LỄ THÁNH ANTÔN 2017
(Bài giảng của ĐC An-tôn)
Thánh Antôn Pađua sinh năm 1195, có tên gọi là Fernando, trong một gia đình quyền quí, đạo đức và thánh thiện tại Lisbone, thủ đô nước Bồ Đào Nha. Fernando được hấp thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy bác ái, nên sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Lớn lên, Fernando xin gia nhập Dòng thánh Augustinô và sau đó được truyền chức linh mục. Tuy nhiên, vì thích sống chiêm niệm, khắc khổ, khiêm tốn, ước muốn được đi truyền giáo cho dân ngoại và được chết vì đạo, nên năm 1220 đã xin gia nhập Dòng Phanxicô. Bề Trên Nhà Dòng đặt tên cho ngài là Antôn và sai Ngài đi truyền giáo cho thổ dân bên Phi Châu. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, khi vừa tới Phi Châu thì ngã bệnh nặng và phải quay trở về chữa bệnh. Trên đường quay về quê hương, tầu bị bão đánh dạt vào đảo Sicilia thuộc nước Ý, Ngài tới cư ngụ tại nhà Dòng Phanxicô ở Monte Paulo.
Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo các tu sĩ trong Dòng. Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn Ngài và ban sức mạnh cho Ngài, nên lời giảng của Ngài có sức thu hút và lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố lời giảng của Cha bằng nhiều phép lạ kèm theo. Cha đã làm việc không biết mệt mỏi, có ảnh hưởng rất lớn tại Ý và Pháp. Ngài giảng Mùa Chay cuối cùng trong đời tại Pađua, kiệt sức mà qua đời và được an táng tại Pađua, nên sau đó được gọi là Thánh Antôn Pađua (hoặc Padova).
Bông hoa tươi đẹp được Chúa ngắt về bên Chúa ngày 13 tháng 6 năm 1231 khi mới tròn 36 tuổi. Chỉ một năm sau, Cha Antôn Pađua đã được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX tuyên phong hiển thánh, và năm 1946 được Đức Giáo hoàng Piô XII tuyên phong danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh.
Một đặc điểm trong cuộc đời thánh Antôn là lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Truyền thuyết kể lại câu chuyện thánh Antôn có mặt tại Toulouse nước Pháp để bác bỏ các lầm lạc của nhóm Albigeois liên quan đến bí tích Thánh Thể. Cuộc tranh cãi diễn ra vô cùng sôi nổi. Sau cùng, trưởng nhóm lạc giáo đề nghị: nếu cha Antôn có thể đưa ra một bằng chứng về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong hình bánh, thì ông sẽ từ bỏ lạc giáo và trở về với Đức tin Công giáo. Cha Antôn chấp thuận đề nghị; ông lạc giáo nói với cha Antôn:
– Ở nhà tôi có một con la. Tôi sẽ nhốt nó vào chuồng và bỏ nó nhịn đói 3 ngày. Ngày thứ ba, tôi sẽ dẫn nó đến đây trước mặt mọi người, và dọn cho nó một thùng lúa mạch thơm ngon. Còn ông, ông hãy đem “cái” mà ông gọi là Mình Thánh Chúa đến. Nếu con vật bị đói mà không thèm ăn của ngon tôi dọn cho nó nhưng lại chạy đến cùng Mình Thánh Chúa mà ông giảng rằng hết mọi loài phải bái gối thờ lạy, thì tôi sẽ tin.
Đúng ngày hẹn, đông đảo dân thành Toulouse có mặt tại quảng trường chính, nơi diễn ra cuộc thách thức. Ông lạc giáo dẫn con la đến và truyền mang cho con vật thức ăn nó ưa thích. Nhóm lạc giáo lộ vẻ hoan hỉ như cầm chắc thắng lợi. Thánh Antôn vừa dâng Thánh Lễ, từ nhà thờ bước ra, tay giơ cao Mình Thánh Chúa. Giữa bầu khí im lặng hồi hộp, cha Antôn lớn tiếng ra lệnh cho con lừa:
– Nhân danh Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên ngươi, ta truyền cho ngươi hãy mau mau đến quỳ gối thờ lạy Chúa Giêsu đang ngự thật trong hình bánh này.
Lạ lùng thay, con lừa không đoái hoài đến thức ăn mà nghe theo lệnh của cha Antôn. Nó gập hai cẳng trước và quì xuống cung kính thờ lạy Mình Thánh Chúa Giêsu. Các tín hữu Công giáo vui mừng khôn tả. Còn nhóm lạc giáo thì kinh hoàng rúng động. Trước phép lạ tỏ tường, ông trưởng nhóm lạc giáo đã giữ đúng lời hứa, từ bỏ lạc giáo và khiêm tốn trở về với giáo huấn chân thật của Giáo hội Công giáo.
Chúng ta tiếp tục dâng Thánh Lễ, nguyện xin thánh Antôn cầu thay nguyện giúp cho chúng ta biết luôn lắng nghe tiếng Chúa qua các ngôn sứ của Chúa, và ban cho chúng ta ơn biết can đảm chia sẻ và làm chứng về Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Amen.