LỄ KHẤN LẦN ĐẦU VÀ TẠ ƠN KHẤN DÒNG
MTG ĐÀ LẠT 31/05/2018
Năm nay Hội Dòng MTG Đà Lạt có 10 chị em khấn lần đầu, 17 chị em mừng kỷ niệm năm khấn dòng tính từ khi khấn lần đầu (2 chị 70 năm, 2 chị 60 năm, 8 chị 50 năm, 5 chị 25 năm). Như thế, khấn lần đầu trở thành mốc lịch sử để mừng kỷ niệm năm khấn dòng, chắc hẳn có một ý nghĩa quan trọng?
Cá nhân tôi còn nhớ những cảm nghiệm khi lãnh chức linh mục, nhưng những cảm nghiệm gây xúc động nhất là khi lãnh “phép cắt tóc, gia nhập hàng giáo sĩ” vào cuối năm thứ nhất thần học, sau một thời gian khoảng 13 năm kể từ khi vào tiểu chủng viện. Phần các tu sĩ, sau những năm ở “Thanh tuyển viện” (có nơi gọi là “Đệ tử viện”), nếu vào từ lớp 6 đến lớp 12 là 6 năm, rồi 2 năm “Tiền tập viện”, 2 năm “Tập viện”, tổng cộng khoảng 10 năm mới khấn lần đầu; thường 6 năm sau mới khấn trọn đời.
Khấn lần đầu có thể ví như “đính hôn”; khấn trọn đời có thể ví như “kết hôn”. Đối với người Do Thái, đính hôn đã được coi như vợ chồng rồi, nên nếu ngoại tình thì bị xử ném đá. Khi đã có ngày đính hôn thì ai cũng muốn sẽ có ngày kết hôn. Do đó, trong lễ khấn lần đầu, Hội Thánh cầu nguyện trong phần nhập lễ rằng: “Lạy Chúa, chính nhờ Chúa ban ơn soi sáng chị em chúng con đây đã quyết tâm theo Chúa Kitô và sống gần gũi Người hơn nữa. Chúa đã dẫn đưa những người chị em này đến chặng đường hiện tại, xin cũng ban cho họ hiến trọn cuộc đời cho Chúa mà không ngần ngại so đo”.
Đó là tầm quan trọng của lễ khấn lần đầu, thường gây nhiều cảm xúc khó quên. Nhưng việc nhớ giữ lời tuyên khấn còn quan trọng hơn và không phải dễ dàng. Các chị em hôm nay tuyên khấn sống Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục, quen gọi là “ba lời khuyên Phúc Âm”. Tại sao gọi đó là ba lời khuyên Phúc âm? Phúc âm chỉ có ba lời khuyên thôi hay sao?
Lời khuyên Phúc âm là gì? Ít là có hai lối giải thích: một lối giải thích khá quen thuộc là phân biệt giữa “lời truyền” và “lời khuyên”. Theo lối giải thích này, trong Phúc âm chúng ta đọc thấy nhiều điều mà Chúa truyền buộc phải giữ (chẳng hạn như giữ mười điều răn); nhưng bên cạnh đó, còn nhiều điều khuyên, nghĩa là khuyến khích thực hành để trở nên tốt hơn. Chẳng hạn, Phúc âm thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với chàng thanh niên; anh ta hỏi Ngài: “Thưa thầy, tôi phải làm điều gì để được vào Nước Trời?” Chúa trả lời: “Hãy giữ các điều răn” (tức là luật truyền). Anh tiếp thêm: “Tôi đã tuân giữ tất cả từ hồi còn nhỏ”. Chúa liền nói: “Còn thiếu một điều nữa: anh về bán hết gia tài, phân phát cho người nghèo, rồi đến đây theo tôi” (Mt 19,16-22). Chàng thanh niên đó không đáp lại lời khuyên, có lẽ làm cho Chúa buồn, nhưng không phương hại gì đến phần rỗi.
Còn lối giải thích thứ hai nhắm đến ý nghĩa của cụm từ “lời khuyên Phúc âm”, và cho rằng toàn bộ Phúc âm đều là lời khuyên. Theo nghĩa này, lời khuyên không phải đối chọi với lời truyền nhưng là lời mời gọi yêu thương nhắm tới bạn hữu. Những người theo lối giải thích này muốn nêu bật sự khác biệt giữa hai chế độ Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước, ta gặp thấy rất nhiều giới luật: ai tuân hành luật Chúa thì sẽ được thưởng, còn ai lỗi luật thì bị phạt. Còn trong Tân ước, Đức Kitô muốn đi xa hơn. Ngài cho thấy rằng trọng tâm của hết mọi luật lệ là tình yêu thương, và từ chỗ yêu thương, Ngài mời gọi hết mọi người tiến xa hon nữa, tiến đến mức trọn lành giống như Cha trên trời.
Có bao nhiêu lời khuyên Phúc âm? Nếu hiểu theo nghĩa thứ hai, thì không thể đếm hết các lời khuyên và có thể nói rằng toàn thể Phúc âm chứa đựng một lời khuyên tổng quát, đó là hãy yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau hết lòng. Còn hiểu theo nghĩa thứ nhất (lời khuyên đối lại với lời truyền), thì số lời khuyên có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ngay từ thế kỷ 3, người ta đã bắt đầu vạch ra 6 lời khuyên trong Phúc âm nhằm giúp mọi tín hữu đạt tới sự trọn lành. Đến giữa thế kỷ 13 (năm 1253), ba lời khấn dòng trở thành cố định, khi Đức Thánh Cha Innôcêntê IV gửi một tuyên ngôn cho Dòng Thánh Clara, tóm tắt các điểm cốt yếu của đời tu vào sự khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Còn ý niệm về “lời khuyên Phúc âm” thì được phổ biến vào khoảng thế kỷ 19, khi người ta muốn đào sâu thêm ý nghĩa của ba lời khấn theo viễn tượng làm môn đệ Chúa Giêsu: ai muốn bước theo Chúa Giêsu thì cũng muốn bắt chước nếp sống của Người, đó là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.
Dĩ nhiên Phúc âm còn nhiều lời khuyên khác nữa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tuy nhiều lần nhấn mạnh các tu sĩ hãy tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm mà họ đã tuyên khấn theo giáo luật, nhưng trong tông thư “Hồng ân Cứu độ”, ngài cũng ghi nhận rằng Phúc âm còn có nhiều lời khuyên nữa, thí dụ khuyên đừng xét đoán, khuyên cố gắng làm thỏa mãn hết những gì tha nhân yêu cầu; khuyên tha thứ tới 77 lần 7 v.v.
Như thế các tu sĩ giữ ba lời khuyên Phúc âm chỉ là một bước khởi hành để đi theo Chúa Giêsu, nhưng không chỉ dừng lại ở điểm khởi hành. Họ cần phải nhắm thể hiện toàn thể tinh thần Phúc âm. Thật ra, Phúc âm không chỉ dành riêng cho các tu sĩ, nhưng dành cho tất cả mọi Kitô hữu. Ngay cả người đã lập gia đình vẫn còn rất nhiều cơ hội để thực hiện lời khuyên Phúc âm, trong đó có lời khuyên yêu thương nhẫn nhục mà họ gặp hàng ngày. Điều này chắc hẳn là không đơn giản gì.
Chính vì thế, chúng ta luôn cầu nguyện cho nhau và nâng đỡ nhau, để dù theo ơn gọi sống đời hôn nhân hay đời sống đời thánh hiến, đều nỗ lực vươn tới sự trọn lành mỗi ngày một hơn khi thực hành những lời khuyên Phúc âm, không chỉ có 3 mà nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, con người vừa cần nỗ lực vừa luôn cậy dựa vào ơn Chúa thì mới có thể thực hành được những lời khuyên Phúc Âm.
Vì thế, chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho 17 chị em đã tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm từ 25 năm đến 70 năm qua, cách riêng tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho 10 chị em lần đầu tiên tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, để tất cả trung thành với lời tuyên khấn cho đến hơi thở cuối cùng. Đặc biệt hôm nay mừng lễ “Đức Bà Đi Viếng Bà Thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”.
Amen.