LỄ GIỖ LẦN 45
ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE
Di Linh, 31/10/2018
Lễ giỗ Đức Cha Jean Cassaigne năm nay trùng với Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tử đạo, gốc tiếng Hy Lạp là μάρτυς (mártys), có nghĩa là chứng nhân, người làm chứng.
Trong tiếng Việt, “tử đạo” không có nghĩa là “đạo chết” như khi nói tử hình là hình phạt chết, tử thi là xác người chết, tử thương là bị thương đến phải chết; tử tù là bị xử tội chết nhưng còn giam trong tù; tử trận là chết trên chiến trường…, nhưng là “tuẫn đạo” hay “tuẫn giáo”: tuẫn có nghĩa là “liều chết vì một việc gì, ví dụ: tuẫn tiết (chết vì tiết nghĩa), tuẫn đạo (chết vì đạo).
Trở về gốc tiếng Hy Lạp với nghĩa là chứng nhân, chúng ta có thể nói rằng Đức Cha Jean Cassaigne là một chứng nhân về tình yêu, tình yêu đặc biệt đối với bệnh nhân phong mà ngài đã thực hiện tại Di Linh suốt 46 năm, từ năm 1927 đến năm 1973, năm ngài qua đời đến nay đã được 45 năm. Ngài đã sống đạo yêu thương một cách cụ thể và thiết thực; sống đạo như thế đòi hỏi hy sinh bản thân mình, nên có thể nói sống đạo là chết vì đạo liên lỉ trong cuộc sống hằng ngày, như lời thánh Phaolô tâm sự: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào Thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20).
Thật vậy, Đức Cha Jean Cassaigne đã hy sinh bản thân mình để sống đạo yêu thương:
- Đức Cha Jean Cassaigne truyền giáo cho người dân tộc bằng tình yêu.
Trong bản tường trình năm 1920, Đức cha Victor Quinton, Giám mục Giáo phận Sài Gòn, đã nói đến ý định truyền giáo cho người dân tộc trên cao nguyên Djiring-Langbiang. Nhưng công cuộc truyền giáo này chỉ thực sự bắt đầu khi Đức cha Dumortier đặt cha Jean Cassaigne, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, đến Di Linh năm 1927. Đức cha Dumortier viết trong bản tường trình năm 1927 như sau: “Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho tôi một vị tông đồ như ý để khởi sự công cuộc truyền giáo cho người dân tộc. Tôi thấy cha Cassaigne được chuẩn bị tốt để chịu được gian khổ thiếu thốn. Vừa khi biết chương trình truyền giáo của tôi, cha Cassaigne đã tình nguyện và bày tỏ niềm vui khôn tả khi nghe tôi công bố việc bổ nhiệm ngài vào công cuộc này”.
Ngày 20/10/1926, cha Cassaigne lên đường đến thí điểm truyền giáo Di Linh. Ngài đi từ Sài Gòn đến Phan Thiết, rồi từ Ma Lâm lên cao nguyên Di Linh. Nhưng gặp mưa bão nên ngài phải trở về Sài Gòn. Mãi đến ngày 24/01/1927, cha Cassaigne mới có thể từ Đà Lạt chính thức đến nhận thí điểm truyền giáo Di Linh.
Ngay buổi chiều đầu tiên đến vùng đất Di Linh, cha Cassaigne đã nhìn thấy những người dân tộc lặng lẽ nghi ngại đi ngang qua nhà ngài. Ngài đã nhìn thấy những anh chị em dân tộc được trao phó cho ngài. Để có thể gặp gỡ những người dân tộc rụt rè nhút nhát trước những người xa lạ, cha Cassaigne khởi sự bằng cách học nói tiếng của họ, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết. Cha Cassaigne đã phải mày mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Công việc này đã cuốn hút vị thừa sai trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, vào tháng 12 năm 1929 cha Cassaigne đã xuất bản cuốn Từ điển Pháp – Kơho – Việt, đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơho. Tháng 12 năm 1937 cha Cassaigne xuất bản cuốn: Phong tục tập quán người dân tộc Kơho, đây cũng là một công trình đầu tiên nghiên cứu về người Kơho, một công trình giúp cho cha Cassaigne có thể hiểu và gặp gỡ được với những người dân tộc và từ đó nói về Chúa cho họ. Năm 1938 cha cho xuất bản tập Giáo lý cho người Kơho. Chính nhờ việc hiểu được ngôn ngữ và phong tục tập quán Kơho, cha Cassaigne đã thực sự trở thành người khai phá, trở thành ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc, và cha đã thành công trong việc đem Ơn Cứu Độ đến cho rất nhiều người dân tộc thuộc các buôn làng trong miền Cao nguyên Di Linh – Langbiang.
Hoa trái của công cuộc truyền giáo là vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 7/12/1927, cha Cassaigne đã rửa tội cho bà Ka Trut, một bệnh nhân phong đã được Cha giúp đỡ. Gần 2 tuần sau, bà Maria Ka Trut qua đời.
Đầu năm 1929, cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong và thành lập Trại Phong Di Linh. Ngài đã xây dựng Trại Phong thành một gia đình ấm cúng, tồn tại và phát triển gần 90 năm qua.
- Đức Cha Jean Cassaigne làGiám mục phong của người phong
Đầu năm 1941, Đức Cha Jean Cassaigne nhận được một bức điện tín khiến ngài buồn bã. Khi được hỏi lý do, ngài trả lời: “Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm giám mục”. Ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Sài gòn. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong mất người cha của họ; cha Cassaigne nói: “Dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, song chẳng ai thay được con người chất phác nơi tôi”. Khẩu hiệu Giám mục của ngài là “Bác Ái và Yêu Thương”.
Cuối năm 1954, vào dịp kỷ niệm thụ phong linh mục của ngài, trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài thấy trên mặt da mình, chỗ phía trên cổ tay có một vết đỏ hồng. Khi Thánh Lễ kết thúc, ngài lấy một cái kim châm vào chỗ cổ tay có vết, nhưng không cảm thấy đau; ngài hiểu đó là bệnh phong.
Tháng 3 năm 1955, ngài viết cho cha bề trên Hội Thừa sai Paris: “Tôi xin cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.
Lời cầu xin của ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị ngài, Đức cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, mà 5 năm sau, năm 1960, được bổ nhiệm làm giám mục tiên khởi giáo phận Đà Lạt.
Cuối năm 1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di Linh. Từ đây, Đức Cha dành trọn cuộc đời còn lại để âm thầm yêu thương và phục vụ Trại Phong Di Linh. Tháng 2 năm 1973 Đức cha bị ngã gẫy xương bên đùi phải, và chính vì vết thương này mà ngài phải trải qua gần 8 tháng liệt giường. Lúc nằm trên giường bệnh, Đức cha nói với người nữ tu chăm sóc ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực: “Suốt 47 năm dài, cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo”. Lúc 10g00 đêm ngày 30/10/1973, Đức cha lãnh nhận bí tích Xức dầu lần cuối do cha sở họ Di Linh và rạng sáng hôm sau Đức cha đã được Chúa gọi về hồi 01g25.
Mộ ngài còn đây. Trên bia mộ còn ghi châm ngôn sống của ngài: “Caritas et Amor” : “Bác ái và Yêu thương”. Đó chẳng phải là gương sáng cho chúng ta về việc sống đạo yêu thương đòi hỏi nhiều hy sinh và như thế sống đạo chẳng phải là một cuộc tử vì đạo liên lỉ hay sao?