụm từ “đời sống thánh hiến” (vita consecrata), bao gồm cả tu hội đời, đã được sử dụng để chỉ đời sống tu trì, mặc dù cũng gây ra ngộ nhận rằng chỉ có các tu sĩ là được thánh hiến cho Thiên Chúa, còn những người khác không được thánh hiến! Thực ra, mọi Kitô hữu đều được thánh hiến nhờ bí tích Thánh Tẩy.
Đời tu là một hình thức tận hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, vì sự thánh hiến chính là nền tảng của đời tu. Chính Thiên Chúa thánh hiến người tu sĩ. Ngài kêu gọi một người, tách riêng người ấy ra và trao cho người ấy một sứ mệnh trong kế hoạch cứu độ của Ngài (x. EE 5). Sự thánh hiến của các tu sĩ dựa trên việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm (x. Can 573 §1; EE 4, 7). Việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục) để họ chỉ phụng sự một mình Thiên Chúa mà thôi (x. PC 5). Đời sống thánh hiến dựa trên bí tích Thánh Tẩy, nhưng có thể nói họ được thánh hiến một lần nữa, “họ muốn thoát ly khỏi những ngăn trở có thể làm cho họ không nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo, và họ tận hiến để phụng sự Thiên Chúa cách thân tình hơn” (LG 44). Qua các lời khấn, người tu sĩ bắt chước mẫu gương tuyệt vời là Chúa Kitô để tận hiến cho Thiên Chúa. Người tận hiến cho Chúa được coi như lập “giao ước hôn nhân với Chúa” (RD 8; x. LG 44, PC 1; EE 5), Đấng đã yêu họ, muốn họ trở nên giống Chúa Giêsu Kitô là hiện thân của Chúa Cha giàu lòng thương xót .
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về ơn gọi được làm con Thiên Chúa, về ơn gọi đời sống thánh hiến, một ân huệ Thiên Chúa không những ban cho cá nhân tu sĩ mà còn ban cho Giáo hội và cho thế giới. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, cách riêng cho các chị em gia nhập vĩnh viễn hôm nay, biết đáp lại tình yêu của Chúa cách nồng nhiệt hơn nữa, nhất là biết thể hiện tình yêu đó với lòng “thương xót như Chúa Cha”. Amen.