LỄ KHẤN TRỌN ĐỜI NỮ TU
HỘI DÒNG THÁNH PHAOLÔ THIỆN BẢN
(Bài Giảng)
Giáo xứ Chính tòa giáo phận Đà Lạt có một Nhà Sách do các nữ tu thuộc Dòng Thánh Phaolô Thiện bản phục vụ, có 2 trong 3 nữ tu tuyên khấn vĩnh viễn hôm nay: Soeur Marie-Paul Trần Thị Yến Linh, Soeur Madeleine-Paul Trần Thị Ngọc Hà, và Soeur Marthe-Pierre Bùi Thị Minh Hạnh.
Như Samuel trong bài đọc 1 (1 Sm 3, 1-10), các chị em này “Thưa con đây” trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Các chị muốn “hiến thân làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa” theo lời “nài xin” của Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma trong bài đọc 2 (Rm 12,1-13).
Các chị tuyên khấn trọn đời giữ đức khó nghèo ! Lời khấn thuộc đức thờ phượng, quy hướng về TC, tín thác vào Thiên Chúa. Đó là một hành vi đức tin. Đức tin đòi khiêm tốn, và hơn nữa, khiêm tốn chính là “tinh thần khó nghèo”, nên việc khấn giữ đức khó nghèo muốn nói lên niềm tín thác vào TC hơn là cậy dựa vào của cải.
Chị em còn tuyên khấn trọn đời giữ đức khiết tịnh, vì muốn dành trọn tình yêu và con người cho Thiên Chúa! Chị em ý thức rằng chính Chúa Giêsu chọn chị em làm bạn trăm năm. Thiên Chúa nói với Israel, và hôm nay nói với từng chị em tuyên khấn: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu” (Hs 2,21).
Chị em còn tuyên khấn trọn đời giữ đức vâng phục. Từ bỏ ý riêng luôn là một việc không dễ dàng, nhưng chị em muốn theo sát Chúa Kitô là Đấng “đã vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá”, chết để đem lại sự sống cho bản thân và cho nhiều người như Chúa Kitô.
Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản có tuyên khấn gì đặc biệt không ? Dựa trên tư liệu của Hội Dòng, tôi xin được giới thiệu đôi nét về Hội Dòng này.
Được Chúa Thánh Thần tác động, Cha Joseph Schorderet đã muốn sử dụng phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất của thời đại ngài là “sách báo, in ấn, được nâng cấp thành một hoạt động tông đồ để loan báo Tin Mừng, nâng cao trình độ văn hoá và nhận thức của dân chúng”. Ước vọng của ngài là muốn khai sinh một Hội Tông đồ Sách báo, gồm các nam nữ tu sĩ hiến dâng trọn cuộc đời qua 3 lời khuyên Phúc Âm, để phụng sự Chúa và phục vụ con người. Hội do Cha Joseph Schorderet (1840-1893) sáng lập ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/1873, tại Fribourg (Thụy Sĩ).
Thuở ban đầu, Vị Sáng lập tổ chức công trình của ngài với các “Nữ Công nhân Thánh Phaolô” dưới sự phù trợ của Đức Maria Vô Nhiễm, của Thánh Giuse và của Thánh Nữ Magarita-Maria Alacoque, hầu làm cho các dân tộc được ơn cứu rỗi, qua hoạt động tông đồ bằng sách báo, in ấn, với lòng nhiệt tình hăng say của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi.
Năm 1874, “Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô” được Đức Cha Etienne Marilley, Giám mục giáo phận Lausanne (Thụy Sĩ) chuẩn y.
Qua Sắc lệnh ngày 15/7/1930, Đức Cha Besson, Giám mục Giáo phận Lausanne, Genève và Fribourg (Thụy Sĩ) đã ban lời Phê chuẩn cuối cùng về bản Hiến Chương của Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô. Từ đó, Hội Nữ Công nhân Thánh Phaolô đã trở thành Hội Dòng Nữ tu Thánh Phaolô theo Giáo Luật, với sự chuẩn y của Thánh Bộ các Tu sĩ, thuộc quyền Tòa Thánh.
Hội Dòng chọn Thánh Phaolô Tông đồ Trở Lại làm Bổn Mạng, lễ mừng ngày 25/1.
Trong thực tế và về mọi phương diện, Hội Dòng lấy “Bài Ca Đức Mến” của Chương 13 trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô làm Hiến Chương căn bản của Hội Dòng: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13, 4-7.13).
Các tu sĩ tuyên khấn đức Khó nghèo, Khiết tịnh và Tuân phục, và hứa với Đức Kitô và Thánh Phaolô sẽ không bao giờ cố tình làm tổn thương hoặc phản bội Hội Dòng.
Trong Thánh Lễ này, chúng ta vui mừng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn và cầu nguyện cho Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản, cách riêng cho các nữ tu khấn trọn đời hôm nay.
Hội Dòng Thánh Phaolô được chính thức thành lập tại Việt Nam ngày 30/1/1974. Tại VN, Hội Dòng được gọi là Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản.
Nhìn lại quá khứ, trong những năm 1940, có một số chủng sinh Việt Nam theo học và được truyền chức linh mục tại Trường Truyền giáo Rôma. Trong số đó có Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ thuộc giáo phận Phát Diệm. Sau khi chịu chức linh mục và trước khi trở về Việt Nam, Cha Trần Ngọc Thụ đã đi Thụy Sỹ và có dịp gặp Nữ tu Bề trên và Phó Bề trên Tổng quyền của Hội Dòng. Các vị Bề trên đã ngỏ ý xin Cha Thụ, khi về Việt Nam, tìm gửi ơn gọi cho Hội Dòng. Việc ngỏ ý này trùng hợp với ý định của Đức Cha Anselmô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm, lúc đó ước ao mở một nhà in Công giáo cho Giáo phận. Để thực hiện ý định này, Đức Cha đã gửi một thiếu nữ Việt Nam đến Fribourg nhập dòng vào cuối tháng 9 năm 1949.
Sau năm 1949, có thêm các thiếu nữ Việt Nam tiếp tục dâng hiến cuộc đời cho Chúa, để mở rộng sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng Thánh Phaolô trên thế giới. Trong khi chờ đợi tình hình chính trị ổn định để có thể thành lập một cộng đoàn tại Việt Nam, các nữ tu VN tiếp tục được đào tạo về đời sống tu trì và nghề nghiệp, và được gửi đi hoạt động tông đồ tại các cộng đoàn của Hội Dòng bên Pháp, Madagascar, Martinique và Phi Châu.
Tháng Giêng năm 1974, hưởng ứng lời mời gọi của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn, 3 nữ tu Việt Nam được Hội Dòng Thánh Phaolô sai về thành lập Cộng đoàn đầu tiên tại Sài Gòn, trong đó có việc phục vụ tại Nhà in Tân Định (Sàigòn).
Sau năm 1975 là thời kỳ Chúa Quan Phòng xếp đặt, để các tu sĩ cũng như các cộng đoàn Dòng tu biết thích ứng với hoàn cảnh mới của quê hương mình. 3 nữ tu VN đầu tiên đã phục vụ về mặt kỹ thuật và hành chính tại Tuần báo Công giáo và Dân tộc. Từ năm 1982, các chị phục vụ tại Thư viện Đại Chủng viện Thánh Giuse, Sàigòn.
Hiện nay, các nữ tu tiếp tục sứ vụ tông đồ và hoạt động chuyên biệt của Hội Dòng Thánh Phaolô, tại một số nơi khác như: Nhà Sách Đức Bà Hoà Bình, thuộc Giáo xứ Chính tòa Sài Gòn; Văn phòng Uỷ ban Truyền thông Xã hội, thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tháng 9 năm 2007, Hội Dòng mở thêm một cộng đoàn tại thủ đô Hà Nội, phục vụ tại Thư viện Đại Chủng viện Hà Nội và một thời gian tại Nhà sách Toà Tổng Giám mục Hà Nội. Từ năm 1997 đến năm nay, Hội Dòng đã hỗ trợ 60 phòng đọc sách cho một số giáo xứ nghèo vùng sâu vùng xa, thuộc 16 giáo phận từ Bắc chí Nam; giúp xây dựng tủ phim giáo dục và giải trí cho cơ sở nuôi dạy trẻ đường phố.
Tại giáo phận Đà Lạt, hiện có một cộng đoàn phục vụ tại Nhà Sách giáo xứ Chính Tòa và một cộng đoàn phục vụ tại Nhà Sách giáo xứ Bảo Lộc.
Hội Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản hy vọng được tiếp nhận thêm nhiều ơn gọi để có thể tiếp nối đặc sủng của Đấng Sáng Lập, là “cung cấp lương thực nuôi dưỡng trí tuệ con người” và mở rộng Vương quyền của Đức Giêsu Kitô bằng “sách báo, in ấn, được nâng cấp thành một hoạt động tông đồ”.
Giờ đây, chúng ta tham dự nghi thức khấn trọn đời với tâm tình tạ ơn và cầu nguyện cho tất cả chúng ta, cách riêng cho các nữ tu tuyên khấn trọn đời hôm nay, biết noi gương 5 cô trinh nữ khôn ngoan trong bài Tin Mừng (Mt 25, 1-13), luôn tỉnh thức mang đèn và dầu đi đón chàng rể là Đức Giêsu Kitô.