LỄ MẸ THIÊN CHÚA
BỔN MẠNG GIÁO HỌ LỘC AN
GIÁO XỨ TÂN HÓA
1/1/2016
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Hôm nay, ngày đầu năm dương lịch, ngày cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình thế giới, Giáo hội tuyên xưng niềm tin vào Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa, là Nữ Vương ban sự bình an. Và thật ý nghĩa biết bao khi giáo họ Lộc An chọn ngày Lễ Bổn Mạng của Giáo họ để cầu bình an cho việc tiếp tục xây dựng nhà thờ mới, xây dựng giáo họ Lộc An, giáo xứ Tân Hóa trở thành Đền thờ sống động của Thiên Chúa theo gương Đức Maria.
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tín điều đã được Công Đồng Chung Êphêsô tuyên bố ngày 22 tháng 6 năm 431. Có người đặt câu hỏi: Đức Maria sinh ra con người Đức Giêsu chứ có sinh ra Thiên Chúa đâu mà gọi là Mẹ Thiên Chúa ? Đây là một vấn đề đã được nêu lên và tranh luận trong Công đồng Êphêsô khi bàn về thân thế Đức Giêsu. Khoảng đầu thế kỷ thứ năm, Tổng Giám Mục thành Constantinôpôli, tên là Nestôriô, đã tuyên bố rằng: “Chỉ nên gọi Ðức Maria là mẹ Ðức Giêsu”, bởi vì, theo ông, Đức Giêsu có hai bản tính (thiên tính và nhân tính) nên Đức Giêsu có hai ngôi vị. Đức Maria chỉ là Mẹ ngôi vị nhân tính của Chúa Giêsu, chứ không phải là Mẹ ngôi vị thiên tính của Chúa Giêsu, nên không thể gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Trong khi đó, theo Thánh Kinh mà đa số các Nghị phụ Công đồng Êphêsô đã triển khai, Đức Giêsu có hai bản tính nhưng kết hiệp với nhau trong một ngôi vị duy nhất là Ngôi Lời Thiên Chúa, nghĩa là Ngôi Lời làm chủ cả hai bản tính nơi Đức Giêsu ngay từ giây phút đầu tiên thành thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria chính là đấng đã thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và sinh ra Ngôi Lời Nhập thể. Do đó, nếu không tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thì trong bối cảnh tranh luận về thân thế Đức Giêsu, sẽ rơi vào lạc thuyết của Nestôriô là thuyết chủ trương Đức Giêsu có hai ngôi vị! Ngay khi Công đồng Chung Êphêsô công bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), dân thành Êphêsô đã rước đuốc suốt đêm để tung hô Mẹ Thiên Chúa.
Hôm nay, tại giáo họ Lộc An, chúng ta cũng tung hô Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, để tuyên xưng niềm tin vào Ngôi Lời Nhập thể mà cả thế giới vừa mừng kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 2015 của Người.
Mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta thường nhắc lại lời ca của các thiên thần tại Belem: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Thiên Chúa Làm Người được sinh ra để đem lại bình an – hòa bình – cho trần thế. Thật vậy, chỉ có hòa bình – bình an – khi mỗi người chúng ta nỗ lực nên Người viết hoa, tức là nên giống Đức Giêsu, Adam mới, được sinh ra bởi Eva mới là Đức Maria. Khác hẳn với Adam và Eva cũ đã bất tuân lệnh Thiên Chúa, Adam và Eva mới – Đức Giêsu và Đức Maria – đã luôn hành động theo ý Thiên Chúa, đã sống yêu thương nhau và yêu thương hết mọi người, đã sống hài hòa với thiên nhiên, với vũ trụ, theo đúng ý muốn của Thiên Chúa Sáng Tạo đã được bày tỏ trong Kinh Thánh qua những trang đầu của Sách Sáng thế: con người được làm chủ trái đất qua lao động sản xuất, nhưng luôn nhớ mình đầu đội Trời, và luôn nhớ mọi người là anh em con chung một Cha.
Ý định của Thiên Chúa được tỏ bày trong Sách Sáng thế rất gần gũi với văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Thật vậy, trong những ngày Tết cổ truyền, người Việt Nam thường ăn bánh giầy, bánh chưng. Bánh giầy hình tròn chỉ Trời, bánh chưng hình vuông chỉ Đất. Ngày đầu Năm Mới là ngày chúc nhau được hạnh phúc, nhưng con người muốn được hạnh phúc thì phải luôn gắn bó với Trời, với Đất, và với nhau. Thiên – Địa – Nhân hòa, thì mới có thái hòa (hòa bình, bình an) dẫn đến hạnh phúc.
Ca dao Việt Nam có câu: “bốn một, tám hai, còn ai xuống bếp”, nghĩa là xưa kia khi ăn tiệc, người ta ngồi 4 người một mâm: mâm hình tròn, 4 người ngồi tạo thành hình vuông, ngụ ý nói rằng: sở dĩ con người được vui vẻ ngồi ăn uống với nhau, được bình an hạnh phúc, cũng là nhờ Trời, nhờ Đất, nhờ đoàn kết yêu thương nhau. Khi người phụ nữ sinh nở bình an, người ta thường nói là “mẹ tròn con vuông”, nghĩa là tốt đẹp như sự hòa hợp giữa Người với Trời và Đất.
Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc, nhưng chỉ có hạnh phúc và bình an đích thực khi con người sống đúng tư cách làm người, đầu đội trời, chân đạp đất: con người được làm chủ trái đất qua lao động sản xuất, nhưng luôn nhớ mình đội Trời, nên mới “cầu Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”, và luôn nhớ mọi người là anh em một nhà, bốn bể đều là anh em.
Là người Việt Nam, sống theo văn hóa truyền thống Việt Nam như thế. Là người Công giáo, các tín hữu còn sống theo Lời Chúa được tỏ bày trong Kinh Thánh, đặc biệt sống theo gương Đức Giêsu và Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Ngôi Lời nhập thể. Đức Maria chẳng những đã sinh ra Đức Giêsu mà còn đứng dưới chân thánh giá để cộng tác với Đức Giêsu tái sinh chúng ta làm Kitô hữu mà thánh Gioan là đại biểu.
Ước gì mỗi người chúng ta, đã được ân sủng làm con Thiên Chúa, đã trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần, biết noi gương Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, luôn kết hiệp với Chúa Giêsu để thu hút nhiều người đến với Chúa Giêsu là Đường và là Sự Thật dẫn đến với Chúa Cha là Sự Sống bất diệt.
Lộc An là một địa bàn khá rộng và trù phú, nên nhiều người đã đến lập nghiệp, trong đó có nhiều gia đình công giáo. Cộng đoàn Lộc An đã được biết đến từ thời Cha Alphongsô Trần Khánh Thành (1989), và chính thức trở thành một giáo họ thuộc giáo xứ Tân Hóa khi Cha Đaminh Nguyễn Chu Truyền về làm quản xứ Tân Hóa (1993). Từ đó công việc xây dựng đời sống đạo cho Giáo họ Lộc An được phát triển mạnh, song song với việc tìm đất cũng như chuẩn bị vật chất cho việc xây dựng nhà thờ. Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì Cha Đaminh nhận nhiệm vụ Quản hạt và Quản xứ Bảo Lộc. Công việc xây dựng nhà thờ đã tạm ngưng một thời gian dài. Hội đồng Giáo họ cũng như bà con giáo dân Giáo họ mong sớm hoàn thiện ngôi nhà thờ này. Hôm nay, Cha tân quản xứ Tân Hóa, Cha Giuse Phạm Văn Thống, đã ủy quyền cho Cha Phó Giuse Nguyễn Minh Hoàng trực tiếp lo việc tiếp tục xây dựng nhà thờ Lộc An.
Chúng ta dâng Thánh Lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho công việc xây dựng nhà thờ được hoàn thành tốt đẹp, nhờ sự giúp đỡ của các ân nhân xa gần, mong sớm tới ngày được cung hiến cho Thiên Chúa để dâng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.
Chúng ta không quên cầu nguyện cho phúc LỘC và bình AN trong Năm Mới, cũng như cho hòa bình thế giới, mà ĐTC Phanxicô đã lưu ý trong Sứ điệp năm nay rằng: kẻ thù của hoà bình là sự dửng dưng của con người đối với đồng loại, nó nảy sinh từ sự khước từ Thiên Chúa. Ngài mời gọi hãy dấn thân một cách xác tín để xây dựng hoà bình, bởi vì nếu hoà bình là quà tặng của Thiên Chúa thì việc thực hiện hoà bình cũng được phó thác cho những người thiện chí. Đúng là “hòa bình dưới thế cho người thiện tâm” như lời các thiên thần ca hát trong đêm Giáng Sinh.