LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
TRONG NĂM THÁNH TÔN VINH CÁC THÁNH TĐVN
Nhà Mẹ MTG Đà Lạt tại Bảo Lộc, 14/09/2018
Lễ Suy tôn Thánh giá năm nay đúng vào thời gian Giáo hội Việt Nam được mở Năm Thánh tôn vinh các Thánh Tử vì đạo Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử vì đạo. Trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam, suốt hai thế kỷ bị bách hại, sổ sách đã ghi tên hơn một trăm ngàn người đã chết vì đạo, trong số đó có 58 giám mục và linh mục ngoại quốc, 150 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 1 chủng sinh, 270 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và 99.182 giáo dân. Trong tổng số đông đảo này, 117 vị đã được phong hiển thánh ngày 19/6/1988.
Tử vì đạo là chết vì không chịu bỏ đạo
Có người cho rằng trong số những người được tuyên thánh, có người là tay sai của đế quốc, lót đường cho Pháp đô hộ Việt Nam từ năm 1884. Tuy nhiên, theo quan điểm Giáo hội Công giáo thì họ là những tín hữu đã chết vì lý do tín ngưỡng, chứ không chết vì lý do chính trị; họ sẵn sàng chịu chết chứ không chịu bỏ đạo Công giáo; họ nhất quyết không bước qua cây thập giá. Quan quân thời đó thường đặt một cây thập giá dưới đất rồi bắt các Kitô hữu bước qua. Đôi khi chỉ là hai cây gỗ bắt chéo nhau. Ai không bước qua thì phải chịu đủ mọi cực hình dã man. Ai chấp nhận bước qua thì được thoát cảnh ngục tù, được trả lại những tài sản bị tịch thu, được ban thưởng bổng lộc, được sống đời tự do, được đoàn tụ với gia đình. Bước qua thập giá thì được sống. Không bước qua thì phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất cả mạng sống. Chỉ cần một bước chân thôi là mọi sự thay đổi. Có người bị khiêng qua thánh giá nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận, như thánh Augustinô Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Cũng có những vị được quan quân khuyến dụ hãy giả vờ bước qua thập giá để cho quan có cớ mà tha, còn sau đó về nhà thì muốn sao tuỳ ý; nhưng các vị này vẫn không chấp nhận một thoả hiệp như thế. Các ngài vẫn khẳng khái nói không. Không bước qua thập giá, không bỏ đạo, không chối Chúa. Chỉ những người chết như thế mới được gọi là tử vì đạo, dù bối cảnh dẫn đến án tử thế nào đi nữa.
Bối cảnh tử vì đạo
Có thể nói chính Đức Giêsu là vị tử vì đạo đầu tiên. Trong bối cảnh chính trị, tôn giáo tại Do Thái thời đó, Đức Giêsu bị kết án 2 tội: tội tôn giáo (phạm thượng, vì dám thay đổi Lề Luật Môsê), tội chính trị (âm mưu lật đổ chính quyền Hêrôđê và đế quốc Rôma), mặc dù Đức Giêsu khẳng định Người đến để kiện toàn Lề Luật Môsê, và thiết lập Nước Trời là nước không thuộc thế gian này. Tuy bối cảnh dẫn đến cái chết của Đức Giêsu như thế, nhưng chính cái chết của Đức Giêsu mang ý nghĩa cứu chuộc, nghĩa là Người đã tự nguyện dùng cái chết trong bối cảnh đó để biểu lộ niềm tín thác vào Thiên Chúa và tình yêu tha thứ đối với loài người tội lỗi, nhằm cứu sống loài người nhờ sự Phục Sinh của Người.
Bối cảnh tử vì đạo tại Việt Nam vào thế kỷ 18-19 cũng tương tự như thế. Thực ra, thời kỳ mới khai nguyên Giáo hội tại Việt Nam, một số nhà truyền giáo đã chiếm được cảm tình của dân chúng và nhiều nhà cầm quyền. Lịch sử còn ghi: năm 1591, Giáo sĩ Ordeonez de Cevallos dạy giáo lý và làm phép Thánh Tẩy cho Công Chúa Mai Hoa (phiên âm từ Maria) là chị của Hoàng Tử Lê Thái Tông; năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng, và cha Ðắc Lộ làm phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena; năm 1627, Cha Ðắc Lộ, khi tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng, xưng hiệu là Thanh Ðô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, em gái chúa Trịnh Tráng đã theo đạo Công Giáo mang tên thánh là Catarina, còn chính chúa Trịnh Tráng cho phép lập nhà thờ bên cạnh đền vua; từ năm 1725-1765, bên cạnh Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) vẫn có một Linh Mục dòng Tên làm bác sĩ và dạy toán học.
Nhưng chính những thành quả kể trên cũng là cơ hội gây nên ghen tương, hiểu lầm, vì giáo dân càng ngày càng đông đúc, và vì nhận xét đa nghi của một số vua chúa, quan lại, sợ mất ảnh hưởng. Ngoài ra, các vua chúa, quan lại cho rằng giáo lý của đạo Công Giáo gây xáo trộn trật tự xã hội, thí dụ hôn nhân một vợ một chồng, không đa thê, tì thiếp…Bối cảnh chính trị tại Việt Nam vào thời kỳ thuộc địa cũng là cớ để cấm đạo.
Lúc đầu, những cuộc bách hại khởi xướng bằng những lý do mang nặng thành kiến, nhưng về sau, trong những cuộc bách hại đẫm máu, dần dần hiện rõ lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Tín ngưỡng nói đây là niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa. Chết vì tín ngưỡng là chết để chứng minh lòng mình trung kiên với Thiên Chúa. Dù bối cảnh khác nhau đã dẫn đến cái chết của nhiều người công giáo, nhưng chính cái chết được gọi là tử vì đạo, vì họ đã cương quyết không bỏ đạo.
Tử vì đạo là suy tôn Thánh giá
Đứng trước thập giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng. Các vị tử đạo theo Đức Kitô chẳng những không bước qua thập giá mà còn sẵn sàng vác thập giá: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá” (Lc 9,23). Hôm nay xin kể đôi nét về vị nữ thánh tử đạo của Việt Nam: Thánh Nữ Inê Lê Thị Thành.
Thánh Nữ Inê Lê Thị Thành, sinh tại làng Bái Điền, giáo phận Thanh Hóa, nhưng sau này theo mẹ về quê sống tại làng Phúc Nhạc, giáo phận Phát Diệm. Năm lên 17 tuổi bà kết hôn với ông Nhất và sinh được 2 trai, 4 gái. Người con trai đầu lòng tên Đê, nên theo tục lệ thời ấy, dân chúng gọi hai người là ông bà Đê. Suốt 60 năm trời, cuộc đời của bà êm đềm trôi qua trong nghĩa vụ làm vợ thảo, mẹ hiền.
Thế rồi, vào lối tháng 3 năm 1841, có 4 linh mục thừa sai về đến làng Phúc Nhạc. Họ chia nhau mỗi cha ẩn trú tại một nhà giáo dân. Bà Đê được vinh dự che dấu cha Thành trong nhà mình. Nhưng một ngày kia, ông Đễ, một giáo dân thường hay theo giúp cha Thành, đã ham tiền thưởng nên đi mật báo với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Thế là quan tổng đốc đem 500 quân về vây làng Phúc Nhạc vào rạng sáng Phục Sinh, 14/4/1841. Cha Thành và cha Ngân nhanh chân trốn kịp. Cha Nhân trốn trên gác bếp vô tình để gấu áo lò ra ngoài kẽ ván nên bị bắt. Cha Lý, đang ẩn bên nhà ông trùm Cơ, lúng túng không tìm được đường tẩu thoát, nên chạy sang nhà bà Đê ẩn núp. Bà dẫn cha ra vườn sau, dấu cha dưới đường mương, rồi mẹ con bà lấy rơm rác phủ lên. Nhưng quan quân đã thấy cha Lý chạy sang nhà bà Đê, nên kéo đến vây kín, lục soát thật kỹ, cuối cùng họ đã bắt được cha Lý, bắt luôn bà Đê áp giải về Nam Định.
Tại Nam Định, bà đã bị đưa ra tòa, bị đánh đập nhiều lần nơi công đường, nhưng bà vẫn một mực trung kiên tuyên xưng đức tin. Lính vừa đánh vừa lôi bà dẫm lên thánh giá. Bà nằm sụp xuống ôm lấy thánh giá. Bà cầu nguyện: “Chúa ơi, xin thương con, con không bao giờ bỏ Chúa đâu. Họ cậy con là đàn bà yếu đuối mà ép lôi con dẫm lên thánh giá. Con không bỏ Chúa đâu, con không bỏ Chúa đâu. Xin thương giúp con”.
Quan ra lệnh thả rắn độc vào người bà, nhưng bà vẫn bình tĩnh đứng yên. Quan cho lôi bà vào ngục, đánh thêm một trận nhừ đòn. Cô Nụ, con bà Đê đến xin thăm nuôi mẹ. Vừa thấy mẹ áo quần đẫm máu, cô Nụ òa lên khóc. Nhưng bà vẫn vui vẻ an ủi con: “Con ơi, con đừng khóc. Con hãy vui mừng với mẹ, vì mẹ đang mặc áo hoa hồng đây. Áo này là áo đau khổ vì Chúa mà. Con phải vui mừng với mẹ mới đúng... Mẹ sắp được chết cho Chúa đây, còn gì phúc hơn. Con phải cám ơn Chúa với mẹ mới đúng chứ. Con hãy về đi, về đi và cho mẹ gởi lời thăm hỏi mọi người. Các con hãy cố gắng giữ đạo cho sốt sắng, rồi một mai mẹ con ta sẽ lại đoàn tụ trên thiên đàng”.
Bà đã chết rũ tù. Trong cơn hấp hối, bà cầu nguyện: “Lạy Chúa… xưa Chúa đã chết cho con… thì nay con xin hết lòng vâng theo ý Chúa. ..Xin Chúa tha thứ cho họ… cũng như tha hết mọi tội của con”. Rồi bà gục đầu tắt thở trong tay cô Nụ vào ngày 12/7/1841, sau ba tháng bị giam cầm, thọ 60 tuổi.
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá. Thánh Giá cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết và cho sự thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự ác. Ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống. Ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời. Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, bởi lẽ “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1 Cr 1, 24 -25).
“Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian” (HC 64).