LỄ LÁ 2017
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Trong Tuần Thánh, 3 lần chúng ta nghe Bài Thương Khó. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu bao gồm nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào những mảng sáng và tối của biến cố này. Câu chuyện bi thảm nhất là câu chuyện của Giuđa Iscariot. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã suy tư rất nhiều, chúng ta cũng nên dành thời gian đầu Tuần Thánh để tìm hiểu câu chuyện về Giuđa Iscariot theo suy tư của linh mục Raniero Cantalamessa.
Giuđa đã được lựa chọn ngay từ đầu trong Nhóm Mười Hai. Khi đưa tên ông ta vào trong danh sách các tông đồ, Thánh Sử Luca viết: “Giuđa Iscariot, người trở thành (egeneto) một kẻ phản bội” (Lc 6,16). Như thế, Giuđa đã không phải là một kẻ phản bội bẩm sinh, và cũng chẳng phải là một kẻ phản bội lúc Chúa Giêsu chọn ông; sau này ông mới trở thành một kẻ phản bội!
Tại sao anh ta trở thành một kẻ phản bội? Có người nhận thấy trong tên gọi“Iscariot” một chút biến tướng của từ “sicariot”, nghĩa là thuộc về một nhóm cuồng tín cực đoan chuyên sử dụng dao găm (sica) để chống lại người La Mã đô hộ dân Do Thái thời đó. Có người khác nghĩ rằng Giuđa đã thất vọng về cách Chúa Giêsu trình bày “Vương quốc Thiên Chúa” và muốn ép Người ra tay hành động chống lại các dân ngoại, cả trên bình diện chính trị. Tuy nhiên, đây là những câu chuyện hư cấu có giá trị văn học nghệ thuật, mà không có bất kỳ cơ sở lịch sử nào. Các sách Phúc Âm, những nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giuđa, đều đồng thanh nói đến một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bêthania, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa, theo soạn giả Gioan, “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6 ). Đề nghị của Giuđa với các thượng tế thật rõ ràng: “Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc” (Mt 26,15).
Chẳng phải chuyện như thế vẫn luôn xảy ra trong lịch sử và vẫn xảy ra ngày hôm nay sao? Mammon, thần tài, là thứ ngẫu tượng trổi vượt nhất, và chúng ta biết lý do tại sao. Chúa Giêsu nói với chúng ta rõ ràng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Tiền của là thứ “thần có thể nhìn thấy được”, trái ngược với Thiên Chúa là Đấng vô hình. “Tiền của” ở đây còn được hiểu theo nghĩa rộng là danh vọng, tài năng, sắc đẹp, sức khỏe, nghĩa là tất cả những gì mình sở hữu.
Thần tài chống lại Thiên Chúa, vì đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền bạc. Kinh Thánh nói: “Đối với người có lòng tin, mọi sự đều có thể” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nói chung, xem ra mọi thứ trên đời là như thế thật! Kinh Thánh nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1 Tim 6,10). Thật vậy, đằng sau mọi sự dữ trong xã hội là tiền bạc, hay ít nhất cũng có dính líu đến tiền. Những gì nằm phía sau nạn buôn bán ma túy phá hủy rất nhiều cuộc sống của con người, đằng sau việc tham nhũng, đằng sau việc sản xuất và bán các loại vũ khí, và thậm chí đằng sau một điều thật khủng khiếp là việc bán nội tạng con người, đằng sau những tranh chấp về quyền hành, danh vọng v.v. đều có bóng dáng của đồng tiền!
Giống như tất cả các ngẫu tượng khác, thần tài quỷ quyệt gian ngoa: nó hứa hẹn an ninh nhưng thay vào đó làm mất an ninh; nó hứa hẹn tự do nhưng thực tế lại phá hủy tự do. Thánh Phanxicô Assisi đã mô tả giờ phút kết thúc cuộc đời của một người đã sống chỉ để làm tăng “vốn liếng” của mình như sau: khi gần chết người đó mời linh mục đến. Vị linh mục hỏi người sắp chết: “Ông có muốn được tha thứ tất cả tội lỗi của ông không?” Ông ta trả lời: “Thưa có”. Linh mục hỏi tiếp: “Ông có sẵn sàng để sửa chữa những sai lầm ông đã gây ra, để đền bù những thứ ông đã lừa đảo người khác không?”, người sắp chết thều thào trả lời: “Không, không thể được”. Linh mục hỏi: “Tại sao lại không thể được?”, “Thưa, bởi vì tôi đã di chúc mọi sự cho người thân và bạn bè của tôi”. Trong khi thi hài ông bắt đầu lạnh dần, người thân và bạn bè của ông tụ họp lại bên cạnh, nói rằng: “Thằng chết tiệt này! Lẽ ra nó nên kiếm nhiều tiền hơn để lại cho chúng ta mới phải chứ”.
Bao nhiêu lần chúng ta lẽ ra phải suy nghĩ lại một lần nữa tiếng Chúa Giêsu kêu lên với người phú hộ trong dụ ngôn về một người cứ lo thu tóm của cải bất tận và nghĩ rằng phần còn lại của cuộc đời mình sẽ được an toàn: “Đồ ngu! Nội đêm nay, mạng ngươi bị đòi lại, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
Sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục xuyên suốt trong lịch sử, và người bị phản bội luôn luôn là Chúa Kitô. Giuđa bán Đầu là Chúa Kitô, trong khi những kẻ bắt chước ông bán phần thân mình là chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, cho dù họ biết điều đó hay không.
Tuy nhiên, sự phản bội của Giuđa không chỉ tiếp tục trong phạm vi các nhân vật cao cấp. Trong một bài giảng vào Tuần Thánh về “Anh Giuđa của chúng ta”, một linh mục nổi tiếng đã nói với giáo dân ngồi trước mặt ngài: “Hãy để tôi suy nghĩ về cái tên Giuđa trong người tôi đây một lát, về cái tên Giuđa, có lẽ cũng có cả bên trong anh chị em”.
Người ta có thể phản bội Chúa Giêsu để đổi lấy những thứ khác hơn là 30 đồng bạc. Một người đàn ông phản bội vợ mình, hoặc người vợ phản bội chồng, là phản bội Chúa Kitô. Các thừa tác viên của Chúa không trung thành với đấng bậc của mình trong cuộc sống, là phản bội Chúa Kitô. Bất cứ ai phản bội lương tâm của họ, đều phản bội Chúa Kitô. Thậm chí tôi có thể phản bội Người ngay lúc này đây, nếu như trong khi giảng về Giuđa, tôi quan tâm đến sự đồng thuận của ông bà anh chị em hơn là dự phần vào nỗi buồn bao la của Đấng Cứu Thế. Trong Bài Thương Khó, chúng ta nghe thuật rằng: “Ðang bữa ăn, Chúa Giêsu nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Khi đó, tất cả các tông đồ đều hỏi Chúa Giêsu: “Có phải con không, thưa Thầy?”. Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,24).
Tin Mừng mô tả cái kết khủng khiếp của Giuđa: Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan”. Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ.
Đây là điều mà chúng ta cần làm: đó là sấp mình trước Đấng giàu lòng thương xót sẵn sàng tha thứ cho những người thành tâm sám hối. Ai là người mà chúng ta nên noi theo, Giuđa hay Phêrô? Phêrô đã hối hận vì những gì ông đã làm, nhưng chẳng phải Giuđa cũng đã hối hận đến mức bật khóc sao?: “Tôi đã phản bội máu người vô tội!” Và ông đã trả lại ba mươi đồng bạc. Vậy đâu là sự khác biệt? Chỉ là một điều này thôi: đó là Phêrô thì tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, còn Giuđa thì không! Tội lỗi lớn nhất của Giuđa không phải là phản bội Chúa Kitô nhưng là đã nghi ngờ lòng thương xót vô biên của Người. Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa ít nhiều trong sự phản bội của ông, chúng ta đừng bắt chước ông trong sự thiếu niềm tin vào sự tha thứ. Hãy chạy đến với lòng thương xót của Chúa Kitô qua bí tích hòa giải. Bí tích Hòa Giải cho chúng ta cảm nghiệm chính bản thân mình những gì Giáo Hội nói về tội lỗi của Adam trong đêm Vọng Phục Sinh qua bài “Mừng vui lên”: “Ôi tội hồng phúc vì đã đem đến một Đấng Cứu Chuộc vĩ đại và vinh quang”, đấng đã chết và sống lại mà chúng ta sẽ chiêm niệm đặc biệt trong Tuần Thánh này.