LỄ TẠ ƠN MÁI ẤM KHIẾM THỊ
28/07/2018
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Đặc điểm và cũng là điểm son của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức là đầu tư nhiều cơ sở cho những người khuyết tật, cụ thể cho các em khiếm thị trong mái ấm tại thành phố Đà Lạt này. Hôm nay nhờ các ân nhân xa gần giúp đỡ, Hội Dòng khánh thành ngôi nhà mới; chúng ta hợp ý tạ ơn Thiên Chúa và xin Thiên Chúa chúc lành cho ngôi nhà mới và cho các ân nhân.
Hai bài đọc I và II do 2 em khiếm thị đọc bằng chữ nổi (braille). Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện ông Dakêu theo Tin Mừng Luca (x. Lc 19,1-10).
Có thể nói ông Dakêu trong bài Tin Mừng là một người khuyết tật, có mặc cảm thấp bé, nhưng lại là người được Chúa Giêsu yêu thương.
Thấy Chúa Giêsu đến nhà ông Dakêu dùng cơm gia đình, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Bản thân mỗi người chúng ta cũng có thể là một “Dakêu” vì thường mang trong mình mặc cảm tội lỗi, nhưng chúng ta cũng luôn cảm nhận được Chúa thương yêu tha thứ. Tuy nhiên, điều đáng chúng ta suy nghĩ là thái độ của ông Dakêu khi cảm nhận được Chúa yêu thương trong khi ông bị mọi người khinh bỉ, đó là khi được Chúa yêu, đáng lý ông đã đáp lại bằng cách dâng hiến tài sản cho Chúa, thì ông đã đáp lại bằng cách đem nửa tài sản tặng cho người nghèo, và nếu chiếm đoạt của ai thì sẽ đền gấp bốn.
Những người đã, đang và sẽ bày tỏ tình yêu thương đối với các em khiếm thị, phần nào giống như ông Dakêu, chắc chắn sẽ được Chúa Giêsu yêu mến và nói rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Như thế, mái ấm không chỉ là mái nhà, nhưng là bầu khí ấm áp yêu thương dưới mái nhà đó. Ơn cứu độ chính là được yêu và yêu như ông Dakêu, nhờ đó mà nhà ông Dakêu trở thành mái ấm.
Mái ấm khiếm thị hôm nay khánh thành ngôi nhà mới, chúng ta có thể mượn lời vua Salômôn trong bài đọc I (x. 1 V 8, 22-23,27-30) thân thưa với Thiên Chúa rằng: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen, chốn trời cao cũng như nơi đất thấp, chẳng có thần nào giống như Ngài. Ngài vẫn giữ giao ước và tình thương đối với các tôi tớ Ngài, khi họ hết lòng bước đi trước nhan Ngài… Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây! Xin Ngài lắng nghe lời nguyện tôi tớ Ngài dâng ở nơi đây”.
Tuy nhiên, Mái ấm khiếm thị không thể quên điều mà thánh Phaolô ngỏ lời trong bài đọc II (x.1 Cr 3, 9b-13.16-17): “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên… đặt trên nền móng là Đức Giêsu Kitô… Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”
Như thế, mái ấm khiếm thị không chỉ nằm gọn trong khu vực ngôi nhà này, nhưng là tất cả cuộc sống của những người biết yêu thương như Chúa yêu, biết sống yêu thương như ông Dakêu. Tình yêu được biểu lộ rõ nét ngay trong Thánh Lễ này, khi mà các em khiếm thị cùng hát với các Soeurs và với mọi người tham dự Thánh Lễ như là một cộng đoàn phụng tự.
“Này, Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Thật vậy, không có tình yêu thương dưới mái nhà thì không một mái nhà nào có thể được gọi là mái ấm.