LỄ NHẬM CHỨC TÂN QUẢN XỨ
GIÁO XỨ TÀ NUNG
21/8/2017
Lễ cầu cho việc Rao giảng Tin Mừng
Đầu lễ:
– Cám ơn Cha Phêrô Mai Xuân Tiến trong 3 năm qua đã nhiệt tình phục vụ giáo xứ Tà Nung, mới đây đã nhậm chức quản xứ giáo xứ Lang Biang. Chắc chắn bà con giáo xứ Tà Nung không thể quên ơn Cha quản xứ tiên khởi: Cha Phêrô Mai Xuân Tiến.
– Giới thiệu Cha Tân Quản xứ: Cha Giuse Nguyễn Đình Thắng, năm nay 43 tuổi, làm linh mục được 6 năm. Trong 6 năm qua, với chức năng phó xứ giáo xứ Tân Rai, Cha đã nhiệt tâm phục vụ, đặc biệt với bà con ở vùng sâu vùng xa; trong đợt thuyên chuyển này, khi được hỏi ý kiến Cha muốn đến giáo xứ nào, Cha đã trả lời rất nhanh: “Con muốn được phục vụ tại một giáo xứ có người dân tộc”. Hôm nay chắc Cha hài lòng khi nhậm chức quản xứ Tà Nung. Đề nghị bà con Tà Nung cám ơn Cha.
Bài giảng:
Trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe (x.Ga 17,11b.17-23), Chúa Giêsu cầu xin với Chúa Cha thánh hiến các tông đồ rồi sai họ đến với thế gian: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”. Chẳng những Chúa cầu nguyện cho các tông đồ mà còn cầu nguyện “cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con… và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”.
Như thế, điều mà Chúa Giêsu mong muốn là sự hiệp nhất yêu thương trong Giáo hội. Chính nhờ tình yêu hiệp nhất như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa mà nhiều người tin nhận Chúa, như lời ngôn sứ Dacaria đã tiên báo trong bài đọc 1 (x. Dcr 8,20-23): “Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em”.
Trong bài đọc 2 (x. Ep 3,2-12), Thánh Phaolô cho thấy Thiên Chúa đã mạc khải cho ông biết Đức Kitô và đã ủy thác cho ông nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô cho các dân tộc ngoài Do Thái: “Trong Đức Ki-tô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi… Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài”.
Điều Thiên Chúa đã an bài là muốn quy tụ mọi dân tộc thành một dân của Thiên Chúa. Để thực hiện kế hoạch này, Chúa Cha và Chúa Con đã ban Chúa Thánh Thần để quy tụ “tất cả nên một”. Thật vậy, trong dịp Lễ Ngũ Tuần, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, những người nghe các tông đồ rao giảng thuộc nhiều dân tộc với những tiếng nói khác nhau, nhưng tất cả đều nghe như một thứ tiếng, tiếng nói của Đức Tin và của Tình Yêu.
Chúng ta nhớ câu chuyện về tháp Babel trong Cựu ước, được thuật lại bằng ngôn ngữ bình dân rằng: bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: “Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, để tránh bị Đức Chúa cho đại hồng thủy tiêu diệt chúng ta”. Trước ý định kiêu căng ngông cuồng này, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và bỏ đi mỗi người một ngả. Chính tội lỗi, nhất là tội kiêu ngạo, là nguyên nhân gây sự chia rẽ giữa cộng đoàn.
Trong lễ Hiện Xuống thời Tân Ước, sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 2, 1-12) đã thuật lại tác động của Chúa Thánh Thần như sau: “Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đỗ trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong thời gian lễ Ngũ tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhên và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa”.
Đây chính là một cuộc họp mặt đông đảo kể từ thời tháp Babel, trong đó mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ ơn Thánh Thần được tượng trưng qua hình ảnh lưỡi lửa và việc các tông đồ nói bằng nhiều thứ tiếng do Thánh Thần ban để liên kết các dân tộc và giúp họ dễ dàng cảm thông và hiệp nhất với nhau. Nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không có tình yêu, sẽ khó hiểu biết cảm thông với nhau, và dễ dàng làm bùng nổ sự hận thù, chiến tranh với nhau. Như thế, Chúa Thánh Thần giúp sống yêu thương để làm chứng cho Chúa. Tôi tin rằng Giáo xứ Tà Nung được Chúa Thánh Thần ban nhiều ơn vì có sự hiện diện của chị em thuộc “Gia đình Nữ tỳ Chúa Thánh Thần”.
Tại một làng kia, ban đầu chỉ có một gia đình tin Chúa. Nhưng nhờ gia đình ông động viên nhau nói về Chúa cho dân làng biết Chúa. Kết quả là sau đó một thời gian hầu như cả làng đều tin theo Chúa. Khi hỏi ông chủ gia đình đó: “Nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông lại mang lại kết quả tốt đẹp như thế”. Ông trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Đời sống gia đình trong thường gặp rất nhiều khó khăn: vợ chồng bất hoà với nhau, con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ; số gia đình tan vỡ ngày càng gia tăng. Trong khi đó gia đình ông vẫn giữ được nề nếp trên thuận dưới hoà: vợ chồng yêu thương tôn trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, nhiều người trong làng đã nhận xét rằng: “Đạo Công giáo là đạo tốt, vì các tín hữu đã giữ gìn được hạnh phúc cho gia đình mình. Nhờ gương sống đạo tốt đẹp của gia đình ông ta mà mọi người trong làng đã theo Chúa”.
Giáo hội thuở ban đầu cũng được đánh giá như thế. Sách Công vụ Tông đồ thuật rằng: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… được toàn dân thương mến, và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (x. Cv 2 42-47).
Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong Giáo phận, trong đó có giáo xứ Tà Nung, biết sống theo gương các tín hữu thuở ban đầu, “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con… và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”.