LỄ THÁNH BARTÔLÔMÊÔ
ĐẶT VIÊN ĐÁ XÂY DỰNG NHÀ THỜ TÙNG NGHĨA
24/8/2017
(Bài giảng của ĐC Antôn)
Có một người đến gặp một linh mục và hỏi rằng: “Xin Cha nói cho con hay: làm thế nào mà Cha luôn tìm thấy Chúa ?” Vị linh mục trầm ngâm một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư ? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi !”
Điều này đã xảy ra trong cuộc đời thánh Bartôlômêô mà Giáo hội mừng lễ hôm nay. Thánh Bartôlômêô còn có tên gọi là Nathanael, đã được Chúa Giêsu nhìn thấy khi Người còn ở đàng xa lúc ông đang ở dưới gốc cây vả. Chính Đức Giêsu đã thấy ông và đã gọi ông.
Trong Tin Mừng Gioan, Bartôlômêô là người môn đệ thứ tư được Chúa Giêsu kêu gọi. Trước đó, Philipphê là người đã giới thiệu Chúa Giêsu cho Bartôlômêô: “Đấng mà Môsê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến, chúng tôi đã gặp rồi, Người là Đức Giêsu con ông Giuse người Nazareth”. Bartôlômêô đáp lại với giọng khinh miệt: “Từ Nazareth thì có thể xảy ra điều gì tốt được”. Tuy nhiên, Philipphê bảo ông: “Hãy đến mà xem” và ông đã gặp Đấng thấu suốt lòng mọi người. Chúa Giêsu đã nhận xét về Bartôlômêô: “Đây là một người Israel chân chính, trong mình không có gì gian dối” rồi nói cho ông biết rằng: “Trước khi Philipphê giới thiệu tôi cho anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh”. Lời nói của Chúa Giêsu đã khiến Nathanael công khai tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu đáp lại: “Bởi vì Tôi đã bảo anh rằng Tôi đã nhìn thấy anh dưới gốc cây vả, nên anh đã tin. Anh sẽ còn nhìn thấy nhiều điều lớn lao hơn nữa”.
Từ đó cuộc đời Bartôlômêô đã dành trọn cho Chúa. Ông đã đồng hành với Chúa trong suốt 3 năm rao giảng. Ông cũng đã trải qua cuộc khủng hoảng trong Vườn Cây Dầu. Nhưng sau khi Chúa sống lại, niềm tin của ông đã được củng cố để từ đó ông trở thành một nhân chứng cho Tin Mừng Phục sinh, trung kiên đến chết vì Danh Chúa.
Trong lời Chúa Giêsu ca ngợi Nathanael, chúng ta nhận ra Người đặc biệt yêu chuộng những tâm hồn thành thực. Thầy Chí Thánh nói về người môn đệ chân chính là người không có gì gian trá, không có gì giả tạo. Kẻ dối trá đồng nghĩa với người hai mặt, vụng trộm, tránh né, bịa đặt. Thành thực là một nhân đức vừa siêu nhiên vừa nhân bản. Chúa Giêsu quan tâm đến nhân đức này bởi vì Người là Sự Thật. Ngay cả những đối thủ của Chúa cũng có lần phải nhìn nhận: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta”. Chúa dạy chúng ta phải có những tư tưởng và ước muốn phù hợp với sự thật: “có thì nói có, không thì nói không – thêm điều đặt chuyện là do sự dữ mà ra”. Ngược lại, ma quỉ là cha của sự dối trá, bởi vì lúc nào chúng cũng ra sức lôi kéo con người vào sự lừa dối như đã lừa dối Adam Eva. Chúa Giêsu tuy là Đấng luôn cảm thông và giàu lòng thương xót trước mọi yếu đuối của con người, nhưng Người đã nghiêm khắc kết án thói giả hình của nhóm Biệt Phái. Vì thế, chúng ta thấy Chúa đã hài lòng như thế nào khi gặp ông Nathanael. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Ga 8,32). Nói dối không bao giờ đem lại giá trị vững bền. Tính chân thực luôn đi đôi với sự đơn sơ, không khoác lác, kênh kiệu, kheo khoang, tự mãn.
Chúa Giêsu cũng đang nhìn thấu mỗi tâm hồn chúng ta. Liệu rằng Người có thể nhận xét chúng ta là người “không có gì gian dối” chăng? Thiên Chúa luôn ưu ái dành cho chúng ta một công việc trong công trình xây dựng Nước Thiên Chúa, nhưng cần tính chân thực.
Còn trong công trình xây dựng nhà thờ thì sao?
Một điều căn bản cần quan tâm là: nhà thờ cần tạo một không gian phụng vụ thích hợp và thiêng thánh, vì nhà thờ là nhà cầu nguyện, là nơi để cử hành Hy lễ Tạ ơn và lưu giữ Mình Thánh Chúa. Ngoài ra, nhà thờ còn là nơi để củng cố tinh thần huynh đệ, thân mật và tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự hiệp nhất; làm sao cho toàn thể cộng đoàn phụng tự thực sự trở thành một cộng đồng phụng vụ duy nhất cũng như phải giúp các tín hữu tham dự vào phụng vụ “một cách trọn vẹn, ý thức và linh động”.
Một điều nữa là cần quan tâm đến tính chân thực. Ngày nay, sống trong một xã hội sử dụng quá nhiều đồ làm bằng nhựa nên người ta hay lơ là với tính chân thực của các đồ dùng trong thánh đường, kết quả là người ta lạm dụng việc dùng hoa giả, nến giả. Sở dĩ phải sử dụng hoa thật, cây thật một phần là vì muốn cho mọi người trân trọng sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Bởi thế, Giáo hội nhắc rằng trong việc trang trí thánh đường, phải chú trọng tính cách đơn sơ trang nhã, là điều luôn đi đôi với mỹ thuật đích thực; nên chuộng vẻ đơn sơ cao quý hơn là hào nhoáng. Các tác phẩm nghệ thuật phải có phẩm chất đích thực, giúp nuôi dưỡng đức tin và lòng đạo đức, phải hết sức cố gắng để luôn phối hợp sự đơn sơ trang nhã với nét thanh tú.
Giờ đây, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con cám tạ Chúa vì Chúa đã mời gọi chúng con làm con cái Chúa trong đại gia đình Giáo Hội. Chúa thương nuôi dưỡng chúng con phần hồn cũng như phần xác. Chúa yêu thương chúng con bằng một tình yêu cao vời vô giá. Giờ đây, chúng con muốn làm một Ngôi Thánh Đường kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để tôn thờ Chúa, gặp gỡ nhau và cùng nhau cử hành các Bí tích. Xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con sống đức tin với tinh thần yêu thương hiệp nhất, giúp chúng con sống quảng đại, mau mắn bắt tay xây dựng Nhà Chúa. Xin Chúa chúc lành cho những ân nhân xa gần, đã và đang góp công góp của cho công việc xây dựng Nhà thờ làm nơi thờ tự cho mọi tín hữu nơi đây. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng con và công việc xây dựng Nhà thờ này. Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con.