LỄ MỪNG KỶ NIỆM 400 NĂM
ĐOÀN SỦNG VINH SƠN
(1617-2017)
Đà Lạt, 21/09/2017
Với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, hôm nay chúng ta dâng Thánh Lễ ngoại lịch kính Thánh Vinh Sơn, hân hoan mừng kỷ niệm 400 năm ngày khai sinh ĐOÀN SỦNG VINH SƠN.
1. Đoàn sủng – linh đạo
Khi một người nhận được một ân sủng đặc biệt (“đặc sủng”) để từ đó mở ra một con đường nên thánh, một hướng đi cho việc sống các lời khuyên Phúc âm, thì đường hướng đó được gọi là “linh đạo”. Đặc sủng ban cho một người được truyền lại cho một đoàn thể có tổ chức, thì trở thành “đoàn sủng” của tổ chức đó.
2. Đoàn sủng Vinh Sơn
Cha Vinh Sơn luôn nhìn năm 1617 như là ngày khởi sự của Gia đình Vinh Sơn. Dù 3 ngành được thành lập đã có 3 ngày khai sinh về mặt pháp lý khác nhau (Hội Các Bà Bác Ái năm 1617, Tu Hội Truyền Giáo năm 1625, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái năm 1633), nhưng cha Vinh Sơn vẫn nhìn năm 1617 như là năm mà tất cả đã được bắt đầu từ đó.
Năm 1617, Cha Vinh Sơn có 2 cảm nghiệm đã biến đổi đời ngài. Biến cố thứ nhất xảy ra ở Folleville, phía bắc Paris. Vào mùa đông năm ấy, khi cùng bà Gondi đi thăm các tá điền trong lãnh thổ của bà, cha Vinh Sơn được mời đến giải tội cho một ông nông dân đang hấp hối. Cha Vinh Sơn đã giúp ông xưng tội chung. Sau khi được ơn tha thứ, đầy tràn niềm vui, ông đã gọi gia đình và hàng xóm đến để kể cho họ nghe câu chuyện đời mình. Qua biến cố này cha Vinh Sơn nhận ra sự nghèo khổ thiêng liêng của vùng quê và sự thiếu sót của hàng giáo sĩ vì không được đào tạo. Ba ngày sau, ông nông dân được Chúa gọi về.
Nhờ có sự giúp đỡ của bà Gondi, Cha Vinh Sơn đã nhanh chóng tổ chức các cuộc đại phúc cho những cư dân sống trong vùng và nhấn mạnh đến việc xưng tội chung. Ngày 25 tháng 01 năm 1617, Cha Vinh Sơn đã hùng hồn giảng một bài ở Folleville, kêu gọi mọi người quay về với Chúa để thay đổi đời sống. Sau bài giảng này, các hối nhân đông đến nỗi ngài phải đi mời thêm các linh mục khác đến ngồi tòa giải tội. Hơn 40 năm sau, mỗi khi nhắc lại “bài giảng đầu tiên của Tu Hội”, ngài đã nhận thấy biến cố này như là khởi đầu của Tu Hội Truyền Giáo.
Ít tháng sau đó, ngài được bổ nhiệm làm cha sở ở Châtillon thuộc vùng tây nam nước Pháp. Chính ở đây vào tháng 8 năm 1617, ngài đã có một trải nghiệm làm thay đổi đời ngài. Sau khi biết được các thành viên của một gia đình nghèo trong giáo xứ đều ngã bệnh, trong bài giảng ngài đã kêu gọi giáo dân đến giúp họ. Ngày hôm đó ngài gặp rất nhiều bà mang thức ăn đến giúp các gia đình bệnh nhân. Từ đó, Cha Vinh Sơn nhận ra rằng: “người nghèo đôi khi chịu đau khổ nhiều vì thiếu sự giúp đỡ có tổ chức hơn là thiếu người có lòng bác ái” (SV XIII, 423). Ngài tự hỏi những bà đạo đức này có thể được quy tụ và khuyến khích dâng mình cho Chúa để phục vụ những người nghèo không? Khi lập lại biến cố này vào nhiều thập niên sau đó, Cha Vinh Sơn đã nhận ra câu hỏi này như là lời của Chúa mời gọi Cha thành lập Hội Các Bà Bác Ái. Chính từ biến cố này, 16 năm sau, các Nữ Tử Bác Ái đã có được sự hiện diện mang tính pháp lý. Truyền Giáo (ở Folleville) và Bác Ái (ở Châtillon) là trung tâm hành động của Cha Vinh Sơn dành cho người nghèo. Ngài đã khuyến khích các con cái của mình phục vụ người nghèo cách toàn diện cả về mặt thể xác lẫn tinh thần bằng lời nói và việc làm.
Từ năm 1617 đến nay, hơn 300 ngành đã đâm chồi nảy nhánh từ cây Gia đình Vinh Sơn. Có những cành nhỏ nhưng cũng có những cành trở nên to lớn như Hội Bác Ái thánh Vinh Sơn Phaolô – Ozanam với hơn 800.000 thành viên hiện diện trên 150 quốc gia. Cùng chung một đoàn sủng, nhưng mỗi ngành có những sắc thái riêng của mình trong cùng một đoàn sủng và linh đạo Vinh Sơn với 5 yếu tố làm nền:
(1) Kết hợp giữa cầu nguyện và hành động
Cha Vinh Sơn đã thốt lên: “Hãy cho tôi một con người cầu nguyện, người ấy có thể làm mọi sự” (XI, 83). Ngài cũng đã tuyên bố: “Hỡi anh em và hỡi chị em, chúng ta hãy yêu mến Chúa, nhưng hãy yêu mến bằng sức mạnh của đôi tay và mồ hôi trán!” (XI,40). Do đó, chúng ta cần kết hợp cầu nguyện và hành động khi chúng ta phục vụ người nghèo.
(2) Lấy Đức Kitô làm trung tâm
Nhiều lần Cha Vinh Sơn đã nhấn mạnh đến trọng tâm phải quy hướng đó chính là Đức Kitô. Khi viết quy luật cho các nhóm ngài đã thành lập, Cha Vinh Sơn đều khuyên hãy nhận ra khuôn mặt Đức Kitô hiện thân nơi khuôn mặt của người nghèo. “Chúng ta phải cố sức rập khuôn những tư tưởng, các công việc và ý tưởng của chúng ta theo tư tưởng, công việc và ý hướng của Đức Kitô…đến độ những gì chúng ta làm và những gì chúng ta không làm, đều theo nguyên lý đó” (SV. XII, 75). Vì thế, chúng ta cần có được cái nhìn đức tin đã giúp Cha Vinh Sơn thấy được khuôn mặt của Đức Kitô trong khuôn mặt của người nghèo. Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 25, 31-46) đã khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
(3) Đức đơn sơ là Tin Mừng
Cha Vinh Sơn đã gọi đức đơn sơ là nhân đức mà ngài thích nhất (x. SV IX, 606). Cách riêng ngài đã nhấn mạnh đến hai khía cạnh của đức đơn sơ là: đơn sơ trong lời nói và đơn sơ trong lối sống. “Mọi người cảm thấy một sự thu hút bởi những người đơn sơ và thật thà, những người từ chối sử dụng xảo kế hay là lừa dối. Họ được nhiều người ưa chuộng, ngưỡng mộ bởi vì họ hành động cách đơn sơ, và nói năng cách thành thật. Môi miệng hòa hợp với lòng. Họ được kính trọng và yêu mến ở mọi nơi” (SV. XII, 171; XI, 50). Do đó, chúng ta cần nói và sống cách đơn sơ khi phục vụ người nghèo.
(4) Được đặt nền trên sự khiêm nhường
Không có nhân đức nào mà Cha Vinh Sơn nói đến một cách hùng hồn hơn là nhân đức khiêm nhường: “Nhân đức khiêm nhường là nền tảng của tất cả sự hoàn thiện Tin mừng, là con tim của đời sống thiêng liêng” (RC II,7). Cụ thể, Ngài muốn rằng chúng ta phải nhìn những người nghèo như là “Chủ và là Chúa của chúng ta”. Ngài nhấn mạnh đến sự biết lắng nghe “người nhỏ bé nhất trong số cách anh chị em chúng ta” và khuyến khích chúng ta phải biết cộng tác với nhau, vì chỉ có sự khiêm nhường người ta mới có thể cộng tác với nhau. Do đó, chúng ta cần lắng nghe người nghèo nhiều hơn để có thể nhận ra những nhu cầu của họ.
(5) Được diễn tả trong đức ái sáng tạo
Cha Vinh Sơn đã tuyên bố: “tình yêu sáng tạo, thậm chí đến vô tận” (SV XI,146). Khi Cha Vinh Sơn nói câu này ngài đã nói về việc sáng tạo của Chúa Giêsu khi Người lập bí tích Thánh Thể. Cha Vinh Sơn luôn cưu mang những giải pháp mới và thiết lập những tổ chức mới để đáp ứng những vấn đề của những người bị gạt ra lề xã hội và bị bỏ rơi. Do đó, chúng ta cần đáp ứng lời mời gọi của Cha Vinh Sơn: “Thưa anh em, chúng ta hãy ra đi và làm việc với một tình yêu mới để phục vụ người nghèo” (SV. XI, 393).
Thánh Vinh Sơn đã định dạng 5 yếu tố kể trên như là tính cốt yếu cho một linh đạo lành mạnh, phát sinh từ Đoàn sủng Vinh Sơn. Ngài đã thâm tín đến độ nói rằng nếu thiếu một trong những yếu tố đó, thì chúng ta sẽ không còn gì để gọi là Gia đình nữa.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ, cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết sống phục vụ để đoàn sủng Vinh Sơn mãi luôn phù hợp với Thánh ý Chúa qua ơn gọi của mỗi ngành trong Gia đình Vinh Sơn và biến mỗi thành viên của Gia đình Vinh Sơn thành dấu chỉ của tình thương Chúa ở giữa mọi người.