LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI
CHỦNG VIỆN MINH HÒA ĐÀ LẠT
01/09/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Trong một lần nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh tại Rôma, Đức Thánh Cha tỏ ra hồ nghi về ơn gọi của một chủng sinh nói rằng “Tôi đã chọn Chúa, tôi đã chọn con đường tu trì này”. Đức Thánh Cha nói: “Điều đó không đúng! Thật ra đó là việc đáp lại tiếng gọi của tình yêu. Tôi nghe thấy điều gì đó trong tôi, làm cho tôi thao thức, và tôi thưa xin vâng. Chúa khiến chúng ta cảm nhận được tình yêu này trong cầu nguyện, nhưng cũng qua rất nhiều dấu chỉ khác mà chúng ta có thể đọc thấy trong cuộc đời chúng ta, qua biết bao nhiêu người mà Người đặt trên đường đi của chúng ta”.
Trong bài Phúc Âm được chọn đọc hôm nay (x. Ga 15, 9-17), Thánh Gioan thuật lại lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ rằng: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Thánh Marcô, khi thuật lại việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, đã viết: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người” (Mc 3, 13). Người muốn gọi là vì Người yêu. Tại sao Người yêu? Đó là mầu nhiệm của tình yêu, không lý giải được!
Chúa gọi để làm gì ? Thánh Gioan viết: “Chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16). Thánh Marcô viết: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 14-15). Như thế, Chúa gọi để sai đi rao giảng Tình Yêu Cứu Độ, tức là “sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,16).
Nhưng muốn thi hành sứ vụ cách hữu hiệu, Chúa Giêsu yêu cầu phải “ở với Người” (Mc 3,14), phải “ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9), đồng thời thực thi “điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17). Chúa Giêsu nói rõ: “Chúa Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9).
Để ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta không thể không trung thành với việc cầu nguyện cá nhân trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Các mục tử thường bận rộn với nhiều công việc, “ra đi” (Ga 15,16) làm nhiều việc tốt, nhưng lại không xếp thời giờ để “ở với Người” (Mc 3,14). Như thế cũng giống như một người chỉ thích “đi” mà không muốn dừng lại “đổ xăng”; muốn “sống” mà không chịu “ăn”! “Ra đi” và “Ở với Người”, cả hai đều cần thiết và tương tác với nhau.
Việc “ở lại trong tình yêu của Thầy” không thể tách rời việc “yêu thương nhau” (Ga 15, 17). Tình yêu Chúa “như mưa như mưa” rơi xuống, nhưng chúng ta không thể nhận được nước mưa nếu không chịu mở lòng yêu thương anh em như mở nắp lu chứa nước. Tình yêu của Chúa như luồng điện lúc nào cũng có, nhưng nếu ta không chịu bật công tắc tình yêu anh em thì làm sao bóng đèn sáng lên được!
Để sống yêu thương nhau, cần thực hiện đồng thời 3 điều: chân thành, tế nhị và giúp đỡ.
Chân thành, tiếng Latinh là “sincerus” gồm 2 từ ghép lại: “sine” (không) và “cera” (sáp). Các cột đền đài tại Rôma bằng đá cẩm thạch; nếu cột đá bị lỗ tổ ong, người ta dùng sáp chét lên và đánh bóng; nếu cột đá không có lỗ tổ ong, người ta nói là cột không sáp (sine-cera). Người chân thành là người không phấn sáp, không hai mặt (trước mặt thì nói tốt, sau lưng thì nói xấu).
Chân thành nhưng phải đi với tế nhị. Có người sửa lỗi anh em cách chân thành nhưng không biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, tức là không tế nhị (không biết người khác thích gì hay không thích gì).
Chân thành, tế nhị, nhưng còn phải giúp đỡ nhau. Quý Cha đồng hành với chủng sinh để giúp đỡ (phục vụ) chủng sinh, tức là để đáp ứng những nhu cầu chính đáng một cách cụ thể và thiết thực. Bạn bè biết rõ nhau hơn lại càng cần giúp đỡ nhau, chẳng hạn nhắc nhở nhau một cách chân thành và tế nhị.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho nhau: luôn ý thức và cảm nghiệm mình được Chúa yêu thương chọn gọi; biết đáp lại Tình Yêu đó để “ra đi, sinh được nhiều hoa trái” bằng cách yêu mến Chúa và yêu thương nhau. Amen.