HUYỀN NHIỆM SỰ SỐNG
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
(Is 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66, 80)
Nếu có ai đã từng đến đất nước Philippines, hẳn sẽ thấy điều đặc biệt trong ngày mừng sinh nhật. Tại đất nước này, ngày sinh nhật là một ngày trọng đại. Vì thế, dù nghèo hay giàu, họ đều tổ chức rất trang trọng. Trong dịp mừng đó, điều ấn tượng nhất có lẽ không phải là tiệc to hay nhỏ, đông người hay ít người, nhưng điều làm cho người tham dự cảm động và nhận ra giá trị cao quý của ngày sinh nhật, đó là: người mừng sinh nhật hôm đó, hiện diện giữa đám đông, mọi người đứng chung quanh và giơ hai tay hướng về nhân vật mừng sinh nhật kèm theo lời kinh nguyện để xin Chúa chúc lành cho đương sự. Thật cảm động và ý nghĩa!
Hôm nay, chúng ta mừng kính trọng thể lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Mẹ Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hiểu được tầm quan trọng của Gioan Tẩy Giả trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa; đồng thời, cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương vị Tiền Hô vĩ đại của Chúa để là chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình, ngõ hầu sống xứng đáng sự hiện diện cao quý của mỗi người trên trần gian.
1. Sự xuất hiện của Gioan là một điều vĩ đại
Con người được hiện hữu trên trần gian này là một mầu nhiệm lớn lao mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Hiểu được giá trị của mình và sống giá trị ấy bằng những lựa chọn tốt là một hồng ân.
Vì thế, chúng ta tin nhận chắc chắn rằng: sự xuất hiện của mỗi người trên trái đất này không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Không! Mỗi người sinh ra đều mang đậm dấu ấn yêu thương của Thiên Chúa từ đời đời. Người đã có cả một kế hoạch đầy yêu thương riêng biệt cho chúng ta. Tác giả sách Isaia đã thốt lên: “Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-2). Vua thánh Đavít cũng đã cảm nghiệm sâu xa về sự hiện diện của mình trong chương trình của Thiên Chúa, nên ngài đã viết: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con… Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 139, 13).
Như vậy, trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người đều mang trong mình một sứ vụ. Thánh Gioan Tẩy Giả chính là một trong những người đó.
Điều này đã được chứng minh cách cụ thể khi Dacaria dâng hương trong đền thờ, và sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho ông về việc bà Êlisabet vợ ông sẽ mang thai trong lúc tuổi đã xế chiều. Hơn nữa, sứ thần còn truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ là Gioan. Tiếp ngay sau đó, sứ thần đã báo cho ông biết sứ vụ của người con mà ông và người vợ son sẻ cao niên sẽ sinh ra. Sứ thần nói về Con Trẻ là người: “Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17). Điều này cũng đã được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy ông Dacaria, để ông nói tiên tri về con của mình rằng: “Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).
Như vậy, sự xuất hiện của Gioan là một hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tỏ hiện lòng thương xót của Người cho cha mẹ Gioan cũng như cho họ hàng dòng tộc. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, nhưng tình thương ấy được trải dài và lưu truyền cho muôn ngàn thế hệ khi Gioan thi hành sứ vụ ngôn sứ của Đấng Tối Cao trong vai trò là Tiền Hô.
2. Thực thi sứ vụ trong tinh thần khiêm nhường
Quả thật, Gioan đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, vì ngài đã trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sau thời gian sống ẩn dật trong rừng vắng, Gioan đã ra đi và thi hành sứ vụ. Ngài đã trở thành tiếng hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi, mọi hố sâu phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, đường quanh co phải uốn cho ngay… (x. Lc 3, 4-6).
Như vậy, Gioan nắm một vai trò trực tiếp có một không hai là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, khi ông công khai xuất hiện trước toàn dân và làm phép rửa, dân chúng đã tưởng là Đấng Cứu Thế! Lúc đó, nhiều người đã đến để thăm dò, chất vấn xem ông có phải là Đấng Kitô mà bao ngôn sứ đã loan báo, nay xuất hiện hay không? Khi đặt vấn đề ấy với ông, ông hoàn toàn phủ nhận và không những thế, Gioan còn đề cao Đấng Cứu Thế khi nói: “Có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (x. Lc 3, 16). Ngài cũng nói rõ vai trò của mình là người dọn đường, vì thế, khi Đấng Cứu Thế đến thì: “Ngài phải lớn lên còn tôi, tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 3, 30). Khi uy tín của ông lên đến đỉnh điểm, có nhiều môn đệ đi theo, lẽ ra, lúc này, ông phải tự hào và hãnh diện cũng như củng cố uy tín…! Không! Khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông sẵn sàng chỉ về phía Ngài và giới thiệu cho các môn đệ của mình, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 29).
Quả thật, Gioan là một người khiêm tốn. Điều này được chứng minh qua thân thế của ông như sau: sinh ra trong một gia đình có truyền thống Tư Tế, thượng lưu, Gioan có quyền được hưởng một cuộc sống sung túc và trưởng giả. Thế nhưng, cuộc đời của ông lại âm thầm và gắn liền với sa mạc. Thức ăn của ông là châu chấu và uống mật ong rừng. Ông sống nghèo đến độ lấy da thú làm áo che thân. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã ân thưởng cho Gioan xứng với vai trò của ông, nên Ngài đã khen ngợi, công nhận Gioan là người vĩ đại khi nói: “Anh em vào sa mạc để xem gì? Một cây lau phất phơ trước gió ư?… Anh em xem thấy gì? Một vị ngôn sứ? Đúng thế, tôi nói cho anh em biết, trong con cái của người phụ nữ, không ai lớn hơn Gioan” (x. Lc 7, 28).
Cuối cùng, cuộc đời của Gioan được kết thúc bằng cái chết trong ngục tù. Tuy nhiên, tưởng chừng như âm thầm chốn lao tù tối tăm! Nhưng không, cái chết của ngài đã được muôn đời ca ngợi vì vẻ cao quý hào hùng của bậc vĩ nhân.
3. Sứ điệp ngày lễ
Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan hôm nay, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra ý nghĩa về sự hiện diện của mình trong trần gian. Hãy biết đặt ra cho mình câu hỏi: tôi sinh ra trên trần gian này để làm gì? Sự hiện hữu của tôi có đem lại lợi ích gì cho Thiên Chúa và anh chị em đồng loại không?
Khi đặt ra cho mình những câu hỏi như thế, hẳn chúng ta sẽ thấy được sứ mệnh của mỗi người trong trần gian này.
Vậy, nếu sứ mệnh của Gioan là: dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng việc ăn chay, hãm mình và kêu gọi lòng dân sám hối quay về với Thiên Chúa, thì sứ mệnh của chúng ta sẽ là gì nếu không phải chính mình thi hành tinh thần sám hối và dạy người ta biết ăn năn để trở về nẻo chính đường ngay?
Tuy nhiên, muốn sám hối để quay trở về với Chúa, chúng ta phải noi gương Gioan Tẩy Giả, đó là sống khiêm nhường thẳm sâu.
Cuối cùng, khi đã khiêm nhường và sám hối, chúng ta nhớ lại sứ vụ mà mỗi người đã được trao trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Sứ vụ ấy là trở thành ngôn sứ và chứng nhân cho Đức Giêsu giữa cuộc sống hôm nay.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã cho thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trên trần gian. Ngài chính là mẫu gương cho chúng con về việc thi hành sứ vụ. Xin cho chúng con biết quý trọng sự hiện hữu của mình và biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả để sống đời chứng nhân cách nhiệt thành và anh dũng. Amen.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.