LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Dòng MTG Đà Lạt
14/09/2017
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Từ thế kỷ 7, lễ Suy Tôn Thánh Giá được cử hành vào ngày 14 tháng 9; Hội Dòng MTG chọn ngày này làm lễ tước hiệu của Hội Dòng.
Thánh Giá là ảnh tượng được tôn kính, gắn bó mật thiết với người Kitô hữu. Để tăng thêm lòng đạo đức tôn vinh Thánh Giá, chúng ta dành ít phút để suy niệm về Thánh Giá và về việc Suy Tôn Thánh Giá.
Thập giá, một cái “giá” hình chữ “thập”, trên đó Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, nên được gọi là Thánh Giá. Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu vào thế kỷ thứ nhất, các vua chúa quan quyền đã tìm đủ mọi cách xóa bỏ niềm tin vào Thánh Giá vì biết rằng lòng mến mộ Thánh Giá gia tăng lòng đạo đức, ảnh hưởng đến việc mở mang Kitô Giáo. Chính vì thế, Thánh Giá được dùng để thử thách: các Kitô hữu bị cưỡng bách bước qua hoặc chà đạp Thánh Giá. Nhiều Kitô hữu đã sẵn sàng chịu chết vì đạo không bước qua Thánh Giá.
Hơn hai thế kỷ đầu, Hoàng đế Roma đã ra lệnh phá hủy các di tích về Đức Giêsu, như nơi Chúa Chịu Chết và Mai Táng, rồi còn cho xây nhiều đền thờ các thần trên Mộ Đức Giêsu và tìm mọi cách không cho giáo hữu tôn kính Thánh Giá.
Mãi đến thế kỷ thứ tư, sau khi nhờ phép lạ Thánh Giá đại thắng quân xâm lăng, hoàng đế Constantino đã cho đạo Chúa được tự do. Hoàng đế và mẹ là bà Helena đã theo đạo Công giáo Công Giáo. Năm 326, dù đã 80 tuổi, bà đã thân hành qua Thánh Địa, cộng tác chặt chẽ với Giám Mục thành Giêrusalem để cho tiến hành tìm các di tích sau hết của cuộc đời Chúa Cứu Thế.
Nhờ các nguồn thông tin có cơ sở, bà cho xúc tiến đào bới tại chân núi Calvario và đã lần lượt tìm được các di tích về cuộc Khổ Nạn, Chết và Mai Táng Đức Giêsu trong Mộ. Thành công lớn lao nhất là tìm được ba cây thập giá. Theo nghiên cứu về Thánh địa, được biết: nhờ phép lạ cứu sống một bệnh nhân đang hấp hối và một người đã chết được sống lại khi chạm đến một trong 3 cây thập giá, Đức Giám Mục thành Giêrusalem đã xác định cây đó là cây Thánh Giá mà Chúa Giêsu đã bị đóng đinh.
Từ thế kỷ thứ 4 đã có ngày lễ dành để tôn vinh Thánh Giá. Đầu tiên, khi tìm được di tích Thánh Giá vào năm 326, bà Helena cho xây cất hai đền thờ, một tại núi Calvario và một tại Mộ Thánh. Lễ khánh thành và cung hiến hai đền thờ này được tổ chức trọng thể tại Giêrusalem vào hai ngày 13 và 14 tháng 9. Từ đó, ngày 14 tháng 9 là ngày mừng kính việc tìm thấy Thánh Giá. Ba trăm năm sau, ngày 14/9 năm 629, Lễ Suy Tôn Thánh Giá được thiết lập tại Giêrusalem.
Nghi lễ tôn vinh Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh chính yếu là lời kêu mời long trọng: “Đây là gỗ Thánh Giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian” và lời đáp: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Giáo huấn của Hội Thánh rất phong phú về việc Suy Tôn Thánh Giá. Chúng ta ghi nhận vài điều liên hệ giữa Thánh Giá với sứ điệp Fatima mà Đức Mẹ đã nhắn nhủ cách đây 100 năm:
1. “Hãy ăn năn sám hối”: Sách Công Vụ Tông Đồ ghi rằng: “Ông Phêrô quả quyết: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên Thập giá thì Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài là Chúa và là Đức Kitô” (Cv 2, 36). Do đó, các Kitô hữu cần thực hành lời Đức Kitô kêu gọi: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, tức là tin vào Đức Kitô đã chết và sống lại để cứu sống loài người.
2. “Hãy tôn sùng mẫu tâm”: Đứng dưới chân Thánh Giá, trái tim Mẹ đã đập một nhịp với trái tim Con Mẹ: dâng trọn tình yêu cho Thiên Chúa và nhân loại. Thánh Phaolô Tông Đồ nhắc nhớ các tín hữu rằng “Chúa Kitô bị treo trên Thập Giá thu hút mọi người đến với Người” (Ga 12, 32). Do đó, người tín hữu cần đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: “Anh em hãy yêu thương như Thầy yêu thương anh em”. Lấy Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh làm trung tâm, không lấy cá nhân mình làm trung tâm, chúng ta sẽ được thu hút đến với Người để cùng Người yêu thương nhau.
3. “Hãy năng lần hạt Mân Côi”: khi lần hạt Mân Côi, chúng ta suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu trong các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, để noi gương Đức Mẹ hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, nhất là nỗ lực “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa” để thực hiện châm ngôn “qua Thánh Giá tới Vinh Quang”.
Giờ đây, xin mời chị em cùng hát bài “Chúa Là Đối Tượng” của linh mục nhạc sĩ Ân Đức: “Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh Ngài là đối tượng duy nhất của lòng con. Chúa là đối tượng duy nhất của lòng con, con xin tôn thờ, con xin chúc tụng, con xin tôn thờ, con xin chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh giá để cứu độ trần gian”.