(Bài giảng của ĐC. Antôn)
Mỗi lần lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi lại nhớ một câu chuyện xẩy ra vào vào giữa thế kỷ 16, khi có lệnh bắt đạo rất gắt gao trên đất Nhật. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, hầu hết giáo sĩ bị bắt, giáo dân bị phân tán và khủng bố. Tại vùng Odawara, miền Tây Nam nước Nhật, có hai linh mục trẻ bị bắt, giải về Tokyo cùng với nhiều ảnh tượng.
Quan đại thần Tsukamoto thấy một tấm ảnh khó hiểu: người gì mà để trái tim ra ngoài ! Ông cầm tấm ảnh Trái Tim Chúa Giêsu coi qua rồi vứt vào sọt rác. Nhưng đến tối, ông chợt nghĩ bức ảnh kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Là một nhà nho uyên bác, ông đặt bức ảnh trên bàn và suy nghĩ; đến gần một giờ sáng, ông cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.
Từ đó ông đặt bức ảnh Trái Tim Chúa Giêsu trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có quan bạn đến chơi, thấy vậy hỏi: “Bạn thích ảnh tượng của bọn tả đạo rồi sao?”. Quan đại thần trả lời: “Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình hành động và cách ứng xử của người Công giáo. Ông bạn coi: đối với tha nhân (đối ngoại) thì “hữu tâm”, còn đối với bản thân (đối nội) thì “vô tâm”; cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài…, nghĩa là phải hết lòng phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; biết hy sinh xả kỷ, không bao giờ lo riêng cho mình, nhưng hết tình giúp đời, giúp người. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là lẽ ngay chính vậy”.
Từ ngày đó, hai ông đã âm thầm gặp hai linh mục trong trại giam, tìm hiểu đạo Công giáo, rồi xin được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, sau đó vận động triều đình thả hai linh mục.
Hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu tượng trưng cho tình yêu, một tình yêu giầu lòng thương xót, đã làm thay đổi lòng người! Chính vì thế, trong tháng 6 kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thường cầu nguyện: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa”.
Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được Giáo hội chọn làm ngày cầu nguyện xin ơn thánh hóa các linh mục. Trong những năm gần đây, Giáo phận Đà Lạt thường chọn ngày này để cử hành Thánh Lễ Truyền chức Linh mục.
Bài huấn dụ trong sách lễ truyền chức linh mục cho chúng ta hiểu biết mục đích của sứ vụ linh mục theo gương vị Mục tử tốt lành là Đức Kitô: “Thật ra, toàn thể dân thánh Chúa đều thực hiện chức tư tế trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chính Vị Thượng Tế chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã chọn một số môn đệ để nhân Danh Người chính thức thi hành nhiệm vụ tư tế trong Hội Thánh thay cho nhân loại. Vì được Chúa Cha sai đi, chính Người đã sai các Tông đồ đi khắp thế gian, để nhờ các ngài và những Giám mục kế vị các ngài, mà luôn luôn hoàn tất nhiệm vụ là Thầy, là Tư Tế và là Mục Tử. Còn các Linh mục là những người được kêu mời hợp tác với hàng Giám mục trong nhiệm vụ tư tế để phục vụ dân Thiên Chúa, trở thành cộng tác viên của hàng Giám mục… Các linh mục hãy luôn ngắm nhìn gương sáng của vị Mục Tử tốt lành : Người không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ. Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất”.
Vị Mục Tử tốt lành chính là Đức Giêsu. Người “tốt lành” vì “đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”, nghĩa là đối với tha nhân thì dành trọn trái tim, còn đối với bản thân thì hy sinh, quên mình. Đó là một tình yêu giàu lòng thương xót. Trong bài Tin Mừng theo Thánh Luca (x. Lc 15, 3-7), “Ðức Giêsu kể cho họ dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.
Vị Cha Chung của Giáo hội đã có lần ngỏ lời với hơn 200.000 người có mặt tại quảng trường Thánh Phêrô: “Dung mạo của Thiên Chúa (nơi ĐGK) là dung mạo của một người đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta, và luôn tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối... Lòng thương xót của Chúa thật vô cùng lớn lao… Ngôn sứ Isaia đã nói rằng: dù tội lỗi của chúng ta có đỏ như son, tình yêu của Thiên Chúa cũng làm cho chúng nên trắng như tuyết”. Các linh mục được mời gọi trở thành hiện thân của Chúa Giêsu, dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha.
Có người đến nói với một linh mục: “Thưa cha, nếu cha biết rõ về cuộc sống của con, chắc cha sẽ thất vọng”. Linh mục hỏi: “Tại sao?” – “Thưa cha, con đã phạm rất nhiều tội”. Vị linh mục nói: “Bạn hãy đến với Chúa Giêsu, hãy kể hết cho Người. Người sẽ ôm bạn vào lòng và không kết tội bạn đâu. Nếu một tháng sau, bạn lại đi theo đường cũ, cũng hãy trở lại với Người và bắt đầu lại. Người không hề nản lòng thương xót chúng ta!”.
Có một bà đến nói với cha xứ: “Tối hôm qua Chúa Giêsu hiện ra với con”. Cha Xứ không tin. Nhưng nhiều lần bà vẫn nói như thế. Một hôm, Cha Xứ nói với bà: “Lần sau, nếu Chúa hiện ra với bà, bà hỏi Chúa xem Cha Xứ hay phạm tội nào nhất ?”. Sáng hôm sau, bà đến lại đến gặp Cha Xứ. Cha Xứ hỏi: “Bà có hỏi Chúa như tôi dặn không?”. Bà trả lời “Thưa Cha, có”. Cha Xứ hồi hộp hỏi lại: “Chúa trả lời thế nào ?”. Bà thưa: Chúa nói Cha Xứ có phạm tội, nhưng Chúa quên rồi !
Đúng là một trái tim giàu lòng thương xót! Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về tình yêu của Người rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Dâng Thánh Lễ kính Thánh Tâm CG, chúng ta cầu nguyện chung cho nhau luôn tín thác vào tình yêu giầu lòng thương xót của Chúa; xin Trái Tim Chúa Giêsu uốn lòng chúng ta nên giống Trái Tim Người, để lòng thương xót trở thành sứ điệp hằng ngày của mọi thành viên trong Giáo hội, đặc biệt nơi các mục tử, cách riêng nơi các tân linh mục.