LỄ KHẤN TRỌN ĐỜI 6/2017
Tu Hội Chứng Nhân Đức Tin
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Sau thời gian “đính hôn” với Chúa Giêsu từ khi khấn lần đầu như 4 chị em tuyên khấn chiều hôm qua, sáng nay chúng ta vui mừng chứng kiến việc “kết hôn” với Chúa Giêsu của 6 chị em khấn trọn đời.
Bài đọc 1 trích sách Ngôn sứ Hôsê (x. Hs 2,14.15-16), nhắc nhớ chúng ta về cuộc hôn nhân giữa một chàng trai trẻ với một cô gái bất xứng với anh ta. Anh ta lấy một người đàn bà chẳng có tư cách gì hết. Kinh Thánh dùng hình ảnh này để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Hình ảnh Thiên Chúa đối xử với dân Israen ngày xưa thì Ngài cũng làm như vậy đối với chúng ta bây giờ, cụ thể đối với từng chị em tuyên khấn trọn đời hôm nay. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh hôn nhân để ám chỉ tương quan giữa Thiên Chúa với con người: “Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Thiên Chúa như đã nói với từng chị em: “Này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”, và hôm nay Thiên Chúa nói: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (2, 21). Chính vì cảm nhận được Chúa yêu thương nên chị em muốn đáp lại bằng việc dâng hiến trọn vẹn hồn xác cho Đấng yêu thương mình qua lời khấn giữ đức khiết tịnh.
Chị em còn khấn giữ đức khó nghèo. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!… Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Của cải ở đây có thể hiểu là tất cả những gì mình có, và cả những gì mình là (là tu sĩ, linh mục, giám mục, là ông nọ bà kia v.v.). Chị em dám tuyên khấn giữ đức khó nghèo vì tin vào lời Chúa: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì…mọi sự đều có thể”. Khi tuyên khấn, chị em công khai nói lên niềm tín thác vào Thiên Chúa hơn là cậy dựa vào của cải. Cũng có thể nói chị em muốn trở thành “chứng nhân đức tin” vào Thiên Chúa khi khấn giữ đức khó nghèo.
Chị em còn tuyên khấn giữ đức vâng phục. Từ bỏ ý riêng luôn là một việc không dễ dàng, nhưng chị em muốn theo sát Chúa Kitô là Đấng “đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá”, chết để đem lại sự sống cho bản thân và cho nhiều người như Chúa Kitô.
Cũng nên biết rằng: đời sống cộng đoàn trong Dòng tu, cũng tương tự như đời sống hôn nhân trong gia đình, luôn có thánh giá mà chị em vác suốt đời. Tuy nhiên chị em cố gắng sống theo lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh chị em … hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 1-5).
Sống được như thế trọn đời, chị em phải từ bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu, nhưng chị em cũng được an ủi biết bao khi nghe nói: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận… gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”, sự ngược đãi mà chính Thầy Giêsu đã trải qua trên đàng thánh giá.
Cuộc sống hôn nhân gia đình không đẹp sao mà chị em lại muốn sống độc thân khiết tịnh? Tiền bạc của cải không có giá trị sao mà chị em lại khấn giữ đức khó nghèo? Ý riêng của mỗi người không đáng trân trọng sao mà chị em lại khấn giữ đức vâng phục?
Lời Chúa trong bài đọc 2, trích thư thánh Phaolô gửi tín hữu Philiphê (x. Pl 3,8-14), có thể trả lời cho chúng ta: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết… để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi…, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin”.
Thánh Phaolô luôn ý thức mình được như vậy là do ơn của Chúa, ơn mà chính Đức Giêsu đã cất tiếng nói trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe đọc (x. Lc 10, 21-22): “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.
Tuy nhiên, Thánh Phaolô cũng khiêm tốn thú nhận rằng: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt… Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu”.
Tuân giữ trọn đời những lời tuyên khấn không phải luôn dễ dàng, nhiều khi còn cảm thấy nặng nề, tương tự như vợ chồng suốt đời phải sống điều mình đã tuyên bố trong Thánh lễ Hôn phối. Nhưng mọi người chúng ta hãy lắng nghe lời khích lệ của Chúa Giêsu: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.
Như thế, mọi người chúng ta đều phải bước đi bằng đức tin trong hành trình ơn gọi, ơn gọi hôn nhân hay ơn gọi tu sĩ, nghĩa là cần phải cậy dựa vào Chúa và nỗ lực cá nhân. Ước gì tất cả chúng ta, nhất là các chị em trong Hiệp Hội, luôn cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong cuộc sống ơn gọi của mình, để trở thành những “chứng nhân đức tin”. Amen.