LỄ KÍNH ĐỨC MARIA
VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
(Bổn mạng giáo xứ Đạ Tông
Ngày Cha Matthêu Đinh Viết Hoàng nhậm chức quản xứ)
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức
Tại hang đá Massabielle ở Lộ Đức, miền nam nước Pháp, từ tháng 2 cho tới tháng 7 năm 1858 đã có 18 lần Đức Mẹ “hiện ra” với cô Bernadette.
Lần thứ nhất vào buổi trưa ngày 11 tháng 2 năm 1858 khi Bernadette cùng đi nhặt củi trong hang. Bernadette thuật lại như sau: “Thình lình tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng gió vi vu… Đoạn tôi nhìn lên và thấy trong động đá một người nữ mặc chiếc áo trắng dễ thương với chiếc dây thắt óng ánh. Trên chân của bà mỗi bên đều có một bông hồng mầu vàng nhạt, cùng mầu với những hột ở tràng chuỗi mân côi của bà”.
Bernadette muốn giữ kín mọi sự, nhưng cô em gái đã gặng hỏi khiến cho cô kể lại chuyện xảy ra với điều kiện là không được nói với ai. Nhưng Marie Antoinette mách lại cho mẹ biết. Bà Soubirous cho là chuyện bịa đặt nên đánh cho hai con gái một trận.
Ngày 18 tháng 2, lần đầu tiên Bà nói chuyện với Bernadette và xin cô hãy trở lại hằng ngày trong vòng 15 ngày kế tiếp. Ngày 24 tháng 2, Bà yêu cầu Bernadette hãy cầu nguyện và sám hối thay cho các tội nhân. Ngày hôm sau bà bảo cô hãy uống nước ở rạch nước cạnh chỗ cô đang đứng. Những người chứng kiến đã rất thất vọng khi thấy Bernadette bới đất nhưng rồi một dòng nước sạch từ đó chảy ra và nó đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của những cuộc hành hương. Đã có nhiều bệnh nhân được ghi nhận là được chữa khỏi một cách thần kỳ.
Trong các cuộc hiện ra, Bernadette đã nhiều lần hỏi về tên của bà, song bà chỉ mỉm cười. Sau cùng ngày 25 tháng 3 với cánh tay giang ra và đôi mắt ngước lên trời, bà phán rằng bà là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Bernadette đã không hiểu kiểu nói “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là gì. Vì thế cô đến gặp cha xứ và cha hiểu là Đức Mẹ Maria, vì trước đó 4 năm, ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội.
Đức Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội
Vô nhiễm nguyên tội nói đến tình trạng Đức Mẹ không mắc tội tổ tông ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ là bà Anna. Đức Mẹ không mắc nguyên tội là một đặc ân Thiên Chúa ban.
Chúng ta tuy không được ân sủng đặc biệt như Đức Ma-ri-a là không mắc tội tổ tông, nhưng chúng ta đã được rửa tội để xóa bỏ tội ấy. Nguyên nhân của tội là chống lại Thiên Chúa bởi tác động của một thế lực đầu sỏ là satan. Như vậy, satan đã gieo sự chết vào thế gian, khiến con người không được sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa nữa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Ngài đến trần gian để tái tạo một dòng giống mới cho con người. Dòng giống mới ấy được sinh ra nhờ ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, là con Thiên Chúa và là con Đức Maria.
Hôm nay giáo xứ Đạ Tông noi gương Đức Maria thưa “Xin Vâng” khi đón nhận Cha xứ mới và 2 Cha phó mới. Các Cha cũng đã noi gương Đức Maria thưa “Xin Vâng” đến nơi xa xôi này để phục vụ dân Chúa và cùng với dân mới này làm cho nhiều người khác nhận biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em.
Tôi đã đi Lộ Đức nhiều lần, rất đông người đến hành hương, trong đó có các bệnh nhân. Tôi thấy các linh mục ngoài việc điều hành, quan tâm đặc biệt đến việc giảng dạy, cử hành các bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân. Việc chăm sóc các bệnh nhân do các nữ tu và giáo dân tình nguyện đảm nhận. Khi cần có các bác sĩ, y sĩ tận tình chăm sóc trong thời gian đi hành hương.
Cha Tân Quản Xứ Mathêu rất quan tâm đến các bệnh nhân theo gương của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, việc trực tiếp khám bệnh và điều trị thuộc thẩm quyền của các bác sĩ, y sĩ là những người có giấy phép hành nghề. Do đó, dù cha Mathêu không muốn nhưng vì thương các bệnh nhân nên đã trực tiếp khám bệnh và điều trị, có khi còn hướng dẫn về phong thủy, là những việc không thuộc chức năng linh mục khi không được phép của Đấng Bản Quyền. Vì thế, xin anh chị em giáo dân không đến làm phiền ngài để ngài có thời giờ lo công việc mục vụ thuộc chức năng chính yếu của linh mục; những ai ở xa đến, xin cha xứ và quý cha phó cũng như Hội đồng Giáo xứ mạnh dạn từ chối.
- Xây dựng giáo xứ
Để xây dựng giáo xứ, giáo họ, chúng ta nhớ lại một vài điều quan trọng được ghi nhận trong Quy chế Giáo xứ của giáo phận Đà Lạt:
– Giáo xứ là gì ?
“Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho linh mục quản xứ như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục giáo phận… (Điều 6).
– Về quyền lợi của giáo dân, Quy chế Điều 11 viết:
“Giáo dân thuộc giáo xứ, đương nhiên được hưởng quyền lợi và phải thi hành nhiệm vụ trần thế và thiêng liêng đã được quy định do luật chung, hoặc do qui luật của giáo phận và giáo xứ chiếu theo luật chung…Tất cả những người không công giáo trong ranh giới giáo xứ cũng thuộc phạm vi mục vụ giáo xứ, nên giáo xứ có phận sự dùng mọi phương thế làm cho họ thuộc về Dân Chúa…”.
– Về nghĩa vụ của giáo dân trong giáo xứ,
* một là nghĩa vụ đối với bản thân, trước hết về ơn gọi nên thánh: “Giáo dân kính mến Thiên Chúa như con thảo đối với Cha lành, và thương yêu anh em như Chúa Giêsu dạy…” (Điều 12); Thứ đến, về việc thánh hóa ngày Chúa nhật: “Giáo dân phải tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật, nhất là Thánh lễ cộng đồng tại nhà thờ giáo xứ mình; Thêm vào đó, giáo dân phải thánh hóa ngày Chúa nhật bằng các việc đạo đức khác như chầu Mình Thánh Chúa, học hỏi giáo lý, sinh hoạt Hội đoàn, làm việc từ thiện v.v…” (Điều 13).
* hai là nghĩa vụ đối với tha nhân, trước hết đối với gia đình: “Giáo dân lo chu toàn mọi bổn phận gia đình, thánh hóa và bảo vệ hạnh phúc gia đình, tạo cho gia đình một cuộc sống đạo đức, góp phần vào bầu khí thánh thiện của giáo xứ” (Điều 14); thứ đến, đối với anh em trong xứ: “Các giáo hữu trong giáo xứ phải sống trong sự hiệp thông của Dân Chúa, như đoàn kết, san sẻ, yêu thương, cầu nguyện và giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần” (Điều 15); đối với giáo xứ: “Giáo dân có nhiệm vụ góp phần xây dựng giáo xứ: hợp tác chặt chẽ với linh mục quản xứ và Hội đồng giáo xứ, giáo khu ; hưởng ứng những công tác do giáo xứ khởi xướng tùy khả năng và hoàn cảnh…; Giáo dân còn phải tuân giữ quy chế và nội quy của giáo xứ” (Điều 16). Đối với giáo phận: “… sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của vị mục tử, góp phần vào công việc chung và thực hiện chương trình chung của giáo phận; Công việc này thường quen được thực hiện qua Giáo hạt” (Điều 17). Đối với Giáo Hội toàn cầu: “Ý thức mình là thành phần của Giáo Hội toàn cầu, giáo dân đặc biệt chú trọng và góp phần thực sự vào nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội” (Điều 18).
– Hội đồng giáo xứ được giáo dân bầu lên theo Quy chế:
* Hội đồng Giáo xứ là gì ?
“Hội đồng giáo xứ là một cơ quan gồm những giáo hữu được ưu tuyển để cộng tác với Linh mục quản xứ trong việc điều hành giáo xứ, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ngài” (Điều 28).
* Nhiệm vụ và quyền của Linh mục quản xứ đối với Hội đồng giáo xứ:
“Đào tạo đời sống thiêng liêng, tinh thần Hội Thánh, tinh thần phục vụ cho Hội đồng giáo xứ qua các buổi họp ; Nâng đỡ tinh thần và công việc của Hội đồng giáo xứ, cũng như chia sẻ việc điều hành với họ ; Triệu tập và chủ tọa của buổi họp Hội đồng giáo xứ ; Quan tâm đến những kiến nghị được đa số thành viên Hội đồng giáo xứ tán thành ; Quyết định về các kiến nghị ấy” (Điều 35).
* Nhiệm vụ Hội đồng giáo xứ :
“Hội đồng giáo xứ giúp Linh mục quản xứ điều hành giáo xứ. Hội đồng giáo khu giúp linh mục quản xứ và Hội đồng giáo xứ điều hành Giáo khu” (Điều 36).
* Muốn tốt đẹp, cần hội họp: “họp thường kỳ…; họp bất thường …; Mỗi năm một lần, dưới sự chủ tọa của Linh mục quản xứ, giáo xứ phải tổ chức Đại hội mục vụ giáo xứ, gồm tất cả các thành phần Dân Chúa …” (Điều 48).
Đối với giáo xứ Đạ Tông đã chọn Đức Mẹ làm bổn mạng, để xây dựng giáo xứ, chúng ta luôn cầu nguyện cho mọi người trong giáo xứ, cách riêng cho Cha xứ, các Cha phó, HĐGX, các Tu sĩ, với tâm tình của ĐTC Phanxicô đã chia sẻ khi mới được bầu làm giáo hoàng cách đây một năm: “Tôi xin phó thác sứ vụ của tôi và của anh em cho sự chuyển cầu đầy quyền thế của Đức Maria, Mẹ chúng ta, Mẹ Giáo hội. Dưới cái nhìn từ mẫu của Người, ước gì mỗi người chúng ta bước đi và lắng nghe tiếng của Con chí thánh của Mẹ, gia tăng sự hiệp nhất, kiên trì cầu nguyện và làm chứng cho đức tin chân thực trong sự hiện diện của Chúa”. Amen.