Lễ Hiển Linh 2016
Mt 2, 1-12
Khánh thành Nhà thờ giáo họ B’Lá, giáo xứ Tân Rai
(Bài giảng của ĐC Antôn)
B’Lá là xã được chia tách từ xã Lộc Quảng năm 2001, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm,
đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số với tỷ lệ 80%; trên 95% hộ gia đình sinh sống làm nông nghiệp thu nhập chính từ cây cà phê và cây chè.
Hôm nay, giáo họ B’Lá vui mừng khánh thành nhà thờ mới đúng vào ngày Lễ Hiển Linh, Bổn Mạng của Giáo họ. Chúng ta hợp ý tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho bà con trong xã nhà, cách riêng cho các tín hữu biết sống tốt để làm cho Chúa được hiển linh nơi đây.
Lễ Hiển Linh còn được gọi là Lễ Ba Vua, vì “khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh (truyền thống quen gọi là ba vua) từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,1-3a).
Khi nghe tin Đức Vua dân Do Thái mới sinh, “vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời. Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2,3b-9). Thực ra, vua Hêrôđê dối trá, vì sau đó đã ra lệnh cho quân đội đến Belem giết hết các hài nhi từ 2 tuổi trở xuống. Trên thế giới luôn có những “Hêrôđê” như thế !
Khi các nhà chiêm tinh ra khỏi đền vua, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 9-12). Các nhà chiêm tinh là những người thiện chí đi tìm gặp Đức Kitô và họ đã được Đức Giêsu tỏ mình ra (hiển linh).
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã định hướng mục vụ cho năm 2016 là “Năm tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội”. Phúc-Âm-hóa có ý nghĩa là loan báo Tin Mừng cứu độ, đem các giá trị Phúc Âm thấm nhuần vào các thực tại trần thế như men trong bột, để biến đổi cho phù hợp với tinh thần Phúc Âm.
Tinh thần Phúc Âm chủ yếu là tinh thần yêu thương. Loan báo Phúc Âm là loan báo tình yêu thương, lòng thương xót, là xây dựng “một nền văn minh tình thương”. Sống trong một xã hội theo trào lưu thế tục hóa, đầy hận thù, ghen ghét, người Kitô hữu chỉ có thể làm cho Chúa hiển linh bằng cách thể hiện tình yêu trong cuộc sống theo gương Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu Kitô đã đi bước trước đến với mọi người, ưu tiên cho người nghèo, bệnh tật, đau khổ, bị gạt ra bên lề xã hội, để cảm thông, chia sẻ, chữa lành, phục vụ họ. Chúa Giêsu Kitô đã sống hiền lành, khiêm nhường, không kỳ thị ai.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cách tốt nhất để yêu mến Chúa là mở lòng ra cho Chúa yêu chúng ta. Chúng ta hãy để cho Chúa đến gần và cảm thấy là Người ở gần bên chúng ta. Điều khó khăn là chúng ta để cho Chúa yêu”. Ba nhà chiêm tinh đã để cho Chúa yêu thương tỏ mình ra, rồi sau đó mới đi loan báo tình yêu của Chúa cho mọi người.
Chuyện kể về một triết gia Ấn độ đã nhìn lại quãng đời của mình như sau: Lúc còn trẻ tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất của tôi dâng lên Thượng Đế là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới”. Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: “Lạy Chúa xin ban cho con được ơn biến đổi tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi”. Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con được ơn thay đổi chính con”. Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua !