LỄ NHẬM CHỨC QUẢN XỨ BẢO LỘC
07/8/2017
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Đầu lễ:
Trước khi giới thiệu Cha Tân Quản xứ và quý Cha Phó nhậm chức hôm nay, tôi xin thay mặt Giáo phận chân thành cám ơn quý Cha Quản Xứ và Quản Hạt tiền nhiệm, quý Cha Phó cũng như quý thầy Phó tế đã nhiệt tình phục vụ giáo xứ Bảo Lộc trong thời gian qua. Giờ đây, tôi xin hân hạnh giới thiệu:
– Cha Tân Quản Xứ giáo xứ Bảo Lộc kiêm Quản hạt giáo hạt Bảo Lộc: Cha Giuse Nguyễn Văn Khấn, năm nay 64 tuổi, làm linh mục được 27 năm, trong đó 19 năm đầu đời linh mục đã hăng say phục vụ người dân tộc và bà con vùng kinh tế mới tại huyện Lâm Hà, xây dựng thành công 2 giáo xứ Đoàn Kết và Nam Ban thuộc giáo hạt Đức Trọng; trong 6 năm qua Cha đã nhiệt thành phục vụ giáo xứ Phú Hiệp gần 8000 giáo dân, thuộc giáo hạt Di Linh, dù được giáo dân Phú Hiệp quý mến, nhưng nay sẵn lòng đón nhận nhiệm sở mới với những nhiệm vụ nặng nề hơn. Khi trao đổi với Cha Giuse về việc thuyên chuyển đợt này, Cha chân thành ngỏ ý được đến một giáo xứ nhỏ hơn, nhưng vì lợi ích chung, Cha sẵn sàng từ bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa qua Bề trên. Đặc biệt, khi được thông báo quyết định bổ nhiệm Cha làm Quản hạt Bảo Lộc với sự đồng thuận của Ban Tư vấn, Cha đã khiêm tốn “xin tha”, nhưng rồi Cha “xin vâng” với tâm tình phó thác cho Chúa và trông cậy vào sự nâng đỡ của mọi thành phần dân Chúa trong giáo hạt Bảo Lộc; Cha đã “xin vâng” vì ý thức việc bổ nhiệm này bắt nguồn từ tầm quan trọng của công cuộc đào tạo linh mục tương lai khi cha Giuse Cường, quản hạt Madaguôi, được thuyên chuyển về Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt và cha Phaolô Vượng về Madaguôi để lo cho giáo hạt mới có đông bà con người dân tộc. Xin chân thành cám ơn Cha và cầu chúc Cha, nhờ ơn Chúa với lời bầu cử của Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha sẽ hoàn thành nhiệm vụ mới.
– Cha Tân Phó xứ Đaminh Trần Quang Vinh, năm nay 41 tuổi, làm linh mục được 6 năm, đã làm phó xứ 2 năm tại Kađô, hạt Đơn Dương, và 4 năm tại An Hòa, hạt Đức Trọng; tại 2 giáo xứ đó, Cha Đaminh được Cha Xứ phân công đảm nhận việc thi công xây dựng nhà thờ. Hôm nay Cha về trình diện tại giáo xứ Bảo Lộc, rồi được phép trở lại giáo xứ An Hòa một thời gian, theo yêu cầu của Cha Quản Xứ An Hòa, để hoàn tất công trình xây dựng nhà thờ giáo họ Ganreo.
– Cha Tân Phó xứ Giuse Phạm Sơn Lâm, năm nay 39 tuổi, làm linh mục được 6 năm, trong đó có 4 năm phục vụ tại Đại Chủng viện Xuân Lộc và 2 năm đi tu nghiệp nước ngoài.
Nguyện chúc quý Cha Phó nhiệt tình cộng tác với Cha Xứ để phục vụ đông đảo giáo dân và tu sĩ thuộc giáo xứ trung tâm của thành phố Bảo Lộc này, tương tự như giáo xứ Chính tòa là giáo xứ trung tâm của thành phố Đà Lạt.
Bài giảng:
Tỉnh Lâm Đồng có hai thành phố: Đà Lạt và Bảo Lộc. Giáo xứ trung tâm của thành phố Đà Lạt là giáo xứ Chính tòa. Giáo xứ trung tâm của thành phố Bảo Lộc là giáo xứ Bảo Lộc. Hôm nay, tôi cũng muốn nhắc lại đường hướng mục vụ của Giáo phận Đà Lạt là: “xây dựng giáo xứ, giáo phận trở nên một cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn phụng tự, một cộng đoàn bác ái, để trở thành một cộng đoàn truyền giáo”.
1. Xây dựng Giáo xứ trở nên một cộng đoàn đức tin:
Muốn xây dựng một cộng đoàn đức tin, việc quan trọng là giáo dục đức tin bằng nhiều cách, nhất là bằng việc học hỏi giáo lý, trong đó có việc học giáo lý cộng đồng khoảng 5 phút trước các Thánh Lễ mỗi Chúa nhật. Cộng đoàn có thể cùng học một câu trong tập “Giáo lý Cộng đồng” do Ban Giáo lý Đức tin Giáo phận biên soạn, hoặc xem một bài giáo lý trong bộ “Video Giáo lý Công giáo” đã được phổ biến.
Nói về đức tin, chúng ta vừa chứng kiến linh mục nhậm chức tuyên xưng đức tin tông truyền dựa trên mặc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Nếu không cam kết và công khai tuyên xưng đức tin tông truyền, không thể được trao trách vụ trong Hội Thánh.
2. Xây dựng Giáo xứ trở nên một cộng đoàn phụng tự:
Việc phụng tự chính thức của Giáo hội là cử hành Phụng vụ, trong đó có Thánh Lễ. Hiến Chế về Phụng vụ nhấn mạnh: phải “bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động”; phải “dự liệu sao để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng La ngữ”. Hiến Chế về Phụng vụ còn lưu ý các ca đoàn: “Sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng một Hy Lễ đó”.
Trong cử hành Phụng vụ, Thánh nhạc đóng một vai trò quan trọng. Tại buổi tiếp kiến Hội nghị Quốc tế về Thánh nhạc ngày 4/3/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cao tính thời sự của Huấn Thị về Thánh Nhạc, trong đó nêu bật tầm quan trọng sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu, tham gia một cách tích cực, ý thức và trọn vẹn vào hoạt động Phụng vụ. Trong ý hướng đó, Đức Thánh Cha nhiệt liệt khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc, các vị ca trưởng và các ca đoàn: “Hãy giúp cộng đoàn phụng vụ và Dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh nhạc và Thánh ca Phụng vụ có nghĩa vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm chúng ta như đám mây sáng ngời”.
Chúng ta thường thấy tại giáo xứ Bảo Lộc: ca đoàn ngồi giữa cộng đoàn để hỗ trợ cộng đoàn và nói lên tinh thần Phụng vụ theo huấn thị của Hội Thánh. Nhưng rất tiếc từ lâu nay trong lãnh vực Thánh Nhạc và Thánh Ca Phụng vụ, tại một số nơi trong Giáo phận, “đám mây” đó lại không “sáng ngời”! Vì thế, trong dịp các linh mục giáo phận tham dự tuần thường huấn vào tháng 6 năm 2017, tôi đã trình bày cụ thể và xin quý Cha trong toàn Giáo phận lưu ý về tinh thần phụng vụ trong thánh nhạc, thánh ca theo Văn kiện “HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC” cho toàn Giáo hội tại Việt Nam, đã được HĐGMVN ban hành ngày 28/4/2017, nhằm thống nhất mục vụ thánh nhạc theo đúng giáo huấn của Giáo Hội.
3. Xây dựng Giáo xứ trở nên một cộng đoàn bác ái:
Tại một số giáo xứ, dù tổ chức tốt các lớp giáo lý và cử hành phụng vụ, nhưng lại có những biểu hiện thiếu bác ái, cần lưu ý lời huấn dụ của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô (x. 1 Cr 13, 1-13): “Giả như tôi có… đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí…, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”. Thánh Phaolô còn nói rõ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.
4. Tất cả nhằm xây dựng Giáo xứ
trở thành một cộng đoàn truyền giáo:
Sách Công vụ Tông đồ đã ghi nhận kết quả của việc truyền giáo nhờ xây dựng cộng đoàn đức tin, phụng tự và bác ái như sau: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 42-46).
Như thế, sở dĩ “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (trở thành một cộng đoàn loan báo Tin Mừng yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa là Tình Yêu) là vì tập thể đó đã sống tinh thần cộng đoàn: cùng nhau bồi dưỡng đức tin, cùng nhau tham dự Phụng vụ, cùng nhau sống bác ái.
Tôi nguyện chúc Giáo xứ Bảo Lộc và tất cả các Giáo xứ trong Giáo phận, dưới sự lãnh đạo của Cha Quản Xứ, sẽ nỗ lực xây dựng Giáo xứ theo định hướng mục vụ của Giáo phận, dựa vào gương mẫu của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (x.TđCv 2, 42-47) và huấn thị của Hội Thánh. Amen.