LỄ NHẬM CHỨC CHA TÂN QUẢN XỨ
GIÁO XỨ PRÓH – GIÁO HẠT ĐƠN DƯƠNG
03/8/2017
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Nhà thờ Giáo xứ Próh có tước hiệu “Ðức Mẹ Thăm Viếng”, nằm trong xã Próh, huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng. “Próh” tiếng Churu, có nghĩa là “cây sậy”. Trước đây vùng này có rất nhiều sậy nên được người dân gọi là vùng Próh. Ðây là vùng đất của người Churu và K’Ho, nhưng người Churu đông hơn. Vùng này trải dài đến dãy núi ranh giới giữa hai tỉnh Lâm Ðồng và Bình Thuận, có chỗ có đồi thấp dùng làm thổ cư, phần còn lại là ruộng. Người ta đã xây dựng ở đây một con đập có tên là Ðông Hồ để giữ nước tưới cho cả vùng.
Sau năm 1975 có nhiều người Kinh đến đây sinh sống lập nghiệp nên vùng này được gọi là Kinh Tế Mới Próh. Xã Próh có đường kính khoảng 6km, gồm trên 2000 người Kinh và trên 3000 người Dân Tộc. Số giáo dân hiện nay khoảng 2900, trong đó có đông đảo bà con người Dân Tộc.
Trước năm 1975, các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris và các cha Vinh Sơn đã đến truyền giáo nơi đây, nhưng từ 1975 đến 1993 không có linh mục cũng không có sinh hoạt tôn giáo nào cả.
Ngày 30/12/1993, Ðức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Giáo phận Ðà Lạt lúc bấy giờ, đã cử cha Augustinô Nguyễn Hữu Gia, thuộc tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn đến giúp đỡ bà con giáo dân và chuẩn bị xây dựng một ngôi nhà thờ tại đây. Ngày 28/3/1995, cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Tổng Ðại Diện Giáo phận Ðà Lạt, đã chủ sự lễ Ðặt Viên Ðá Ðầu Tiên xây dựng nhà thờ Próh.
Cách đây 20 năm, ngày 07/5/1997, Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã cung hiến nhà thờ giáo xứ với tước hiệu “Ðức Mẹ Thăm Viếng”, cũng là ngày ký nghị định thiết lập giáo xứ và đặt cha Augustinô Nguyễn Hữu Gia làm quản xứ tiên khởi. Việc thiết lập giáo xứ và xây dựng một ngôi nhà thờ ở đây đã mang lại cho bà con rất nhiều thuận lợi, không phải đi xa hàng chục cây số để tham dự thánh lễ, an tâm xây dựng cuộc sống gia đình, nhờ đó có thể góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội nhiều hơn.
Ngoài Cha Phó Phaolô B’Naria Yatine, Cha Phêrô Đinh Quốc Dũng là quản xứ kế tiếp Cha Bề trên Phụ tỉnh, rồi đến Cha quản nhiệm Giuse Nguyễn Đức Ngọc, nay Cha Gioan Baotixita Hoàng Kim Tiến được Bề trên bổ nhiệm làm quản xứ giáo xứ Próh. Cha GB năm nay 45 tuổi, làm linh mục được 12 năm.
Điều đáng ghi nhớ là giáo xứ Próh đã được quý Cha thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn chăm sóc. Hạt giống Phúc Âm đã được gieo đến đây là một hồng ân lớn lao cho anh em Dân tộc. Vì thế, hôm nay chúng ta hợp ý tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho Giáo xứ, cách riêng cho Cha Tân Quản Xứ, để mọi người tiếp tục phát huy tinh thần truyền giáo qua việc phục vụ người nghèo theo linh đạo của Thánh Vinh Sơn. Chúng ta có thể ghi nhận vài nét nổi bật trong đời sống Cha Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô:
– Đầu tiên là việc phục vụ những người nghèo khó: cuộc đời của Người, ngay từ hồi còn thơ ấu đã rõ nét là một con người đầy vị tha, bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo khó. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn Phaolô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Dù với bất cứ chức vụ nào: Bề trên Dòng Thăm Viếng, Bề Trên Tu Hội triều hay trong cương vị của một mục tử, thánh Vinh Sơn Phaolô đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan. Người yêu thương các người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả. Lời Chúa trong bài giảng tám mối phúc thật đã được Người thực hiện. Người đã sống lời Chúa dạy: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ tù đầy v.v… Người đã noi gương Đức Mẹ đi thăm viếng bà Elisabeth đã có thai được 6 tháng và ở lại 3 tháng để phục vụ bà, nhất là đem niềm vui cứu độ là Chúa Giêsu đến cho cả gia đình bà.
– Thứ đến là Cha Thánh Vinh Sơn đã lo cho những người nghèo khó có các mục tử coi sóc họ. Chính vì thế mà năm 1625, Người đã sáng lập ra Tu hội “Linh mục thừa sai” để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo, đặc biệt là những người nghèo ở vùng quê. Việc phục vụ những người nghèo khó theo tinh thần Tin Mừng đã trở thành một linh đạo sống cho những ai muốn hiến thân phục vụ người nghèo trong Chúa Kitô, vì người nghèo là “hiện thân của Chúa Kitô, Đấng đã muốn sinh ra là người nghèo, đã kết nạp những người nghèo làm môn đệ, đã trở thành kẻ phục vụ người nghèo, đã chia sẻ thân phận của họ”. Việc phục vụ người nghèo, đối với Thánh Vinh Sơn, không phải theo một vài hình thức ban ơn phô trương, mà phải được xuất phát từ chính con tim biết “hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ, sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động như Thánh Phaolô tông đồ, khi Người nói: Tôi trở nên tất cả cho mọi người”.
Chúng ta hợp ý cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Vinhsơn Phaolô linh mục, mọi đức tính xứng bậc tông đồ để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin cho chúng con biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Amen.