Lễ kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
Bổn mạng Giáo xứ An Hòa
trong lễ nhậm chức Cha Tân Quản Xứ
19/09/2018
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Nhà thờ giáo xứ An Hòa được cung hiến dưới tước hiệu Đức Maria Hồn Xác Lên Trời. Hôm nay, trong nhà thờ này chúng ta dâng Thánh Lễ với nghi thức nhậm chức tân quản xứ của cha Phaolô Nguyễn Thanh Sơn, cầu nguyện cho Giáo xứ, cách riêng cho cha tân quản xứ.
Có lần trong Thánh Lễ ban Bí tích Thêm sức, tôi nói chuyện với các em về việc Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại để cứu sống con người, rồi hỏi một em: “Sau khi chết rồi con người đi đâu?”, em đó trả lời: “Linh hồn sạch tội thì được lên Thiên đàng”; rồi tôi hỏi tiếp: “Còn thân xác thì sao?”, em đó trả lời: “Xác trở thành tro bụi”; tôi hỏi một em khác: “Vậy Chúa chỉ cứu sống phần hồn, chứ không cứu sống phần xác à!?”, em đó trả lời: “Xác loài người ngày sau sống lại và sẽ lên trời hoặc xuống hỏa ngục cả hồn và xác”; Tôi hỏi thêm: “Ngoài Chúa Giêsu, có ai đã được lên trời cả hồn và xác rồi không?”, em đó trả lời: “Thưa, có Đức Mẹ Maria”.
Vâng, đúng như vậy: ngày 1/11/1950, ĐTC Piô XII đã công bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời như sau: “Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên Trời vinh hiển cả hồn lẫn xác”. Lời tuyên tín nói Đức Maria “sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế” mà không nói “sau khi chết”, vì vào thời điểm tuyên bố tín điều, các nhà thần học lúc đó đang tranh luận về việc Đức Maria có phải chết không, hay là đã được cất nhắc lên Trời? Điều quan trọng là tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời đã được mặc khải minh nhiên trong Thánh Truyền (truyền thống đức tin trong suốt dòng lịch sử Giáo hội) và mặc nhiên trong Thánh Kinh, cụ thể như trong Sách Khải Huyền chúng ta vừa nghe đọc.
Câu đầu chương 12 Sách Khải Huyền ghi rằng: “Rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: một Người Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Bà có thai… Bà đã sinh được một người con, một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân.” (Kh 12,1-5).
Muốn hiểu đoạn này, chúng ta cần nhắc đến đoạn Sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất (x. 1 Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2) nhắc đến việc “Vua Đavít triệu tập toàn thể dân Israel và Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa đến nơi đã dọn sẵn”. Đây là hòm chứa bia khắc Mười Điều Răn trong Cựu Ước. Kinh cầu Đức Bà gọi “Đức Bà là Hòm Bia Thiên Chúa” trong Tân Ước, ngụ ý nói Đức Maria đã cưu mang Đức Kitô trong lòng.
Hòm Bia Giao Ước cũ đã mất tích và không một người Do Thái nào biết Hòm Bia Thiên Chúa nằm ở đâu. Tuy nhiên, Sách Khải Huyền có câu trả lời trong chương 11: “Rồi Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong Đền Thờ” (Kh 11,19). Như thế thánh Gioan, tác giả Sách Khải Huyền, đã thấy Hòm Bia Giao Ước ở trên Trời.
Như thế, theo tác giả Sách Khải Huyền, Hòm Bia Giao Ước hiện nay ở trên trời với tư cách “một người nữ khoác áo mặt trời” và Con của Bà là Đấng Mêsia sẽ cai trị bằng “trượng sắt”. Một số thánh giáo phụ đã nhìn nhận rằng đoạn này nói về Đức Maria, biểu tượng của dân Israel trong Cựu Ước và Giáo Hội là dân Israel mới trong Tân Ước.
Sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô đem Giáo hội của Ngài, trước tiên là Đức Maria, thân mẫu của Ngài là Hòm Bia Giao Ước, về vinh quang thiên quốc cùng Ngài. Giống như dân Do Thái xưa tin rằng hòm bia giao ước được làm bằng thứ gỗ không mục nát thì đoạn Sách Khải Huyền này báo trước về ơn thân xác không bị hủy hoại đã được Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh ban đặc biệt cho Đức Maria, và sẽ ban cho nhiều người khác trong ngày sau hết.
Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một lời công bố chân lý toàn diện về Đức Kitô Phục Sinh. Thật vậy, khi tuyên xưng “Đức Kitô Sống Lại”, chúng ta còn tuyên xưng rằng một ngày kia xác loài người cũng sẽ sống lại và sẽ được hưởng vinh quang trên thiên quốc. Chính vì thế mà thánh Phêrô vui mừng công bố: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,3-4).
Trong nghi thức nhậm chức tân quản xứ, chúng ta thấy nghi thức mở cửa nhà tạm tôn vinh Thánh Thể Chúa. Trong thời Tân Ước. Nhà tạm có Thánh Thể Chúa là hòm bia Giao Ước luôn hiện diện giữa Giáo xứ. Thật vậy, chức năng quan trọng nhất của linh mục là cử hành Thánh Lễ, để cùng với dân Chúa “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”.
Ước gì mỗi giáo xứ chúng ta trở thành một cộng đoàn đức tin, luôn quý trọng Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu; cùng nhau sốt sắng cử hành Thánh Lễ để trở thành một cộng đoàn phụng tự; biết sống yêu thương nhau để trở thành một cộng đoàn bác ái; tất cả nhằm trở nên một cộng đoàn loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.